Thứ Hai, 22 tháng 7, 2024

Alexander Grothendieck và nền toán học Việt Nam

 

ALEXANDER GROTHENDIECK VÀ NỀN TOÁN HỌC VIỆT NAM

Tháng 11 năm 1967 nhà toán học Alexander Grothendieck sang miền Bắc Việt Nam, rồi ông mở lớp giảng bài cho Đại học Hà Nội đang sơ tán trong rừng. Ông thực hiện chuyến đi của mình đến Việt Nam trong thời kì ác liệt nhất của cuộc chiến tranh.

Ở khu sơ tán, có một hình ảnh về ông mà không bao giờ tôi quên. Đó là có một lần, tôi thấy ông cởi trần ngồi đọc sách, cái áo ướt màu “phòng không” vắt trên bụi sim.

Hỏi ra mới biết, ông giành toàn bộ va li của mình để mang theo sách vở sang tặng các nhà toán học Việt Nam, và chỉ có bộ quần áo duy nhất mặc trên người!

Vậy nên mỗi lần giặt, ông phải chờ quần áo khô để mặc lại chứ không có quần áo để thay! Trong thời gian ông ở Việt Nam, mỗi tuần ông đều nhịn ăn vào ngày thứ sáu. Khi các nhà toán học Pháp biết chuyện, họ đều rất ngạc nhiên vì không thấy ông có thói quen đó khi ở Pháp.

Và người ta cho rằng chỉ có thể có một cách giải thích: ông muốn tiết kiệm một phần lương thực cho Việt Nam! Đó là một con người với thiên tài kì lạ, cá tính kì lạ, và cũng có tấm lòng ưu ái kì lạ với Việt Nam.

Sau khi từ Việt Nam trở về, tháng 11 năm 1967, Grothendieck đã viết một bài về chuyến đi của mình, kết thúc bằng câu: "Tôi đã chứng minh một trong những định lí quan trọng nhất của mình, đó là: Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

Bài viết đó nhanh chóng trở thành nổi tiếng trong thế giới toán học, bởi vì bất cứ điều gì mà Grothendieck viết ra đều là điều mà mọi người làm toán quan tâm.

Phải nói rằng, không phải Grothendieck chỉ “chứng minh” sự tồn tại của nền toán học Việt Nam, mà chính ông đã góp phần vào “sự tồn tại” đó.

Tôi hiểu điều này một cách rõ ràng khi, rất nhiều năm sau chuyến đi của Grothendieck, nhiều đồng nghiệp nước ngoài nói với tôi rằng, họ biết đến nền toán học Việt Nam từ sau khi đọc bài viết của Grothendieck.

Và cũng nhiều lần, tôi phải kể lại tường tận những gì tôi đã được chứng kiến, những gì Grothendieck đã làm trong chuyến đi thăm Việt Nam.

Bản thân sự kiện Grothendieck đến Việt Nam đã là điều đáng ngạc nhiên. Ông, người được trao giải thưởng Fields (là giải thưởng cao nhất về toán, tương tự như giải Nobel đối với các ngành khoa học khác, được tặng 4 năm một lần cho 1-4 nhà toán học xuất sắc nhất thế giới), người mà bất kì một trường đại học lớn nào cũng lấy làm vinh dự khi ông đến thăm, lại đi đến Việt Nam đang dưới bom đạn ác liệt?

Nhưng, để có thể hình dung tại sao những điều Grothendieck viết ra lại có ảnh hưởng to lớn như vậy trong thế giới toán học.

Grothendieck đã làm một cuộc cách mạng thực sự trong toán học. Có thể nói, ông để lại dấu ấn của mình trong mọi lĩnh vực của toán học hiện đại.

Người ta có thể nhận ra ảnh hưỏng của Grothendieck ngay cả khi không thấy trích dẫn định lí cụ thể nào của ông.

Khi ông đến Việt Nam (năm 1967), tôi vừa học xong năm thứ tư Khoa toán trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

Tuy đã tốt nghiệp nhưng chưa nhận công tác nên tôi được “tự do” rời khu sơ tán về Hà Nội và đi nghe các bài giảng của ông.


