Chủ Nhật, 13 tháng 8, 2023

"Vượt khó" hay “vượt sướng": Câu chuyện của giới trẻ

 

"VƯỢT KHÓ" HAY “VƯỢT SƯỚNG": CÂU CHUYỆN CỦA GIỚI TRẺ

 

Hẳn chúng ta đã nghe rất nhiều về các câu chuyện, các tấm gương vượt khó ngay từ những ngày đầu đi học và chúng ta luôn dành sự ngưỡng mộ, tôn trọng cho các cá nhân luôn cố gắng vượt qua nghịch cảnh để thành công.

 

Ở thời hiện đại, khi mà con người hướng tới một cuộc sống đủ đầy, ấm no cũng là lúc câu chuyện "vượt sướng" được nhắc đến. Một khi đã đạt được điều này, chúng ta sẽ đối xử với cuộc sống như thế nào? An phận với nó hay tiếp tục vượt lên là một câu hỏi tạo ra sự tranh luận rất lớn trên các nền tảng mạng xã hội.

Chính vì lẽ đó, có ý kiến cho rằng "nghèo vượt khó" đã khổ, "giàu vượt sướng" còn gian nan hơn rất nhiều. Một câu nói đáng để chúng ta suy ngẫm.

 

"Vượt khó" là vượt qua khó khăn, nghịch cảnh trong cuộc, thoát khỏi cảnh nghèo nàn, v.v. Chúng ta có thể bắt gặp những tấm gương vượt khó ở rất nhiều nơi như trên các mặt báo, mạng xã hội, các chương trình truyền hình.

"Vượt khó" là một khái niệm phổ biến thế nhưng không phải ai cũng từng nghe qua khái niệm "vượt sướng". Chúng ta có thể dễ dàng hình dung "vượt sướng" là dám bước ra khỏi những điều kiện thuận lợi, tốt đẹp, an nhàn, bước ra khỏi vùng an toàn để đón nhận và đương đầu với những thử thách mới.

 

Hành trình "vượt khó" có thể quật ngã bất cứ ai không có ý chí kiên cường nhưng "vượt sướng" còn gian nan gấp bội? Vậy, con người có cần năng lực phi thường để "vượt sướng"?

 

"Nghèo vượt khó" đã khổ

Luôn tồn tại hai thái cực khác nhau trong một vấn đề (mâu thuẫn) và cuộc sống cũng vậy. Có người được sinh ra trong cảnh nhung lụa, đời sống ấm no, quý nhân phù trợ; nhưng cũng có những số phận phải chịu cảnh "ăn không no, mặc không ấm", luôn phải nỗ lực hơn người khác rất nhiều lần để vượt qua hoàn cảnh.

Khó khăn luôn hiện diện trước mắt chúng ta; chúng là những thực thể vô hình và sẵn sàng ập tới bất cứ lúc nào. Đó có thể là trở ngại về môi trường sống, hoàn cảnh sống, những sự cố không mong muốn, v.v. và khi đó "vượt khó" là cách để vượt lên trên thực tại.

 

Biết bao con người sinh ra trong hoàn cảnh kém may mắn, họ đã, đang và sẽ nỗ lực từng ngày để vươn lên thay đổi cuộc sống của mình. Họ cũng có ước mơ, có hoài bão, chỉ khác rằng, con đường đến với ước mơ của họ gian nan hơn, thử thách hơn và họ phải nỗ lực nhiều hơn.

Họ không coi đó là thiệt thòi mà luôn lấy "áp lực" để tạo ra "động lực" vượt lên. Chính khó khăn ngày hôm nay đã tôi rèn ý chí, nghị lực của con người. Nếu cứ mãi sống trong tuyệt vọng, chẳng phải ta sẽ mãi tự tin, mặc cảm để rồi dần thụt lùi hay sao.

 

"Giàu vượt sướng" gian nan hơn nhiều

Vượt khó được coi là khó nhọc thì vượt sướng còn gian nan hơn rất nhiều. Khái niệm "vượt sướng" xuất hiện trong vài năm trở lại đây đã tạo ra một chủ đề được quan tâm rất lớn, đặc biệt đối với giới trẻ.

"Giàu" ở đây không chỉ bó hẹp về mặt tài chính, cuộc sống đủ đầy mà xa hơn là giàu về tình cảm, là sự bao bọc, chở che, tình yêu thương. Một cuộc sống đủ đầy cả về "tiền" và "tình" dễ khiến chúng ta, nhất là giới trẻ an phận với thực tại.

 

Công nghệ ngày càng phát triển, đời sống ngày càng được cải thiện. Chính vì lẽ đó một bộ phận các bạn trẻ ngày nay được bố mẹ bao bọc, chăm lo từng chút về đời sống cá nhân, được chu cấp về tài chính và thiết bị hiện đại mà dần quên mất cách tự lập, trở nên lười đi và thậm chí gặp khó khăn ngay cả với những công việc nhà rất đơn giản như nấu cơm, giặt giũ, v.v.

