TIỀN BẠC VÀ HẠNH PHÚC
Liệu đồng
tiền có phải là thủ phạm khiến con người tha hóa, xã hội ngày một đảo điên? Tiền
bạc có mang lại hạnh phúc?
Từng trải qua tình cảnh nghèo túng,
đói khát, bạn mới cảm nhận được hạnh phúc của bát cơm no đủ. Từng chứng kiến cảnh
những người cha mẹ phải bán thận để có tiền chữa bệnh cho con, bạn mới thấm
thía giá trị của đồng tiền và nỗi khổ của đói nghèo.
Tiền rất quan trọng. Trong biểu tháp
nhu cầu Maslow, ở tầng thấp nhất là các nhu cầu thể lý căn bản. Nếu như các nhu
cầu tối thiểu như ăn uống, nghỉ ngơi không được đáp ứng, chắc chắn chúng ta sẽ
không thể có hạnh phúc.
Theo giáo sư Michael Norton thuộc Trường Đại học Havard, đồng tác giả cuốn sách
‘Đồng tiền hạnh phúc’, ở một mức độ nào đó, tiền có thể ‘mua được hạnh phúc’ nếu
chúng ta sử dụng nó đúng cách.
Nghiên cứu của giáo sư Norton cho thấy, thay vì cố gắng tích trữ và sở hữu tài
sản vật chất, hãy ‘mua trải nghiệm’.
Trải nghiệm luôn lưu dấu trong trong
tâm trí con người sâu sắc hơn là việc sở hữu. Kỷ niệm đẹp từ những chuyến đi
xa, khám phá những điều mới lạ, những khoảnh khắc chia sẻ cùng những người thân
yêu, luôn để lại ấn tượng khó phai mờ và giúp chúng ta gắn kết và hạnh phúc
hơn.
‘Mua’ thời gian cũng được xem là một cách sử dụng đồng tiền khôn ngoan. Trong
thời đại bận rộn ngày nay, thời gian là thứ xa xỉ. Mua dịch vụ, giải phóng bản
thân khỏi những công việc không quan trọng nếu có thể để được thảnh thơi hơn và
dành thời gian làm những việc mình yêu thích, phát triển bản thân có thể giúp
chúng ta cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một khám phá nữa mà nghiên cứu của
giáo sư Norton đã chứng minh và khiến nhiều người ngạc nhiên, đó là việc cho đi
mang lại nhiều hạnh phúc hơn chúng ta tưởng. Đó có thể là lý do những người rộng
lượng phóng khoáng thường hạnh phúc hơn những kẻ keo kiệt hẹp hòi. Đồng tiền
khi đem trao tặng có thể giúp chúng ta hạnh phúc hơn.
Đồng tiền không có lỗi, có chăng là thái độ, cách ứng xử của con người với đồng
tiền.
Khi đồng tiền trở thành chướng ngại.
Tiền là phương tiện giúp cuộc sống dễ
chịu hơn. Vấn đề là chúng ta nhầm lẫn giữa phương tiện và mục đích.
Khi việc kiếm tiền, tích trữ của cải
tài sản trở thành mục đích hay là động lực dẫn dắt mọi hành động, cuộc sống của
chúng ta trở nên méo mó, lệch lạc bởi tiền bạc chỉ là một khía cạnh thứ yếu của
cuộc sống, bên cạnh sức khỏe, tinh thần, tình cảm, kết nối, trí tuệ tâm linh…
Hơn nữa, chúng ta dễ bị mắc kẹt
trong cái vòng xoáy bất tận của kiếm tiền để sở hữu được những tiện nghi vật chất
mình ao ước, rồi lại cảm thấy nhàm chán và lại tiếp tục lao vào những cuộc đua
mới, tìm kiếm những tiện nghi mới hơn, cao cấp hơn, mà không bao giờ cảm thấy
thỏa mãn. Lý do là bộ não của con người được ‘lập trình’ để ‘bình thường hóa’
những gì quen thuộc cho dù nó có tốt đẹp mức nào.
