TÌNH YÊU TỰ DO: “HAI MÀ MỘT” SONG HÀNH “MỘT MÀ HAI”
Thi sĩ Tản Đà đã thật trí huệ khi sáng tác hai câu thơ: "Mình với ta tuy hai mà một - Ta với mình tuy một mà hai." Những người từng yêu, bị trói buộc trong tình yêu, rồi có tự do trong tình yêu, mới thấm đẫm ý nghĩa của câu thơ này.
Tuy hai mà một...
Nói anh với em tuy hai mà một, nghĩa rằng đôi ta thương nhau như thương chính bản thân mình, đối xử với nhau như đối xử với chính mình. Ai ai cũng muốn bản thân hạnh phúc, và thế, khi yêu người kia, ta cũng muốn họ được hạnh phúc.
Vì vậy, khi đến với nhau, ta tuy là hai mình, hai thể xác, nhưng tâm hồn của anh và em như hòa làm một. Để ta không chia rẽ, không phân biệt đối xử, không định kiến, không tách biệt, không cô lập chính mình trong mối quan hệ ấy...
Thế nhưng, trong yêu đương thắm thiết, đôi khi anh và em lầm tưởng rằng "hai mà một" ấy nghĩa là cái gì của em thì là của anh, và cái gì của anh thì là của em. Bỗng dưng, tư tưởng đó khiến mối quan hệ trở thành một sự trói buộc đầy nghẹt thở.
Chính cái hiểu sai "hai mà một" này mới sinh ra thái độ ghen tuông, sân hận khi người kia không làm đúng ý mình, không chiều chuộng theo mối bận tâm của chính mình.
Lúc này, tình yêu bỗng trở thành ngục tù trói giữ hai tâm hồn.
Ở đâu có ngột ngạt, ở đó có vùng vẫy và đấu tranh. Thế nên ta mới thấy tình yêu muôn thuở luôn là gặp gỡ và chia ly, duyên hợp và duyên tan, nhưng rất nhiều trong số đó xảy ra trong đau khổ và giận dữ. Cũng chỉ vì sự lầm hiểu "hai mà một" này.
Anh với em, chúng ta lắng nghe, yêu thương, quan tâm người kia như với chính bản thân mình. Để trong tình yêu, ta học được tính vị tha chứ không phải vị kỷ, hết lòng chứ không phải toan tính cho đi để nhận lại.
Đó là ý nghĩa sâu xa của "hai mà một".
Tuy nhiên, anh với em, chúng ta tuy một nhưng vẫn là hai. Hai ở đây nghĩa rằng dù tâm hồn chúng ta không phân biệt đối xử nhau nhưng nhận thức lẫn cá tính của mỗi người là mỗi khác.
Anh sẽ có những lựa chọn và sở thích khác biệt, cũng như em cũng có những đam mê và công việc khác anh.
Yêu nghĩa là tôn trọng hoàn toàn quyết định của người kia, dù đôi lúc, có lẽ, quyết định ấy khiến cả hai phải tạm xa nhau.
Tôi rất thích đoạn hội thoại này trong bộ phim "The longest ride", khi Young Ira thấy người vợ bất hạnh của mình muốn rời khỏi tổ ấm mà cả hai đã nỗ lực xây dựng suốt bao năm, anh đã rất đau đớn nhưng cũng đã rất chân thành và can đảm chia sẻ điều này với vợ:
"I love you so much I just want you to be happy... even if that happiness no longer includes me." (Anh yêu em rất nhiều. Anh chỉ muốn em được hạnh phúc dù hạnh phúc đó không bao gồm anh nữa."
Có lẽ, đây là một trong những bộ phim mà tôi cảm nhận được ý nghĩa sâu xa của "hai mà một" lẫn "một mà hai". Tự do của em là tự do của anh, dù em chọn tự do ấy một mình.
Tôi không nghĩ ấy là một kiểu hy sinh đầy bi lụy, hay một kiểu chấp nhận đầy yếu đuối, mà là một sự can đảm và yêu thương lớn lao. Vì bạn sẽ thấy một điều rằng, người ta trói buộc nhau, luôn muốn giữ lấy đối phương trong chuyện tình cảm, vì người ta luôn sợ hãi đánh mất điều quý giá.
Sợ hãi là một sự ích kỷ và thiếu lòng can đảm. Nhưng khi người ta can đảm, người ta sẽ nhìn người mình yêu bay và tung bay trong niềm hân hoan và lòng họ sẵn sàng gửi đến lời chúc tốt đẹp cho người đó.
Khi ta có thể trung hòa được "hai mà một" và "một mà hai" thì dù duyên hợp hay duyên tan, tâm hồn ta vẫn sẵn sàng đón nhận.