Hiển thị các bài đăng có nhãn Xã hôi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Xã hôi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2025

Kinh tế học Niềm tin

 

KINH TẾ HỌC NIỀM TIN

Người hoài nghi có thể hỏi rằng: "Thế thì sao nào? Có đúng là niềm tin còn quan trọng hơn cả một đức hạnh xã hội, cái được xem là yếu tố thuần khiết? Ai có thể chứng minh cụ thể rằng niềm tin là một động lực phát triển kinh tế hữu hiệu?". Tôi sẽ trả lời thỏa đáng các câu hỏi này qua dẫn chứng về những trường hợp kinh doanh thành công nhờ vào niềm tin.

Dưới đây là một công thức đơn giản cho phép chúng ta nhìn nhận niềm tin từ một phạm trù vô hình và không thể định lượng trở thành một yếu tố vừa hữu hình vừa có thể lượng hóa. Công thức này dựa vào nhận thức quan trọng: Niềm tin luôn tác động đến hai yếu tố - tốc độ (speed) và chi phí (cost).

- Khi niềm tin giảm, tốc độ sẽ giảm xuống và chi phí tăng lên.

- Khi niềm tin tăng, tốc độ tăng và chi phí giảm.

Điều này rất đơn giản, rất thực tế và vô cùng hiển nhiên. Tôi xin chia sẻ với các bạn một số ví dụ sau đây.

Ngay sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, niềm tin của công chúng vào những chuyến bay trên khắp nước Mỹ giảm sút nghiêm trọng. Chúng ta nhận ra những nhóm khủng bố luôn tìm cách làm hại chúng ta trong khi hệ thống bảo đảm an toàn cho hành khách không đủ mạnh để bảo vệ mọi người.

Trước ngày 11 tháng 9, tôi thường đến sân bay khoảng 30 phút trước giờ cất cánh, và tôi có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục kiểm tra an ninh. Nhưng sau ngày 11 tháng 9, nhiều thủ tục và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt được áp dụng làm tôi phải mất nhiều thời gian và chi phí hơn. Tôi phải đến sân bay 90 phút trước giờ cất cánh đối với những chuyến bay nội địa và đến trước từ hai đến ba giờ nếu tôi bay quốc tế. Khi mua vé, tôi còn phải trả thêm khoản phí an ninh sân bay. Vì thế, khi niềm tin sụt giảm thì tốc độ công việc cũng giảm và chi phí sẽ tăng lên.

Mới đây khi tôi bay khỏi một thành phố lớn thuộc Trung Đông, tôi phải đến sân bay bốn giờ trước khi máy bay cất cánh, đi qua nhiều thiết bị kiểm tra, mở tung hành lý nhiều lần cho nhiều người khám xét. Vì lý do địa chính trị, niềm tin ở khu vực này cực thấp.

Các biện pháp hỗ trợ an ninh rõ ràng là cần thiết, và trong trường hợp này tôi rất biết ơn những biện pháp đó, nhưng thực chất vấn đề vẫn không thay đổi: do niềm tin sụt giảm, tốc độ cũng giảm và chi phí gia tăng.

Cái giá phải trả cho sự mất niềm tin là rất đắt.

 

Thời đại khủng hoảng niềm tin


 THỜI ĐẠI KHỦNG HOẢNG NIỀM TIN

Bạn không cần phải nhìn đâu xa cũng nhận ra rằng, trong xã hội toàn cầu hiện nay chúng ta đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng niềm tin. Hãy thử điểm lại những hàng tít lớn trên báo chí gần đây:

• "Các nhân viên: Đừng tin vào ai cả!"

• "Các công ty cấp bách xây dựng lại niềm tin."

• "Cả hai bên đều phản bội lòng tin của nhau."

• "20 nhân viên Sở Giao dịch Chứng khoán New York bị truy tố."

• "Tăng cường phẩm chất đạo đức để khôi phục lòng tin của người dân."

• "Quan hệ tan vỡ khi niềm tin giảm sút."

• "Bây giờ bạn tin ai?"

Những tựa đề đó cho thấy dấu hiệu của một sự thật đáng báo động: Niềm tin giảm sút khắp nơi. Nó lan nhanh vào xã hội toàn cầu, vào thương trường, các tổ chức, các mối quan hệ, vào cả cuộc sống riêng tư của chúng ta. Nó sản sinh sự ngờ vực, hoài nghi dai dẳng và dẫn đến một sự tốn kém chi phí và trì trệ đến suy sụp.

Hãy nhìn rộng ra xã hội chúng ta đang sống, niềm tin đã sút giảm đáng kể so với thế hệ trước, và trong nhiều trường hợp niềm tin đã xuống thấp đến mức kỷ lục.

Tại Mỹ, theo một điều tra dư luận của Harris năm 2005, Con số điều tra của Mỹ năm 2005 cách đây đã hơn 15 năm thật ấn tượng: 78% người dân không tin tưởng vào giới truyền thông, 92% không tin vào các đảng phái chính trị, 73% không tin vào chính quyền và 88% không tin vào các doanh nghiệp lớn! 

