Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Nhân vật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Lịch sử Nhân vật. Hiển thị tất cả bài đăng

Chủ Nhật, 6 tháng 4, 2025

Câu chuyện đất nước thời kỳ toàn thịnh

 

CÂU CHUYỆN ĐẤT NƯỚC THỜI KỲ TOÀN THỊNH

 

Dưới thời Lê Thánh Tông, những quan thanh liêm, thực sự phục vụ cho dân như Vũ Kiệt, Lương Thế Vinh… đều rất được trọng dụng.

Bên cạnh việc sử dụng người tài, Lê Thánh Tông cũng là vị vua đi đầu trong việc lật lại những bản án oan ức thời trước, minh oan, trả lại công bằng cho các bậc khai quốc công thần. Tiêu biểu như vụ án "Lệ chi viên" khiến gia đình Hành khiển Nguyễn Trãi bị tru di.

 

Theo Lịch triều hướng chương loại chí, có lần nghe tiếng ông Vũ Tụ làm quan rất thanh liêm, nhà vua quyết định thử xem tin đồn có thật không.

Biết được Vũ Tụ vừa xử cho một người thắng kiện, vua liền bí mật mang mâm lụa quý gửi người này mang đến để Vũ Tụ hậu tạ.

 

Thấy người này mang lễ vật tới nhà vào lúc đêm khuya, Vũ Tụ hỏi: "Anh có biết ta là ai? Việc xét xử là theo luật vua ban, anh cho ta là người thế nào mà dám làm chuyện phi pháp này?".

Người đó đáp: "Bẩm thượng quan, tập tục là thế, đây là tấm lòng thành tri ân…". Vũ Tụ nói ngay: "Ta há phải theo tập tục quái gở này để chịu ô danh như những kẻ tham lam khác hay sao?". Nói xong, ông sai gia nhân đuổi người này về.

 

Cảm phục cốt cách thanh liêm của vị phán quan, vua Lê Thánh Tông đã trọng thưởng cho Vũ Tụ, đính vào cổ áo triều phục của ông hai chữ "liêm tiết".

Đúng như nhà vua từng nói: "Pháp luật là phép tắc chung của Nhà nước, ta và các người phải cùng tuân theo".

 

Với phương cách trị nước "thượng tôn pháp luật", vua Lê Thánh Tông đã xây dựng được một quốc gia Đại Việt hùng mạnh toàn diện trên mọi lĩnh vực.

 

Theo báo Dân Việt

Thứ Năm, 27 tháng 3, 2025

Chu Văn An – Người thầy mẫu mực của muôn đời

 

CHU VĂN AN – NGƯỜI THẦY MẪU MỰC CỦA MUÔN ĐỜI

Cụ Chu Văn An - lọt mắt xanh vua Trần Minh Tông (1300-1314-1357), được nhà vua giao việc kèm cặp, dạy dỗ các hoàng tử Trần Vượng, Trần Hạo, sau trở thành các vua Trần Hiến Tông (1319-1329-1341), Trần Dụ Tông (1336-1341-1369) thì đấy đều đã ở vào thời suy Trần rồi.

Vậy là “yếu tố (nhân tố) thời đại” tức “hoàn cảnh lịch sử” đã không giúp được gì tích cực cho/ vào việc hình thành rồi thành hình nhân cách con người và sự nghiệp cuộc đời đều rất lớn lao, đặc sắc - của Chu Văn An cả!

Cho dù thân phụ của Chu Văn An mang tên là Chu Thiện hay Chu Hưng (không có chữ “Văn” làm tên đệm, do đó, “Chu Văn An” - cái tên được quen gọi của Cụ, do bắt nguồn từ tước hiệu là “Văn Trinh” mà thành ra có chữ “Văn” làm tên đệm - chứ tên của Cụ, chỉ là hai chữ “Chu An” (giống cấu trúc tên cha mà thôi) thì đây cũng đều và chắc chắn là người phương Bắc, đến từ phương Bắc.

Và là người phương Bắc, đến từ phương Bắc không phải với nhân thân và vị thế là quan chức, quý tộc hay đại gia mà chỉ là một thường dân (thậm chí như lời kể dân gian ở địa phương nói chỉ là một “chú khách bán thuốc ế”) thôi.

