NHỮNG NGHI VẤN KHI CẦU NGUYỆN
Khi đối diện với việc
cầu nguyện, chúng ta thường có nhiều nghi vấn. Nghi vấn đầu tiên là cầu nguyện
có kết quả không?
Câu hỏi đó đã được rất
nhiều người đặt ra, trong Cơ-Đốc giáo cũng như trong các truyền thống tôn giáo
khác. Tại sao vậy? Tại vì nếu có linh ứng thì mình mới cầu, còn nếu không thì
tại sao mình lại cầu? Vì vậy mà mình phải trả lời câu hỏi này trước, rồi sau đó
mới đi tìm câu trả lời cho các nghi vấn khác.
Sự thật là mình thấy
sự cầu nguyện nhiều khi có hiệu lực, nhiều khi lại chẳng có hiệu lực gì cả! Cho
nên nói có là sai mà nói không cũng không đúng.
Có một em bé người Mỹ
hồi còn sáu tuổi, một hôm ra sân chơi với con chuột trắng của mình, con chuột
mà em thích nhất. Không biết em chơi với con chuột ra sao mà con chuột chui vào
một cái lỗ, rồi đi thẳng xuống đất mà không trở lên nữa!
Buồn quá trời đất, em
bé quỳ xuống, khẩn cầu Chúa để Chúa đem con chuột lên cho em. Ngoài má em ra
thì con chuột đó là kẻ thân với em nhất, là người bạn số một trong thiên đường
tuổi thơ của em. Không có con chuột đó thì em buồn khổ vô cùng, em không muốn
sống nữa.
Vì vậy nên em đã quỳ
xuống, hai tay chắp lại với tất cả trái tim để cầu nguyện Chúa xin Chúa đem con
chuột trở lên cho mình. Bắt chước mẹ, em lẩm nhẩm khấn cầu: Con tin tưởng hoàn
toàn nơi Chúa, nếu Chúa muốn thì Chúa có thể đem con chuột trở lên cho con!
Em bé quỳ suốt một
tiếng, rồi hai tiếng đồng hồ, với tất cả sự chí thành của mình mà con chuột vẫn
không chịu trở lên! Rốt cuộc thì em phải vào nhà ăn cơm. Không có con
chuột, em buồn khổ vô cùng!
Một vài câu chuyện như
vậy đã xảy ra trong đời cậu bé, cho nên cậu không còn tin vào sự cầu nguyện
nữa.
Lớn lên vào trung học,
cậu chọn ngành âm nhạc. Hôm đầu tiên vào lớp, chàng thấy giáo sư nhạc của chàng
là một ông già lớn tuổi, bệnh hoạn, giọng nói hơi run run. Đặc biệt là sáng nào
vào lớp ông cũng cầu nguyện, cầu nguyện tới 15 phút, làm học trò trong lớp rầu
lắm.
Tại vì cái cách thức
cầu nguyện của ông không hay ho và hấp dẫn gì cả! Trước khi bắt đầu, ông thường
hỏi: Anh có điều gì cầu nguyện không? Chị có điều gì cầu nguyện không?
Ông ghi lại hết tất cả
những điều mà các học trò của ông muốn cầu rồi bắt cả lớp cúi đầu xuống, và ông
bắt đầu cầu nguyện cho tất cả mọi người.
Những điều cầu xin có
lúc rất buồn cười, ví dụ: Ngày mai là ngày chúng con đi picnic, xin trời nắng
ráo, đừng mưa! Vì vậy mà đối với anh chàng học sinh đi học nhạc kia thì 15 phút
cầu nguyện trước giờ học là 15 phút chán ngấy, anh chẳng tin gì hết! Vậy mà ông
thầy vẫn tiếp tục làm một cách rất chí thành, rất tinh chuyên!