Có lẽ tệ hơn nữa là sự mất niềm tin giữa con người với nhau. Theo cuộc điều tra gần đây của David Halpern, nhà xã hội học người Anh, chỉ có 34% người Mỹ tin vào người khác. Tại châu Mỹ La-tinh con số này là 23%, châu Phi 18%. Công trình của Halpern cũng cho thấy bốn thập kỷ trước tại nước Anh, 60% dân số có thể tin tưởng người khác; ngày nay con số này giảm xuống chỉ còn 29%.

Thời đại khủng hoảng lòng tin đang bủa vây không chừa một ai, một cộng đồng, một quốc gia nào. Để tồn tại phải tự bào vệ mình là chính, khó trông chờ vào đâu được.

ST

Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2024

IQ trong tay bạn!

 

IQ TRONG TAY BẠN!

 

Trò chuyện với Giáo sư Richard Nisbett, chuyên gia tâm lý học xã hội, đại học Michigan ở Anh Arbor, Mỹ. Giáo sư khẳng định, mọi người đều có thể lựa chọn IQ (chỉ số thông minh) của mình.

Vậy IQ không phụ thuộc vào gien di truyền?

 

- IQ của những đứa trẻ là con nuôi khác xa IQ của bố mẹ chúng. Vì phần lớn các gia đình nhận con nuôi có hoàn cảnh kinh tế rất khác so với số đông. Họ thường thuộc tầng lớp trung lưu và cao hơn, có điều kiện nuôi dưỡng rất tốt và có môi trường thích hợp cho sự phát triển tối đa trí tuệ.

 

Vậy gien di truyền không có ảnh hưởng gì?

 

- Tất nhiên có thể nói, cha mẹ IQ cao có thiên hướng sinh con với IQ tương tự. Thế nhưng những nghiên cứu các gia đình nhận con nuôi lại cho thấy: Những gì các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu làm cho con nuôi của mình hiệu quả cao hơn nhiều so với những gì các bậc cha mẹ thuộc tầng lớp thấp làm cho con cái của họ.

 

Những đứa trẻ lớn lên trong gia đình bố mẹ nuôi thuộc tầng lớp trung lưu và cao hơn có IQ trung bình cao hơn 15 điểm so với trẻ con cái tầng lớp thấp hơn, được bố mẹ đẻ nuôi dưỡng.

 

Theo giáo sư, cha mẹ có thể làm gì cho con cái?

 

- Quan trọng nhất là trò chuyện với chúng, dạy chúng về cuộc sống, về thế giới tự nhiên, đặt cho con cái câu hỏi và đọc sách. Không nói chuyện với con cái là đặc điểm chung của những gia đình tầng lớp dưới. Họ sai khiến, nhưng không bao giờ trao đổi quan điểm. Việc khen trẻ đóng vai trò đặc biệt quan trọng.

 

Thực tế cho thấy, các gia đình trung lưu và cao hơn thường xuyên khen con cái nhiều hơn hẳn so với hành vi quát mắng, hạ nhục chúng vì những việc làm sai trái. Trong khi các gia đình tầng lớp hạ lưu tần suất khen và phạt hoặc xấp xỉ, hoặc phạt nhiều hơn.

 

Theo giáo sư không nên khen trí thông minh?

 

- Đúng vậy. Được khen thông minh, đứa trẻ sẽ chọn bài tập dễ, bởi nó sẽ sợ bị mất “danh tiếng” - nếu chọn bài khó.

Lời khen vì hoàn thành bài tập khó, công việc nặng nhọc sẽ khuyến khích trẻ muốn chứng tỏ bản thân có thể thực hiện nhiều việc khác và sẵn sàng nhận bài tập khó hơn, công việc nặng nề hơn.

 

Giáo sư lý giải thế nào về thực tế: IQ của con cái gia đình khá giả liên tục gia tăng, IQ của con cái nhà nghèo ngày càng giảm?

 

- Bởi trẻ thuộc tầng lớp cao suốt thời gian đó được kích thích trí tuệ phát triển thông qua việc tham gia đủ loại hoạt động ngoại khóa, thăm viếng các viện bảo tàng, đi đến nhà hát... trong khi trẻ thuộc tầng lớp thấp không có những yếu tố kích hoạt như vậy.

 

Ngoài ra những đứa trẻ được nuôi dưỡng đầy đủ về mặt vật chất và tinh thần thường có sức khỏe tốt hơn và có IQ cao hơn, bởi chúng có cơ may lớn hơn đạt được tối đa những năng lực trí tuệ của mình. Tuy nhiên, đến mức độ nhất định, IQ bị chi phối bởi yếu tố di truyền.

 

Như vậy sẽ không bao giờ biến mất những khác biệt giữa các tầng lớp xã hội?