Trường hợp thân phụ Chu Văn An tìm đến làng Quang Liệt (Thanh Liệt), “tự do hôn nhân” mà cưới mẹ của Chu Văn An (là bà Lê Thị Chiêm) làm vợ - không có hôn lễ cầu kỳ, sang trọng nào - cũng vừa cho thấy rõ “thành phần gia đình” của cả cha mẹ, lẫn chính Chu Văn An - đều là bình dân (thứ dân).

Do đó mà yếu tố (nhân tố) và vấn đề dòng dõi, ở đây, cũng không giúp được gì cho thành sự hiển quý và danh giá của cuộc đời cùng sự nghiệp của cụ Chu Văn An cả!

Chẳng những thế, với tư cách (tư thế) là con của một gia đình, tuy mẹ là dân gốc làng quê Quang Liệt (Thanh Liệt), nhưng cha lại là “khách trú” (chú khách), cho nên, Chu Văn An mới chỉ được quê hương coi là “dân ngụ cư, đời thứ hai” thôi. Vậy là, theo lệ làng xưa phải “sau 3 đời ngụ cư mới được thành dân chính cư” - Chu Văn An trong quan hệ với quê hương Thanh Liệt vẫn chỉ là dân ngoại tịch!

Từ lâu rồi, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra: có điều gì đó - “cấn cái” - giữa Chu Văn An lúc đương thời và làng quê Quang Liệt (Thanh Liệt) của mình, cho dù ngày nay sau 7 thế kỷ, quê hương đã vô cùng trọng vọng Cụ.

Chẳng hạn như: mở ngôi trường danh giá đầu tiên trong sự nghiệp làm thầy của mình, Cụ đã không (hoặc không được) chọn lấy đất làng mà lại phải “ra rìa” làng, đến thôn bấy giờ là Huỳnh Cung chỗ giáp ranh giữa hai xã Thanh Liệt và Tam Hiệp!

Chẳng hạn nữa, lúc dâng “Thất trảm sớ” mà không được nghe, Cụ đã từ quan “treo mũ ở của Huyền Vũ, ra đi (ra về)”, nhưng không phải là đi về quê hương bản quán như thời thường, mà lại đi ra tận Kiệt Đặc - Phượng Hoàng (Chí Linh - Hải Dương) để sống hết đời ở đấy!

Vậy là, làng quê Quang Liệt (Thanh Liệt), và mở rộng ra là cả huyện Long Đàm (Thanh Đàm, Thanh Trì), dù muôn vàn tươi tốt, và rất giàu truyền thống đa loại hình nhưng thực tế cũng không giúp được gì nhiều - vào lúc đương thời - cho và trong việc Chu Văn An thành vĩ nhân cả!

Vậy thì, nhân vật lịch sử kỳ vĩ Chu Văn An, thực sự đã nhờ vào đâu, dựa vào yếu tố (nhân tố) nào của lịch sử, xã hội và văn hóa lúc đương thời, để trở thành nhân vật lịch sử kiệt xuất ở thế kỷ XIV, và của cả dân tộc qua mọi thời đại?

Rõ ràng, Cụ là người đã/ biết/ và/ chỉ dựa vào chính mình!

Chu Văn An là mẫu mực của một người với/ và có/ hàng loạt chữ “Tự”: Tự học - Tự tu - Tự lập - Tự tại…

  • Về sự học, Cụ là người đã bắt đầu/ mở đầu, và luôn luôn/ suốt cả cuộc đời của một trí giả uyên thâm các tri thức, bằng tự học.

Chúng ta không tìm ra được một thông tin - tư liệu nào về người thầy và trường lớp mà cụ xưa đã theo học. Trái lại, bằng vào việc Cụ chính là tác giả bộ “Tứ thư thuyết ước”, ta thấy rằng Cụ đã tự chọn bốn cuốn “Đại học” “Trung dung”, “Luận ngữ” “Mạnh tử” - kinh điển của Nho giáo và Nho học - để làm căn cứ mà tự học, và trong khi tự học và hành, thì đã làm “bút ký tóm tắt” (“thuyết ước”) và rồi biến công trình đó thành “sách giáo khoa” cho việc dạy học của mình luôn!

