Thứ Tư, 4 tháng 9, 2024

Ngành du lịch trên thế giới quá tải

 

NGÀNH DU LỊCH TRÊN THẾ GIỚI QUÁ TẢI

Với số lượng du khách trên khắp thế giới ngày càng tăng lên mức còn cao hơn trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, hiện tượng quá tải du lịch lại tái diễn ở nhiều quốc gia. Lượng du khách quá đông đã dẫn đến ô nhiễm rác thải, ùn ứ giao thông và ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm của du khách.

 

Tác động của du lịch quá mức

Vừa qua, Nhật Bản đã liên tục cảnh báo tình trạng chân núi Phú Sĩ ngập rác, ùn tắc giao thông, khách du lịch không có chỗ nghỉ… đang diễn ra mỗi ngày tại đây.

Theo National Geographic, mùa leo núi hằng năm ở Phú Sĩ bắt đầu từ tháng 7 và kéo dài chỉ vài tháng.

Ông Yasuyoshi Okada, Chủ tịch Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế tại Nhật Bản (ICOMOS) cho biết, để bảo tồn sự linh thiêng và giá trị của núi Phú Sĩ cần phải giải quyết dứt điểm tình trạng quá tải du lịch như hiện nay.

 

Không chỉ ngọn núi Phú Sĩ ở Nhật Bản, ngày càng nhiều địa điểm trên thế giới đang đối mặt tình trạng quá tải khách du lịch trong những tháng cao điểm.

Tháng 8 vừa qua, hơn 100 cư dân ở làng Hallstatt của Áo đã yêu cầu chính quyền địa phương phải giới hạn số lượng du khách hằng ngày cũng như đối với các chuyến xe du lịch đến. Hallstatt chỉ có 800 cư dân nhưng đã mở cửa đón khoảng 10.000 du khách mỗi ngày, khiến mật độ tăng hơn 1.000%.

 

Cùng tình cảnh làn sóng du khách đổ về, người dân địa phương ở Venice (Italy) đã đấu tranh trong suốt một thời gian dài để yêu cầu lệnh cấm tàu du lịch.

Vào năm 2021, các tàu du lịch lớn trọng tải hơn 25.000 tấn đã bị cấm vào kênh Giudecca ở Venice.

 

Thuật ngữ “quá tải du lịch” xuất hiện trong vòng khoảng 10 năm trở lại đây, chỉ ra tình trạng số lượng du khách ngày càng tăng gây thiệt hại cho các thành phố, địa danh và cảnh quan.

 

Những giải pháp đang thực hiện

 

Quá tải du lịch có thể gây ra những tác động sâu rộng, chẳng hạn các rạn san hô đối mặt nguy cơ suy thoái do nhiều du khách lặn biển cũng như các tàu du lịch neo đậu trong vùng biển.

Nhiều vấn đề khác cũng đang ảnh hưởng đến người dân địa phương như giá cả tăng vọt, hàng dài xếp hàng ở các điểm công cộng, bãi biển đông đúc, tiếng ồn quá mức...

 

Quá đông đúc là một vấn đề đối với cả người dân địa phương và khách du lịch.

Với khách du lịch, điều này phá hỏng trải nghiệm tham quan khi phải chờ đợi trong hàng dài, không được đến thăm bảo tàng, phòng trưng bày hay những địa điểm có tiếng nếu không đặt trước; phát sinh chi phí leo thang cho những dịch vụ cơ bản như đồ ăn, đồ uống, khách sạn...

 

Mặc dù ngành du lịch được dự báo sẽ chiếm 11,6% giá trị nền kinh tế toàn cầu vào năm 2033, GS Harold Goodwin tại Đại học Manchester Metropolitan (Anh) cho hay: “Quá tải du lịch không chỉ về số lượng du khách mà còn là những hành vi tụ tập đông đúc ở những nơi không phù hợp hay quấy rầy sự riêng tư”.

….

 

Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam vừa công bố, tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2024 đạt 9.983.703 lượt, tăng 51% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên Du lịch Việt Nam cũng ngập rác, ùn tắc giao thông, tàn phá cảnh quan…

Ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết tình trạng buông lỏng quản lý ở một số nơi mà không có sự kiểm soát chặt chẽ cộng với sự vô ý thức của một bộ phận du khách sẽ có tác động đến vấn đề môi trường, hủy hoại những cảnh quan thiên nhiên hoang sơ. 

 

Bạn bè chân thành

 

BẠN BÈ CHÂN THÀNH

Bạn bè chân thành là người có thể đi cùng ta từ đêm đen đến lúc mặt trời xuất hiện; là người tình nguyện che dù cho ta khi mưa bão, là người ở lại đến giây phút cuối cùng, khi tất cả đã rời đi hết.

Tình bạn như thế rất quý và cũng rất hiếm, chỉ những ai sống chân thành mới có ngày gặp được.

Bạn bè không bàn nhiều ít, quý ở chỗ đồng hành trong mưa nắng; tình cảm không luận ngắn dài, quan trọng khi cần đều có thể nương tựa.

