Thứ Sáu, 21 tháng 4, 2023

Bạn muốn thay đổi thế giới?


BẠN MUỐN THAY ĐỔI THẾ GIỚI?

Nếu muốn thay đổi thế giới thì trước hết bạn phải thay đổi chính bản thân mình

Người mù không thể nào giúp được người mù. Những người chưa bao giờ thấy ánh sáng sẽ không thể nào dẫn đường cho kẻ khác tìm thấy ánh sáng.

 

Những người chưa bao giờ biết được bất tử là gì sẽ không thể giúp kẻ khác rũ bỏ nỗi sợ Thần Chết. Những người chưa bao giờ sống một đời trọn vẹn với tất cả trái tim, những người chưa bao giờ mỉm cười bằng nụ cười của trái tim sẽ không thể giúp kẻ khác sống một cuộc đời đích thực và chân thành. Những người đạo đức giả sẽ không thể giúp kẻ khác sống một đời chân thực.

 

Những người không dám là chính mình, không hiểu biết gì về bản thân mình, không có khái niệm gì về cá nhân mình, hay những người vẫn đánh mất chính mình và sống một cuộc đời giả tạo vì những định kiến, dư luận xã hội sẽ không thể giúp kẻ khác tìm thấy chính mình, ngay cả khi họ có ý tốt muốn làm điều đó.

 

Làm sao bạn có thể giúp kẻ khác thổi lên ngọn lửa cuộc đời trong khi bạn sống trong sự âm ỉ? Bạn chỉ có thể làm được điều đó khi bạn cũng sống một cuộc đời đích thực, cháy trọn vẹn với ngọn lửa nội lực của mình.

Để có thể truyền lan ngọn lửa đó, trước tiên bạn phải cháy hết với cuộc đời của chính mình.

 

Một kẻ chột mà dẫn đường người khác thì cả hai rồi sẽ rơi xuống giếng. Bạn phải sáng mắt thì mới có thể dẫn kẻ mù đến gặp thầy thuốc, chắc chắn là như thế.

Bạn chỉ có thể chia sẻ với kẻ khác những gì mình có. Nếu bạn đau khổ, bạn chỉ có thể chia sẻ với kẻ khác sự đau khổ của mình. Và khi hai kẻ đau khổ gặp nhau, sự đau khổ đó không chỉ nhân đôi mà sẽ nhân lên gấp bội.

Điều này cũng xảy ra tương tự đối với hạnh phúc hay tất cả những trải nghiệm khác.

 

Bạn muốn thế giới này như thế nào thì bạn phải là người làm gương trước về điều đó. Bạn phải trải nghiệm điều đó để chứng minh triết lý sống của mình. Bạn không thể nào chỉ tranh luận suông bởi tranh luận và lập luận không hề giúp bạn trong việc này mà chỉ trải nghiệm mới có thể giúp bạn truyền tải đến mọi người về tình yêu, về thiền định, về sự tĩnh lặng nội tâm và về cả niềm tin tôn giáo.

 

Nếu như chưa từng trải nghiệm một điều gì đó thì đừng cố tìm cách giúp đỡ người khác trong chuyện đó, vì làm thế bạn chỉ càng khiến cho sự việc trở nên rối rắm hơn. Bản thân người đó đã đang rối rắm lắm rồi.

 

Chiều dài lịch sử xã hội loài người đã đủ để khiến cho tất cả chúng ta phải gặp không ít rắc rối trong đời sống hiện tại. Tốt hơn cả là xin bạn đừng giúp kẻ khác nếu chưa trải qua điều đó bởi làm thế rất nguy hiểm cho người đó.

Trước hết, bạn hãy trải nghiệm sự việc để nắm rõ bản chất của nó. Chỉ khi đó bạn mới có thể nắm tay kẻ khác và giúp họ đi trên con đường đó.

 

Mong bạn hãy nhớ một điều cơ bản rằng, nếu muốn thay đổi thế giới thì trước hết bạn phải thay đổi chính bản thân mình.