 

Quay trở lại 70 năm về trước khi mà nạn đói hoành hành, từ người già đến người trẻ phải bắt bọ, đào gốc cây ăn chống đói qua ngày, chúng ta mới thấy ông cha ta "vượt khó" phi thường đến mức nào. Ở thời điểm hiện tại, nếu đặt ra thử thách cho các bạn trẻ "từ bỏ cái sướng" và "sống theo cách khổ" thì mình tự hỏi mấy ai dám chấp nhận thử thách? Dưới góc độ cá nhân, có thể nói, "ngại khổ ngại khó" đang là một thực trạng ở giới trẻ hiện nay.

 

Ba nguyên nhân giới trẻ gặp khó để Vượt sướng

Thứ nhất, một bộ phận phụ huynh vì thương con mà nuông chiều con cái quá mức, dành cho con cái rất nhiều tình cảm, chu cấp cho các con tiền tiêu vặt, thiết bị thông minh và đáp ứng các yêu cầu của các con một cách thái quá. Hệ quả là, các bạn trẻ dần trở nên phụ thuộc, thụ động.

 

Thứ hai, ý chí là cái thiếu nhất của các bạn. TS Lê Thẩm Dương chia sẻ, đối với những người có hoàn cảnh nghèo khó, họ sẽ chẳng còn cách nào khác ngoài vươn lên thoát nghèo. Nhưng những gia đình khá giả lại khác, tâm lý quen sống trong nhung gấm, nhìn quanh không thiếu thứ gì đôi khi lấn át hết sự nỗ lực của bản thân. Sự lười biếng, chây ì rất dễ xảy ra. Những người có gia thế hoành tráng mà biết sử dụng nó để khiến bản thân mình thành công hơn cũng đáng khâm phục không kém.

 

Nguyên nhân cuối cùng nằm ở việc ít tầm nhìn tạo ra sự đột phá. TS Lê Thẩm Dương có đề cập đến trong hội thảo "Vượt sướng" của mình, không “vượt sướng” được để bứt phá chính là không thoát nổi sự cám dỗ của kim tiền.

Trong xã hội hiện nay thang giá trị không vượt ra được khỏi được chữ tiền. Ít ai nghĩ tới việc tận dụng vị trí ưu việt của mình trong xã hội để tạo ra giá trị gì đó lớn hơn lợi ích cho bản thân.

 

“Dựa núi, núi sẽ đổ, dựa người, người sẽ chạy, sống trên đời phải luôn nhớ bản thân mình mới là chỗ dựa vững chắc nhất. Đừng vì ỷ lại mà mất tất cả.”

 

 

con bạn muốn đi bao xa, phải dựa vào AQ

 

CON BẠN MUỐN ĐI BAO XA, PHẢI DỰA VÀO AQ*

Hiện nay, tình trạng học sinh chịu không nổi áp lực ở trường học có rất nhiều, dẫn đến những hậu quả rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của chúng. Thậm chí có nhiều em đã chọn cách từ bỏ cuộc sống của mình một cách cực đoan, chỉ vì áp lực quá lớn.

Đằng sau những bi kịch này, có nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng có một điểm chung là những đứa trẻ này đều có sức chịu đựng thấp và tâm lý yếu, nói một cách đơn giản là chúng có chỉ số AQ kém.

Chỉ số AQ là một thuật ngữ được đặt ra bởi bậc thầy giáo dục người Mỹ Paul G. Stoltz, chủ yếu đề cập đến khả năng chịu đựng thất bại và chống lại nghịch cảnh của một người. Một số chuyên gia tin rằng chỉ số AQ đóng một vai trò quyết định trong tương lai của con người.

1. Nỗi đau và thất bại là điều cần thiết cho sự phát triển

Trẻ em cần "tình yêu" để lớn lên, nhưng bản chất của tình yêu không chỉ là cho đi, không chỉ là làm hài lòng, chiều chuộng bằng mọi cách, cũng không phải là cho trẻ sự sung sướng mãi mãi.

Trên đời này, sự sống và cái chết, gặp gỡ và chia ly, hạnh phúc và đau khổ đều luôn song hành với nhau.

Một đứa trẻ trong quá trình trưởng thành cũng phải trải qua quá trình giáo dục song hành như thế, nó buộc phải trải qua mặt tối và cả mặt sáng của xã hội, học cách nhẫn nại và gánh vác. Nếu một đứa trẻ chỉ có thể đón nhận hạnh phúc mà không thể chịu đựng được một chút đau đớn, thì vấn đề sẽ trở nên rất nghiêm trọng.

Tôi đã từng đọc một câu chuyện có thật như thế này: Có một học sinh tiểu học làm lớp trưởng từ lớp 1 đến lớp 3, nhưng khi lên lớp 4, em lại không được bầu làm lớp trưởng nữa, khi đó em chịu không nổi, tinh thần gục ngã đến nỗi không muốn đến trường, thậm chí tuyệt thực.

Sau đó phải nghỉ học 1 năm để tiếp nhận điều trị tâm lý.

Chúng ta thúc giục con mình chạy, dạy chúng làm sao để thành công, nhưng chưa bao giờ dạy chúng cách đối mặt với thất bại.

