Thứ Năm, 8 tháng 2, 2024

Trẻ mãi ca khúc “xuân và tuổi trẻ”

 

TRẺ MÃI CA KHÚC “XUÂN VÀ TUỔI TRẺ”

 

“Xuân và tuổi trẻ” với lời Thế Lữ, nhạc La Hối đã trở thành bài hát kinh điển không thể thiếu mỗi dịp sum vầy đón Tết của người Việt, nay đã hơn 70 năm.

Ta hát ca đón mừng xuân mới, Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái. Tết Việt còn thì bài hát vẫn tồn mãi theo thời gian.

Năm 1946, văn thi sĩ kiêm đạo diễn kịch Thế Lữ cùng nhóm nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung… trong đoàn Ca Vũ Nhạc Anh Vũ đến Hội An trình diễn, đã rất yêu thích giai điệu của bài “Xuân & tuổi trẻ”, lúc bấy giờ gọi theo tiếng Pháp là “Printemps & jeunesse” và chưa có lời ca của nhạc sĩ La Hối.

Tìm hiểu cuộc đời tài hoa của người nhạc sĩ sớm hy sinh vì đại nghĩa dân tộc, Thế Lữ rất xúc động nên đã xin phép gia đình nhạc sĩ La Hối được viết lời cho nhạc phẩm giá trị nầy. Sau đó, Nguyễn Xuân Khoát soạn hòa âm, Văn Chung soạn vũ điệu và khi trình diễn đã làm nức lòng người dân phố Hội.

Từ thời điểm đó, “Xuân & tuổi trẻ” là bản nhạc mang tính trẻ trung, vui tươi, lành mạnh… không thể thiếu trong mọi nhà Việt Nam mỗi độ Xuân về!

Cả Trong kháng chiến, Xuân và tuổi trẻ theo đoàn quân vào tận chiến khu, lên Việt Bắc, vào miền Nam và vang xa tận hải ngoại...

Đến hôm nay, ca khúc “Xuân và tuổi trẻ” với ca từ của Thế Lữ đã trở thành bài hát kinh điển không thể thiếu mỗi dịp sum vầy đón Tết của người Việt.

 

Lời Bài Hát: Thế Lữ

"Ngày thắm tươi bên đời xuân mới
Lòng đắm say bao nguồn vui sống
Xuân về với ngàn hoa tươi sáng,
Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng...”

“Xuân thắm tươi, én tung bay cao tít trời
Vui sướng đi, cao tiếng ca mừng vui reo
Đừng để lòng thổn thức tình mê đắm
Ta trẻ vui, ta trẻ vui đời xuân thắm tươi…”

“Vui sướng đi cho đời tươi sáng,
Vui sướng đi cho lòng thêm tươi,
Ta hát ca đón mừng xuân mới,
Ta hát ca cho lòng thêm hăng hái…”

“Hát vang lên đời ta thắm tươi
Tết xuân huy hoàng muôn sắc hoa
Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca
Hát vang hòa lòng thêm hăng hái…”

Nhạc La Hối 

Nhạc sĩ La Hối, tên thật là La Doãn Chánh, sinh năm 1920 tại Hội An.

Tương truyền, nét nhạc này được dùng làm ám hiệu cho hoạt động Hội kín mà La Hối tham gia với vai trò thủ lĩnh.

Phát xít Nhật đã theo dõi và phát hiện ra tung tích, kết quả là cả mười nhân vật trong phong trào kháng Nhật, trong đó có La Hối bị đem xử trảm dưới chân núi Phước Tường, Quảng Nam vào ngày 30/5/1945. Ông đã “chết” vì đoạn nhạc dạo của “Xuân và tuổi trẻ”.

Cố vấn âm nhạc Nguyễn Thụy Kha cho biết, ca khúc được nhạc sĩ sáng tác vào thời điểm hệ trọng, báo trước hy vọng về ngày Độc lập. Tên gốc của ca khúc là Le printemps et la jeunesse được nhạc sĩ sáng tác vào năm 1944.

 

 


Lạc quan và bi quan

 

LẠC QUAN VÀ BI QUAN

Xưa kia có một người đàn ông sinh được hai cậu con trai và quyết định đặt tên là Lạc Quan và Bi Quan. Hai đứa trẻ lớn lên trong môi trường giống nhau nhưng tính nết lại rất khác nhau.

Lạc Quan luôn vui vẻ bất kể gặp chuyện gì còn Bi Quan luôn thấy bức bối ngay cả khi mọi chuyện diễn ra tốt đẹp.

Một ngày, người đàn ông cảm thấy hối hận vì đã đặt những cái tên vô lý như vậy cho con mình. Để đảo ngược tình hình, ông quyết định bỏ Lạc Quan lên đống phân và Bi Quan lên đống trang sức cùng đồ chơi.

Một lát sau, người đàn ông quay trở lại xem sự việc diễn ra thế nào. Ông ngạc nhiên khi thấy Lạc Quan đang thích thú khám phá đống phân và còn nói rằng: “Cha bảo con ở lại đây thì chắc hẳn phải có một kho báu quanh đây!” Trong khi đó, Bi Quan đang ngồi buồn bã giữa đống đồ trang sức và đã đập vỡ một nửa số đồ chơi.