- Tự tu để trở thành không chỉ là một người thầy, mà còn và chính là một bậc “Vạn thế sư biểu”, Cụ đã hoàn toàn nhờ vào sự tự tu mà biến được mình thành một mẫu mực của nghề và nghiệp dạy học, không chỉ bằng việc truyền đạt kiến thức, mà còn và chính là bằng tấm gương sáng của bản thân mình. Cụ đã có thể la hét, quát mắng các học trò của mình, thậm chí quyết liệt lên án và đòi xử lý các tham quan ô lại giữa triều đình, chính bởi vì cụ đã rất và hoàn toàn tự tin vào sự hoàn thiện, sự gương mẫu của một bản thân đã được tự tu chu đáo của mình!


  • Tự lập để dựng cơ đồ, trước tiên là bằng việc mở trường dạy học ở Huỳnh Cung, và sau cùng, cũng vẫn là bằng việc dựng điện Lưu Quang ở Phượng Hoàng để dạy học, không cần dựa dẫm, nhờ vả ai, đấy là những điển hình của việc tự lập của Chu Văn An.
  • Có được vị thế và khả năng tự lập đó, Chu Văn An mới sung sướng mà thành được một nhân vật ung dung tự tại, để được mọi người nể trọng, đúng như nhận xét của bà Hiền Từ Thái hoàng Thái hậu: “Ông ta là người không thể bắt làm tôi được. Ta làm sao sai bảo được ông ta?” (trích “Đại Việt Sử kí toàn thư” tập 2, trang 152)

Tác giả Nhà sử học Lê Văn Lan

Thứ Tư, 18 tháng 12, 2024

Lê Như Hổ Tiến sĩ “trạng ăn”

 

LÊ NHƯ HỔ TIẾN SĨ “TRẠNG ĂN”

Lê Như Hổ (1511 - 1581) người xóm Vông, xã Tiên Châu, huyện Tiên Lữ (nay thuộc Hồng Nam, thành phố Hưng Yên)

Ở tuổi thanh niên, Lê Như Hổ cao tới 5 thước 5 tấc (2,2m), người vạm vỡ khoẻ mạnh, còn hơn những lực điền khoẻ nhất trong vùng. Một gia đình khác rất giàu có ở làng Thiện Phiến bên cạnh nghe danh, lại mến tài liền đem con gái gả cho, nhưng bảo chàng đến ở rể - với mong mỏi chàng sẽ giống Trạng nguyên làng Mộ Trạch ở cách đấy không xa.

Khi Lê Như Hổ ở trong nhà bố vợ được vài ngày đã làm cho ông có phần thất vọng. Đã thổi riêng cho chàng rể một nồi năm cơm, mà sự học vẫn rất chểnh mảng. Thế rồi, một hôm nhân đến thăm nhà thông gia, ông đem chuyện ấy nói lại với thân sinh của Lê Như Hổ.

Lúc đó, ông thân sinh mới nói: "Ở nhà tôi, mỗi bữa thổi cho cháu ăn nồi bảy, còn ở nhà ông chỉ thổi cho cháu nồi năm, trách chi mà cháu không học được". Ông bố vợ ra về, bảo người nhà từ nay thổi riêng cho con rể nồi bảy, nhưng bà mẹ vợ vặn lại: "Thổi nồi năm đã xót ruột rồi, bây giờ lại còn nồi bảy. Vậy xin hỏi ông: Đọc sách nhiều thì để làm gì? Hay là chỉ được cái ăn hại".

Đến ngày mùa lúa chín, bà mẹ vợ bảo con rể ra đồng, xem có thợ gặt thì thuê về độ 20 người. Chàng đi đâu đó một hồi lâu, đoán chừng cơm nước chuẩn bị cho thợ đã xong thì trở về nhà, nói "không có ai chịu đến làm thuê".

Bà mẹ vợ hoảng hốt: "Thôi chết. Cơm canh đã nấu rồi. Biết làm sao bây giờ?".

