Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

Tiết kiệm lặt vặt không khiến bạn trở nên giàu có nhưng sẽ làm bạn trở nên đáng thương

 

TIẾT KIỆM LẶT VẶT KHÔNG KHIẾN BẠN TRỞ NÊN GIÀU CÓ NHƯNG SẼ LÀM BẠN TRỞ NÊN ĐÁNG THƯƠNG

Có phải người ta nên tiết kiệm những món tiền nhỏ để tiêu xài những món tiền lớn không? Tôi không nghĩ vậy. Tôi nghĩ rằng tiết kiệm từng chút một chỉ với mong muốn được giàu hơn chính là nguyên nhân của sự thất bại.

Nó sẽ không làm bạn giàu có nhưng sẽ khiến cuộc sống của bạn trở nên tăm tối. Và cảm thấy tăm tối, buồn nản là điều tồi tệ nhất để bắt đầu một ngày mới. Bạn phải có bữa sáng ngon miệng và một thái độ tích cực. Bỏ uống cappuccino mỗi sáng có thể giúp bạn giảm cân và giảm lượng caffeine nhưng sẽ không giúp bạn làm giàu và chắc chắn sẽ làm bạn khó chịu.

 

Vậy, tiết kiệm những thứ vụn vặt này thì sao? Có vẻ những người theo Thanh giáo đã phát minh ra ý tưởng này - nếu bạn thấy thích thú thì chắc chắn là sai. Một vài người cảm thấy hài lòng với việc tiết kiệm, nhưng nếu bạn không như vậy, đừng từ chối việc nuông chiều bản thân một chút vì suy nghĩ rằng, tiết kiệm là con đường dẫn đến sự giàu sang.

 

Hãy dừng lại một chút. Có phải trong một quy tắc tôi nhắc đến trước đó, người giàu là những người có đôi mắt của chim ưng mà bạn phải bịt ngay các lỗ rò rỉ tiền bạc? Đúng như vậy. Nhưng điều này lại khác. Nếu kiểm soát nghiêm túc tình hình tài chính của mình là điều nên làm thì việc sống với cái ví rỗng không lại khác hẳn.

Phải đảm bảo bạn không vứt tiền qua cửa sổ vì thiếu cẩn thận (chính là các lỗ rò) nhưng bạn không nên từ chối những điều dễ chịu sẽ làm phong phú cuộc sống của bạn - chỉ đừng thái quá mà thôi.

 

Nếu bạn không mua được những thứ mình muốn thì hãy mua ít thôi, nhưng phải có chất lượng. Tiết kiệm bằng mọi cách đối với những vụ chi tiêu quá tốn kém hoặc tự hỏi thứ đó có thật sự cần thiết hay không. Đừng nghĩ rằng việc từ chối mọi thứ sang trọng, và tiện nghi sẽ giúp bạn giàu hơn.

Không phải vậy đâu. Nó sẽ khiến bạn mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn của sự nghèo khó.

 

Vượt ra khỏi vòng khốn khó và lối suy nghĩ bần hàn mới là chìa khóa thành công, là con đường đi đến sự giàu sang.

Những người giàu có không bao giờ tằn tiện tiết kiệm. Tất nhiên vẫn có những kẻ bủn xỉn và bạn phải vất vả lắm mới kiếm được tiền từ họ.

Nhưng dù giữ tiền rất chắc, họ chẳng bao giờ bỏ uống cà phê hay mua món mứt rẻ tiền với hy vọng sẽ giàu hơn nhờ tiết kiệm. Điều đó, chắc chắn là không bao giờ.

 

- Trích sách “Những quy tắc để giàu có” 

Chỉ số IQ trung bình của người Việt Nam

 

CHỈ SỐ IQ TRUNG BÌNH CỦA NGƯỜI VIỆT NAM

Chỉ số IQ thường được mọi người sử dụng để nói tới độ khả năng thông minh của một con người.

Vậy Chỉ số IQ trung bình của người Việt Nam là bao nhiêu?

Chỉ số IQ trung bình của người Việt ở mức 96 (theo thang điểm SD 15 của bài IQ Test quốc tế), cao hơn hầu hết những quốc gia trong khu vực và cao hơn mức bình quân của Đông Nam Á (91,3).

Thông tin này được xuất bản trên trang ASEAN DNA (sở hữu và điều hành bởi Đại học Thammasat - một trường đại học danh tiếng của Thái Lan) vừa thống kê từ một khảo sát từ nghiên cứu của ông Richard Lynn, Giáo sư danh dự ĐH Ulster (tại Anh) về chỉ số thông minh (IQ) của những quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.

