Thứ Năm, 21 tháng 3, 2024

Bản thiết kế cuộc đời của chính mình

 

BẢN THIẾT KẾ CUỘC ĐỜI CỦA CHÍNH MÌNH

Thay vì luôn chỉ là người theo sau để trở thành một “phiên bản hoàn hảo” của người khác, hãy thiết kế nên một phiên bản cuộc đời toàn vẹn của chính mình.

Bạn có đang mải miết đuổi bắt những “tấm gương” – hình mẫu bạn cho rằng “hoàn hảo” hơn mình?

 

Những tấm gương tốt theo một cách nào đó cũng là sự đối chiếu để chúng ta soi vào, nhìn ra những điều thiếu sót của chính mình để dần hoàn thiện.

Đừng soi vào những “tấm gương hoàn hảo” và cố biến mình trở thành những ảo ảnh phản chiếu ấy. Chúng ta sẽ mãi chỉ đuổi bắt theo cái bóng của người khác chứ không thật sự sở hữu nó.

 

Như thể mọi cá nhân đều đang khám phá cuộc đời với một chiếc la bàn được thiết kế độc nhất vô nhị.

Tinh hoa của một người nằm trong chính cuộc đấu tranh không ngừng nghỉ với sự tồn tại không cầu mà có của anh ta, cái thế giới chứa đầy những tấm gương – chỗ dựa duy nhất của anh ta, niềm tin đối với bản thân hành trình cuộc sống.”

– David R. Hawkins

Chạy theo “phiên bản mẫu” của người khác và sống với cuộc sống họ để có cảm giác trở nên thành công hơn chỉ khiến hao tổn tinh thần của chính mình. 

Phải đạt được các thành tựu như người ta mới chứng tỏ mình cũng thành đạt? Phải kiếm được nhiều tiền như người ta; Phải có được xe xịn như người ta; Phải có vị trí cao như người ta; Phải có cuộc sống trong mơ như người ta mới là thành công;…

 

Những quan niệm sống như thế này mãi mãi là một cuộc chạy đua không hồi kết, chỉ làm lãng phí thời gian tận hưởng cuộc sống thực.

Khi có được những thứ như người ta thì chính ta cũng chỉ là một “bản sao” mà thôi.

 

Sống phải hạnh phúc với quá trình chinh phục mục tiêu của riêng mình thì khi đơm hoa kết trái mới khiến mọi thứ đáng giá.

Còn sống với nỗi dày vò, tham vọng theo đuổi những thứ như người ta, tâm trí đã đủ mệt nhoài. Lúc đạt được các giá trị đó rồi làm sao có thể tận hưởng nó một cách trọn vẹn.

 

Thay vì thế, sao ta không vẽ nên cho mình một lộ trình mục tiêu và đạt được các “thành tựu” phù hợp với chính con người mình. Để các giá trị đạt được là thật chứ không phải giá trị ảo.

Đừng biến cuộc đời mình trở thành một “bản copy” của người khác

Bản thiết kế quan trọng nhất là thiết kế nên cuộc đời của chính mình.

 

Thiết kế nên cuộc sống của riêng mình và khiến phiên bản của chính mình trở nên hoàn hảo hơn mỗi ngày.

Khi làm chủ bản thiết kế cuộc đời của mình, chúng ta sở hữu “một phiên bản độc quyền” mà không phải chỉ là một “bản copy” từ người khác.

 

 

"Một cuộc sống được thiết kế chỉn chu sẽ có khả năng tự làm mới chính nó, đó là một đời sống sáng tạo, phong phú, luôn biến đổi, tiến triển và không bao giờ thiếu những bất ngờ thú vị.

Có vô số phiên bản thiết kế cuộc đời, hướng đi nào cũng ngập tràn hi vọng, cơ hội sáng tạo và mở ra một thực tại khiến cuộc đời trở nên thật đáng sống.

Cuộc sống của bạn không phải là một món đồ, đó là một hành trình trải nghiệm, và niềm vui thú thật sự đến từ việc thiết kế, đồng thời tận hưởng trải nghiệm đó.”

– Bill Burnett & Dave Evans

Hãy tạo ra những điều thú vị, bất ngờ cho cuộc sống của chính mình. Đây cũng là cách tưới tẩm tâm hồn của bạn luôn tươi mới. Đừng quên thiết kế cho cuộc sống của mình để từng giây phút cuộc đời thật ý nghĩa và đáng sống.

 

Trong cuốn sách “Thiết kế một cuộc đời đáng sống” (Designing your life) – tác giả Bill Burnett & Dave Evans cho rằng, bí mật về hạnh phúc trong thiết kế cuộc sống không phải là đưa ra lựa chọn đúng mà là học cách giỏi lựa chọn. Bạn lựa chọn sống hạnh phúc? Lựa chọn cuộc sống vật chất? Lựa chọn cuộc sống khỏe mạnh hay lựa chọn sự bình yên trong tâm hồn?…

 

Nó không chỉ đòi hỏi ở bạn khả năng đặt ra những lựa chọn và các phương án thay thế tích cực, mà đó còn là khả năng sống với chúng một cách trọn vẹn.

 

Bản thiết kế cuộc sống hoàn chỉnh của bạn sẽ mang một diện mạo và cảm nhận riêng biệt. Định hình nên một cá tính rõ nét cho bản thân và sống hạnh phúc với phiên bản của chính mình!

Love là yêu hay thương

 

LOVE LÀ YÊU HAY THƯƠNG

Để dịch chữ “love”, trong tiếng Việt có hai chữ: yêu và thương. Chúng khác nhau thế nào? Theo tôi, khác chủ yếu ở chỗ: “Yêu” bao hàm ý niệm chiếm hữu và có tính chất độc quyền, còn “thương” thì không.