Vậy mà ông, người đến từ một đất nước đã từ lâu không có chiến tranh, không hề tỏ ra mảy may lo sợ. Nhưng rồi thì các bài giảng của ông cũng phải chuyển lên khu sơ tán, vì không thể nào giảng bài khi mà buổi học bị ngắt quãng hàng chục lần vì máy bay.

Theo lời ông nói, chuyến đi Việt Nam đã làm ông thật sự ngạc nhiên: ở một đất nước ngày đêm phải đối đầu với cuộc chiến tranh ác liệt bậc nhất trong lịch sử, người ta vẫn dạy toán, học toán, và biết đến những thành tựu hiện đại nhất của toán học! Từ sự ngạc nhiên đó, ông đã công bố định lí của mình: “Tồn tại một nền toán học Việt Nam”.

Chuyến đi của Grothendieck đã mở đầu cho một loạt chuyến đi thăm và giảng bài của nhiều nhà toán học lớn đến Việt Nam, trong đó nhiều nhất vẫn là các nhà toán học Pháp: L. Schwartz, A. Martineau, P. Cartier, Y. Amic,... Có thể nói chuyến đi của Grothendieck là một cột mốc quan trọng trong lịch sử hợp tác khoa học giữa các nhà toán học Việt Nam và các nhà toán học Pháp.

Theo GS Hà Huy Khoái (Tia Sáng)

* Alexander Grothendieck (19282014) người Pháp gốc Do Thái là một trong những nhà toán học có ảnh hưởng rất lớn trong thế kỷ 20. Ông được trao huy chương Fields năm 1966.

 

Bản di chúc của vua Trần Nhân Tông

 

BẢN DI CHÚC CỦA VUA TRẦN NHÂN TÔNG

Trần Nhân Tông (1258 – 1308), là vị vua thứ ba của nhà Trần (sau vua cha Trần Thánh Tông và trước Trần Anh Tông) trong lịch sử Việt Nam.

Ông ở ngôi 15 năm (1278 – 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm. Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong lịch sử Việt Nam.

Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại cung Vũ Lâm, Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam. Về sau ông được gọi cung kính là “Phật Hoàng”.

Ông đã để lại bản di chúc dặn dò con cháu, cũng là lời dặn dò cho muôn đời hậu thế nước Việt, gần ngàn năm qua vẫn còn nguyên chân giá trị.

" Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo .

Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo.

Cho nên cái hoạ lâu đời của ta là hoạ nước Tàu .

Chớ coi thường chuyện vụn vặt nảy ra trên biên ải.

Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn.

Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước.

Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.

Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta.

Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.

Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:

" Một tấc đất của Tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác ".

Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu ".

 

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

Khách qua sông tâm chớ động theo thuyền

 

KHÁCH QUA SÔNG TÂM CHỚ ĐỘNG THEO THUYỀN

Xưa có vị tỳ kheo trẻ cất một cái am nhỏ trên đỉnh núi, ngày ngày tu tập thiền định. Dưới chân núi là một con sông, có một con đò qua lại. Vị tỳ kheo mỗi lần muốn hạ sơn thì đều phải đi qua chuyến đò ấy. Người chèo đò là một bà lão tuổi đã ngoài sáu mươi.

Một hôm, du khách qua sông rất ngạc nhiên khi thấy chủ thuyền không phải là bà lão nữa, mà thay vào đó là một thiếu nữ vô cùng duyên dáng, xinh đẹp lạ thường.

Hỏi ra mới hay rằng: Người con gái ấy không biết là ở xứ nào, một ngày nọ, cô đi qua bến sông, ghé vào xin bà lão cho mình ở trọ và nguyện ý giúp bà một tay hàng ngày đưa khách qua sông.

Thấy nàng vừa xinh đẹp dịu hiền, lại vừa đoan trang hiếu lễ nên bà lão vô cùng thương mến.

Cũng kể từ đó, số lượt khách sang sông ghé thăm vị tỳ kheo và du sơn ngoạn thủy, viếng cảnh am mây mỗi ngày một thêm tấp nập, nhất là những chàng trai trẻ ở quanh vùng.