Cái gọi là nghĩa nặng là nếu như bạn cần, chỉ cần tôi có thì bạn sẽ có. Cái gọi là tình sâu không phải lúc đắc ý hứa hẹn đủ điều, mà quan trọng là vào thời khắc cần thiết có thể đưa tay ra tiếp sức.

Ngày thường có thể chê bai phản bác, nhưng khi có khó khăn liền đồng cam cộng khổ, mới là bạn quý.

Những kẻ tâng bốc dập dìu chưa chắc đã thật lòng khi cần đến, mà trước sau như một mới đáng để cậy nhờ.

Một nhân duyên tốt không phụ thuộc vào thời gian, một tình bạn đẹp đến rồi thì sẽ không rời xa nữa.

Theo "Thả trôi phiền muộn"

 

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Việt nam có một nhân vật lịch sử: tên là "Trật" nhưng thi đâu trúng đó

 

VIỆT NAM CÓ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ: TÊN LÀ "TRẬT" NHƯNG THI ĐÂU TRÚNG ĐÓ

Thời xưa, dưới triều Hậu Lê, có một sĩ tử học không giỏi, chẳng chủ đích đi thi nhưng thi lần nào cũng đỗ. Sau này, ông còn làm quan trong triều và được dân chúng yêu mến vô cùng.

Ông Nguyễn Trật sinh năm 1573, là người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tên ông hiện nay nằm trên Bia Tiến Sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Tương truyền, lúc trẻ ông Trật cao lớn khỏe mạnh, hiền lành chăm chỉ, từng đỗ trong kỳ thi Hương nhưng sau đó tự thấy mình học lực hạn chế nên bỏ ngang, không tiếp tục thi Hội nữa. Tuy nhiên, con đường công danh của ông chưa dừng lại tại đó.

Theo sách Tang thương ngẫu lục, không còn vương vấn con đường công danh, khoa cử, nhưng lúc bấy giờ có một thầy địa lý đi chơi qua làng Nguyệt Yên, thấy Nguyễn Trật hiền lành, lễ độ nên đã khuyên ông nên tiếp tục con đường khoa cử.

Dù học không giỏi, nhưng nhờ có bạn bè ở trọ cùng nhà chỉ bài nên Trật lần lượt thi đỗ trường nhất, trường nhì và trường ba trong kỳ thi Hội nhưng đến trường thi thứ tư – trường thi cuối cùng trong kỳ thi Hội, bạn bè của Trật thì rớt hết, chỉ có ông là đậu, và chẳng còn ai chỉ bài cho Trật nữa.

Tuy nhiên Nguyễn Trật lại may mắn một cách thần kỳ. Cũng theo sách Tang thương ngẫu lục, ở trường thi thứ tư, khi đang làm bài, lều bên cạnh Trật có một thí sinh vật vã ôm bụng kêu đau, Trật bỏ thi để cõng thí sinh này đi cấp cứu. Vì bệnh nặng, thí sinh đó qua đời.

Trước khi mất, thí sinh đó lấy quyển thi của mình đang làm gần xong tặng cho Trật: “Đây là bài thi rất đắc ý của tôi nhưng chưa đề tên vào, nay xin tặng ông để đền ơn”.

Nguyễn Trật nhận bài thi của người này, quay lại trường thi. Vì bài thi làm chưa xong nên ông viết thêm phần cuối, ký tên mình vào bài rồi nộp cho quan trường.

Khi chấm thi, thấy bài của Nguyễn Trật phần đầu viết rất hay, nhưng đến phần sau thì câu cú kém hẳn. Tuy vậy, bài thi vẫn được chấm đỗ, Nguyễn Trật cùng 7 người khác vào dự thi Đình.

Tiếp tục thi đỗ và ra làm quan nhờ vận may không ai bằng

Tại kỳ thi Đình, học lực không giỏi, đề thi khó, lại không còn quý nhân phù trợ, Nguyễn Trật nộp quyển thi không có chữ nào. Cho rằng Nguyễn Trật kiêu ngạo nộp giấy trắng, không chịu làm bài, triều đình rất tức giận, dự tính không treo bảng vàng cho ông đậu và xử phạt.

Tuy nhiên vận may cũng Nguyễn Trật tiếp tục phát huy. Thời điểm đó, triều đình đang hỗn loạn khi chúa Trịnh Tùng vừa qua đời. Thế tử Trịnh Tráng dẫn theo vua Lê chạy trốn, trên đường gặp được Trật. Nhờ có công hộ giá, sau khi lên ngôi, chúa Trịnh Tráng đặc cách cho Trật đỗ Tiến sĩ của khoa thi năm đó.

Bia tiến sĩ khoa Quý Hợi (1623) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chép “Ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, sáu người còn lại đều cho đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”.

Sau này Nguyễn Trật ra làm quan đến chức Công khoa Đô cấp Sự trung, nhờ tính tình hiền lành, thương yêu dân chúng nên Trật được triều đình và người đời rất yêu mến đặt cho cái tên Ông Nghè Nguyệt Viên.

Theo: danviet