Thứ Bảy, 15 tháng 7, 2023

Đâu là Hạnh phúc

ĐÂU LÀ HẠNH PHÚC

Vạn vật trên thế gian, đều có thời, có vận, có thế. Con người có thể vì nhiều yếu tố khác nhau mà lúc nóng, lúc lạnh, thái độ đôi khi cũng phụ thuộc vào địa vị cao thấp của đối phương mà đối xử nhiệt tình hay hờ hững. Từ cổ chí kim, kẻ dưới nịnh bợ những người quyền cao chức trọng vốn đã là thói đời.

Nước là thứ vật chất không sở hữu hình dạng cố định, cứ thuận thế, thuận dòng mà tồn tại. Người xưa có câu: “Nước chảy đá mòn” với nghĩa bóng rằng, cư xử nhu hòa, giống như nước thì tất cả mọi việc, mọi chuyện đều sẽ đạt được như ý nguyện. Nước chảy theo quy luật của tự nhiên, không phá vỡ thế cân bằng của tạo hóa nên trăm sông chảy về với biển.

Còn một người nếu mang trong mình tham vọng quá lớn vượt quá khả năng của bản thân sẽ đánh mất trí tuệ và sự thiện lương, sớm muộn gì cũng “thân bại, danh liệt”.

 

Ở đời, có không ít người hám tài, tham quyền, háo sắc mà đánh mất lí trí, đạo đức, nhân cách khiến cho tính mạng khó giữ được an toàn. Người sống thiện lương thường chấp nhận thua thiệt, nhưng trời cao sẽ phù hộ, thay vì tính toán trăm phương, ngàn kế, để hại người, chi bằng hành thiện, tích đức.

Mỗi một hành động hướng thiện, tích đức, đều giúp bản thân tăng thêm phúc khí. Khi đứng ở vị trí cao hơn người khác, ắt sẽ bị không ít người đố kị, đó là điều khó tránh khỏi, bởi không muốn người khác hơn mình là thói ghen tị thường tình của con người.

 

Vì vậy, thông minh, tài giỏi là chuyện trời phú, không phải ai cũng có được điều đó, nhưng chớ dại mà mang nó đi khoe khoang, phô trương khắp thiên hạ. Trong truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du đã viết:

“Có tài mà cậy chi tài

 Chữ tài liền với chữ tai một vần”.

 

Cậy tài, khinh người là biểu hiện của sự nông cạn, còn dùng tài để khoe khoang chỉ mang đến tai họa và sự đố kị mà thôi. Cổ nhân có câu: “Trung hòa là phúc, cực đoan là họa”, người mà trong lòng bình thản, làm việc trung dung, ắt sẽ có phúc báo. Ngược lại kẻ mang tính cực đoan thì làm việc gì cũng không thuận và dễ rước họa vào thân.

 

Hãy chọn cho mình cách sống khiêm tốn, giản dị, thuận theo tự nhiên, chất phác, không tranh giành. Người sống khiêm tốn thì mọi suy nghĩ cũng giản đơn, không để tâm đến người khác dị nghị mình, chỉ chú trọng vào tâm đức của bản thân.

Trong xã hội hiện đại này học cách sống khiêm tốn đó mới là người thông minh.

 

Tranh chấp trên đời, đối với con người không bao giờ có hồi kết, lợi lộc trên đời nhiều vô kể, vậy mà có người vẫn coi chưa đủ. Cuộc sống là trạng thái của một tâm trí, một tâm thái tích cực, bằng an… đó mới là hạnh phúc.

 

TÔN TRỌNG QUYỀN RIÊNG TƯ

Riêng tư là những điều thuộc về riêng bản thân của mỗi người. Tôn trọng quyền riêng tư là quy tắc ứng xử văn minh mà mỗi người cần phải có, thể hiện sự đánh giá đúng mực, coi trọng danh dự, nhân phẩm, quyền và các lợi ích của người khác.

Quyền riêng tư là quyền cơ bản của con người. Dù thuộc tầng lớp, giai cấp, địa vị, giới tính, dân tộc,… nào, mỗi người cũng đều có những bí mật hoặc khuyết điểm không muốn cho người khác biết. Họ xứng đáng được tôn trọng và bảo vệ.

Điều này đã được quy định rõ trong luật pháp Nhà nước. Pháp luật có những hình thức xử phạt nghiêm khắc đối với những cá nhân dám ngang nhiên xâm phạm quyền riêng tư.

 

Tôn trọng quyền riêng tư của người khác là cần thiết, cũng là biểu hiện của người có văn hóa. Tôn trọng quyền riêng tư của người khác giúp mỗi người được tín nhiệm, tin tưởng, yêu quý.

Chúng ta hãy nhìn người Nhật thể hiện sự tôn trọng quyền riêng tư đối với người khác. Họ không bao giờ ồn ào giữa chốn đông người. Họ cũng không bình phẩm mỗi khi nhìn thấy một ai đó khác biệt với mình. Bởi họ hiểu, tôn trọng quyền riêng tư luôn đến từ hai phía.

Khi mình tôn trọng người khác thì ắt người khác cũng sẽ tôn trọng mình. Tình người sẽ bền chặt. Xã hội càng trở nên văn minh, tốt đẹp.

