Thứ Hai, 11 tháng 3, 2024

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu "Tượng đài khoa học Việt Nam"

 

GS.TS Nguyễn Văn Hiệu – Nhà khoa học vật liệu duy nhất của Việt Nam được xếp hạng trên thế giới

 GS.VS NGUYỄN VĂN HIỆU "TƯỢNG ĐÀI KHOA HỌC VIỆT NAM"

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu được ví như "Tượng đài khoa học Việt Nam". Viện sĩ M. Máccốp đã nhận xét về ông như sau: "Đôi khi trong cuộc đời, có người gặp may, tìm thấy những ý tưởng thiên tài dẫn đến những kết quả quan trọng, tựa như tìm thấy một mỏ vàng. Còn Nguyễn Văn Hiệu là một trường hợp khác. Như người ta thường nói, Anh không ngồi đợi khoa học "bố thí" cho mình. Anh đã đạt được những kết quả làm cho mọi người ngạc nhiên bằng cách lao động rất nhiều, bằng năng lực lao động rất lớn…".

 

Nguyễn Văn Hiệu sinh ngày 21/7/1938 tại thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây, trong một gia đình có bố là một cán bộ cách mạng. Gia đình có bảy anh chị em, chỉ trông vào gánh hàng xén của mẹ.

Tuổi thơ của cậu bé Hiệu lớn lên trong những ngày cả gia đình nay đây mai đó vì tản cư, chạy giặc. Vì là anh cả, không ít lần Nguyễn Văn Hiệu có ý định bỏ học để phụ giúp mẹ kiếm tiền nuôi các em. Nhưng ý chí khát khao hiểu biết và học tập đã thôi thúc cậu đến trường.

Cậu học sinh Nguyễn Văn Hiệu đã hoàn thành chương trình phổ thông trong tám năm, khi gia đình đi tản cư từ Hà Nội vào Thanh Hóa.

Sau cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi, Nguyễn Văn Hiệu thi đỗ vào Trường Đại học Sư phạm Khoa học và theo học ngành Vật lý với mong muốn trở thành một giáo viên. Đại học khi ấy chỉ học hai năm và không có nghỉ hè.

Năm 1956, khi mới có 18 tuổi, với kết quả tốt nghiệp xuất sắc, tân cử nhân Nguyễn Văn Hiệu được phân về giảng dạy tại Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Sau 4 năm giảng dạy tại Khoa Vật lý, tháng 10/1960, cùng gần 30 tân cử nhân khác, Nguyễn Văn Hiệu được gửi đi nghiên cứu tại Liên Xô.

Với thành tích nổi trội trong quá trình nghiên cứu tại Viện Liên hiệp nghiên cứu hạt nhân Đúpna, TS. Nguyễn Văn Hiệu được Trường Đại học Tổng hợp Lômônôxốp mời làm Phó giáo sư, rồi Giáo sư kiêm nhiệm. Cùng với GS.TS Lôgunốp và một số nhà vật lý khác,

Nguyễn Văn Hiệu đã phát minh ra quy luật mới trong lĩnh vực vật lý hạt nhân năng lượng cao - quy luật "bất biến kích thước của tiết diện các quá trình sinh hạt". Với công trình này, Nguyễn Văn Hiệu là một trong số rất ít những nhà khoa học của Việt Nam được Ủy ban Nhà nước Liên Xô về phát minh và sáng chế cấp Bằng phát minh.

Trong lĩnh vực nghiên cứu về lý thuyết chất rắn, các nhà khoa học của Việt Nam và thế giới luôn coi GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là người anh cả và là chuyên gia hàng đầu của lĩnh vực này. Với những thành quả trong nghiên cứu khoa học mang tính vượt trội, Nguyễn Văn Hiệu được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Liên Xô năm 1982 và năm 1986, ông vinh dự được trao tặng Giải thưởng Lênin về Khoa học kỹ thuật.

Với các công trình nghiên cứu xuất sắc của mình, Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu vinh dự được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Khoa học Công nghệ, năm 1996. Đây là những phần thưởng cao quý nhất trao tặng cho nhà khoa học có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp nghiên cứu khoa học công nghệ của Liên Xô và Việt Nam.

