Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2024

Ai phải đi tiên phong bảo vệ môi trường

 

AI PHẢI ĐI TIÊN PHONG BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Tôi tin chắc rằng nguyên nhân chính của tình trạng trái đất bị tàn phá là do thiếu hiểu biết, do vô minh và không chịu tìm hiểu cho tường tận.

Liệu có chấp nhận: cứ 8 phụ nữ Hoa Kỳ thì sẽ có một người bị ung thư vú. Trước Thế chiến Thứ hai, tỷ lệ này là 1/30 hay 1/40 mà nay lên tới 1/8. Không phải mọi trường hợp đều do di truyền.

Vậy mà tất cả các cơ quan nghiên cứu ung thư vú đều chú trọng vào mục tiêu tìm cách trị dứt ung thư. Chỉ có 3% ngân sách nghiên cứu được dành cho việc tìm ra nguyên nhân của căn bệnh.

Hiện nay có 300.000 chất độc hóa học đang được sử dụng. Dù chỉ một hay vài chất độc trong số đó cũng có thể gây ung thư vú.

Nhưng quan niệm chung hiện nay là không chịu ngừng sử dụng những chất độc ấy mà chỉ lo đi tìm cách điều trị.

Người ta chỉ nghĩ được rằng chữa khỏi bệnh mới là làm ra tiền, còn công tác tìm ra nguyên nhân gây bệnh thì không làm ra tiền.

Mới đầu chúng tôi không biết gì về sản xuất áo quần. Chúng tôi không có một khái niệm gì hết. Chúng tôi chỉ việc gọi cho hãng cung cấp vải và yêu cầu: “Xin gửi cho tôi 10.000 thước vải may áo sơ-mi màu này hay kiểu kia” là xong.

Nhưng rồi chúng tôi bắt đầu đặt câu hỏi, “Trong các loại sợi dệt vải, loại nào chứa nhiều chất độc nhất, loại nào lành nhất?”

Tìm cho ra câu trả lời không phải dễ, nhưng sau khi lục lọi khắp nơi, cuối cùng chúng tôi khám phá ra rằng loại vải gây hại nhiều nhất là vải dệt từ “sợi bông 100%”.

Đất trồng bông chỉ chiếm 3% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới nhưng ngành trồng bông đã sử dụng tới 25% khối lượng thuốc trừ sâu của cả thế giới.

Muốn thu hoạch bông bằng máy thì trước hết phải làm rụng hết lá cây và thứ hóa chất dùng để làm rụng lá cây chính là thuốc khai quang paraquat, loại thuốc đã được sử dụng tại chiến trường Việt Nam.

Tất cả những chất độc đó ngấm vào các tầng nước ngầm, hoặc đi vào buồng phổi của công nhân. Tỷ lệ ung thư tại các vùng trồng bông cao gấp mười lần tỷ lệ trung bình.

Tôi đã đi thị sát vùng trồng bông tại Central Valley (miền bắc California) và tôi thật sự sửng sốt. Đó là vùng đất của tử thần! Không có gì sống nổi. Không cỏ, không chim, không côn trùng, không gì hết. Chỉ có sự chết chóc.

Ở đó có những bể chứa ngầm, những hồ lớn là nơi chứa nước tưới và cũng đồng thời tích tụ các chất độc thải ra từ các ruộng bông. Người ta phải thuê người ra đó, dùng súng để bắn đuổi những con vịt trời, bởi vì nếu để những chú vịt trời uống nước ở những hồ đó thì sẽ sinh ra những con vịt con hai mỏ và ba chân.

Khi trở về, tôi tuyên bố: “Chúng ta sẽ không dính dáng gì tới sợi bông nữa.”

Lo việc của mình cho đàng hoàng

Phải nói rằng sống ngay thẳng, gương mẫu trong lĩnh vực kinh doanh là điều rất khó. Nó kéo theo những rắc rối, phức tạp mà ít nhà doanh nghiệp nào chịu khó tìm cách giải quyết, thậm chí chẳng muốn nghe nói tới.

Nhưng sau khi tự mình học hỏi và biết rõ là ta đã làm đúng thì phải hành động thôi. Bước thứ hai là phải lo tươm tất công việc của mình trước tiên, dù cho bạn là một nhà doanh nghiệp hay một cá nhân cũng vậy.