 

Nhịp sống hiện đại cho thấy, càng ngày càng có nhiều người, dẫu biết quyền riêng tư là bất khả xâm phạm, nếu vi phạm chắc chắn sẽ bị luật pháp xử phạt… nhưng vì tư thù, vì chuộc lợi hoặc vì mục đích xấu, họ vẫn thản nhiên xâm phạm.

Nào chuyện ta, chuyện người, chuyện nhỏ, chuyện to,… đều trở thành nhan đề để cộng đồng mạng săm soi, tọc mạch.

Và tất yếu, phía sau đó chính là sự vô duyên, vô tâm, vô cảm,… của những anh hùng bàn phím ngoài xã hội.

 

Nhiều bậc phụ huynh trong gia đình cũng tùy tiện, tự nhiên xem nhật kí, tin nhắn, thư từ, hoặc khoe ảnh, khoe kết quả học tập của con lên mạng... dẫu cho con cái phản đối. Tất cả, dù ít dù nhiều đều ảnh hưởng nặng nề đến lợi ích, danh dự, nhân phẩm của người khác. Nó trở thành vấn đề đáng lo ngại của xã hội hiện đại.

 

Hãy tôn trọng riêng tư của người khác, bởi đây không chỉ là nếp sống văn minh, là tôn trọng pháp luật mà còn là cách mỗi người đã và đang tôn trọng chính mình.

 

Thứ Sáu, 14 tháng 7, 2023

Đức Đạt Lai Lạt Ma trả lời câu hỏi về hạnh phúc

Ảnh "Cội nguồn của tâm trí hạnh phúc và cơ thể khỏe mạnh là thái độ, tinh thần của bạn" - Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14.

ĐỨC ĐẠT LAI LẠT MA TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ HẠNH PHÚC CỦA MỘT PHÓNG VIÊN PHƯƠNG TÂY

- Thưa Ngài: Rất nhiều người phương Tây được dạy, phải chọn lựa giữa hạnh phúc cá nhân và hạnh phúc của người khác. Và họ được bảo lựa chọn đúng đắn nhất là hy sinh hạnh phúc chính mình.

Xung đột giữa hạnh phúc của bản thân và người khác không hề xuất hiện trong Đạo Phật với tôn chỉ thực hành tôn giáo đem đến lợi ích cho chính mình và người khác.

Vậy làm thế nào Ngài khuyên mọi người hạnh phúc là không ích kỷ và có thể quan tâm đến lợi ích của bản thân lẫn người xung quanh?

- Đức Đạt Lai Lạt Ma: Chẳng có xung đột nào cả vì quan tâm đến hạnh phúc của người khác là con đường tốt nhất để đạt được hạnh phúc của riêng bạn. Trông như bạn lo lắng cho người khác hơn bản thân, nhưng thực ra bạn đang có những lợi ích lớn nhất.

Cội nguồn của tâm trí hạnh phúc và cơ thể khỏe mạnh là thái độ, tinh thần của bạn. Chỉ nghĩ cho riêng mình một cách ích kỷ tạo ra rất nhiều lo âu, cô đơn, sợ hãi và giận dữ. Điều này không hề tốt cho tâm trí và sức khỏe.

Các nhà khoa học đã nói, sợ hãi và giận dữ ảnh hưởng mạnh mẽ đến hệ thống miễn dịch.

Chúng ta là những sinh vật bầy đàn. Hạnh phúc của một cá thể phụ thuộc vào cộng đồng. Thái độ ái kỷ đối lập với điều đó. Bạn sẽ tạo khoảng cách với người khác vì ích kỷ và cảm thấy mình vô cùng quan trọng.

Giờ hãy thử nhìn theo cách khác, khi bạn quan tâm đến hạnh phúc người khác. Thái độ này tất nhiên trái ngược với sự ích kỷ. Một cách logic, tất cả những suy nghĩ tiêu cực do ái kỷ sinh ra giảm xuống khi bạn coi trọng người khác.

Hãy nhìn vào cách họ cười. Nếu thấy ai đó cười thật tươi, chúng ta sẽ cảm thấy an bình hơn. Nhưng nếu họ cười giả tạo, tôi nghĩ, đó là biểu hiện cho thấy họ đang tự tách biệt.

Trẻ em được nhận tối đa tình cảm từ cha mẹ và bạn bè thường rất hạnh phúc. Nhưng nếu phụ huynh thể hiện bộ mặt tiêu cực hoặc trừng phạt, chúng sẽ trở nên bất hạnh. Đó là bản chất con người. Không cần đến triết học hay nghiên cứu khoa học. Chúng sinh đã trải qua điều này ngay từ thưở lọt lòng.

Tôi thường kể, người đầu tiên dạy tôi về lòng từ bi chính là mẹ tôi. Nếu bà không phải một người tình cảm, tôi có lẽ đã trở thành một con người khác, đầy nghi ngờ và thiếu an toàn. May mắn thay, mẹ rất từ bi và tôi đã nhận được đầy đủ tình cảm từ bà ấy. Ai cũng vậy thôi.

Do đó, kết luận ở đây là tình cảm cùng sự quan tâm đến hạnh phúc của người khác chính là con đường tốt nhất để được hạnh phúc, khỏe mạnh và sống lâu. Bạn không cần thuốc an thần nếu giữ cho trái tim mình đong đầy tình cảm. Tôi đã thực hành và tìm thấy lợi ích to lớn cho bản thân.

ST