SỐNG Ở ĐỜI, ĐỪNG ĐỂ MỘT CHIẾC LÁ CHE MẮT MÀ KHÔNG THẤY NÚI THÁI SƠN
Xưa có một chàng nho sinh gia cảnh bần hàn. Mặc dù hàng ngày luôn chăm chỉ đọc sách, nhưng anh lại cổ hủ vô trí, mãi vẫn không ngộ ra được những điều cao thâm. Một hôm, anh đọc trong cuốn Hoài Nam Tử thấy có câu rằng:
“Đường lang tí thiền tự chướng diệp, khả dĩ ẩn hình.”
Ý là, bọ ngựa muốn bắt ve nên đã ẩn mình sau chiếc lá để đợi thời cơ, và nhờ chiếc lá ấy mà nó đã trở nên “vô hình” trước mắt con ve.
Chàng nho sinh cứ ngỡ rằng anh vừa mới học được một đạo thuật cao siêu, thế là, anh ta đi khắp nơi để tìm cho được chiếc lá kỳ diệu ấy. Tìm mãi tìm mãi, cuối cùng anh cũng thấy trên cây có một con ve đang đậu sau chiếc lá.
Chàng nho sinh mừng rỡ, vội vàng hái xuống. Nhưng vì bất cẩn, anh lỡ tay đánh rơi chiếc lá xuống đất, lẫn lộn trong đống lá đã rụng.
Mất cả ngày trời tìm kiếm ngược xuôi, vậy mà phút chốc lại thành công dã tràng! Bỗng nhiên một tia sáng loé lên trong đầu, anh ta nghĩ ra cách là mang toàn bộ đám lá ấy về.
Về nhà thấy vợ, anh lấy từng chiếc từng chiếc che lên mắt rồi hỏi:
“Nàng có nhìn thấy ta không?”
Vợ anh thật thà đáp lại: “Thấy chứ!”
Rồi anh lại lặp lại với một chiếc lá khác. Sau nhiều lần như thế, người vợ không thể chịu đựng được những câu hỏi vô nghĩa của chồng, bèn bực mình nói rằng: “Không thấy!”
Anh ta tưởng thật, liền mang chiếc lá “có thể tàng hình” ấy ra ngoài ăn trộm nhưng rất nhanh chóng đã bị bắt tại trận. Sau khi quan sai nha nghe rõ sự tình, ông mới cười lớn rằng:
“Chàng ngốc ơi là chàng ngốc, cậu có đọc bao nhiêu sách thì cũng chỉ là con mọt sách thôi, chỉ biết lấy lá che mắt mà không nhìn thấy Thái Sơn!”.
Con người ta thường bị mê hoặc bởi hiện tượng tạm thời trước mắt mà không thể nhìn thấy được bản chất của vấn đề và toàn diện sự vật.
Cũng giống như thầy bói xem voi, người sờ được chân sẽ cho rằng ‘con voi sừng sững như cái cột đình’, người sờ được tai thì phán ‘con voi bè bè như cái quạt nan’, người sờ được ngà thì nói ‘con voi dài dài cứng cứng như cái đòn càn’, người sờ được đuôi thì lại kiên quyết ‘con voi tua tủa như cái chổi xể cùn’.
Thực ra tất cả đều không sai, nhưng vì chỉ đúng một nửa nên mới trở thành sai, và nếu tin vào cái sai ấy thì cũng giống như đang mê hoặc chính mình.
Cuộc sống cũng vậy, dẫu có nắm được hết thảy mọi tri thức thế gian, làm chủ hết thảy mọi biện pháp công nghệ, thì chúng ta vẫn chỉ đang lần sờ trong chân lý vĩnh hằng của vũ trụ mà thôi.
Những gì chúng ta có thể nghe thấy, nhìn thấy, sờ thấy, vẫn là quá nhỏ bé và hữu hạn, trong khi hiện thực lại rộng lớn vô cùng.
Bởi vậy, cổ nhân vẫn luôn giảng rằng: con người chính là ở trong “mê”, không nên vì lợi ích hiện thực mà bị giả tướng của đời thường làm mê hoặc. Chỉ khi nhắm mắt lại để tâm tĩnh tựa mặt hồ thì người ta mới có thể tìm thấy những ý vị cao thâm…