Có lẽ ai ai cũng thích được qua đò để ngắm nhìn dung nhan xinh đẹp tuyệt trần, đôi tay mềm mại trắng ngần đưa đẩy cán chèo như đang múa, đang vẽ trên mặt nước xanh trong thăm thẳm… chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ khiến cho cả bến sông sóng nước bâng khuâng xao động, khách trên thuyền cũng mơ mộng xuyến xao.

Một hôm vị tỳ kheo có việc phải hạ sơn, phải qua đò. Nhưng có điều lạ, qua bên kia sông rồi, khách thông thường chỉ trả có một tiền, mà mỹ nữ đưa đò kia lại cứ khảng khái mà xin thầy phải trả những hai tiền!

Vị tỳ kheo lấy làm ngạc nhiên lắm, hỏi: “Hà cớ chi mà thuyền chủ lại thu tiền của ta đắt hơn mọi người đến vậy?”.

Cô gái cười như trao duyên, nói: “Mọi người qua đò là chỉ có qua đò thôi. Còn thầy, ngoài việc qua đò, thầy còn ngắm trộm tôi nữa nên phải trả gấp đôi!”.

Không muốn phân bua biện giải với cô gái, vị tỳ kheo đành nín lặng lần tay nải, trao tiền cho cô.

Chẳng bao lâu sau, chốn am mây có việc, vị tỳ kheo nọ lại phải xuất sơn. Nhà sư thư thả bước bộ xuống con đò.

Lần này ông không dám nhìn cô gái, chỉ lặng im cúi mặt, suốt cả chặng quá giang, ánh mắt vị tỳ kheo như ghim xuống lòng con đò đang dập dềnh lên xuống theo làn sóng nước.

Con thuyền nhẹ lướt phiêu phiêu, chẳng mấy chốc mà đã đến hồi cập bến.

Nữ thuyền nhân thanh thoát gót sen bước lên bờ, cô cúi thấp người, vòng tay ngà ngọc uyển chuyển néo sợi dây thuyền như ràng, như buộc, như lưu, như luyến.

Khách trên thuyền ngẩn ngơ tựa hồ thuyền chưa cập bến! Rồi cuối cùng ai nấy cũng lần lượt bước lên trả tiền đò, đến lượt sư thầy, cô gái lái đò xinh đẹp kia lại xin ông trả tiền quá giang gấp bốn lần những khách đi thuyền khác.

Vị tỳ kheo lạ lùng lắm, hỏi:

“Lần trước, cô bảo ta qua đò vì trộm nhìn cô nên phải trả gấp hai tiền, nay ta vốn dĩ không hề nhìn cô mà chỉ úp mặt nhìn đò, tại sao cô lại đòi ta phải trả cho cô gấp bốn lần tiền chi nữa vậy?”.

Cô gái mỉm nụ cười hoa, nhìn vị tỳ kheo mà nói rất nghiêm trang: “Mấy lần trước, thầy chỉ dùng mắt mà nhìn khuôn mặt và dáng vẻ bên ngoài của tôi.

Còn hôm nay thầy lại dùng tâm mà nhìn hết cả bên trong của tôi nữa. Đó gọi là: Mắt không nhìn nhưng tâm thì lại nhìn vậy! Nên nay phải trả tiền gấp bốn”.

Vị tỳ kheo trẻ nghe xong mà giật nảy mình! Như tỉnh, như ngộ, như siêu xuất. Hồi lâu ông mới ngoảnh lại mà chẳng hay mỹ nữ thuyền nhân kia đã biến đi đâu mất tự khi nào.

Kể từ dạo đó, khách qua sông không còn thấy bóng dáng cô lái đò xinh đẹp kia đâu nữa. Chỉ còn lại một mình bà lão tuổi đã quá lục tuần, ngày ngày mòn mỏi âm thầm tiễn khách qua sông.

***

Lời bàn:

Mất tiền, ấy là chuyện nhỏ; hao tổn công đức tu luyện ấy mới là chuyện lớn. Mới hay: Làm người tu luyện chân chính nói là dễ cũng không phải là dễ; nói là khó cũng không phải là khó. Là khó hay là dễ đều ở một chữ “Tâm” kia vậy.

Khách qua sông tâm chớ động theo thuyền