Theo thống kê, chỉ số IQ của người Việt ở mức 96, cao hơn hầu hết những quốc gia trong khu vực (chỉ sau thông minh IQ của người Singapore là 103), và cao hơn mức bình quân Đông Nam Á (91,3).

Trong đó, chỉ số IQ của người Malaysia và Brunei đứng thứ 3 Đông Nam Á, với mức điểm là 92. Người Thái đứng thứ 4 với chỉ số IQ đạt 91. Kế tiếp là Lào, Campuchia và Indonesia với chỉ số IQ đạt mức 89. Đứng cuối danh sách trong cộng đồng ASEAN là Myanmar và Philippines với mức điểm là 86 điểm.

Người Mỹ và người Trung Quốc có mức chỉ số IQ nhỉnh hơn người Việt một chút, với mức điểm là 98.

Người Hàn Quốc sở hữu IQ khá cao nằm khoảng 106 và IQ của người Nhật là 110.

Mặc dù chỉ số IQ trung bình của người Việt Nam cao nhưng dường như điều đó chưa giúp ích nhiều cho sự phát triển nền kinh tế.

Bằng chứng là trong thời gian qua, Việt Nam vẫn là nước xuất siêu lớn, thay vì tự sản xuất, mà thậm chí từ bao lì xì, dây thun, chiếc tăm cũng nhập từ Trung Quốc và duy trì một nền kinh tế được coi là phụ thuộc trong hầu hết các lĩnh vực.

Mặc dù chỉ số IQ trung bình của người Việt Nam cao song nền kinh tế vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc, nhưng điểm đặc biệt hơn là Việt Nam vẫn được đánh giá là nước có chỉ số hạnh phúc cao thuộc top đầu thế giới và các nước trong khu vực.

Cụ thể, trên những bảng xếp hạng về mức độ hạnh phúc trên thế giới, nhiều năm liền người Việt luôn có thứ hạng cao. Trong đó năm 2012, người Việt Nam được đánh giá là hạnh phúc thứ 2 trên thế giới.

 

Nguồn: https://testiq.vn/chi-so-iq-trung-binh-cua-nguoi-viet-nam-23.html

 

Thứ Năm, 25 tháng 1, 2024

Dạy con từ thuở còn thơ

 

DẠY CON TỪ THUỞ CÒN THƠ

 

Một sai lầm nghiêm trọng mà cha mẹ hay mắc phải khi dạy con chính là quản con không đúng lúc. Khi cần quản, cha mẹ không làm. Lúc cần buông, cha mẹ liền quay ra quản.

Việc cha mẹ không biết được lúc nào nên hay không nên quản con chính là gốc rễ làm nảy sinh mọi vấn đề của con cái. Khi cần, cha mẹ thường quản không đủ nghiêm thành ra chiều hư con. Khi không cần, cha mẹ lại quản chặt từng li từng tí, làm cản trở cả sự trưởng thành của con.

 

"Hãy thật nhẹ nhàng và mềm mỏng khi dạy con. Hãy đi theo cảm xúc và nhịp điệu của con. Nếu bạn đi sai đường, con sẽ hất tung bạn ra xa".

Một nguyên tắc thông minh trong giáo dục con là "5 không chiều" và "3 không quản".

 

Không chiều 5 điều:

 

1. Đừng chiều hư những đứa trẻ không biết nguyên tắc

Tục ngữ có câu: "Dạy con từ thuở còn thơ". Vì vậy, cha mẹ cần phải lập ra các nguyên tắc cho trẻ ngay từ sớm. Đừng nghĩ trẻ còn bé mà nuông chiều. Vì sự chiều hư của cha mẹ sẽ dung túng ra một con người ngỗ ngược sau này.

Hãy nói cho con biết những điều con nên và không nên làm. Lúc bắt đầu, chúng ta sẽ gặp phải nhiều khó khăn. Nhưng khi khôn lớn, con sẽ hiểu được sự khổ tâm của cha mẹ.

 

2. Đừng chiều cho trẻ không làm việc nhà

Đừng nghĩ trẻ con có làm hay không làm việc nhà cũng chẳng sao. Sự bao bọc quá mức của cha mẹ đã hại một đời con.

Cha mẹ cần phải tập rèn cho con những thói quen tốt ngay từ khi con bé. Chia sẻ công việc nhà với cha mẹ chính là một trong những thói quen đó. Nó vừa giúp tăng tính tự giác của trẻ nhỏ, cũng như hình thành đức tính chăm chỉ, yêu lao động trong con. Điều này cũng rất có ích cho quá trình học tập, làm việc và sinh sống của con sau này.