Kết quả là, đi đâu chúng cũng vì một chút không vừa ý mà nổi nóng, gặp trở ngại nhỏ liền chán nản, nghe một hai lời nhận xét tiêu cực là cảm thấy giá trị bản thân chẳng đáng 1 xu ngay.

"Chúng ta bán mạng học cách làm sao để chạy nước rút một trăm mét thành công, nhưng không ai dạy chúng ta, khi bị ngã thì nên làm thế nào để ngã một cách có tôn nghiêm.

Khi gặp thất bại, làm thế nào để chữa lành vết thương trong lòng, và làm thế nào để có được sự bình yên trong tâm hồn. Làm thế nào bạn có thể vực dậy cơ thể mình trong khi nội tâm vẫn còn đang rỉ máu chứ?".

Đó là một khoa học bắt buộc mà cha mẹ nên dạy cho con trong suốt quá trình trưởng thành.

2. Khi nào thì nên bồi dưỡng AQ cho con?

Nhiều người lớn nói: "Giờ trẻ con khó dạy quá, cứ đụng đến là từ bỏ cuộc sống, nhảy lầu, cha mẹ, thầy cô nào mà dám nghiêm khắc dạy bảo chúng chứ?".

Trên thực tế, vấn đề không phải là chúng khó dạy, mà là chúng ta đã dạy dỗ chúng quá muộn.

Hãy để trẻ trải qua sự thất vọng, vấp ngã, kiểu nuôi dạy này nên được bắt đầu từ khi trẻ còn 3 tuổi, khi trẻ bắt đầu biết bày tỏ yêu cầu của mình, bạn phải biết học cách nói "không" đúng lúc với trẻ.

Kết quả có thể sẽ khiến trẻ khóc thét, nghiêm trọng hơn là tức nghẹn và lăn lộn trên sàn, hãy cứ để trẻ trải nghiệm sự không như ý đó, khi không còn khả năng phản kháng nào khác, chúng sẽ tự học được thế nào là bất lực, chấp nhận và vâng lời.

Chúng sẽ dần biết rằng thế giới này không phải muốn làm gì thì làm, cha mẹ và người thân yêu thương, nhưng không đồng nghĩa là tất cả đều sẽ "quỳ rạp" xuống để chiều chuộng chúng, một số yêu cầu vô lý nhất định sẽ bị từ chối.

Ngược lại, nếu bạn đợi khi con đến tuổi dậy thì mới bắt đầu "nói không" với con, thì ngoài khóc lóc, nghẹn ngào, lăn lộn, con còn có những cách khác cực đoan hơn để đe dọa bố mẹ, như: bỏ nhà đi, uống thuốc độc, nhảy lầu,v.v..

Vì vậy, sau 3 tuổi cha mẹ phải biết nói "không" đúng lúc với con.

3. Cách cải thiện chỉ số AQ

Cha mẹ thường có một thắc mắc chung rằng: "Lỡ như con không chịu nổi sự thất bại thì phải làm sao?

Các khối xếp hình rơi xuống cũng khóc, chơi trò chơi điện tử thua cũng tức giận, v.v. tất cả là do trẻ chưa được dạy khái niệm đúng đắn về thắng thua,

Chúng ta cần nói rõ với con mình rằng có rất nhiều khả năng trong một trò chơi, một số sẽ thắng và một số sẽ thua, nhưng đây chỉ là tạm thời, tương lai sẽ có nhiều thử thách hơn thế, và thắng thua hoàn toàn không định nghĩa một con người mãi mãi.

Thua không đáng sợ, sợ thua mới đáng sợ.

Khuyến khích và giúp đỡ trẻ chứ không nên làm thay chúng

Cũng có rất nhiều bậc cha mẹ đã áp dụng phương pháp giáo dục hà khắc với trẻ, bằng cách không ngừng cố tình tạo ra trắc trở và thất bại cho chúng.

Trên thực tế, cách tiếp cận này rất có vấn đề. Chúng ta không cần phải tạo ra những thất bại và nỗi khổ vô nghĩa cho con cái, vì sự trưởng thành của trẻ vốn đã có vô số thử thách nho nhỏ rồi, điều quan trọng là cha mẹ sẵn sàng để trẻ thử và tự đưa ra lựa chọn.

Chấp nhận, bao dung, xoa dịu

Khi trẻ gặp phải thất bại, cha mẹ trước tiên phải hỗ trợ về mặt tinh thần thay vì phủ định con, chẳng hạn như: "Không phải chỉ là một vài lời phê bình thôi sao? Con làm gì mà làm quá lên thế".

Cha mẹ nên chú ý đến những gì con cái đang trải qua, chấp nhận những cảm xúc của con, chẳng hạn như buồn bã hay bất lực, đồng thời bày tỏ sự cảm thông với con. Sự yêu thương và thấu hiểu của cha mẹ là sức mạnh nội tại giúp con cái có thể đối mặt với những thất bại.

Theo: Thể Thao

*Adversity Quotient (AQ) là điểm số đo lường khả năng đối phó với nghịch cảnh trong cuộc sống của một người. Thuật ngữ này được Paul Stoltz đặt ra vào năm 1997