Một bữa ăn khoái khẩu có thể cho bạn cảm giác vui sướng trong vài chục phút, một
đôi giày mới khiến bạn vui thích được vài ngày, cảm giác hạnh phúc sau khi dọn
vào một căn nhà mới nhanh chóng suy giảm, thậm chí tan biến sau khoảng 6,7
tháng…
Đó là chưa kể đến nỗi lo lắng bị mất
tiền, mất tài sản khiến cho chúng ta phải sống trong nỗi bất an thường trực và
không tận hưởng được trọn vẹn những gì mình đang có.
Cuộc sống của nhiều người trúng số độc đắc sau vài năm đôi khi còn bất hạnh hơn
cả trước khi nhận được món quà từ trên trời rơi xuống bởi cảm giác thỏa mãn
nhanh chóng suy giảm, trong khi các mối quan hệ gia đình bị rạn nứt vì những
xung đột liên quan đến tiền.
Một bậc thầy tâm linh từng nói: “Con
người hủy hoại sức khỏe của mình để chạy theo tiền bạc, rồi lại dùng tiền kiếm
được để chăm sóc sức khỏe. Con người quá lo lắng cho tương lai đến nỗi họ không
biết hân hưởng giây phút hiện tại, rốt cuộc họ chẳng thực sự sống trong hiện tại
cũng như trong tương lai. Họ sống như thể mình là bất tử để rồi chết đi một
cách uổng phí như chưa hề được thực sự sống”.
Giàu là biết đủ.
Trong một cuộc khảo sát gần đây được
thực hiện bởi Công ty dịch vụ tài chính toàn cầu UBS, có đến 70% những người có
tài sản trên 1 triệu USD không tự nhận mình là giàu có. Quả thật so với những
người có hàng trăm triệu đô la thì họ ‘nghèo rớt mồng tơi’. Tất cả đều là tương
đối và bắt nguồn từ góc nhìn của chúng ta. Khi tâm ta còn tham, còn đố kỵ so
sánh hơn thua, thì ta mãi mãi nghèo. Tiền có thể cho ta một chút cảm giác an
toàn, tự tin, nhưng không thể khỏa lấp hết sự bất an trong tâm trí.
Thật ra, điều quan trọng hơn chúng ta cần chinh phục không phải là những mục
tiêu tài chính ngày một lớn hơn, mà chính là cái tâm tham cầu, cả thèm chóng
chán, thích hưởng thụ mà lâu nay chúng ta vẫn đang nuông chiều, dung dưỡng.
Đức Phật đã dạy, tất cả đều xuất phát từ tâm. Khi lòng bạn an vui thì một bữa
cơm đơn sơ cũng chứa chan hạnh phúc. Tâm bồn chồn bất an thì sơn hào hải vị
cũng nhạt nhẽo vô vị.
Khi hiểu được cơ chế vận hành của
tâm và biết đủ, bạn sẽ tự khắc biết cách kiếm tiền một cách chính đáng và làm
chủ đồng tiền.
Hạnh phúc miễn phí
Ngày nay con người có thể lên tận Sao Hỏa, nhưng lại chưa du hành, khám phá hết
thế giới nội tâm mình. Đúng là chúng ta có thể dùng tiền mua vài trải nghiệm hạnh
phúc bên ngoài như lời giáo sư Norton.
Nhưng có những trải nghiệm tâm linh
vô giá không thể mua được bằng tiền, đó là trải nghiệm được tự tính tâm mình,
nơi hạnh phúc vốn sẵn có, đủ đầy.
Trở về soi rọi nội tâm và trân trọng
giây phút hiện tại, chúng ta sẽ nhận ra rằng, chẳng có khoảng thời gian nào là
lãng phí bởi chúng ta tìm được niềm an lạc trong bất cứ công việc gì mình làm.
Tâm hồn chúng ta sẽ rộng mở, hướng đến
mọi người, mọi loài và đôi khi, đối với họ, chỉ riêng sự hiện diện của chúng ta
thôi cũng có ý nghĩa hơn bất cứ tiền bạc nào.