Thứ Bảy, 15 tháng 4, 2023

Làm sao để có thể trở nên khôn ngoan hơn?


LÀM SAO ĐỂ CÓ THỂ TRỞ NÊN KHÔN NGOAN HƠN?

Trí khôn là điều gì đó rất khó định nghĩa nhưng bằng cách nào đó ta sẽ nhận ra khi nhìn thấy nó.

Người khôn ngoan luôn bình tĩnh trong khủng hoảng. Họ có thể lùi lại và nhìn thấy toàn cảnh rộng lớn hơn. Họ suy nghĩ chín chắn và có sự phản tỉnh. Họ nhận ra giới hạn tri thức của bản thân, xem xét đến những khía cạnh thay thế, và luôn ý thức được rằng thế giới luôn biến động.

 

Không nên nhầm lẫn giữa sự khôn ngoan với trí thông minh. Mặc dù trí thông minh giúp ích cho ta, tuy nhiên có những người rất thông minh nhưng lại không khôn ngoan.

Người khôn ngoan có thể khoan dung trong những tình huống bất an và vẫn suy nghĩ tích cực rằng ngay cả vấn đề khó khăn nhất vẫn có giải pháp. Họ có thể xem xét điều gì đúng sai. Và còn cả một danh sách dài những điều như vậy.

 

Mỗi người đều có thể khôn ngoan lúc này nhưng lại khờ khạo lúc khác

Các nhà tâm lý học nghiên cứu về sự khôn ngoan trong nhiều thập niên, và họ đã có tin tốt lành cho chúng ta. Tất cả chúng ta đều có thể nỗ lực để trở nên khôn ngoan hơn và thậm chí có thể thành công.

 

Lý do khiến ta muốn khôn ngoan thường liên hệ với rất nhiều sự tích cực: cảm thấy hài lòng hơn với cuộc sống, ít cảm xúc tiêu cực hơn, quan hệ tốt hơn và ít cảm giác căng thẳng hơn, theo Igor Grossman từ Đại học Waterloo ở Canada.

Ông và các đồng sự thậm chí phát hiện ra bằng chứng cho thấy những người khôn ngoan nhất có thể sống lâu hơn. Người càng khôn ngoan, mức độ viên mãn của họ càng cao, đặc biệt khi lớn tuổi.

Trí thông minh không làm thay đổi mức độ viên mãn, hạnh phúc, có lẽ vì chỉ số IQ không phản ánh khả năng của từng người trong việc chăm sóc các mối quan hệ tốt hoặc đưa ra quyết định trong cuộc sống thường nhật.

 

Grossman tin rằng sự khôn ngoan không đơn giản là một tính cách bền vững mà bạn có hoặc không. Nếu điều này đúng, đây là tin vui. Nó có nghĩa là ít nhất đôi khi chúng ta cũng khôn ngoan.

Người ta khôn ngoan hơn khi đi cùng bạn bè. Nó khiến họ có vẻ sẽ xem xét bức tranh toàn cảnh rộng lớn hơn, nghĩ về các khía cạnh khác và để nhận ra giới hạn tri thức của họ.

Khi đơn độc, họ có vẻ dính vào tình huống mà thậm chí họ không nghĩ ra lựa chọn thay thế nào.

 

Một số người vẫn thể hiện sự khôn ngoan nhiều hơn những người khác và một số lại khờ dại hơn, nhưng không phải tình huống nào cũng vậy. Điều này đem lại hy vọng. Nếu chúng ta có thể khôn ngoan hơn trong lúc nào đó, có thể chúng ta có thể học cách khôn ngoan thường xuyên hơn.

 

Ta thường hay tự đánh giá sai về khả năng của bản thân, nhưng lại rất tỉnh táo khi nhìn nhận, phân tích những vấn đề, những rắc rối người khác đang gặp phải

Và những phát hiện cho thấy khả năng lý luận khôn ngoan hơn tăng dần theo độ tuổi cho thấy ta có thể dần trở nên giỏi giang hơn trong việc này.