Cuộc cách mạng đó phải diễn ra từ bản thân trước tiên, chỉ khi đó bạn mới có thể chạm đến trái tim của kẻ khác. Vũ điệu tuyệt vời đó phải bắt nguồn từ chính bạn, để rồi sau đó bạn sẽ được chứng kiến điều kỳ diệu xảy ra, khi tất cả cùng hòa chung vũ điệu ấy.

 

Tương tự, tình yêu, lòng biết ơn, tôn giáo và cả sự nổi loạn đều mang tính lan truyền. Nhưng trước hết, bạn cần tự thắp lên ngọn lửa trong mình, ngọn lửa mà bạn muốn nhìn thấy nó nhảy múa trong mắt của kẻ khác.

 

Lược trích từ cuốn sách Từ bi của tác giả Osho.

Thứ Năm, 20 tháng 4, 2023

Đạo đức và trí tuệ


ĐẠO ĐỨC VÀ TRÍ TUỆ

 

Trước hết, ta thử tìm hiểu về khái niệm “đạo đức”. Có thể nói đạo đức vừa là “chân thắng” ngăn chặn hành động của ta và cũng là “chân ga” thôi thúc ta hành động. Thứ ngăn ta lại là thứ làm cho ta sợ hãi và thứ thôi thúc ta hành động là thứ làm cho ta cảm thấy hạnh phúc và tự hào.

Và đây chính là hai thứ chi phối hành vi của con người ta nhiều nhất và mạnh mẽ nhất. Vậy người ta sợ hãi cái gì và người ta hạnh phúc vì điều gì?

 

Đối với một người có đạo đức, họ cũng sợ sự trừng phạt của nhà nước nếu làm trái pháp luật và sợ điều tiếng của xã hội nếu làm gì trái đạo lý.

Nhưng đó không phải là điều đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất đối với một người có đạo đức là sự giày vò bản thân khi mình làm những chuyện đi ngược lại lương tâm của chính mình, phản bội lại lẽ sống và nguyên tắc sống mà mình muốn theo đuổi và có cảm giác đánh mất chính mình.

 

Như vậy, đối với người có đạo đức, “tòa án lương tâm” còn đáng sợ hơn cả “tòa án nhà nước” và “tòa án dư luận”.

Họ thường đối diện với lương tâm và phẩm giá của bản thân, đối diện với con người bên trong của mình để hành động hơn là đối diện với sự răn đe của luật pháp hay sự phán xét của dư luận bên ngoài.

Khi được lương tâm dẫn dắt, con người sẽ trở nên hướng thiện và hướng thượng hơn.

 

Do đó, họ sẽ khó có thể làm việc xấu, việc sai, ngay cả khi việc xấu, việc sai đó rất có lợi cho mình và nếu có làm thì cũng không sao cả, vì việc xấu, việc sai đó đã trở nên phổ biến và bình thường với mọi người.

Chẳng hạn, một người có đạo đức khi vào làm cho một công ty mà ai cũng chăm chỉ thì họ cũng chăm chỉ, nhưng nếu làm ở một nơi mà ở đó ai cũng làm biếng thì họ vẫn cứ làm việc hết mình, vì con người của họ vốn dĩ là như thế.

 

Họ làm vậy vì phẩm giá của họ và vì lương tâm chức nghiệp của họ. Ngược lại, nếu không được sống đúng với con người của mình, với sự tự trọng, họ sẽ xin nghỉ việc và tìm một nơi khác, chứ không chấp nhận sự thỏa hiệp đến mức phản bội chính mình để rồi mình không còn là mình nữa.

 

Hay như một ví dụ khác, “tôi từ chối nhận phong bì vì tự tôi cảm thấy khó chấp nhận được điều đó, dù rằng tôi đang rất cần tiền và nếu tôi có nhận phong bì thì cũng không sao, vì ở đây ai cũng nhận phong bì cả”.

