Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2024

Bí quyết kinh doanh của người hoa

 

BÍ QUYẾT KINH DOANH CỦA NGƯỜI HOA

 

Hàng hoá, sổ sách, tiền bạc thu chi hàng ngày phải ghi chép cẩn thận, lưu trữ chính xác. Phải có công cụ và phương tiện lưu trữ, bảo quản tránh cháy, nổ, hư hỏng. Công tác xuất nhập phải được đối chiếu thường xuyên, cần chính xác tránh gây sai lệch, thất thoát. Có lưu trữ chính xác, làm việc với khách hàng càng thuận tiện.

 

Thời nhà Minh, có ông chủ hãng giày Hựu Liên Sơn nổi tiếng ghi chép đặc điểm giày của khách hàng rất chi tiết. Học giả Trương Hồng Sơn trước lúc đi thi khoa bảng đến đặt một đôi giày. Ông chủ như mọi khi cẩn thận ghi chép số đo, chất liệu giày, nhận thấy rằng vị khách này có chút đặc biệt: bàn chân trái to, dày hơn chân phải, ngón chân cái lại hơi khoằm.

 

Không lâu sau, Trương Hồng Sơn đỗ đạt cao, được bổ tứ phẩm. Có một vị quan nhỏ đến Hựu Liên Sơn đặt đôi giày làm quà tặng, chỉ cần nói tên đại học sĩ Trương Hồng Sơn, cửa hàng đã mau chóng lấy số liệu ghi chép lần trước, đóng được một đôi giày đẹp lại vừa khít bàn chân đặc biệt cho khách chỉ trong 3 ngày. Vị quan nhỏ và cửa hàng giày sau đó đều được coi trọng.

 

2. Buôn bán phải thức thời

Làm kinh doanh, mua bán phải biết nhìn ra cơ hội, dự đoán được nhu cầu và biến động thị trường. Gặp thời, phải biết cách tận dụng. Không gặp thời, phải biết cách ứng biến. Hay quan sát, nhạy bén và phán đoán chính xác là khởi nguồn của người kinh doanh giỏi.

 

Vào thời Tống, có một lần thành Lâm An bị cháy rất to, cửa hàng của một người họ Bùi cũng bị bắt lửa, nhưng ông ta không vội chạy đi chữa cháy mà sai người cầm ngân lượng ra ngoài thành mua những vật liệu xây dựng như gỗ, tre, ngói…

Sau khi lửa đã được dập tắt, tất cả trở thành đống đổ nát hoang tàn, thị trường vật liệu xây dựng trở nên khan hiếm. Lúc này người họ Bùi kia nhân thời cơ tung hàng ra bán, tiền kiếm được gấp hàng chục lần giá trị cửa hàng đã bị cháy kia, đồng thời cùng đáp ứng được nhu cầu của thị trường và nhân dân.


3. Nguyên liệu phải chất lượng

Hàng hoá mua vào phải được xem xét thấy tận mắt, đến tận nơi, sờ tận tay. Phải đạt tiêu chuẩn tra xét, kiểm soát, kiểm nghiệm chất lượng tốt nhất, tránh mua trâu vẽ bóng.

 

Hàng thuốc Tống Nguyên Đường ở Bắc Kinh rất tỉ mỉ trong việc chế thuốc, cửa hàng chỉ dùng những thứ cao cấp để chế thuốc. Nào là vị thuốc quý ở miền trung, nào là chỉ dùng thuần loại gà chân đen để làm thuốc ô kê bạch phụng hoàn, gà thì phải chọn loại đủ cân, đủ lạng, giết gà phải đúng cách để đảm bảo tiết gà trong cơ thể và làm tăng giá trị dinh dưỡng.

Có hơn 40 cách để chế ra thuốc viên nhưng cách nào cũng tỉ mỉ để đảm bảo chất lượng thuốc tốt nhất, bảo quản trong 3 năm nhằm hạ hỏa trong viên thuốc để thuốc có vị thơm ngon rồi mới đem ra bán. Đó là lý do mà tên tuổi Tống Nguyên Đường vẫn còn lưu lại cho đến ngày nay.

 

4. Hàng hoá phải tối ưu

Hàng hoá bán ra phải tối ưu hoá chất lượng, công dụng, giá trị, làm sao để bán được nhiều nhất có thể với giá phù hợp nhất.

Ông Chu làm nghề bán ngọc trai. Ông thường dậy thật sớm để là người đầu tiên đón thuyền chài về bến và chọn những viên ngọc to, tròn, bóng nhất. Sau đó, ông chọn gỗ Đàn Hương thật đẹp để làm những chiếc hộp đặc biệt, ngoài chạm hình long phượng, đá quý viền quanh, bên trong thuê người lót nhung tím tía và lông chim.