Khi nhìn thấy cảnh tượng này, người cha chợt nhận ra rằng để thay đổi tâm trạng thì thay đổi hoàn cảnh không thôi chưa đủ. Tất cả trải nghiệm đều là những phóng chiếu của chính tâm ta. Do trạng thái tinh thần khác nhau, quan điểm của chúng ta về cùng một đối tượng có thể cách xa nhau một trời một vực.

Đó là lý do tại sao người ta nói rằng khi một người bi quan nhìn thấy bụi hoa hồng, anh ta sẽ ca thán về những chiếc gai còn người lạc quan sẽ hân hoan vì những bông hoa. Chúng ta có thể thử thay đổi môi trường nhưng chuyển hóa được nội tâm thì mạnh mẽ hơn nhiều.

Cuộc sống của chúng ta hạnh phúc hay khổ đau không phải do những yếu tố bên ngoài quyết định. Nhà văn Mỹ Ralph Waldo Emerson đã viết rằng: “Cuộc đời vui thú hay không là tùy vào con người chứ không phải vào công việc hay nơi chốn.”

Sẽ có nhiều điều trong cuộc sống không diễn ra theo kế hoạch. Nếu bạn không thể đối mặt với các vấn đề, chỉ đổ lỗi cho mọi người và cố gắng tìm hạnh phúc bằng cách thay đổi điều kiện bên ngoài, thì bạn sẽ chỉ làm mình đau khổ mà thôi.

Cho dù bạn ở trong hoàn cảnh nào hay cảm thấy thất vọng ra sao, tốt hơn là hãy điều phục tâm mình thay vì đổ lỗi cho hoàn cảnh. Làm như vậy tốt hơn bất kỳ điều gì.

Trích từ sách Bão giông mới là cuộc đời

 

Thứ Tư, 7 tháng 2, 2024

Mù quáng và tỉnh thức trong tình yêu

 

MÙ QUÁNG VÀ TỈNH THỨC TRONG TÌNH YÊU

 

Chúng ta thường hiểu về tình yêu như bằng sự hồn nhiên, tình cờ, đầy cảm hứng. Những rung động ấy quá đẹp, khiến ai đó đang yêu chỉ muốn chúng kéo dài vĩnh viễn, dù biết rằng thực tế chẳng điều gì tồn tại mãi mãi. Thậm chí, có những trường hợp cực đoan, mù quáng, bất chấp sự an toàn tâm trí và thể chất của bản thân.

Đặt sang bên cạnh câu chuyện về những mối quan hệ bạo hành, trong đó nạn nhân chưa thể thoát ra vì các yếu tố môi trường xã hội, sinh kế, vị thế chưa đủ để họ được độc lập.

 

Người khôn ngoan thường khuyên mọi người cần “yêu lý trí hơn”. Tuy nhiên, cách gọi này có thể “phản tác dụng” đối với những người đang chìm đắm vào một mối quan hệ thiếu lành mạnh, họ sẽ phản bác rằng: Lý trí là tính toán, cân đo, đánh giá, phán xét.

Suy nghĩ quá nhiều thì thấy điều gì cũng chưa hoàn thiện, làm sao có thể yêu; Lý trí hướng đến lựa chọn có lợi cho mình còn khi yêu, nhiều khi ta đặt người bạn đồng hành lên trên chính mình.

Vị kỷ, làm sao có thể yêu; Lý trí đối nghịch với cảm xúc. Yêu trên nền tảng cảm xúc mới là chân thật.

 

Yêu một cách có nhận biết hướng đến lựa chọn có lợi cho mối quan hệ, mà bản thân mình cần là người lành mạnh trước tiên. Vị kỷ để chính mình lành mạnh và vị tha để giúp người đồng hành cũng lành mạnh như vậy – hai khía cạnh này có thể song hành mà không loại trừ nhau.

 

Yêu một cách có nhận biết làm cho cảm xúc sâu sắc hơn. Không còn dựa vào những cảm xúc bề mặt để quyết định gắn bó, mà hiểu gốc rễ vì sao mình muốn cam kết như vậy, hiểu vì sao mình phải có trách nhiệm thương lấy người bạn đồng hành.

Đặt trong bối cảnh một mối quan hệ thiếu lành mạnh hay độc hại, sự đào sâu nhận thức này có thể giúp người trong cuộc nhận ra rằng, liệu có đáng để đánh đổi những tổn thương tinh thần lấy việc duy trì sự gắn kết giữa hai phía?

 

Vì thế, yêu một cách có nhận biết vượt qua sự lãng mạn ngây ngô vì được mê muội ai đó, để trở thành lãng mạn khi hai người được cùng nhau nhìn sâu vào chính mình hơn bao giờ hết. Họ thấu hiểu nhau và tin rằng người bạn đồng hành sẽ học cách thấu hiểu mình. Họ đồng điệu đến mức cùng nhìn được về một hướng và cảm nhận sự đẹp đẽ của những điều giản dị.

 

Hai trạng thái yêu mù quáng và yêu có nhận biết, hoàn toàn khác nhau về chất. Người có khả năng yêu một cách có nhận biết là người rất khỏe mạnh về tinh thần. Để chuyển từ trạng thái mù quáng sang nhận biết, cần chăm sóc lại toàn bộ đời sống tinh thần của mình, chứ không thu hẹp ở sửa đổi các hành vi trong mối quan hệ.

 

Tài liệu tham khảo: Aldrich, K. (1966). An Introduction to Dynamic Psychiatry, New York, NY: Mc Graw – Hill Book Company