Thứ Hai, 18 tháng 12, 2023

Kẻ nào giết chết tư duy sáng tạo

 

KẺ NÀO GIẾT CHẾT TƯ DUY SÁNG TẠO

 

Những nhược điểm thường cản trở tư duy sáng tạo là thái độ tiêu cực khi đối diện với vấn đề:

 

– Lý trí thường tư duy theo cách quen thuộc với các giải pháp có sẵn trong quá khứ, khư khư với tư duy theo lối mòn, không thoát khỏi lề thói cũ, trong khi mỗi vấn đề phát sinh đều có những khác biệt nhất định đòi hỏi thay đổi cách nghĩ cách làm.

 

– Quá sùng bái vào kinh nghiệm đã tích lũy, nên vội kết luận là vấn đề có thể giải quyết bằng giải pháp quen thuộc mà không thấy mỗi vấn đề đều có những khác biệt nhất nào đó, vì bất kỳ kinh nghiệm nào cũng chỉ có phạm vi ứng dụng nhất định.

 

– Kết luận vội vã vấn đề có thể giải quyết bằng biện pháp quen thuộc.

– Thói quen tấn công ngay vào vấn đề và chộp giải pháp đầu tiên vừa nảy ra trong đầu mà chưa cân nhắc thấu đáo mọi khía cạnh của vấn đề.

-Tự mãn với những thành quả đạt được và cách làm của mình, chủ quan với kiến thức của mình.

 

-Khi đối diện vấn đề khó khăn, phức tạp thì lập tức cho rằng mình không có khả năng giải quyết hay vấn đề đó không ai có thể giải quyết được.

– Cho rằng vấn đề chỉ có một cách giải quyết duy nhất và người ta đã giải quyết tốt rồi, mình cứ làm theo, chẳng cần phải tìm tòi gì thêm. Đó là kiểu tư duy điển hình của những kẻ theo đuôi.

 

-Quá lo nghĩ về những khó khăn thiếu thốn, nên buông xuôi mà không thấy rằng “trong cái khó ló cái khôn”, nên đó cũng là cơ hội để tìm ra giải pháp sáng tạo,

-Định kiến, bảo thủ, giáo điều, nhìn vấn đề phiến diện.

-Sợ thất bại, không dám vượt ra khỏi “vỏ ốc an toàn”, chấp nhận một cuộc sống tầm thường vốn có.

 

KẺ THIẾU TẦM NHÌN.

 

Năm 1899, Charles H. Duell, trưởng Văn phòng cấp bằng sáng chế Hoa Kỳ đề nghị giải thể cơ quan của mình vì cho rằng: “Mọi thứ có thể phát minh được đã được phát minh hết rồi”!!!

 

GS. Samuel Pierpont Langley đã bị cười nhạo là kẻ mơ mộng hão huyền khi đề nghị quốc hội Hoa Kỳ tài trợ cho việc thiết kế máy bay, vì vào thời ấy, người ta tin rằng những gì nặng hơn không khí không thể bay được.

 

Còn Napoleon Bonaparte đã cười nhạo Robert Fulton khi ông này thông báo là máy hơi nước có thể giúp chế tạo ra những con tàu đi ngược gió. Napoleon bảo rằng ông ta không có thời gian cho các trò đùa ngớ ngẩn.

Đó là điều đáng tiếc cho nước Pháp, vì nếu ứng dụng sáng chế trên vào thời kỳ đó thì nước Pháp chứ không phải Anh thống lĩnh các đại dương.

 

Bố của Henry Ford cho rằng con mình ngu ngốc khi từ bỏ chỗ làm thuận lợi để nghiên cứu “loại xe không cần ngựa kéo”. Nếu Ford nghe theo lời ông bố thì nước Mỹ đã không dẫn đầu trong công nghiệp sản xuất ô-tô.

 

Ngoài ra còn có không ít khó khăn có thể phát sinh từ cộng đồng:

 

– Kết luận rút ra được từ tư duy phê phán mâu thuẩn với ý kiến lãnh đạo – dễ bị cho là sai, không trung thành.