 

Năm 1969, ông Nguyễn Văn Hiệu trở về Việt Nam. Lúc này, Chính phủ đang chủ trương thành lập một số viện nghiên cứu khoa học. GS. Nguyễn Văn Hiệu được Thủ tướng Phạm Văn Đồng tin tưởng, trực tiếp giao nhiệm vụ làm Viện trưởng Viện Vật lý. Ông là Viện trưởng trẻ tuổi nhất trong lịch sử khoa học Việt Nam.

 

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu nhớ ngày đó, các cán bộ của Viện Vật lý đã không quản ngại khó khăn, gian khổ đã cùng ông ngược lên Phú Thọ mua tre, nứa để dựng trụ sở rồi trộn bùn với rơm để trát tường. Ngay sau khi hoàn thiện trụ sở, cả Viện Vật lý đã hân hoan chào đón Thủ tướng Phạm Văn Đồng về thăm.

Năm 1999, ông nhận lời mời đặc biệt của Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội GS.VS Nguyễn Văn Đạo về làm việc tại ĐHQGHN. Là một người gắn bó và trưởng thành cùng với sự phát triển của nền khoa học và giáo dục Việt Nam, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu luôn quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục và việc đào tạo thế hệ trẻ. Ông cũng là một trong những người đi tiên phong trong việc nhìn nhận cần có cải cách tiền lương cho ngành giáo dục.

GS.VS Nguyễn Văn Hiệu là ủy viên Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII và là đại biểu Quốc hội nhiều khóa. Trong cương vị một người thầy, GS.VS Nguyễn Văn Hiệu có một mong muốn thật giản dị nhưng rất thiết thực với đời sống: "Làm sao giảng dạy được cho các học trò của mình: nếu là kỹ sư trong nhà máy thì làm việc thật tốt, nếu là nhà khoa học thì có nhiều phát minh, nếu là thầy giáo thi giảng bài thật hấp dẫn và truyền thụ được nhiều kiến thức cho học trò…".

GS.TS Nguyễn Hữu Đức, nguyên hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ, nguyên Phó Giám đốc ĐH QGHN, học trò của GS.VS Nguyễn Văn Hiệu chia sẻ: "Tôi vinh dự được học và làm việc với thầy. Mỗi khi nghe thầy giảng, chúng tôi như được tiếp thêm sức mạnh, nhiệt huyết và đam mê với ngành vật lý với công việc nghiên cứu của mình. Thầy Hiệu là người sáng lập, đặt nền móng xây dựng trường ĐH Công nghệ - ĐHQGHN. Suốt những năm qua, tập thể cán bộ, giảng viên và sinh viên của trường vẫn luôn khắc ghi hình ảnh vị giáo sư tóc đã bạc luôn say sưa trong các bài giảng, thân tình cởi mở và thẳng thắn trong đời sống thường nhật với tất cả mọi người".

 


Kiếm ít tiền hơn vợ nỗi buồn của không biết bao nhiêu ông chồng Việt

 

KIẾM ÍT TIỀN HƠN VỢ NỖI BUỒN CỦA KHÔNG BIẾT BAO NHIÊU ÔNG CHỒNG VIỆT

Nhiều gia đình như có một quy luật "ngầm": Ai kiếm được nhiều tiền hơn thì người đó có tiếng nói. Ông chồng thường khi những khoản chi tiêu lớn trong nhà, vẫn phải nhường vợ một bậc.

Nhiều khán giả chắc vẫn không quên câu chuyện trong bộ phim "Con nhà giàu siêu châu Á" khắc họa một nhân vật nữ phụ giàu có lấy một ông chồng thu nhập kém hơn và cái kết là hai người ly dị vì người chồng ngoại tình.

Rõ ràng, không chỉ tại Việt Nam, các nước phương Đông cũng vẫn giữ những quan điểm cứng nhắc về chuyện này.

Trên thực tế, câu chuyện những người chồng kiếm ít tiền hơn vợ không còn là điều quá hiếm gặp trong xã hội khi phụ nữ ngày càng có học thức tốt hơn cũng như khẳng định bản thân trong công việc.