Nói theo cách của một thiền sư là: Nếu muốn thay đổi chính quyền thì không nên chú tâm vào việc thay đổi chính quyền vì sẽ chẳng đi đến đâu. Phải thay đổi các tập đoàn kinh doanh lớn, bởi vì chính quyền chỉ là “con tốt” của các tập đoàn đó.

Nhưng nếu muốn thay đổi các tập đoàn kinh doanh thì phải thay đổi người tiêu dùng.

Chung quy, trách nhiệm dồn xuống cho chúng ta, bởi người tiêu dùng chính là chúng ta. Chúng ta không còn là công dân nữa mà là những người tiêu dùng.

Chúng ta nuôi sống các tập đoàn kinh doanh, và các tập đoàn kinh doanh nuôi sống chính quyền.

Vậy thì chúng ta chính là những người cần phải được thay đổi. Một khi khám phá ra rằng ta là người cần phải thay đổi, rằng ta là nguyên nhân của vấn đề, thì chính ta sẽ phải trở thành giải pháp cho vấn đề.

Quan niệm của tôi là: tiêu thụ ít lại, nhưng tiêu thụ có chất lượng. Mức tiêu thụ của người Âu Châu chỉ bằng 20 % mức tiêu thụ của chúng ta nhưng khi họ mua một chiếc áo ấm, một cái áo ngoài, hay một cái quần thì họ chọn loại tốt nhất và họ giữ được thật lâu.

Họ không bao giờ tiêu thụ rồi vứt bỏ, rồi tiêu thụ, rồi vứt bỏ. Đó là lý do vì sao chúng ta sa vào hố sâu của sự tiêu thụ như hiện nay.

…..

Trích tác phẩm Quyền Lực Đích Thực của thiền sư Thích Nhất Hạnh về triết lý kinh doanh của Yvon Chouinard

Thơ và cuộc sống

 

THƠ VÀ CUỘC SỐNG

 

Trước đây, tôi có một quãng thời gian làm việc tại một nhà xuất bản. Thời ấy, tôi nhận thấy trong số các bản thảo gửi về chẳng hề có lấy một tập thơ nào.

Nhiều lúc, tôi còn tự hỏi các nhà thơ đã đi đâu, hay giờ không ai làm thơ nữa, không ai đọc thơ nữa?

 

Để đọc thơ, tôi thỉnh thoảng vào “đọc trộm” Facebook của các bạn thi sĩ (những người cũng lâu lắm rồi chẳng ra tập thơ nào), lâu lâu lại hình dung những câu thơ lỡ cỡ mình từng làm từ khi còn bé lắm.

Rồi tôi tự hỏi tại sao mình lại phải “lén lút” làm những việc ấy? Cũng lạ thật. Trong thời đại mọi thứ đều phải thực tế, đều phải được định giá cụ thể, thơ ca bỗng thành cái gì đáng thẹn.

 

Người ta không cười khi nghe một cô gái nói cô ấy mê thời trang, mê xe hơi, mê du lịch… nhưng có thể sẽ cười khi cô bảo mình mê thơ.

Những người mê thơ dường như đang là tàn dư của một thời đã qua. Họ chỉ còn lại một nhóm, một vài người như lạc từ một thế giới khác.

 

Thế nhưng tôi vẫn ở lại với thơ, chẳng phải vì sự “nỗi niềm hoài niệm” về một thời đã qua, chẳng phải vì muốn khác biệt bên cạnh những cô bạn say mê hàng hiệu hay những thú vui khác thời thượng hơn.

 

Thơ ca tạo ra cho tôi cảm giác chia sẻ, sự an ủi, cân bằng và cả những lời giải đáp. Đôi khi, tôi vẫn tự hỏi tại sao rất nhiều người trẻ bây giờ không nhận ra rằng những câu thơ có thể ngay lập tức nói lên tiếng lòng của họ.

 

Có cái gì tràn đầy cảm xúc hơn thơ? Có điều gì lắng đọng hơn thơ? Và bao nhiêu người cho rằng đây không phải là thời của cảm tính cũng đã bỏ lỡ những bài thơ chiêm nghiệm, chỉ ra cho họ ý nghĩa cuộc đời theo một cách súc tích và dễ nhớ hơn nhiều những cuốn sách dạy cách sống đẹp?