Giá ngọc trai của ông Chu rất đắt, nhưng khách hàng vẫn nô nức mua. Có những khách hàng mua hàng chỉ vì chiếc hộp quá đẹp, có những khách nhìn thấy chiếc hộp là đã ưng ngọc rồi, còn đa số mọi người cảm thấy hài lòng vì vừa được mua ngọc tốt lại được “khuyến mại” thêm hộp đựng. Ông chủ Chu cứ thế mà hốt bạc.

5. Giao thương phải linh động

Trong giao thương, linh động là vũ khí tuyệt vời giúp ta không chỉ chèo chống giữa thắng thua trên thương trường mà còn có thể nắm bắt và tự tạo ra cơ hội.

Dưới triều Đông Hán, vùng liêu đông dân chúng nhưng chỉ nuôi heo đen. Trương Hứa nuôi heo nọ lại có lứa heo đẻ toàn heo trắng, rất lạ, ai biết được cũng rất thích và hiếu kỳ đến xem đàn heo.

Trương Hứa nghĩ rằng ở vùng này toàn heo đen bèn mang lứa heo đó đến chợ Nam Kinh để bán, sau 3 tháng đi đường ông mới tới nơi nhưng ở đây giá heo trắng lại rất rẻ mạt vì ở Nam Kinh không thiếu gì giống heo này. Ông nghĩ ngay rằng, như vậy có thể khai thác giống heo trắng ở quê nhà thì sẽ được khá lời.

Ông Trương mua ngay giống heo trắng ở Nam Kinh mang về quê, đồng thời ở Nam Kinh không có heo đen thì ông mang giống heo đen đến đó bán. Mới có một năm mà ông đã giàu nứt vách nhờ heo.

6. Doanh nghiệp phải uy tín

Người làm kinh doanh bao giờ cũng phải đặt uy tín lên hàng đầu. Có uy tín thì có tất cả, mất uy tín thì mất tất cả. Đây là quy ước bất di bất dịch bất thành văn, người nào cố ý phá vỡ quy ước này thì không đáng được gọi là doanh nhân.

Nhà thuốc Du Đường có lối thiết kế rất độc đáo, đại sảnh tiếp khách ở trong nhà, khách hàng phải đi qua hành lang dài, dọc hai bên treo những tấm bảng đẹp trình bày kĩ nguyên liệu, xuất xứ và công dụng của 38 toa thuốc.

Khách hàng mua thuốc không ưng ý mang đến trả lại sẽ được bồi thường thuốc mới, còn chỗ thuốc trả lại sẽ được hủy ngay tại chỗ bằng một lò than. Nhà thuốc Du Đường chưa bao giờ trễ hẹn giao thuốc, cũng như chưa bao giờ đóng thiếu một đồng thuế. Vì vậy mà hoàng đế ban cho dòng: “Du Đường Kinh đô đệ nhất dược điếm.”

7. Quan hệ phải thiện chí

Buôn có bạn, bán có phường, Đối với đối tác kinh doanh nên có sự hợp tác mật thiết, giúp đỡ lẫn nhau thay vì luôn luôn cạnh tranh nghi kỵ. Thương hội có thể tạo điều kiện xúc tiến thương mại có lợi cho đôi bên.

Tương truyền, Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương muốn dân chúng ăn Tết vui vẻ, liền ra lệnh đến Tết mọi nhà phải treo câu đối. Khi vi hành thị sát, hoàng đế phát hiện một cửa hàng thịt heo không treo câu đối, lý do vì bị đối thủ mưu hại, đẩy họ vào cảnh nghèo túng không có tiền mua giấy đỏ mực tàu.

Thiên tử cảm động, thân hành viết cho câu đối: “Đôi tay mở cửa sinh tử. Một nhát chặt đứt thị phi.”

Chủ cửa hàng lập tức cho khắc câu đối đó của hoàng đế ở hai bên cửa. Người dân khắp nơi kháo nhau về cửa hàng thịt được nhà vua ban tặng câu đối, họ cho rằng thịt heo ở đây chất lượng tốt, đến thiên tử cũng phải thích nên kéo đến mua nườm nượp. Để cảm ơn Minh Thái Tổ, cửa hàng thịt heo năm nào cũng dâng lễ vua con heo béo nhất, ngon nhất, thành lệ đến đời cháu chắt vẫn vậy.

 

Theo: Brandsvietnam

Thứ Bảy, 6 tháng 4, 2024

Hãy giữ lại đứa trẻ trong tâm hồn mình

 

HÃY GIỮ LẠI ĐỨA TRẺ TRONG TÂM HỒN MÌNH

Chúng ta thường nghĩ rằng trẻ con rất ngây thơ, chúng cần phải học hỏi nhiều điều từ người lớn thì mới có thể trưởng thành được. Thực tế thì, nếu người lớn giống trẻ con hơn một chút, cuộc sống của họ sẽ rất khác, theo một cách vô cùng tích cực…

Vào những năm 1990 của thế kỷ 20, nhà từ thiện Kenneth Belling đi ngang qua khu vịnh San Francisco. Đột nhiên, ông phát hiện mình đánh rơi chiếc ví khi nào không hay.

