Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân vật lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Nhân vật lịch sử. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 29 tháng 3, 2025

Câu chuyện lịch sử thú vị về luật sư nổi tiếng Mahatma Gandhi

 

CÂU CHUYỆN LỊCH SỬ THÚ VỊ VỀ LUẬT SƯ NỔI TIẾNG MAHATMA GANDHI

Khi mà ông Mahatma Gandhi theo học ngành luật tại Đại học London, có một giáo sư da trắng tên là Peter cực kỳ ghét bỏ ông. Một ngày nọ, khi giáo sư Peter đang ăn cơm ở nhà ăn, ông Gandhi đã bưng khay của mình ngồi xuống cùng bàn với giáo sư.

Vị giáo sư kia nói: “Anh Gandhi này, anh không biết rằng ‘một con lợn sẽ không ngồi ăn cùng một con chim’ ư?”

Ông Gandhi nhìn giáo sư nọ bằng ánh mắt của phụ huynh nhìn đứa con vô lễ rồi bình tĩnh trả lời: “Thầy không cần bực dọc ạ, tôi sẽ bay đi ngay” và ông sang bàn khác ngồi. Ông Peter tức giận đỏ mặt, quyết định trả thù.

Ngày hôm sau, ông hỏi trong giờ lên lớp rằng: “Anh Gandhi, nếu trong lúc đi trên phố anh phát hiện một cái bưu kiện, bên trong có một túi trí tuệ và một túi tiền thì anh sẽ lấy cái túi nào?”

Ông Gandhi không hề do dự đáp rằng: “Đương nhiên là lấy túi tiền rồi ạ”.

Giáo sư Peter cười cợt nói: “Nếu là tôi thì tôi sẽ lấy cái túi trí tuệ”.

Ông Gandhi nhún vai đáp: “Mỗi người đều nên lấy thứ mà họ không có!”

Giáo sư Peter hoàn toàn không thể đáp trả lại được nữa, trong cơn thịnh nộ, ông ấy viết hai chữ “ngu ngốc” lên bài thi của ông Gandhi rồi trả về.

Sau khi nhận bài thi, ông Gandhi quay lại bàn, cố gắng kiềm chế và giữ bình tĩnh, đồng thời ông cực kỳ nghiêm túc nghĩ về việc nên làm tiếp theo.

Vài phút sau, ông Gandhi đi về phía giáo sư, nói với ông ấy bằng giọng hết sức trang nghiêm và lịch sự: “Thưa thầy Peter, thầy ký tên lên bài thi của tôi, nhưng lại không chấm điểm cho tôi”.

Ngọc Trúc theo Trí Thức VN

Thứ Sáu, 7 tháng 3, 2025

Nam Phương Hoàng Hậu người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam

 

NAM PHƯƠNG HOÀNG HẬU NGƯỜI PHỤ NỮ NỔI TIẾNG TRONG LỊCH SỬ VIỆT NAM

Là vị hoàng hậu cuối cùng của triều đại nhà Nguyễn cũng như là triều đại phong kiến Việt Nam, Nam Phương Hoàng Hậu là đại diện cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam đã thoát ra khỏi những gượng ép của Nho Giáo, từng bước trở thành một biểu tượng nữ quyền trong văn hóa đại chúng. 

 

Từ năm 1934 sau khi đám cưới với vua Bảo Đại. Bà liên tục diện những trang phục truyền thống của người Việt, như áo dài, Nhật Bình cùng khăn vấn và những đôi bông tai ngọc trai, như một cách dung hòa giữa cái hiện đại và cái truyền thống, nhằm quảng bá văn hóa Việt Nam đến bạn bè năm châu. 

 

Hoàng hậu đầu tiên ra khỏi cung cấm

Bà là hoàng hậu đầu tiên của nước Nam đi ra khỏi cung cấm, xuất hiện bên cạnh hoàng đế trong những nghi lễ chính thức, những cuộc thăm viếng và đặc biệt bà còn có những hoạt động xã hội, y tế, giáo dục, từ thiện riêng không tùy thuộc vào Vua Bảo Đại.

Bà cho xây dựng trường học, hỗ trợ về y tế cho phụ nữ. Trong các cuộc thăm viếng từ thiện, bà thường lấy tiền riêng ra giúp hoặc trao thẳng cho người nghèo, không dùng ngân sách chính quyền bảo hộ hay triều đình Huế.