Chàng rể mỉm cười: "Mẹ cứ để đấy cho con. Ăn được tất sẽ làm được. Mẹ không phải lo".

Nói rồi, chàng bảo vợ dọn cơm, còn mình thì vác dao ra bụi tre chặt một cây to vừa già vừa chắc, lấy đoạn gốc làm đòn xóc. Sau đó, ngồi ăn gần hết số cơm lót dạ của 20 người, rồi cầm liềm, thừng, vác đòn xóc ra ruộng, vậy mà đến gần trưa thì đã xong xuôi.

Từ đấy trở đi, việc trong nhà có chàng rể ăn nhiều chẳng còn là chuyện gì hệ trọng. Thỉnh thoảng bà mới nhờ chàng làm cho những việc nặng, còn thì giờ để chàng lưu tâm vào việc học tập - như ý nguyện của ông chồng.

Ba năm sau, vào năm Quảng Hòa thứ nhất (1541), triều Mạc Phúc Hải mở khoa thi, ông đỗ Tam giáp tiến sĩ khi mới 30 tuổi. Vinh quy bái tổ về làng, cả hai gia đình - bố vợ và bố đẻ đều được mát mặt. Tuy nhiên, tiếng đồn về làng Tiên Châu có ông Nghè ăn khoẻ - cũng như trước kia làng Mộ Trạch có ông Trạng ăn khoẻ cứ lan ra khắp vùng.

Lê Như Hổ làm quan cho nhà Mạc tới chức Tả thị lang. Trong các sách chính sử không thấy ghi chép việc ông đi sứ nhà Minh, nhưng theo giai thoại thì khi còn đương chức, ông từng được phong Phó sứ (Lê Quang Bí làm chánh sứ).

Vua nhà Minh biết tiếng sứ giả Đại Việt có người ăn khỏe khác thường nên sai dọn mâm cỗ 18 tầng cao, tầng thứ 18 là một đầu "nhân ngư" (con cá có đầu giống người) để dọa ông.

Như Hổ ăn hết tầng dưới đến tầng trên không nghỉ, đến tầng thứ 18 nhìn qua biết chiếc đầu cá liền bảo: Ta xưa nay chưa biết mùi thịt người thế nào, nay được hoàng đế cho ăn đầu người Bắc (Trung Quốc) thật là quý, hãy đem dấm lại đây.

Do lời nói ấy mà vua Minh tức giận sai người lấy giấy phết sơn, gắn hai mắt Lê Như Hổ lại, rồi dẫn ông đi loanh quanh suốt trong ba ngày liền. Đến cuối ngày thứ ba, viên quan đi theo hỏi: "Đây là chỗ nào?" Ông trả lời: "Là nơi bày tiệc tiếp sứ thần Đại Việt". Người Minh thán phục, có lệnh bóc sơn gắn mắt Lê Như Hổ ra.

Cũng trong chuyến đi sứ này, Lê Như Hổ lấy được giống đỗ đen và giấu vào chỗ kín đem về. Cho nên trong dân gian đỗ đen không dùng để cúng tế. Ông còn học được nghề làm dù và sau này người Việt coi ông là tổ sư của nghề làm dù ở nước ta.

Ngày nay, tại Văn miếu Xích Đằng ở Hưng Yên vẫn còn bia đá lưu danh Lê Như Hổ. Theo những tư liệu còn lưu trên bia, thì Lê Như Hổ là người có chức vụ cao nhất được lưu danh trong những người ở trấn Sơn Nam đỗ tiến sĩ.

Sau khi về quê an trí, Lê Như Hổ được vua triều Mạc ban cho toàn bộ đất đai thuộc địa bàn Hồng Nam ngày nay. Theo truyền miệng, xưa kia đây là vùng đất sình lầy, Lê Như Hổ đã hướng dẫn người dân khai mương làm thủy lợi tưới tiêu, thau chua rửa mặn để trồng lúa. Con sông đào kéo dài từ cống Viên Tiêu đến chân cầu Dí mang tên ông - là chứng tích còn lại đến nay.

danviet.vn