 

- Không hẳn. Lý do: Những người thông minh và tháo vát hơn sẽ đạt được nhiều hơn trong cuộc sống và tự thăng tiến lên đẳng cấp cao hơn, có nghĩa họ sẽ có việc làm tốt hơn, có trình độ văn hóa cao hơn, họ sẽ nuôi dưỡng con cái tốt hơn, bởi họ sở hữu dự trữ gien di truyền cho phép vượt ra khỏi tầng lớp của mình.

 

Cũng có thể giảm thiểu những khác biệt giai cấp bằng giải pháp khác, trên phạm vi vĩ mô.

So với Mỹ, những khác biệt này ở châu Âu nhỏ hơn nhiều, bởi những bất công kinh tế nhỏ hơn. Nếu muốn dân nghèo thông minh hơn, chính quyền buộc phải cho phép và tạo điều kiện để họ làm giàu.

 

Trước mắt vẫn phải chấp nhận hố ngăn cách về IQ giữa người da trắng và da đen ở nước Mỹ?

- Nhưng tương lai sẽ không còn hố ngăn cách đó. Mới cách đây 30 năm mức chênh lệch IQ giữa người da trắng và da đen ở Mỹ là 15 điểm, hiện đã rút xuống mức 9,5 điểm.

 

Hiện IQ của người da đen thấp hơn da trắng ở mọi tầng lớp xã hội.

 

Các bậc cha mẹ da đen thường là thế hệ đầu tiên của tầng lớp trung lưu và vẫn duy trì cách thức nuôi dạy con cái theo mô hình nhận được từ thế hệ trước, tức thuộc tầng lớp thấp hơn. Không phụ thuộc vào mầu da, trẻ được bố mẹ người da trắng nuôi dưỡng vẫn có IQ cao hơn 13 điểm so với trẻ do bố mẹ da đen nuôi dưỡng.

 

Mặc dù đời sống kinh tế thấp hơn, song trẻ châu Á đạt được số điểm cao hơn trong các trắc nghiệm IQ so với đồng lứa Mỹ và châu Âu. Giáo sư giải thích thế nào về hiện tượng thú vị này?

 

- Văn hóa của người châu Á chịu ảnh hưởng lớn của tư tưởng Khổng Tử. Đạo Khổng dạy: Trí thông minh và thành quả lao động của con người phụ thuộc phần lớn vào mức độ phấn đấu của mỗi cá nhân. Và cấu trúc gia đình phát triển dựa trên nguyên tắc này.

 

Các bậc cha mẹ biết rằng, càng đòi hỏi con cái nhiều, lớn lên chúng sẽ càng thông minh; trong khi con cái biết lao động vất vả sẽ mang lại danh dự cho cha mẹ.

Trẻ em Mỹ trái lại có thể tuyên bố: Con không thích học, đơn giản, vì con không thấy điều đó là cần thiết(!).

 

Giáo sư giải thích thế nào về thực tế: Người Do Thái giành hơn một phần ba tổng số giải Nobel, chiếm một phàn ba tổng số sinh viên và giảng viên tại các trường Đại học có uy tín tại Mỹ, nắm vai trò chi phối tại những bậc cao nhất trong nhiều lĩnh vực khoa học.?

 

- Không loại trừ khả năng trên bình diện gien di truyền của người Do Thái tồn tại nhân tố nào đó mang lại cho họ ưu thế vượt trội so với các sắc tộc khác. Trong tất cả các nhóm sắc tộc, mà chúng tôi có số liệu trong tay, người Do Thái dòng Aszkenazi trung bình đạt 110-115 điểm trong các trắc nghiệm IQ.

Song thực tế thành tựu của họ còn cao hơn nhiều so với khả năng trí tuệ của họ đạt được – theo cách tính số học.

 

Theo giáo sư, giai đoạn giáo dục nào đóng vai trò quan trọng nhất?

 

- Một số nhà khoa học khẳng định rằng, đó là giai đoạn trể đến 3 – 4 tuổi. Tôi không nghĩ như vậy, bởi trí thông minh và những thành tựu trong khoa học có thể được hoàn thiện trong mọi lứa tuổi.

 

Tại Mỹ, những chương trình can thiệp tại bậc học trung cấp dựa trên việc thuyết phục học sinh rằng, trí thông minh nằm dưới sự kiểm soát của chúng, rằng hoàn toàn có thể cải thiện trí thông minh đang được triển khai đã mang lại kết quả rất khả quan.

 

Chuyên giao giáo dục nổi tiếng Mỹ, Tiến sĩ Jaime Escalante đã làm việc tại một trường trung học dành cho học sinh nghèo Mỹ Latinh ở Los Angeles. Nhà khoa học đã đưa vào chương trình giảng dạy phương pháp mang tính sáng tạo về phép tính vi phân. Và các học sinh của ông đã đạt được điểm thi cuối khóa cao hơn hẳn học sinh các trường vốn có uy tín nhất thành phố.