Với tài sản riêng, Hoàng hậu Nam Phương có sự tự do hành động, điều mà Vua Bảo Đại không có được.


Nam Phương Hoàng Hậu còn có công trong việc thuyết phục vua Bảo Đại thoái vị, ủng hộ Cách Mạng trong những này tháng chiến sự căng thẳng. Có thông tin rằng, bà là người tiên phong tại đất Huế ủng hộ vàng bạc nữ trang cho chính phủ, truyền cảm hứng cho nhiều nhà quý tộc ở Huế ủng hộ vàng. Số lượng lên đến 925 lượng vàng.

 

Người ta còn nhắc đến Nam Phương Hoàng Hậu như một trong những người phụ nữ nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam, với hành động kêu gọi mọi người chống lại chiến tranh.

 

Trong cuộc tái chiếm Việt Nam của thực dân Pháp, một bức mật thư của Nam Phương Hoàng Hậu được gửi đến tổng thống Truman tại Liên Hợp Quốc năm 1946, về sau được nhà nghiên cứu Jean Renaud cùng nhà xuất bản Guy Boussac phát hành, với nội dung như sau:

 

Kể từ tháng 3 năm 1945, nước Việt Nam đã thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp nhưng vì lòng tham của một thiểu số thực dân Pháp với sự tiếp tay của quân đội Hoàng gia Anh nên hiện nay máu của nhân dân Việt Nam lại tiếp tục chảy trên mãnh đất vốn đã có quá nhiều đau khổ. 

 

Hành động nầy của thực dân Pháp là trái với chủ trương của Đồng Minh mà nước Pháp lại là một thành viên. Vậy tôi tha thiết yêu cầu những ai đã từng đau khổ vì chiến tranh hãy bày tỏ thái độ và hành động để giúp chúng tôi chấm dứt chiến tranh đang ngày đêm tàn phá đất nước tôi.

 

Thay mặt cho hàng chục triệu phụ nữ Việt Nam, tôi thỉnh cầu tất cả bạn bè của tôi và bạn bè của nước Việt Nam hãy bênh vực cho tự do. Xin các chính phủ của khối tự do sớm can thiệp để kiến tạo một nền hòa bình công minh và chân chính và xin quý vị nhận nơi đây lòng biết ơn sâu xa của tất cả đồng bào của chúng tôi.

Ký tên: Bà Vĩnh Thụy

 

Nam Phương Hoàng Hậu có một cuộc đời không suôn sẻ, những tháng ngày cuối đời bà cũng sống trong cô đơn và bình lặng, đến lúc băng thệ vẫn không có mảy may kèn trống linh đình. Nhưng những nỗ lực trong việc gìn giữ vai trò mẫu nghi thiên hạ về các mảng ngoại giao, chính trị, văn hóa và cả thời trang, đã giúp hình ảnh thanh khiết của Nam Phương Hoàng Hậu sống mãi trong lòng công chúng.

 

Nam Phương Hoàng Hậu sinh 14 tháng 11 năm 1913 quê Gò Công, Biên Hoà, (nay là Long Thạnh Mỹ, Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh), mất 15 tháng 9, 1963 (49 tuổi) Chabrignac, Corrèze, Pháp.

-----------

Nguồn:https://tuoitre.vn/cuoc-doi-nhieu-bi-an-cua-hoang-hau-nam-phuong-20240602093436853.htm

https://www.twinkl.com.vn/blog/ngay-quoc-te-phu-nu-tri-an-13-nguoi-phu-nu-noi-tieng-trong-lich-su-viet-nam-va-the-gioi

Thứ Ba, 3 tháng 9, 2024

Việt nam có một nhân vật lịch sử: tên là "Trật" nhưng thi đâu trúng đó

 

VIỆT NAM CÓ MỘT NHÂN VẬT LỊCH SỬ: TÊN LÀ "TRẬT" NHƯNG THI ĐÂU TRÚNG ĐÓ

Thời xưa, dưới triều Hậu Lê, có một sĩ tử học không giỏi, chẳng chủ đích đi thi nhưng thi lần nào cũng đỗ. Sau này, ông còn làm quan trong triều và được dân chúng yêu mến vô cùng.