 

Và đối với một người có đạo đức, họ cũng rất hạnh phúc khi có sự ghi nhận, sự mến trọng hay sự ngưỡng mộ của người khác dành cho mình, nhưng đó không hẳn là hạnh phúc lớn nhất. Hạnh phúc lớn nhất của một người có đạo đức là niềm tự hào sâu kín và riêng tư từ bên trong con người của họ về những việc mà họ làm, về những điều mà họ theo đuổi.

 

Với niềm tự hào sâu kín này, người có đạo đức thường rất tự do khi hành động (được dẫn dắt bởi nội tại hơn là bị chi phối từ bên ngoài), họ cũng sẵn lòng làm điều tốt, điều đúng mà không hề để ý đến chuyện có ai biết hay ghi nhận việc mình làm hay không.

Chẳng hạn, có hai chị em, cô chị 18 tuổi và cậu em 10 tuổi. Hai chị em được một người cho hai cái bánh rất ngon, một cái lớn và một cái nhỏ. Cô chị biết nếu được chọn trước thì cậu em sẽ chọn cái bánh lớn, như thế sẽ biến em mình thành một người tham lam.

 

Hơn nữa, cô chị cũng rất muốn nhường cái bánh lớn nhưng lại không muốn cậu em e ngại vì được nhường. Với nhận thức và suy nghĩ như vậy, cô chị đã lén lấy cái bánh nhỏ để ăn và để lại cái bánh lớn cho cậu em.

Khi thấy cậu em ăn cái bánh lớn một cách ngon lành, cô chị thầm hạnh phúc và rất tự hào vì đã làm được điều gì đó rất hay ho cho cậu em thân yêu của mình.

Niềm tự hào sâu kín này, hạnh phúc bên trong này chắc hẳn còn lớn hơn cả hạnh phúc nếu như cậu em biết và ghi nhận.

 

Bây giờ ta thử lạm bàn về khái niệm thứ 2, đó là “trí tuệ”. Trí tuệ có thể được chia làm 2 loại, đó là trí tuệ về văn hóa và trí tuệ về chuyên môn. Trong đó, trí tuệ chuyên môn (là trí tuệ để làm việc, làm nghề: như kiến thức của bác sĩ, kỹ sư, kiến thức quản trị của doanh nhân…) thì dễ hình dung hơn là trí tuệ văn hóa (còn gọi là trí tuệ để làm người).

Trí tuệ văn hóa thường liên quan tới 3 câu hỏi hơi triết học, hơi luân lý một chút nhằm minh định bản chất sự việc là “cái gì? tại sao? và để làm gì?”, còn đạo đức lại thường liên quan đến câu hỏi có tính lựa chọn hơn, đó là “nên hay không?”.

 

Với cách hiểu về trí tuệ và đạo đức như vậy, và nếu ví con người là một cỗ xe thì ta có thể nói rằng đạo đức là “chân thắng” và “chân ga”, còn trí tuệ văn hóa sẽ là “tay lái” và trí tuệ chuyên môn là “con đường dài”.

 

Nếu chân thắng hỏng thì có nguy cơ lao xuống vực sâu, còn nếu chân ga hư thì không thể vượt qua đèo cao. Nếu tay lái hỏng thì dù chân ga và chân thắng đều xịn (luôn muốn sống tốt, sống thiện) thì vẫn lầm đường lạc lối. Và dù có chân ga, chân thắng và tay lái tốt, nhưng nếu không có con đường dài thì cũng không thể đi xa.

 

Con đường duy nhất để hình thành trí tuệ và đạo đức đó chính là giáo dục, bao gồm cả giáo dục của gia đình, giáo dục của nhà trường, giáo dục của xã hội và nhất là giáo dục tự thân. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng không phải thứ giáo dục nào cũng có thể hình thành nên con người đạo đức và trí tuệ.

