ĐỪNG SỢ LỠ CUỘC CHƠI – TỪ FOMO KHAO KHÁT ĐẾN FOMO BẦY ĐÀN, HIỂU ĐỂ TRÁNH NHỮNG CẠM BẨY
Trong lĩnh vực thương mại, FOMO được sử dụng nhằm đạt mục tiêu duy nhất: lôi kéo bạn làm một việc mà bạn sẽ không làm hoặc sẽ trì hoãn nếu không có yếu tố xúc tác bên ngoài.
Vậy FOMO (viết tắt của cụm từ Nỗi sợ bỏ lỡ - Fear of Missing Out) điều khiển trong kinh doanh như thế nào để thúc đẩy hoạt động tiếp thị và thương mại?
FOMO Khao khát tạo nên bởi chiến dịch tiếp thị dựa trên hình ảnh người nổi tiếng
Từ Serena Williams (VĐV quần vợt nổi tiếng người Mỹ) đến Youtuber Jake Paul và diễn viên Cameron Dallas, những nhân vật có tầm ảnh hưởng đang mang lại cho ngành thương mại hàng tỷ đô-la mỗi năm bằng cách quảng bá sản phẩm tới những người theo dõi họ.
Nhờ có mạng xã hội, những người nổi tiếng có thể trực tiếp "thâm nhập" vào điện thoại và tác động đến tâm lý của chúng ta, thuyết phục chúng ta rằng họ đáng tin, vì vậy họ quảng bá các sản phẩm, sự kiện hoặc dự án thương mại mạo hiểm khác một cách rất hiệu quả.
Nếu họ thật sự tận dụng tốt sức mạnh này thì có thể điều khiển chứng FOMO của bạn, dù bạn không hề nhận ra rằng mình đang bị thao túng. Nhờ vậy, họ bán được hàng ngay. Tuy nhiên, bạn hãy luôn nhớ rằng họ không đầu tư vào bạn.
Hãy xem xét tài khoản Instagram của Cristiano Ronaldo, Selena Gomez và Ariana Grande, những người nổi tiếng được theo dõi nhiều nhất trong năm 2018.
Tổng cộng, nhóm này thu hút được hơn 500 triệu người theo dõi, nhưng cả ba chỉ theo dõi chưa đến 2.000 người. Có thể bạn đang theo dõi họ nhưng chắc chắn họ không theo dõi bạn.
Về cơ bản, mối quan hệ này là đơn phương. Đó chính là điều kỳ quặc của mạng xã hội: Bạn chủ động lựa chọn trở thành người theo dõi và tìm hiểu đời tư của rất nhiều người, từ nhân vật nổi tiếng cho đến người hàng xóm.
Kết quả là, bạn trở nên rành rọt đời tư của những người thậm chí còn không biết đến sự tồn tại của bạn, nhưng lại ít quan tâm đến cuộc sống của những người thân thiết hoặc là một phần quan trọng trong cuộc sống của bạn.
FOMO Bầy đàn tìm kiếm sự chấp nhận và hòa nhập
Các nhà bán lẻ và tiếp thị thường thiết kế toàn bộ chiến dịch mua sắm dựa trên việc kích thích cảm giác sợ bỏ lỡ trong bạn, nhằm thôi thúc bạn mua hàng hóa, dịch vụ và trải nghiệm mà họ đang bán.
Từ đám đông rần rần đổ về cửa hàng vào ngày Thứ Sáu Đen đến những người xếp hàng dài cả ngày bên ngoài cửa hàng Apple với hy vọng mua được một cái-gì-đó, quy trình mua hàng từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm chung của một số sản phẩm.
Giống như linh dương đầu bò, việc cảm thấy bắt buộc phải gia nhập vào đám đông được thôi thúc bởi một nhu cầu cơ bản. Nếu ở loài linh dương là để sinh tồn, thì FOMO sapiens tìm kiếm sự chấp nhận và hòa nhập.
Đó là lý do tại sao bếp trưởng Dominique Ansel chỉ đạo nhân viên chỉ nướng chưa đến 400 chiếc bánh Cronut để bán vào mỗi sáng tại tiệm bánh ở khu phố SoHo, Manhattan.
Nếu muốn có được một chiếc bánh, tất nhiên, bạn phải xếp hàng trước khi tiệm mở cửa lúc tám giờ. Mặc dù Ansel có thể sản xuất thêm hoặc tăng giá để đáp ứng đủ nhu cầu nhưng ông biết rõ chứng cuồng loạn (hysteria) xoay quanh Cronut – tên sản phẩm mà ông đã đăng ký thương hiệu – đáng giá hơn nhiều so với việc tối đa hóa doanh số hằng ngày.
Thứ nhất, số lượng bánh có hạn mỗi ngày tạo nên giá trị khan hiếm. Thứ hai, những người xếp hàng dài bên ngoài tiệm bánh chứng tỏ rằng những món ông nấu thật sự đáng để chờ đợi.
Tuy nhiên, khác với sức mạnh lan truyền thông tin do người nổi tiếng hoặc người có sức ảnh hưởng tạo ra, sự lan truyền ở đây bắt nguồn từ sức mạnh của bầy đàn, thể hiện qua những người New York khó tính và khách du lịch nhẹ dạ cả tin đang xếp hàng.
Tuy các chiến thuật thông minh như của Ansel từ lâu đã trở thành động lực mạnh mẽ trong việc xây dựng thương hiệu và bán hàng, nhưng trong thập niên vừa qua, các nhà tiếp thị trực tuyến đã tìm cách đưa bộ ba tác động gồm: FOMO Bầy đàn, hiệu ứng lan truyền thông tin bằng người nổi tiếng và giá trị khan hiếm vào thế giới số.
Các nhà tiếp thị số sử dụng tất cả công cụ nhằm thu hút sự chú ý của bạn và cố gắng khiến bạn quyết định rằng bạn phải có sản phẩm của họ. Một khi nhận ra rằng những mánh khóe của họ giống như một Ma trận khiến bạn lạc lối, bạn sẽ không bao giờ lướt web như trước đây nữa.
Dù là trong thế giới thực hay thế giới số, chúng ta đều không thể phủ nhận rằng FOMO Khao khát lẫn FOMO Bầy đàn đều được các nhà tiếp thị thuộc mọi tầng lớp vận dụng sâu sắc nhằm thu hút sự chú ý và bán được hàng.
Nếu bạn nhận thức được những thông điệp này, bất kể nó tác động vào ý thức hay tiềm thức, thì bạn cũng học được cách giành lại quyền kiểm soát và đưa ra các quyết định theo ý muốn thật sự, thay vì những thứ bạn nghĩ là bạn muốn do nỗ lực lôi kéo của người quảng cáo.
Sự thay đổi nguồn sức mạnh này rất quan trọng, không chỉ trong việc đưa ra lựa chọn phản ánh chân thật sở thích của bạn, mà còn đảm bảo bạn không bỏ qua bước suy xét khi chọn lựa. Nó không những ngăn bạn ăn quá nhiều bánh Cronut mà còn tránh mạo hiểm bỏ tiền vào các khoản đầu tư mang tính ức đoán.
Theo Đừng sợ lỡ cuộc chơi Doanh nghiệp và tiếp thị