Ông Nguyễn Trật sinh năm 1573, là người làng Nguyệt Viên, huyện Hoằng Hóa (nay thuộc xã Hoằng Quang, huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Tên ông hiện nay nằm trên Bia Tiến Sĩ Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Tương truyền, lúc trẻ ông Trật cao lớn khỏe mạnh, hiền lành chăm chỉ, từng đỗ trong kỳ thi Hương nhưng sau đó tự thấy mình học lực hạn chế nên bỏ ngang, không tiếp tục thi Hội nữa. Tuy nhiên, con đường công danh của ông chưa dừng lại tại đó.

Theo sách Tang thương ngẫu lục, không còn vương vấn con đường công danh, khoa cử, nhưng lúc bấy giờ có một thầy địa lý đi chơi qua làng Nguyệt Yên, thấy Nguyễn Trật hiền lành, lễ độ nên đã khuyên ông nên tiếp tục con đường khoa cử.

Dù học không giỏi, nhưng nhờ có bạn bè ở trọ cùng nhà chỉ bài nên Trật lần lượt thi đỗ trường nhất, trường nhì và trường ba trong kỳ thi Hội nhưng đến trường thi thứ tư – trường thi cuối cùng trong kỳ thi Hội, bạn bè của Trật thì rớt hết, chỉ có ông là đậu, và chẳng còn ai chỉ bài cho Trật nữa.

Tuy nhiên Nguyễn Trật lại may mắn một cách thần kỳ. Cũng theo sách Tang thương ngẫu lục, ở trường thi thứ tư, khi đang làm bài, lều bên cạnh Trật có một thí sinh vật vã ôm bụng kêu đau, Trật bỏ thi để cõng thí sinh này đi cấp cứu. Vì bệnh nặng, thí sinh đó qua đời.

Trước khi mất, thí sinh đó lấy quyển thi của mình đang làm gần xong tặng cho Trật: “Đây là bài thi rất đắc ý của tôi nhưng chưa đề tên vào, nay xin tặng ông để đền ơn”.

Nguyễn Trật nhận bài thi của người này, quay lại trường thi. Vì bài thi làm chưa xong nên ông viết thêm phần cuối, ký tên mình vào bài rồi nộp cho quan trường.

Khi chấm thi, thấy bài của Nguyễn Trật phần đầu viết rất hay, nhưng đến phần sau thì câu cú kém hẳn. Tuy vậy, bài thi vẫn được chấm đỗ, Nguyễn Trật cùng 7 người khác vào dự thi Đình.

Tiếp tục thi đỗ và ra làm quan nhờ vận may không ai bằng

Tại kỳ thi Đình, học lực không giỏi, đề thi khó, lại không còn quý nhân phù trợ, Nguyễn Trật nộp quyển thi không có chữ nào. Cho rằng Nguyễn Trật kiêu ngạo nộp giấy trắng, không chịu làm bài, triều đình rất tức giận, dự tính không treo bảng vàng cho ông đậu và xử phạt.

Tuy nhiên vận may cũng Nguyễn Trật tiếp tục phát huy. Thời điểm đó, triều đình đang hỗn loạn khi chúa Trịnh Tùng vừa qua đời. Thế tử Trịnh Tráng dẫn theo vua Lê chạy trốn, trên đường gặp được Trật. Nhờ có công hộ giá, sau khi lên ngôi, chúa Trịnh Tráng đặc cách cho Trật đỗ Tiến sĩ của khoa thi năm đó.

Bia tiến sĩ khoa Quý Hợi (1623) tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám chép “Ngày lành tháng tư mùa hạ, Hoàng thượng ngự ở cửa điện Kính Thiên, ra bài văn sách ở sân rồng. Trong khi các sĩ tử làm bài, bỗng có Nguyễn Trật làm văn hơi sai thể thức nên chỉ có 6 quyển được khảo duyệt mà thôi. Các quan hữu ty dâng quyển tiến đọc. Hoàng thượng ngự lãm, lấy Phùng Thế Trung đỗ đầu, sáu người còn lại đều cho đỗ đồng tiến sĩ xuất thân”.

Sau này Nguyễn Trật ra làm quan đến chức Công khoa Đô cấp Sự trung, nhờ tính tình hiền lành, thương yêu dân chúng nên Trật được triều đình và người đời rất yêu mến đặt cho cái tên Ông Nghè Nguyệt Viên.

Theo: danviet