Thứ Hai, 26 tháng 6, 2023

Mối tình đầu đời của Đại danh hoạ Pablo Picasso

MỐI TÌNH ĐẦU ĐỜI CỦA ĐẠI DANH HOẠ PABLO PICASSO

Năm 1897, Picasso (năm 16 tuổi) gởi tác phẩm "Khoa học và nhân ái" (Science et Charité) đến dự cuộc triển lãm Madrid. Và kết quả thật bất ngờ, tác phẩm được bằng danh dự, điều đó giúp cậu quyết theo con đường hội họa suốt đời.

năm 1900 Picasso sang Paris (Pháp), vùng đất này chưa cảm nhận được tinh thần trong tranh của cậu,

Picasso sống vất vưởng tại xóm Montmartre, vật lộn với đói và rét. Hình ảnh hiện lên trong các bức tranh của cậu luôn luôn có dáng dấp của những kẻ nghèo hèn, rách rưới.

Vào năm 1905, một sự kiện đột biến đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống nội tâm của chàng trai trẻ Picasso.

Ở cột máy nước đường Ravignan, Picasso đang ôm siết trong tay một con mèo nhỏ chỉ còn da bọc xương mà chàng vừa nhặt được bên đường. Cái máy phun nước ra, và trong khi chàng lom khom đưa bình hứng, nước bắn tung toé xuống đường, dội ngược lên, làm ướt gấu váy và đôi chân Fernande. Nàng nhìn chàng, mỉm cười, ánh mắt loé lên cái nhìn là lạ khi thấy chàng mặc chiếc áo được mua ở chợ trời với giá 1 quan 45 xu.

Chàng trai thấp, mập mạp đó ngẩng đầu lên và chạm phải một khuôn mặt đẹp tuyệt vời với đôi mày đầy dặn, đôi mắt màu hạnh nhân, cái miệng có đôi môi dầy mọng đỏ. Ấp a ấp úng mãi chàng mới cất tiếng được:

-Thưa cô… tôi… tôi muốn tặng cô một món quà.

- Ông cứ tặng.

- Đây, cái này đây… Con mèo - Chàng trao con mèo cho nàng.

- Cám ơn ông. - Nàng nói, giọng lộ vẻ xúc động thật sự.

- Cô đến thăm xưởng vẽ của tôi một ngày gần đây chứ?

- Vâng, tôi sẽ đến.

Nàng giữ đúng lời hứa. Nàng đến và ở lại đấy trong căn phòng trọ của Picasso ở đường Ravignan. Picasso đã yêu nàng với tất cả những tình cảm nồng nàn của một chàng trai 24 tuổi với chất của một nghệ sĩ.

Nàng quả là giấc mộng vàng của chàng. Nàng đẹp đến nỗi lịch sử nghệ thuật chỉ gọi nàng dưới biệt danh "Người đẹp Fernande ".

Nàng tên là Fernande Olivier (do tên của người chồng đã ly dị), còn nhũ danh của nàng là Bellevallée.

Giống như khi Victor Hugo yêu nàng Juliette, Picasso không cho Fernande ra khỏi nhà. Nếu Hugo đối xử độc tài với người yêu vì nghĩ rằng sẽ giúp cho Juliette xóa nhòa quá khứ "trăm ong ngàn bướm" đã qua thì Picasso yêu nàng như tín đồ cuồng say trước mối tình thiêng liêng đầu đời.

Chàng tự nguyện làm tất cả việc nhà thay cho nàng. Khi nhà buôn tranh Sagot (trước làm hề ở gánh xiếc) trả cho chàng 15 xu một bức vẽ, chàng liền đi chợ mua những thứ nàng ưa thích nhất. Đương nhiên là những vật dụng, thức ăn phù hợp với túi tiền của hai người lúc đó. Chàng thích chải tóc cho nàng, nấu ăn, quét nhà.

Nếu xem bức tranh "Người đàn bà ngủ" chúng ta sẽ thấy một người đàn ông ngồi kề bên giường của một người đàn bà ngủ, có cái nhìn như say đắm, như bị mê hoặc, đó chính là Picasso.

Và hai năm sau, một tuyệt phẩm ra đời bằng chính tình yêu của chàng: bức "Chân dung Fernande ". Picasso đem bức tranh treo cạnh chiếc áo của Fernande mặc ngày lần đầu hai người gặp nhau. Chiếc áo được xếp gọn, đặt trên đầu tủ ngăn giữa hai lọ sứ màu xanh cắm hoa giả. Picasso ngắm tới ngắm lui hàng tháng trời.

Một hôm, bạn chàng - nhà thơ Max Jacob trông thấy hỏi:

-    Đây là cái gì?

-    Picasso trả lời ngắn gọn:

-    Nếu yêu thì anh sẽ hiểu.