 

3. Đừng bỏ qua cho những lần con thất lễ với người lớn

Kính già yêu trẻ vừa là một truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc ta, vừa là một lễ nghi căn bản của con người. Một đứa trẻ không biết tôn trọng người lớn tuổi sẽ không hiểu được những lễ nghi ngoài xã hội. Những đứa trẻ như vậy rất dễ lầm đường lạc lối và bị người đời xa lánh.

 

4. Đừng chiều những đứa trẻ ích kỷ

Đối với con, cha mẹ chưa bao giờ tiếc bất cứ một điều gì hết, vì con mà hi sinh quá nhiều. Còn con thì cứ nghĩ đó là lẽ dĩ nhiên. Từ đó, con trở thành một đứa trẻ ích kỷ chỉ biết đòi hỏi, Con chỉ muốn độc chiếm những thứ hay, thứ đẹp. Con luôn nghĩ bố mẹ và những người khác phải có nghĩa vụ nhường những thứ đó cho mình.

Con không biết quan tâm hay biết ơn người khác. Thậm chí, trẻ có thể trở thành một người vô ơn và bất hiếu khi trưởng thành.

 

5. Đừng chiều những đứa trẻ hay khóc lóc ầm ĩ

Khi dạy con, cha mẹ cần phải giữ một quy tắc nhất định. Cha mẹ không nên vì thương con mà lúc nào cũng nhân nhượng cho con, chỉ cần con gào khóc là cha mẹ vội vàng dỗ dành và tha thứ cho con. Lâu dần, hành vi này sẽ hình thành cho trẻ một lối suy nghĩ sai lầm. Trẻ sẽ nghĩ chỉ cần mình khóc thật to là cha mẹ sẽ cho mình thứ mình muốn.

Vì vậy, cha mẹ cần phải kiên quyết chối từ những yêu cầu bất hợp lý của con. Sau nhiều lần như vậy, con trẻ tự sẽ hiểu khóc lóc ầm ĩ sẽ không giúp chúng giải quyết được vấn đề gì hết.

 

Không quản ba điều:

 

1. Không can thiệp vào chuyện con có thể làm

Nhà giáo dục Sukhomlynsky từng nói: "Hãy để con tự làm những chuyện cần làm trong khi trưởng thành. Hãy cho con một môi trường tự do để phát triển, để giúp con không ngừng lớn khôn".

Cha mẹ cần phải tập cho con tính tự giác. Cha mẹ cần phải để con tự làm những chuyện trong khả năng của chúng, ngay cả khi con có thể đem đến nhiều phiền phức cho cha mẹ đi chăng nữa. Phải để con tự làm, bởi con chỉ có thể khôn lớn khi con tự làm được những việc đó.

 

2. Không can thiệp với những sự lựa chọn của riêng con

"Khi về già, bạn ngồi hồi tưởng lại quá khứ. Bạn sẽ nhớ lại những thời khắc bạn quyết định du học, đi làm công việc đầu tiên, rồi chọn người yêu và đi đến kết hôn. Đó đều là những lựa chọn đã làm thay đổi cả cuộc đời bạn".

Dù là người lớn hay trẻ con, ai cũng cần phải lựa chọn con đường cho mình. Cha mẹ cần phải cho con quyền được tự do lựa chọn. Lúc nhỏ, con đã biết tự quyết định xem mình sẽ mặc gì hay làm gì. Khi lớn lên, trong những thời khắc quyết định, con sẽ biết lắng nghe trái tim để đưa ra lựa chọn tốt nhất cho mình.

 

3. Không tọc mạch vào bí mật của con

Cha mẹ luôn muốn thấu hiểu con cái. Điều đó không có gì sai. Nhưng cha mẹ cũng nên để cho con có bí mật riêng tư của mình. Cách tốt nhất để cha mẹ hiểu con chính là giao tiếp trò chuyện chứ không phải là tọc mạch những bí mật của con.

 

Những bậc làm cha làm mẹ mà nhìn xa trông rộng thì sẽ biết mềm nắn rắn buông. Khi cần quản, họ sẽ dạy con thật nghiêm để con biết con nên và không nên làm những gì. Khi cần buông, họ sẽ buông tay để con tự mình tung cánh, dũng cảm đương đầu với khó khăn. Đó mới là tình yêu thương tốt đẹp nhất mà cha mẹ dành cho con.

 

Trong mỗi một đứa trẻ đều tiềm tàng hình bóng của một nhân tài. Nhưng cách giáo dục của mỗi bậc cha mẹ sẽ tạo ra những cuộc đời khác nhau cho mỗi đứa trẻ.