– Ý kiến khác biệt với suy nghĩ của đa số – dễ bị quy chụp là lập dị và bị bác bỏ ngay lập tức.

– Khi mạnh dạn nói “điều đó tôi không biết, không thể” – dễ bị cho là kém hiểu biết, năng lực kém.

– Thay đổi ý kiến khi phát hiện mình sai – dễ bị cho là không kiên định.

– Khó chấp nhận những ý tưởng khác thường. Cái giá của việc ngăn trở ý tưởng sáng tạo có thể là sinh mạng của rất nhiều người.

 

Đại dịch do bệnh thiếu vitamine C xảy ra ở châu Âu từ giữa thế kỷ 16 đã giết chết nhiều thủy thủ trên các tàu viễn dương.

Đến giữa thế kỷ 18 bác sĩ James Lind khẳng định bệnh có thể được loại trừ bằng uống nước chanh. 

Mặc dù đó chỉ là biện pháp rất đơn giản, nhưng vì nó quá mới mẻ, nên mãi đến cuối thế kỷ 18 hải quân Anh mới chấp nhận điều đó, sau khi có hàng chục ngàn thủy thủ bỏ mạng trên biển chỉ vì thiếu vitamine C.

 

Xu hướng tư duy về cách tiếp cận vấn đề quyết định khả năng tìm ra giải pháp sáng tạo hoặc một kết quả tầm thường hay bị cuốn vào vòng xoáy của những rối rắm mới phát sinh do cách làm vụng về.

 

Thất bại là mẹ thanh công

 

THẤT BẠI LÀ MẸ THANH CÔNG

 

"Người chưa bao giờ phạm sai lầm là người chưa bao giờ thử làm điều gì mới"

 

Câu nói của Einstein về thất bại là một trong những câu nói đáng để suy ngẫm nhất. Đó là một cách ngắn gọn để khắc phục thất bại như một bước đệm trên con đường hướng tới thành công.

 

Thay vì dằn vặt bản thân khi bạn làm hỏng việc, hãy tìm hiểu xem bạn đã sai lầm ra sao và rồi tìm một cách tiếp cận mới vào lần tới.

Đó là cách bạn biến thất bại thành thành công, và trong lĩnh vực vật lý lý thuyết đầy phỏng đoán của Einstein, sai lầm luôn vạch ra con đường dẫn đến hiểu biết sâu sắc hơn.

 

Albert Einstein không chỉ là một thiên tài, ông còn là một nhà đổi mới và có trí tưởng tượng phong phú. 

Bạn không cần phải là một thiên tài để trở thành một người thành đạt, nhưng có một suy nghĩ sáng tạo như Einstein, sẽ luôn rất có ích trên con đường sự nghiệp của bạn.

 

Chủ Nhật, 17 tháng 12, 2023

Tư duy sáng tạo với phương pháp “6 Chiếc mũ tư duy”

 

MẸO PHÁT TRIỂN TƯ DUY SÁNG TẠO VỚI PHƯƠNG PHÁP “6 CHIẾC MŨ TƯ DUY”

 

6 chiếc mũ là phương pháp tư duy sử dụng 6 chiếc mũ ẩn dụ, mỗi chiếc mũ đại diện cho một khía cạnh để tiếp cận vấn đề, giúp đánh giá các khía cạnh khác nhau một cách toàn diện, đưa ra quyết định một cách thông minh và hợp lý.

Phương pháp này được Tiến sĩ Edward de Bono phát triển vào năm 1980 và được giới thiệu trong cuốn sách “6 Thinking Hats” được xuất bản vào năm 1985.

 

Mũ trắng (Objective - Dữ liệu khách quan)

Mũ trắng đại diện cho lối suy nghĩ khách quan. Theo khía cạnh này, những lập luận được đưa ra một cách cụ thể, tập trung vào số liệu, sự kiện, nhu cầu, các yếu tố khách quan của vấn đề,...