 

Chỉ có thứ giáo dục khai phóng mới có thể hình thành nên con người khai minh với đầy đủ đạo đức và trí tuệ, từ đó mới có thể sống một cách tự do và đầy trách nhiệm. Còn giáo dục u minh thì sẽ tạo ra con người u minh hay vô minh (ấu trĩ, ngộ nhận, dốt mà không biết mình dốt, sai mà không biết mình sai, xấu mà không nghĩ mình xấu).

 

Việc khai phóng và cải tạo bản thân sẽ do mỗi người tự chịu trách nhiệm. Giáo dục khai phóng trong gia đình sẽ do ông bà, cha mẹ quyết định và giáo dục khai phóng trong nhà trường hay cơ quan sẽ do người thầy hay người sếp quyết định.

Còn để có giáo dục khai phóng cho toàn xã hội thì cần phải có một công cuộc canh tân văn hóa - giáo dục sâu rộng và dài lâu.

Điều này chủ yếu lại nằm trong tay của các nhà quản trị quốc gia, đồng thời cũng tùy thuộc nhiều vào cái công nghệ quản trị quốc gia mà mình lựa chọn. 

Duy vật hay Duy tâm?


DUY VẬT HAY DUY TÂM?

 

Trong đạo Phật có danh từ Namarupa. Nama là về tâm, Rupa là về sắc, tương đương với tâm và vật nhưng Namarupa được kết chung lại thành một danh từ.

Theo kinh nghiệm của chúng tôi tâm và vật không phải là hai thực thể riêng biệt. Tâm và vật có cùng một thực thể. Có khi nó biểu hiện ra như là tâm và có khi nó biểu hiện ra như là vật.

 

Nếu như quý vị nghiên cứu về vật lý nguyên tử thì quý vị cũng biết vấn đề người ta đặt ra về chất điểm. Căn bản nó là một hạt hay là một đợt sóng? Các nhà nghiên cứu nghiên cứu chất điểm, họ rất lấy làm ngạc nhiên vì cùng một chất điểm đó nhưng có

khi người ta nghiên cứu chất điểm họ thấy rất rõ ràng rằng cùng một thực tại mà có khi nó biểu hiện ra như là hạt, có khi nó biểu hiện ra như là sóng.

 

Vì vậy các nhà khoa học đã đồng tình đặt cho nó một cái tên chung là hạt sóng. Nó vừa là hạt, nó vừa là sóng. Cũng như chữ Namarupa trong đạo Phật.

Quán chiếu cho kỹ thì chúng ta sẽ vượt thắng được quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật.

Chúng ta sẽ thấy vật là sự tiếp nối của tâm và tâm là sự tiếp nối của vật. Trong y khoa hiện đại cũng vậy, chúng ta biết rằng những gì xảy ra cho thân thể cũng xảy ra cho tâm hồn và những gì xảy ra cho tâm hồn cũng có ảnh hưởng cho thân thể.

Quan niệm thân tâm liên kết với nhau. Cái thực thể của chúng ta trong đạo Phật gọi là ngũ uẩn. Đó là thân tâm, là một hợp thể. Nói nó là thân, là vật cũng không đúng mà nói nó là tâm cũng không đúng. Những gen chúng ta mang ở trong từng tế bào của cơ thể quý vị nói nó là thân hay là tâm?

 

Tất cả những tập quán, kinh nghiệm, hạnh phúc, tất cả những tuệ giác của ông cha chúng ta nằm ở trong những gen đó. Vậy những gen đó, quý vị nói là vật hay là tâm? Chỉ có một cách nói thôi: Nó không phải là vật cũng không phải là tâm. Nó là thực tại, có khi chúng ta gọi nó là vật, có khi chúng ta gọi nó là tâm.

 

Thành ra tôi thấy trong ánh sáng của khoa học hiện đại quan niệm lưỡng nguyên giữa tâm và vật đã lỗi thời rồi. Chúng ta phải chấm dứt cuộc đàm luận về vật và tâm, nếu không chúng ta sẽ còn mất thì giờ và sẽ còn tốn nhiều nước bọt lắm.