Sau đó, Picasso đem giấu biệt bức tranh, cất vào tủ gắn trong tường để chiêm ngưỡng riêng.

Trong con người Picasso hội họa và tình yêu luôn song hành. Khi tình yêu tạm thời trong trạng thái cân bằng thì chàng lao đầu vào sáng tác.

Sau tám năm yêu đương mặn nồng, mối tình đầu của Picasso tắt lịm một cách đau đớn vì nàng Fernande Olivier bị cơn bệnh lao hiểm nghèo cướp mất năm 1917.

-------------

Pablo Ruiz Picasso (1881 – 1973),

Picasso là một họa sĩ và nhà điêu khắc người Tây Ban Nha. Picasso được coi là một trong những nghệ sĩ nổi bật nhất của thế kỷ 20. Ông là một trong 10 họa sĩ vĩ đại nhất trong top 200 nghệ sĩ tạo hình lớn nhất thế giới thế kỷ 20 do tạp chí The Times, Anh, công bố.

Người sở hữu nhiều tác phẩm nhất thế giới - Người ta ước tính rằng Picasso đã tạo ra 13.500 bức tranh, 100.000 bản khắc và 34.000 hình minh họa đã được xuất bản thành sách. Ông cũng đã thực hiện 300 tác phẩm điêu khắc và gốm sứ trong suốt sự nghiệp đỉnh cao của mình.

Chủ Nhật, 25 tháng 6, 2023

Giữ thể diện chỉ là chuyện nhỏ, làm cho mình tốt hơn mới là chuyện lớn

GIỮ THỂ DIỆN CHỈ LÀ CHUYỆN NHỎ, LÀM CHO MÌNH TỐT HƠN MỚI LÀ CHUYỆN LỚN

 

Năm 1982, khi còn là một diễn viên không mấy người biết, Lưu Đức Hoa đã cùng tham gia quay một bộ phim với ca sĩ nổi tiếng Lâm Tử Tường và nhiều người khác. Trên một chuyến xe chở diễn viên di chuyển giữa các điểm quay, khi mọi người trò chuyện về âm nhạc, Lưu Đức Hoa đột nhiên nói: "Để tôi hát cho mọi người nghe nhé!"

 

Mọi người nghe xong đều cười thầm. Lúc đó Lâm Tử Tường là “lão đại” của nền âm nhạc Hồng Kông, hát trước mặt ông chẳng phải là múa rìu qua mắt thợ sao. Nhưng Lưu Đức Hoa không hề ngượng ngùng, ngược lại nói với Lâm Tử Tường: "Em sẽ hát 2 bài hát của anh, xin anh chỉ giáo!"

 

Sau khi anh hát xong, Lâm Tử Tường nói: "Giọng hát của cậu rất đặc biệt, khi nào có thời gian hãy đến phòng thu âm của tôi chơi."

Ai cũng có thể nhận ra đây chỉ là lời mời khách sáo của Lâm Tử Tường nhưng Lưu Đức Hoa đã tới thật.

Cũng trong thời gian đó, Lưu Đức Hoa đã học hỏi được không ít điều, được Lâm Tử Tường hướng dẫn và giúp đỡ nhiều. Dưới sự dìu dắt của Lâm Tử Tường, Lưu Đức Hoa chính thức lấn sân sang làng nhạc và cuối cùng trở thành một trong Tứ đại thiên vương Hồng Kông.

 

Sau này, khi nói về những năm tháng đã qua, Lưu Đức Hoa đã cười và nói rằng anh có thể đi đến như ngày hôm nay chính là nhờ “da mặt dày”.

Nếu một người quá coi trọng thể diện và “da mặt” quá mỏng, người đó chỉ có thể nhốt mình trong một thế giới nhỏ bé và mãi giậm chân tại chỗ. Người không coi trọng thể diện thường có nhiều cơ hội và trưởng thành nhanh hơn.

 

Trong thực tế, nhiều người thà giữ sự cao ngạo chứ quyết không cúi đầu, kết quả là chỉ biết đứng nhìn nhiều cơ hội tốt vụt qua.

Trong nhiều trường hợp, thể diện chính là xiềng xích nặng nề nhất đối với con người. Một người càng sợ mất mặt và càng đắn đo thì người đó càng ít dám thử và hành động.

Người không biết giữ thể diện thì chỉ lãng phí tài năng của mình mà thôi. Nếu bạn quá mỏng manh, cuối cùng bạn sẽ tự hạn chế bản thân và chặn đường thăng tiến của chính mình.

 

Đôi khi, cái gọi là “mất mặt” thực chất là một phép thử mà cuộc đời đưa ra cho bạn. Chỉ khi có thể buông bỏ thể diện, bạn mới có thể chủ động giành được phần thưởng của cuộc đời.

Trên đời này, giữ thể diện chỉ là chuyện nhỏ, làm cho mình tốt hơn mới là chuyện lớn.