NHỮNG XUNG ĐỘT TÂM LÝ VỀ VIỆC SỬ DỤNG TIỀN CỦA CON THƯỜNG GẶP
Việc sử dụng tiền của con
Khi con còn nhỏ ít có nhu cầu sử dụng tiền, con chấp nhận phụ thuộc hoàn toàn vào cha mẹ về chi tiêu, mua sắm, khi cần cái gì các em đều xin cha mẹ.
Đến tuổi dậy thì nhu cầu sử dụng tiền cao hơn. Các em cần một khoản tiền riêng và muốn được sử dụng tự do vào những việc: Chơi điện tử, xem phim, mua truyện, uống nước hoặc chiêu đãi bạn bè…
Trong khi đó cha mẹ chưa hiểu hết nhu cầu cần thiết của con nên có cách ứng xử chủ yếu theo những khuynh hướng sau:
+ Khuynh hướng thứ nhất: cha mẹ rất khắt khe về việc cho con tiền và kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu của con vì sợ con cầm tiền nhiều, tự do chi tiêu không đúng mục đích thì sẽ hư hỏng.
Nỗi lo này rất chính đáng nhưng nếu khắt khe quá con không đủ số tiền tối thiểu để sinh hoạt hay tham gia giải trí sẽ dẫn đến tình trạng xung đột giữa cha mẹ và con cái, lúc ấy con sẽ tìm mọi cách để có tiền (đi làm thêm, thậm chí lấy tiền của cha mẹ hoặc của người khác ..) từ đó phát sinh những tính xấu mà trước đây không có.
+ Khuynh hướng thứ hai: đối với những gia đình khá giả, cha mẹ quá nuông chiều con, sẵn sàng đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của con về tiền bạc, thái độ này dẫn đến tình trạng, người con không biết quý trọng đồng tiền và sức lao động của cha mẹ và người khác, chi tiêu phung phí vào những chuyện giải trí, vui chơi không lành mạnh, cờ bạc, nghiện ngập … những chuyện không thể chấp nhận với lứa tuổi vị thành niên dẫn đến hư hỏng.
Như vậy, cha mẹ đã vô tình làm hại con mình mà không hay biết. Khuynh hướng này thường gây ra những bi kịch cho gia đình.
Giải pháp khắc phục
Vấn đề khá phức tạp cần có sự tác động kịp thời và đồng bộ từ cha mẹ, dưới đây chỉ nêu 2 diểm cơ bản mà thôi:
- Cần trao đổi tìm ra tiếng nói chung phù hợp giữa các thế hệ, cha mẹ cần có nhận thức đúng, biết định hướng cho con bằng những phân tích có cơ sở sâu sắc, có sức thuyết phục cao, không nên áp đặt cứng nhắc theo kiểu gia trưởng để tạo sự tin yêu cảm thông sẻ chia của các em đối với cha mẹ.
- Cha mẹ liên hệ chặt chẽ với nhà trường, Đoàn Thanh niên và các tổ chức xã hội liên quan để hướng các em vào những hoạt động tích cực, phù hợp vừa nâng cao nhận thức xã hội vừa thể hiện sự quan tâm, tạo sự đồng thuận cao giữa các thế hệ nhằm xây dựng gia đình tiến bộ hạnh phúc.