Trợ lý lo lắng nói:

– Có lẽ chúng ta đã đánh rơi chiếc ví vào sáng nay, lúc đi qua các khu nhà ổ chuột ở Berkeley. Bây giờ chúng ta phải làm gì đây?

Belling ôn tồn nói:

– Chỉ có thể chờ người nhặt được ví gọi lại thôi.

Đã mấy tiếng trôi qua, ông Kenneth Belling vẫn không nhận được bất cứ cuộc gọi nào. Người trợ lý thất vọng nói:

– Thôi, chúng ta đừng chờ nữa, đừng hy vọng gì ở những người sống trong khu nhà ổ chuột.

Ông Belling lặng lẽ nói:

– Không, tôi vẫn muốn chờ đợi xem thế nào.

Người trợ lý tỏ vẻ nghi hoặc:

– Trong ví có danh thiếp của ngài, nếu muốn trả lại thì họ đã gọi từ lâu rồi, chỉ mất vài phút thôi. Chúng ta đã đợi cả buổi chiều mà vẫn không thấy tin tức gì. Chắc chắn người nhặt được đã giữ lại chiếc ví rồi.

Khu nhà ổ chuột ở Berkeley toàn là người nghèo, họ sẽ không trả lại cho ngài một món tiền lớn như vậy đâu.

Belling vẫn khăng khăng chờ đợi.

Trời bắt đầu tối và điện thoại vang lên. Cuộc điện thoại này là của người nhặt được chiếc ví, nói là đợi ông trên đường Kata.

Người trợ lý vội hét lên:

– Hãy cẩn thận! Đây có thể là một cái bẫy không? Hay là họ muốn tống tiền?

Belling bỏ qua lời cảnh báo và đến địa điểm được hẹn. Ông tới nơi thì thấy một cậu bé gầy còm, mặc chiếc áo rách, trên tay cậu cầm chiếc ví tiến lại gần. Người trợ lý vội cầm lấy chiếc ví và kiểm tra, anh thấy bên trong vẫn còn nguyên số tiền.

Cậu bé ấp úng nói:

– Cháu có một lời cầu xin, các ngài có thể cho cháu một ít tiền được không ạ?

Người trợ lý cười lớn:

– Biết ngay mà…

Belling vội ngắt lời trợ lý rồi mỉm cười với cậu bé và hỏi cậu muốn bao nhiêu.

– Cháu chỉ xin 1 đô la thôi ạ

Ngập ngừng một lát, cậu bé ngượng ngùng nói tiếp:

– Cháu đã tìm kiếm rất lâu để đến được bốt điện thoại công cộng nhưng cháu không có tiền. Sau đó cháu đã vay 1 đô la để gọi cho ngài.

Người trợ lý cúi đầu xấu hổ. Còn Belling vội ngồi xuống ôm cậu bé vào lòng.

Belling quyết định thay đổi kế hoạch từ thiện: Ông bắt đầu cho xây dựng các trường học ở Berkeley để những trẻ em nghèo không có tiền đi học trong vùng được đến trường.

Trong ngày khai giảng, Kenneth Belling xúc động nói: “Chúng ta không nên tự phán xét về người khác. Chúng ta cần tạo ra không gian và cơ hội để đón tiếp học sinh có tâm hồn thuần khiết và tốt bụng. Điều này rất đáng để chúng ta đầu tư”.

-----

Trong thế giới của người lớn, chín chắn mới được coi là tốt, sâu sắc mới đáng để tự hào, lý trí mạnh mẽ mới đáng để kiêu ngạo.

Nhưng chúng ta lại quên mất rằng, chính sự ngây thơ mới làm cho chúng ta được yêu mến; chính sự thuần khiết mới giúp chúng ta giảm nhẹ những rối ren và đen tối của cuộc đời.

Lương thiện nhất, chân thành nhất, thuần khiết nhất, đó chính là tâm hồn trẻ thơ. Một nụ cười trong sáng, hồn nhiên của chúng cũng đủ để xua tan những bộn bề, muộn phiền trong lòng những con người phức tạp nhất.

Vậy mới nói, dẫu có lớn khôn thế nào chăng nữa, mong bạn cũng hãy giữ lại đứa trẻ trong tâm hồn mình, như một mỏ neo, để có thể luôn đối với nhau chân thành trong cuộc sống vốn đã quá bon chen này.

Nhà từ thiện Kenneth Belling (ảnh: Tamaractalk).