Một hôm có một nữ sinh
vào lớp, khóc nức nở. Cô nói rằng bác sĩ vừa khám phá ra một cái bướu trong óc
của má cô, và bác sĩ còn nói là sợ bà ta không sống nổi qua tuần này! Cô khóc
sướt mướt rất là tội nghiệp, làm tất cả mọi người trong lớp xúc động! Lúc ấy
ông giáo bèn đứng dậy, giương mắt nhìn cả lớp bằng một cái nhìn rất là mãnh
liệt, rồi tuyên bố:
Trong lớp này có ai
không tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế thì đi ra hành lang đứng, tại vì
chúng tôi sẽ cầu nguyện cho má của cô nữ sinh này. Sau khi cầu nguyện xong thì
tôi sẽ cho người ra đón các vị vào lại! Anh
chàng của chúng ta
định đứng dậy đi ra, tại vì anh không tin gì vào sự cầu nguyện cả. Nhưng không
biết tại sao anh lại không đủ can đảm để đi ra, nên anh ngồi nán lại.
Ông giáo yêu cầu mọi
người cúi đầu xuống, và ông bắt đầu cầu nguyện. Lời cầu nguyện tuy ngắn gọn
nhưng giọng ông lại rất hùng tráng. Trong tư thế cúi đầu, chắp tay, và khép
mắt, ông nói rằng: Chúng con xin cám ơn Thượng đế chữa lành cho má cô Nancy
ngay trong giờ phút này. Nhân danh Chúa Ki-tô, Amen! (Lord! We thank you for
healing Nancy’s mother right now. In the name of Jesus Christ, Amen!)
Ông
chỉ nói có chừng đó!
Hai tuần sau người ta
báo tin rằng bà má của Nancy đã lành bệnh. Bác sĩ rọi kiếng, làm scanner và
thấy không còn một dấu tích tối thiểu nào của cái bướu ngày xưa nữa. Đúng là
một phép lạ! Bà lành lập tức chứ không trải qua một thời gian trị liệu nào hết!
Lúc đó anh chàng sinh
viên của chúng ta mới bắt đầu tin vào khả năng cứu chữa của Thượng đế. Anh tin
vào sự linh ứng của việc cầu nguyện, và anh bắt đầu cầu nguyện cho ông thầy dạy
nhạc của mình. Anh đã cầu nguyện với tất cả tâm thành, tại vì chuyện chữa lành
cho bà mẹ của Nancy là một phép lạ mà anh đã chứng kiến.
Anh cầu nguyện với tất
cả trái tim anh cho sức khỏe của ông thầy dạy nhạc. Nhưng một năm sau thì ông
giáo qua đời!
Như vậy có nghĩa là,
để trả lời cho nghi vấn thứ nhất, ta có thể nói rằng cầu nguyện có khi thành
công, có khi không thành công.
Vì vậy câu hỏi thứ hai
được đặt ra là tại sao cầu nguyện có khi thành công, có khi không thành công?
Có một phương thức cầu nguyện nào bảo đảm đem lại kết quả không? Nếu người nào
có phương thức đó thì mình sẽ bằng lòng mua với giá rất cao, vì nếu làm đúng
theo phương thức đó thì thế nào cầu nguyện cũng có kết quả. Nhưng ai là người
đang nắm cái phương thức cầu nguyện có kết quả đó?
Như đã nói ở trên, khi
đối diện với việc cầu nguyện, ta thường gặp rất nhiều nghi vấn. Vì vậy mà khi
đang tìm câu trả lời cho câu hỏi thứ hai, thì một thắc mắc khác lại hiện đến.
Đó là câu hỏi thứ ba:
Nếu Trời đã quyết định
như vậy, nếu Thượng đế đã an bài như vậy rồi, thì cầu nguyện làm gì nữa? Các
nhà thần học nói rằng nếu Thượng đế đã muốn như vậy thì cái ý nguyện của Thượng
đế sẽ thành tựu (Que ta volonté soit faite) vậy thì ta cầu làm gì nữa?
Nếu tất cả đều đã được
Thượng đế sắp đặt rồi, ví dụ như người đó đến tuổi đó thì sẽ phải bị bệnh ung
thư, thì tại sao ta lại còn cầu nguyện cho mất công? Ngài đã quyết định rồi mà!
