"ẢO GIÁC" VỀ VẺ ĐẸP HOÀN HẢO
Theo TS. Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS), các tiêu chí của vẻ đẹp phi thực tế càng gây sức ép lên phụ nữ và xã hội nói chung.
Việc con người hướng tới cái đẹp là điều rất tự nhiên, nhất là người Việt Nam nay có điều kiện để khao khát cái đẹp sau nhiều chục năm phải kìm nén nhu cầu ăn ngon, mặc đẹp, coi đó là xa xỉ.
Bây giờ được phép bày tỏ, thể hiện, khao khát thì người ta thấy điều đấy là tuyệt vời, cảm thấy thích thú và hạnh phúc khi có nhiều cuộc thi, nhiều người đẹp, nhất là khi diễn ngôn chung của các cuộc thi sắc đẹp là gắn liền với lòng tự hào dân tộc, các hoa hậu là đại diện cho Việt Nam.
“Công nghiệp sắc đẹp” có gì là không tốt cho phụ nữ?
Thường thì số đông công chúng, truyền thông và các hội đoàn của phụ nữ không nhìn thấy sự nguy hại của cuộc thi này ở chỗ nó tôn vinh những vẻ đẹp hoàn hảo phi thực tế, khiến nhiều phụ nữ bị ám ảnh, chạy theo những cách làm đẹp tốn kém, thậm chí nguy hại đến sức khỏe và tính mạng cốt để đạt được các tiêu chuẩn của một vẻ đẹp nhân tạo.
Trước đây, nỗi ám ảnh, nỗi mặc cảm chiều cao hầu như không được đề cập tới, cho đến khi các tiêu chuẩn hình thể của người phương Tây được áp dụng vào các cuộc thi hoa hậu dồn dập thì chiều cao mới tự nhiên trở thành vấn đề.
Phần lớn những tiêu chuẩn khác như da trắng, mắt to, mũi cao đều dập khuôn theo vẻ đẹp phương Tây.
Trong khi các chuẩn mực được tôn vinh ấy không thực sự đại diện cho vẻ đẹp đa dạng của phụ nữ Việt Nam thì nó lại nguy hiểm ở chỗ tạo ra “ảo giác” rằng đẹp thì phải như vậy, khiến hàng triệu phụ nữ Việt Nam ám ảnh bởi vẻ đẹp của làn da trắng, sống mũi cao mắt hai mí to, khuôn mặt V-line, đôi chân dài trên một mét …Vẻ đẹp này có lẽ đã trở thành ước mơ của hàng triệu bé gái trên đất nước này.
Đã nhiều năm nay, trên thế giới có nhiều nghiên cứu cho thấy các cuộc thi hoa hậu là một cách thương mại hóa cơ thể người phụ nữ chứ thực ra không mang lại lợi ích cho giới nữ nói chung.
Vì những cuộc thi đó đưa ra tiêu chuẩn về vẻ đẹp để cho phụ nữ noi theo, người ta lợi dụng cơ thể người phụ nữ để bán hàng cho chính phụ nữ.
Các nhãn hàng, với nguồn marketing khổng lồ nhắm vào phụ nữ, thúc đẩy họ chi tiền cho phẫu thuật thẩm mỹ, cho các loại mỹ phẩm được quảng cáo để đuổi theo vẻ đẹp của các hoa hậu. Nhìn chung có thể nói là các cuộc thi hoa hậu không tạo ra tiêu chuẩn vẻ đẹp chung chung mà là các tiêu chuẩn vẻ đẹp để bán được hàng.
Thông điệp từ các kênh truyền thông của chúng ta là gì nếu không phải là niềm tin rằng có sắc đẹp là có cuộc sống xa hoa sung sướng. Nó rất nguy hại vì nó gây nên ảo giác rằng chỉ cần có sắc đẹp là sẽ thành công, nó đánh đồng cuộc sống vật chất xa hoa với sự thành công của người phụ nữ và gây nên ảo giác rằng chỉ cần có sắc đẹp là sẽ thành công trong cuộc đời.
Những giá trị mà người Việt thường đề cao như lao động chuyên cần, siêng năng học hỏi, sáng tạo, năng động… để đi đến thành công trở nên lỗi thời.
những gì mà phụ nữ phải phấn đấu suốt bao nhiêu năm qua để khẳng định những giá trị quan trọng khác ngoài hình thể của mình như trí tuệ, bản lĩnh, năng lực lãnh đạo, sự bền bỉ, óc sáng tạo, sự năng động …
Thì các cuộc thi sắc đẹp tràn lan với sự tiếp tay của truyền thông đang có nguy cơ che mờ những giá trị đó. khiến hàng triệu người tự nguyện hành xác bằng các chế độ dinh dưỡng khắc nghiệt, hủy hoại sức khoẻ hoặc các cuộc đại phẫu sắc đẹp không hồi kết, bất chấp hậu quả, kể cả tính mạng. Ước mơ về vẻ đẹp hoàn hảo đang không ngừng ám ảnh họ.
Quá chú ý đến người đẹp sẽ dẫn đến việc bỏ qua những người phụ nữ quanh ta – những người chiếm đại đa số trong phụ nữ. Các chương trình quảng cáo trên truyền hình cũng có xu hướng tương tự như các tạp chí thời trang. Phụ nữ có tuổi, phụ nữ béo, phụ nữ gầy không bao giờ có mặt trong các quảng cáo thời trang.
Điều đó phải chăng nên được hiểu là những người này không cần thời trang, họ không cần phải mặc đẹp? Sau rất nhiều tranh cãi qua lại, một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp: Tại sao những người phụ nữ bình thường – với cân nặng là 75kg và mặc quần áo cỡ 14 lại bị truyền thông bỏ qua?
Trên thế giới thì người ta không còn hâm mộ các cuộc thi sắc đẹp nữa, thậm chí có nhiều cuộc biểu tình phản đối trước các cuộc thi sắc đẹp. Không có những cách truyền thông rầm rộ cho các cuộc thi sắc đẹp hay các truyền thông nhấn mạnh vào vẻ đẹp của các cô gái một cách rộng rãi như ở Việt Nam hiện nay, để tránh tạo ra văn hóa ám ảnh về cơ thể.
Vấn đề là ở Việt Nam còn ít người ý thức được về điều này. Cần có các nghiên cứu, các sáng kiến truyền thông không đánh đồng giữa vẻ đẹp cơ thể như một tiêu chí để tiến thân, thành công, giàu có và hạnh phúc.
Tầm quan trọng của vẻ đẹp bị thổi phồng tới mức mà những người không đẹp sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong công việc và cuộc sống.
Một nghiên cứu gần đây ở Mỹ cho thấy những phụ nữ gầy có thu nhập trung bình cao hơn khoảng 16,000USD mỗi năm so với những phụ nữ có cân nặng vừa phải.
Một nghiên cứu khác phát hiện rằng 57 % nhà tuyển dụng cho biết là những ứng viên đạt yêu cầu chuyên môn nhưng không hấp dẫn thường gặp nhiều khó khăn hơn khi mới vào làm, và 61% các nhà quản lý (thường là nam) nói những phụ nữ mặc trang phục bó sát cơ thể tại nơi làm việc thường gặp nhiều thuận lợi hơn.
ST