Thay đổi về vai trò của phụ nữ là dễ thấy, theo sau đó là công việc và thu nhập nhưng thay đổi về quan điểm trong xã hội dường như vẫn không thể theo kịp.

Đó là một xu thế bình thường nhưng cách chúng ta nhìn nhận nó vẫn như một điều "bất thường".

Chỉ cần hỏi nhanh khoảng 10 anh chồng Việt Nam chắc phải đến 7, 8 người không thích có thu nhập thấp hơn vợ.

Định kiến về phụ nữ kiếm nhiều tiền

Ngày nay tìm một người vợ kiếm tiền giỏi hơn chồng là điều không khó, cũng tương tự như việc tìm một người đàn ông thấy việc đó là "bất bình thường". Đằng sau việc chê trách một ông chồng kiếm ít tiền hơn vợ là việc không chấp nhận phụ nữ có thể giỏi và hơn đàn ông.

Sự coi trọng phụ nữ đôi khi chỉ mang tính hình thức; cánh nam giới vẫn rủ rỉ với nhau rằng "thà lấy vợ không giỏi mà xinh còn hơn lấy đứa giỏi hơn chồng".

Không ít các ông chồng, dù thu nhập không tốt bằng vợ nhưng vẫn một mực bắt người vợ phải nghỉ làm, ở nhà quán xuyến nội trợ hay chăm sóc con.

Phần vì họ muốn thể hiện bản thân là người chủ của gia đình, phần vì họ không chịu được những định kiến từ bên ngoài và lối suy nghĩ người vợ nên ở nhà lo cho gia đình vẫn còn găm chặt trong đầu họ.

Câu chuyện "đàn ông kiếm ít tiền hơn vợ" không chỉ dừng lại ở định kiến về thu nhập gia đình khi nó liên quan tới nhiều vấn đề khác trong xã hội: Việc chúng ta không ngừng hỏi thu nhập của người khác để lấy ra so sánh, sự soi mói bới móc trong câu chuyện của người khác và cả cách áp đặt gia đình nào cũng phải theo một khuôn mẫu vai trò và thứ bậc.

Trong tương lai, không chỉ tại Việt Nam mà tại nhiều quốc gia, đặc biệt là những đất nước đang phát triển với việc trao quyền nhiều hơn cho phụ nữ, sự chênh lệch tài chính nam nữ sẽ ngày càng được nới rộng.

Hôn nhân trong thế kỷ 21 sẽ cần cách tiếp cận của thế kỷ 21 và những giải pháp thực sự.

Giải pháp không phải là nam giới phải gồng mình lên để kiếm nhiều tiền hơn; đó là vợ chồng phải đối thoại nhiều hơn, người vợ cần hiểu hơn về sự tôn trọng, người chồng hiểu hơn về bình đẳng và hai vợ chồng

nhìn ra những khía cạnh khác, mục tiêu quan trọng trong cuộc hôn nhân ngoài tiền bạc.

Hãy để "kiếm ít tiền hơn vợ" không còn là một nỗi buồn mà cách để gợi nhắc mỗi người chồng rằng chúng ta còn nhiều thứ khác trong mối quan hệ cần củng cố và luôn có những thứ người chồng có thể làm tốt hơn vợ.

Chủ Nhật, 10 tháng 3, 2024

Giới trẻ Nhật Trung Hàn đang từ bỏ 3 thứ: hẹn hò, hôn nhân và con cái

 

GIỚI TRẺ NHẬT TRUNG HÀN ĐANG TỪ BỎ 3 THỨ: HẸN HÒ, HÔN NHÂN VÀ CON CÁI

Gánh nặng kinh tế, việc làm, mất niềm tin vào hôn nhân hay muốn theo đuổi sự nghiệp, ngày càng nhiều người trẻ châu Á kết hôn muộn, thậm chí không lập gia đình và sinh con.

Cuộc khảo sát do Viện Y tế và Xã hội Hàn Quốc thực hiện cho thấy 12,2% nam giới và 20,6% phụ nữ không hẹn hò vì không muốn mất tự do.