Cũng như đứng về
phương diện nhân quả và nghiệp báo, vì người kia đã làm những điều ác, cho nên
tới giờ phút đó thì phải bị bệnh này, thì làm sao cầu nguyện mà có thể thay đổi
được?
Một bên là cái ý chí
của Thượng đế, một bên là cái nghiệp báo của chúng sanh. Nghiệp đã như vậy rồi
thì làm sao có thể thay đổi được quả?
Cái gọi là ý chí
(volonté) của Thượng đế ở trong đạo Ki-tô cũng tương đương với cái nghiệp báo ở
trong đạo Bụt.
Chưa hết, nghi vấn thứ
tư từ từ lộ diện: Nếu cầu nguyện không có kết quả, có phải là tại đức tin của
mình đang yếu kém hay không? Thánh kinh có nói rằng “Nếu đức tin của anh vững
chãi thì anh có thể dời một ngọn núi từ chỗ này sang chỗ kia”!
Vậy thì đức tin của
mình lúc nào mới thực sự gọi là đầy đủ, là vững chãi? Đối với câu chuyện chuột
chui vào hố sâu của cậu bé trên đây, thì một cậu bé sáu tuổi, quỳ xuống cầu
nguyện như vậy, là cậu có một đức tin rất lớn.
Cậu vững tin rằng nếu
Thượng đế muốn thì chắc chắn được! Lúc đó nếu có ai hỏi về niềm tin của cậu,
thì cậu sẽ nói rằng đức tin của cậu rất lớn, tại vì nó đã được un đúc trong
biết bao nhiêu năm tháng! Mỗi đêm cậu đều có cầu nguyện theo lời chỉ dẫn của
má, vậy mà tại sao lần này cậu lại không thành công trong việc cầu nguyện?
Hay là tại trong khi
cầu nguyện cậu chỉ có ý muốn được thoả mãn cái ham muốn của mình, cái ưa thích
có con chuột để làm bạn với mình, mà cậu không thật sự thương con chuột đó đang
bị hoạn nạn ở trong hố sâu? Vì vậy nếu cầu nguyện mà không có kết quả, thì có
phải là do mình không có tình thương hay không?
Nhiều khi mình tin
rằng mình đã cầu nguyện hết lòng, cầu nguyện với tất cả mọi tế bào trong cơ thể
của mình, với tất cả mọi giọt máu trong con người của mình, vậy mà cầu nguyện
cũng không thành công! Mình thương người đó quá chừng, người đó đang hấp hối,
vậy mà nói là mình không có tình thương sao được? Mình thật sự có thương mà!
Tuy vậy, nếu nhìn sâu
vào thì ta sẽ thấy tình thương này đôi khi không hẳn là tình thương mình hướng
về cho người đó, mà chỉ là vì mình sợ bị bơ vơ, mình lo bị thiếu vắng! Nếu mình
lầm lẫn tình thương với sự sợ hãi về cái bơ vơ của mình, thì đó có phải là tình
thương, hay đó chỉ là một cái ước muốn, ước muốn người đó được sống để cho mình
khỏi bơ vơ?
Cho nên đó không phải
thật sự là tình thương mình dành cho người đó, mà chỉ là tình thương hướng về
cho chính mình.
Đó là những câu hỏi
được đặt ra trong khi mình thực tập nhìn sâu vào vấn đề. Tất cả những câu hỏi
này cũng cần phải được trả lời.
Ngoài ra, trong vấn đề
cầu nguyện ta còn một câu hỏi cuối, câu hỏi thứ năm: Người mình cầu nguyện là
ai? Thượng đế là ai? Bụt là ai? Bồ tát Quan Thế Âm là ai? Đức mẹ Maria là ai?
Nói rõ ra, câu hỏi
cuối cùng trong vấn đề cầu nguyện: Khi cầu, ta cầu ai?
Trích
theo sách Hiệu Lực Cầu Nguyện của Thiền sư Thích Nhất Hạnh