 

Thế nhưng, thơ ca thì làm sao có thể đổ lỗi cho cộng đồng? Cũng như hầu hết mọi điều, cuộc sống nhanh và gấp này đang đẩy dần những điều không phù hợp với nó về phía sau cánh cửa.

Những bài thơ dần dần bị lãng quên, như thi sĩ Lưu Quang Vũ từng viết: “Nỗi buồn ấy ai nào biết được”.

 

Dẫu vậy, tôi vẫn tin là chẳng có điều gì tốt đẹp sẽ thực sự mất đi, nếu nhân loại còn tồn tại thì thơ ca sẽ còn ở đó mãi, như một nơi trữ tình êm đềm để người ta trở về, và kinh ngạc thấy rằng có những câu trả lời họ hằng tìm kiếm đã ở sẵn đó rồi.

 

Thơ ca, có thể bạn chưa nhận ra, cũng giống như tình yêu trong quan niệm của Rabindranath Tagore:

 

“Trái tim anh cũng ở gần em như chính đời em vậy

Nhưng chẳng bao giờ em biết trọn nó đâu”. 

 

Phương huyên - Ở lại với thơ

Thứ Năm, 18 tháng 4, 2024

Hướng về cội nguồn ngày giỗ tổ Hùng Vương

 

HƯỚNG VỀ CỘI NGUỒN NGÀY GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG

 

Ngày Giỗ tổ Hùng Vương hay Lễ hội Đền Hùng hoặc Quốc giỗ là một ngày lễ của Việt Nam. Đây là ngày hội truyền thống của Người Việt tưởng nhớ công lao dựng nước của Hùng Vương:

 

Dù ai đi ngược về xuôi

Nhớ ngày giỗ tổ mùng mười tháng ba.

Dù ai buôn bán gần xa

Nhớ ngày giỗ tổ tháng ba mùng mười

 

Truyền thuyết kể lại rằng: Lạc Long Quân lấy Âu Cơ sinh ra một bọc trăm trứng nở ra một trăm người con là tổ tiên của người Bách Việt. Một hôm vua Lạc Long Quân bảo bà Âu Cơ:

“Ta là giống Rồng, nàng là giống Tiên, thủy hỏa khắc nhau, chung hợp thật khó”.

 

Vì vậy, năm mươi người con đã nghe theo mẹ lên núi, năm mươi người con nghe theo cha về miền biển. Lạc Long Quân phong cho con trưởng Hùng Vương nối ngôi, làm vua. Trải qua 18 đời, Hùng Vương thứ 18 đã nhường ngôi cho Thục Phán - An Dương Vương”.

 

Để ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng có công khai thiên, lập địa, vua Lê Thánh Tông năm 1470 và đời vua Lê Kính Tông năm 1601 sao chép đóng dấu kiềm để tại Đền Hùng, và chọn ngày 11 và 12 tháng 3 âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương.

 

Đến thời nhà Nguyễn - năm Khải Định thứ 2 đã chính thức chọn ngày 10 tháng 3 Âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương để tưởng nhớ các Vua Hùng và nhắc nhở mọi người Việt Nam cùng tưởng nhớ thờ cúng Tổ tiên.

 

Theo tục lệ hàng năm, ngày giỗ tổ Hùng Vương được tổ chức tại Đền Hùng, Việt Trì, Phú Thọ. Đây là dịp con cháu từ mọi miền đất nước trở về đây bày tỏ lòng biết ơn với những người đi trước. Ý nghĩa của giỗ tổ Hùng Vương đã được cả thế giới biết đến khi UNESCO công nhận

 

“Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là một Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, không chỉ thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc mà nó còn là niềm tự hào của người Việt trước bạn bè quốc tế.

 

Chúng ta tự hào là con Rồng cháu Tiên, là con cháu của các vị vua Hùng đã gây dựng nên đất nước Văn Lang, Âu Lạc và đánh thắng giặc ngoại xâm làm nền móng cho nước Việt Nam ngày nay. Đó là những ngày đầu hoang sơ nhất mở ra một thời kỳ lịch sử huy hoàng cho dân tộc ta.