 

Mũ đỏ (Intuitive - Trực giác)

Mũ đỏ đại diện cho trực giác, cảm tính, cảm xúc. Người đội mũ đỏ sẽ đưa ra ý kiến dựa vào cảm xúc mà không cần phải dựa trên logic, luận điểm chặt chẽ để giải quyết vấn đề hiện tại.

 

Mũ đen (Negative - Tiêu cực, điểm tối)

Mũ đen đại diện cho một tư duy sâu sắc, cẩn trọng, nhận ra được những điểm tiêu cực cần giải quyết.

Với khía cạnh này, người đội mũ đen sẽ thường đưa ra những quan điểm sâu sắc hơn để nhìn nhận vấn đề, những điểm không phù hợp với tình hình thực tế, những thiếu sót, sự cố hoặc rủi ro có thể xảy đến.

Từ đó chuẩn bị những phương án dự phòng nhằm ngăn chặn hoặc có sự điều chỉnh khi có vấn đề phát sinh.

 

Mũ vàng (Positive - Tích cực)

Mũ vàng đại diện cho các khía cạnh tích cực và những lợi thế trong giải quyết vấn đề. Với khía cạnh này, người đội mũ vàng sẽ đưa ra những ý kiến, suy nghĩ lạc quan, bằng cách chỉ ra những ưu điểm khi ứng dụng một giải pháp để giải quyết vấn đề cũng như tính khả thi của dự án.

Phương pháp này cung cấp nhiều động lực nhằm tiếp tục đưa ra các giải pháp độc đáo cho mọi vấn đề trong cuộc sống, thúc đẩy động lực làm việc của bản thân và đồng đội.

 

Mũ xanh lá cây (Creative - Sáng tạo)

Mũ xanh lá cây đại diện cho tư duy sáng tạo, nhìn nhận vấn đề theo nhiều khía cạnh khác nhau.

Màu xanh thể hiện một sức sống bền vững, mãnh liệt, những người đội chiếc mũ này luôn có những đề xuất thú vị, những ý tưởng kích thích, mang lại những thay đổi lớn. Những người này dễ dàng tìm ra những giải pháp sáng tạo cho hầu hết mọi vấn đề trong cuộc sống.

 

Mũ xanh dương (Process - Tiến trình, tổng kết)

Mũ xanh dương đại diện cho các nhìn tổng quan, tư duy tổ chức, theo đúng tiến trình, giúp hệ thống lại toàn bộ vấn đề một cách rõ ràng và dễ hiểu nhất.

Những người đội mũ này có thể dễ dàng kiểm soát, điều phối, tổ chức và đưa ra quyết định đúng đắn.

 

Lợi ích việc áp dụng các chiếc mũ tư duy này vào tư duy sáng tạo có thể giúp cá nhân, đội nhóm tập trung vào các khía cạnh khác nhau của vấn đề, đưa ra các ý tưởng mới mẻ và sáng tạo.

 

Bằng cách sử dụng các mũ này, người sử dụng có thể khám phá và tận dụng đầy đủ tiềm năng của bản thân và đội nhóm của mình.

 

Mọi người thường liên kết tư duy sáng tạo với nghệ thuật, âm nhạc hay ngành công nghiệp giải trí.

Chúng ta có thể thấy rằng hầu hết các nhà văn, nhạc sĩ, nhà làm phim, nghệ sĩ đều là những chuyên gia có tính sáng tạo cao, những người cố gắng tạo ra sự đa dạng trong các dự án của họ.

Tuy nhiên, tư duy sáng tạo cũng rất hữu ích trong các lĩnh vực, ngành nghề và thói quen hằng ngày khác.

 

Ngày nay, nhà tuyển dụng rất ưu tiên kỹ năng này trong hồ sơ của ứng viên, nhằm giúp họ tạo ra các chiến lược sáng tạo, cải tiến các giải pháp ban đầu để giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong doanh nghiệp của họ. Các chuyên gia marketing cũng áp dụng phương pháp này đề ra kế hoạch bán hàng rất hiệu quả.