Tại Trung Quốc, vấn đề dân số già hóa ngày càng tồi tệ khi tỷ lệ kết hôn và sinh con ở quốc gia này đều giảm. Tới năm 2030, sẽ có khoảng 1/4 dân số nước này ở độ tuổi trên 60.

Những con số đáng để chú ý, cho thấy một tình trạng không mới trong: người trẻ “lười” yêu, ngại sinh con, thích theo đuổi sự nghiệp hơn là xây dựng gia đình.

Gánh nặng kinh tế, việc làm. Muốn theo đuổi con đường học vấn. Tập trung phát triển sự nghiệp. Mất niềm tin vào hôn nhân.

Hàng loạt lý do khiến ngày càng nhiều người trẻ kết hôn muộn, thậm chí không lập gia đình và sinh con.

Lớn lên trong điều kiện kinh tế phát triển và môi trường có nhiều giá trị đa dạng hơn các thế hệ trước, Millennials (những người sinh từ năm 1981-1996) ở châu Á thời gian gần đây không còn coi việc kết hôn và sinh con là mục đích sống duy nhất.

“Hãy tạo ra một xã hội mà ở đó tôi có thể nuôi 3 đứa trẻ”

Tháng 5/2019, Bộ trưởng An ninh mạng Nhật Bản Yoshitaka Sakurada gây tranh cãi với phát biểu về tỷ lệ sinh đang đạt mức thấp kỷ lục của xứ sở hoa anh đào tại một sự kiện gây quỹ của tỉnh Chiba.

Với tư cách thành viên của Hạ viện, ông Sakurada hy vọng những người tham gia có thể gián tiếp thúc đẩy tỷ lệ sinh của đất nước bằng cách thúc giục con cái lập gia đình, sinh con.

 

“Số lượng phụ nữ cảm thấy không cần thiết phải kết hôn đang tăng lên. Tôi muốn các bạn yêu cầu con cháu mình nên sinh ít nhất 3 đứa con”, ông Sakurada phát biểu tại sự kiện.

Tuyên bố này ngay lập tức tạo ra làn sóng phẫn nộ. Trong bài đăng trên Twitter, nhiều người để lại bình luận thể hiện sự giận dữ.

 

“Tôi muốn có ít nhất hai đứa trẻ nhưng xin thưa không có tiền để nuôi chúng, vì vậy tôi mệt mỏi khi nghe mọi người nói những điều này”.

“Vợ chồng tôi đều làm việc để kiếm tiền chăm sóc cha mẹ già mà chúng tôi yêu quý, vì vậy yêu cầu có ít nhất ba đứa con là quá mệt mỏi”.

“Ông ấy không hiểu gì cả. Mọi người không sinh con không phải vì họ không muốn có con. Ông ấy không hiểu rằng trong thế giới ngày nay, rất khó khăn để nuôi 3 đứa trẻ”.

Sau khi phải đối mặt với phản ứng dữ dội của dư luận, ông Sakurada lên tiếng giải thích trước báo giới rằng mình không hề có ý định ép buộc người khác phải làm cha mẹ hay làm tổn thương bất kỳ ai.

“Tôi cũng mong muốn mọi người tận hưởng hạnh phúc khi có con và muốn tạo ra một môi trường tốt đẹp để nuôi dạy trẻ trở nên dễ dàng hơn”, Bộ trưởng Sakurada nói.

 

Dân số Nhật Bản đang già đi với tốc độ chưa từng thấy, đưa đất nước đến bờ vực của cuộc khủng hoảng nhân khẩu học, có tác động lâu dài đối với kinh tế - xã hội.

Trọng tâm của vấn đề này được cho là bắt nguồn từ việc thanh niên Nhật không muốn sinh con trong bối cảnh chi phí chăm sóc trẻ em đắt đỏ, nền kinh tế bấp bênh và tỷ lệ kết hôn giảm sút.

 

Thế hệ “Sampo” ở Hàn Quốc*

 

"Tôi chưa bao giờ có kế hoạch sinh con. Tôi không muốn chịu nỗi đau thể xác, và việc sinh con cũng gây bất lợi cho công việc của mình nữa", Jang Yun-hwa, 24 tuổi, sống tại Seoul, nói.