Mẹ thương con, càng nhiều người thương con, mẹ càng mừng. Nhưng vợ yêu chồng thì dứt khoát chỉ có một, không ai được quyền chia sẻ cả.

Yêu nước cũng vậy: người ta không chấp nhận sự chia sẻ với các nước khác. Có điều, đến lứa tuổi nào đó, giữa các cặp tình nhân hay vợ chồng già với nhau, người ta thường dùng chữ “thương” hơn là “yêu”: Với họ, lúc ấy, chữ “thương” sâu đậm và đằm thắm hơn, trong khi chữ “yêu” lại có vẻ hơi sáo. Phải vậy không?

Thứ Tư, 20 tháng 3, 2024

La Paloma ca khúc nổi tiếng trăm năm tuổi

 

LA PALOMA CA KHÚC NỔI TIẾNG TRĂM NĂM TUỔI

 

Vào năm 492 trước Công Nguyên, linh hồn của những người thủy thủ ra đi trên một chiến hạm bị đắm trong cơn bão đã hóa thành những chú chim bồ câu bay vào đất liền để báo tin cho người thân, trao gửi những yêu thương cuối cùng… 

 

Đó là lý do mà bồ câu từ đó đã trở thành biểu tượng của hòa bình và yêu thương. Sự xúc động mãnh liệt từ câu chuyện này đã đem đến một kiệt tác âm nhạc cho nhân loại, một ca khúc dù đã 156 tuổi nhưng chưa hề già đi ở bất cứ góc phố nào trên thế giới: La Paloma. 

 

Câu chuyện về những người thủy thủ ra đi vĩnh viễn không trở về.

 

Ca khúc La Paloma (tên Việt: “Cánh buồm xa xưa”) bắt nguồn từ câu chuyện xưa về cuộc xâm lược xứ Hy Lạp của vua Darius I nước Ba Tư vào năm 492 trước Công nguyên, thời điểm mà chim bồ câu còn chưa được biết đến ở châu Âu. 

Lúc đó, hạm đội Ba Tư do đại tướng Mardonius chỉ huy đã gặp phải một trận bão ngoài khơi đỉnh Athos, nhiều thuyền chiến Ba Tư đã bị đắm trong trận bão này.

 

Người Hy Lạp đã nhìn thấy nhiều chú chim bồ câu bay ra khỏi các xác tàu Ba Tư bị đắm, bay qua biển mênh mông. Người ta đặt câu hỏi những chú chim bồ câu trắng này phải chăng là linh hồn của những thủy thủ hóa thân?

Hay những chú chim này mang về đất liền những thông điệp tình yêu cuối cùng của những thủy thủ đã bỏ mình giữa biển cả cho cha mẹ, vợ, con, người yêu?

Mối liên hệ cuối cùng của tình yêu vượt qua cả cái chết và sự chia ly đã được cất lên trong bài “Cánh buồm xa xưa” (bản thân cái tên tiếng Tây Ban Nha “La paloma” có nghĩa là “chim bồ câu”).

Trong khi lời bài hát ở các phiên bản ngoại ngữ có thể không đúng so với nguyên bản, tinh thần đó của bài hát vẫn được bảo tồn sau nhiều lần thu âm, dù dưới dạng nào và bài hát vẫn thể hiện được cao trào của sự chia ly với và đoàn tụ, cái chết và tình yêu vĩnh cửu.

 

Bồ câu trắng của hòa bình và tình yêu.

 

Từ câu chuyện xa xưa đó, chim bồ câu và ca khúc Paloma đã trở thành biểu tượng của tình yêu vĩnh cửu và ước vọng hòa bình.

Trong các cuộc chiến tranh, chim bồ câu còn được huấn luyện để đưa thư, và có rất nhiều những bức thư tình mà những chú chim bồ câu đã giúp kết nối giữa người ở nhà và người ra chiến trận, những bức thư thông báo kết thúc chiến tranh.

 

Chính trên bến cảng La Habana, nhạc sĩ người Tây Ban Nha Sebastian Iradier từ cảm hứng của câu chuyện xưa và đàn bồ câu trắng đã sáng tác nên kiệt tác bất hủ này, khi ông đến thăm Cuba vào năm 1861 và bài hát ra đời khoảng vào năm 1863.

 

 

Ảnh hưởng của thể loại nhạc Habanera, một kiểu nhạc dance rất phổ biến ở Cuba trong thế kỉ 19 thường đã tạo nên những giai điệu rất khác biệt cho La Paloma, và dù được dịch ra ở thứ tiếng nào, và chơi bằng loại nhạc cụ nào đi nữa thì ai đều cũng có thể cảm nhận được khát khao về tình yêu và hòa bình được truyền tải trong bài hát này.

Khi lời hát du dương cất lên, người ta có cảm giác trái tim như tan chảy…

 

Thuyền ai đang lênh đênh vượt sóng biếc cho tan vơi cơn sầu

Ai đang đắm đuối trên lưng muôn con sóng xanh bạc đầu

Biệt ly sao chua cay làm mắt ướt tóc xanh nay phai màu

Nhớ mãi, nhớ mãi môi em cười khi bến xa con tàu…

 

Kỷ niệm đẹp có thể không phải vì nó vui hay buồn, mà vĩnh viễn không bao giờ trở lại với chúng ta nữa… Hãy vững bước vượt lên mọi nghịch cảnh để mỉm cười.

 

Hà Phương Linh

Ở Việt Nam, mấy mươi năm về trước, Từ Vũ và Phạm Duy viết lời Việt cho La Paloma và đặt tựa đề là “Cánh Buồm Xa Xưa”.