 

Nói tôi là duy vật, anh là duy tâm, không có nghĩa nữa. Nó làm mất thì giờ vì tâm và vật là cùng một thực tại. Có khi nhìn mình thấy nó như là tâm, có khi nhìn thì mình thấy nó tựa như là vật cho nên quan niệm lưỡng nguyên về tâm và vật chúng ta phải vượt thắng thì chúng ta mới có thể đi xa được.

 

Đời sống tâm linh, đời sống đạo đức là gì? Khi biết sử dụng ái ngữ, biết sử dụng lắng nghe thì mình cho người hôn phối của mình có cơ hội nói ra được những nỗi khổ niềm đau của họ.

Dùng phương pháp lắng nghe ái ngữ thì mình thiết lập được truyền thông với người bạn hôn phối của mình, đem lại sự tha thứ, hòa giải và hạnh phúc. Đó đâu phải là duy tâm hay là duy vật mà đó là sự thực tập thường thôi.

 

Nếu là một nhà chính trị, một nhà doanh thương mà không biết sử dụng ái ngữ, lắng nghe thì đâu có thành công được trong sự nghiệp chính trị hay thương mãi của mình. Nếu không có truyền thông được với con trai, con gái thì trong gia đình mình có những sự đổ nát, lộn xộn, có những đau khổ.

Đau khổ đó đè nặng trong lòng của mình thì làm sao mình làm tròn trách vụ của nhà lãnh đạo một cách dễ dàng được? Cho nên nhà lãnh đạo chính trị bắt buộc phải là một người có tu tập, có đạo đức.

Nếu không có đạo đức, không có tu tập thì khổ đau trong gia đình, trong nội tâm sẽ làm cho người đó không thành công được trong sự nghiệp, trong sứ mạng của mình.

 

Đây không phải vấn đề tâm và vật mà vấn đề là mỗi người trong chúng ta đều phải có một chiều hướng tâm linh trong cuộc sống và chắc chắn là như vậy! Hôm đi thăm ông chủ tịch Ủy Ban Tôn Giáo quốc gia ở Bắc Kinh tôi có nói rằng:

Trong đời sống dù chúng ta là nhà chính trị, nhà văn hóa hay là nhà doanh thương, chúng ta phải có một chiều hướng tâm linh nếu chúng ta không muốn chìm đắm trong đau khổ.

 

Có một chiều hướng tâm linh và đạo đức thì chúng ta có hạnh phúc nhiều hơn và chúng ta tạo dựng hạnh phúc cho những người cùng sống trong gia đình. Đó là bàn đạp cho chúng ta thành công trong sự nghiệp chính trị, văn hóa hay doanh nghiệp. Vì vậy mỗi người trong chúng ta đều phải có một nếp sống đạo đức, một nếp sống văn hóa.

 

Tôi có nói rõ rằng chính ngay trong tôn giáo cũng phải có đạo đức, tại vì có thể có những người lợi dụng tôn giáo cho quyền hành, cho địa vị của họ mà như vậy là thiếu đạo đức.

Có những tổ chức tôn giáo sử dụng những biện pháp không có vương đạo để phát triển cơ sở của họ, như vậy là tôn giáo không có đạo đức.

 

Tôn giáo không có đạo đức thì tôn giáo phá sản. Chính trị cũng vậy nếu chính trị không có đạo đức thì chính trị phá sản, điều này quý vị biết rõ hơn ai hết. Đời sống của những nhà chính trị không thể nào không có chiều hướng đạo đức.

Chúng ta đã từng dùng danh từ đạo đức cách mạng rồi phải không? Vậy thì tại sao chúng ta không có dùng danh từ đạo đức trong đời sống hằng ngày của chúng ta? Khi ăn, khi mặc, khi tiêu thụ, khi đối xử với vợ con với bạn bè ta cũng phải có đạo đức mới được.

Ðó đâu phải là duy tâm hay duy vật mà đó là sự sống bình thường thôi.

 

Trích Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh – Viện sách Thích Nhất Hạnh