Giống như nhiều thanh niên ở thị trường việc làm siêu cạnh tranh tại Hàn Quốc, nữ họa sĩ truyện tranh online đã làm việc chăm chỉ để có được vị trí như hôm nay và không sẵn sàng để cho tất cả nỗ lực đó bị lãng phí.

Không chỉ thờ ơ với hôn nhân, Jang thậm chí không muốn có bạn trai. Một lý do cô đưa ra là nguy cơ trở thành nạn nhân của nạn “trả thù khiêu dâm” (phát tán hình ảnh nhạy cảm của người khác lên mạng), điều mà cô cho là một vấn đề lớn ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, bạo lực gia đình cũng là một trong những nguyên nhân khiến nữ họa sĩ nói không với kết hôn

 

Theo cuộc thăm dò ý kiến của một tạp chí tài chính và trang web tuyển dụng, hiện gần 3/4 phụ nữ Hàn Quốc trong độ tuổi 20-40 coi việc kết hôn là không cần thiết.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, một người đàn ông Hàn Quốc trung bình dành 45 phút mỗi ngày cho các công việc không tên trong nhà như chăm sóc con cái, trong khi con số này ở phụ nữ gấp 5 lần. Điều này khiến nhiều phụ nữ xứ kim chi ngao ngán lắc đầu khi nhắc đến chuyện lập gia đình.

 

Theo kết quả khảo sát của Viện Tội phạm học Hàn Quốc vào năm ngoái, 80% nam giới được hỏi thừa nhận từng “động tay chân” với nửa kia.

 

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, chỉ có Singapore, Hong Kong và Moldova có tỷ lệ sinh thấp như Hàn Quốc là 1,2 trẻ em/phụ nữ. Tỷ lệ duy trì dân số ổn định là 2,1.

 

Một yếu tố khác khiến nhiều người ngại kết hôn là chi phí sinh hoạt và nuôi dạy con cái. Ngoài học ở trường, phụ huynh sẽ phải cho con cái đi học thêm ở ngoài để theo kịp các bạn.

Những nguyên nhân kể trên đã kết hợp tạo ra một hiện tượng xã hội mới ở Hàn Quốc: Thế hệ Sampo. Từ "sampo" có nghĩa là từ bỏ 3 thứ: chuyện hẹn hò, hôn nhân và con cái.

 

“Có thêm một đứa con giống như lột da của mình vậy”

Dù đã nới lỏng chính sách một con gây tranh cãi từ hơn 3 năm trước, Trung Quốc đang đối mặt với vấn đề già hóa dân số ngày càng tồi tệ khi tỷ lệ kết hôn và sinh con liên tục giảm.

Kết quả khảo sát của Zhaopin - trang web tuyển dụng chính của Trung Quốc - vào năm 2017 cho thấy khoảng 40% phụ nữ đã có việc làm ổn định không muốn sinh con, trong khi hầu hết bà mẹ một con không muốn có thêm.

 

Theo People’s Daily, chi phí sinh hoạt ngày càng đắt đỏ, nhất là ở các thành phố lớn, khiến người trẻ ở đất nước tỷ dân không muốn “đèo bòng” thêm một đứa trẻ khi bản thân chật vật lo cho cuộc sống còn chưa xong.

 

Báo cáo của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc vào năm 2015 cho biết chi phí nuôi dạy một đứa trẻ đến 16 tuổi ở một thành phố trung bình là 490.000 nhân dân tệ (hơn 15.000 USD/năm, với lưu ý nơi cô sống là Vũ Hán, không phải Bắc Kinh hay Thượng Hải.

Và gánh nặng kinh tế vẫn đè lên vai nhiều phụ huynh ở đất nước tỷ dân khi con đã trưởng thành.

 

“Ở Trung Quốc, nếu bạn không mua nhà, xe cho con trai, nó sẽ ế vợ”, Zhang - người phụ nữ đang làm nghề lái taxi để tích cóp tiền mua một căn hộ cho con trai 20 tuổi - chia sẻ.

“Có thêm một đứa con giống như lột da của mình vậy”, người mẹ nói thêm.

Theo Theo Zing

* (Sampo: từ bỏ 3 thứ hẹn hò, hôn nhân và con cái