 

Người thông minh không hẳn đã là người khôn ngoan

Chúng ta thường khôn ngoan hơn khi ở ngoài cuộc so với chuyện của chính mình. Một trong những nghiên cứu tôi yêu thích nhất về nhận thức thời gian có liên quan đến ngụy biện kế hoạch, lỗi ngụy biện này là rất nhiều người nghĩ khi ta có thể hoàn tất một công việc nhanh hơn so với khả năng thật của mình.

 

Dù đó là việc trang trí lại phòng khách trong một ngày hoặc hoàn thành dự án công việc trong một đêm, ta thường thất vọng khi thua cuộc. Ta có xu hướng nghĩ là trong tương lai ta sẽ có nhiều thời gian hơn vì ta sẽ tự tổ chức bản thân tốt hơn. Đáng buồn là có lẽ ta sẽ chẳng như vậy.

Nhưng dù ta khá dở trong việc xem xét các khung thời gian của bản thân, chúng ta lại giỏi trong việc chia tách thời gian của người khác.

 

Trong một nghiên cứu, sinh viên được yêu cầu ước lượng chừng nào họ có thể hoàn thành bài luận và khi nào những sinh viên khác có thể hoàn thành bài. Việc đoán thời gian của người khác tốt hơn rất nhiều vì họ tính cả những việc gây gián đoạn không ngờ chẳng hạn như ta có thể bị cảm hoặc về nhà và phát hiện ra máy rửa chén đã dây nước đầy căn bếp.

 

Nhưng khi đến lượt bản thân mình, sự lạc quan tự nhiên của chúng ta có vẻ đã chặn ta không cho nhìn thấy những vấn đề tiềm ẩn.

Vậy bạn có thể bắt đầu trở nên khôn ngoan hơn không? Có thể, nhưng còn rất nhiều yếu tố cần nhớ.

 

Bạn cần phải tính đến cả việc mỗi người có mục tiêu khác nhau, ưu tiên khác nhau và những tác động đến riêng bạn, kể cả ngắn hạn và dài hạn. Nếu bạn có thể tính toán tất cả những thứ đó, có lẽ bạn đang thể hiện sự khôn ngoan.

 

Nhưng sự phức tạp không ngăn được sự cố gắng của chúng tôi. Như Grossman nói với tôi: "Không phải thình lình mà bạn trở thành Đức Phật tiếp theo, nhưng bạn thực sự sẽ trở nên khôn ngoan hơn một chút."

 

ST

 

Thứ Sáu, 14 tháng 4, 2023

Thương yêu là phải có mặt cho người mình yêu

THƯƠNG YÊU LÀ PHẢI CÓ MẶT CHO NGƯỜI MÌNH YÊU

Thương yêu có nghĩa là có mặt cho người mình thương. Mình không có mặt làm sao mình thương yêu được.

Nếu mình bận rộn quá, bị cuốn theo những dự án và không có thì giờ để nhìn người yêu, để ngồi với người yêu thì mình không có khả năng thương yêu.

Cho nên thương yêu có nghĩa là phải có mặt cho người mình yêu nhưng sự có mặt đó phải có phẩm chất, phải có sự tươi mát, ngọt ngào thì mới là một tặng phẩm đáng để dâng tặng.

Có một thương gia rất giàu có. Ông được nhắc rằng ngày mai là sinh nhật của đứa con trai. Ông mới nhìn đứa con trai và hỏi rằng:

Này con, con muốn cái gì thì ngày mai bố sẽ mua cho con? Đứa con trai không biết trả lời làm sao? Bố nó rất giàu, nó muốn cái gì là bố mua cho hết nhưng nó cần một cái, mà cái đó khó quá: Đó là sự có mặt của bố.

Bố quá giàu, bố phải để hết thì giờ để theo đuổi sự nghiệp, doanh nghiệp và bố không có thì giờ cho mẹ, không có thì giờ cho con.

Doanh nghiệp là tên độc tài, nó lấy hết thì giờ, năng lượng của bố. Bố không có thì giờ để sống, không có thì giờ cho mẹ, không hiến tặng được sự tươi mát ngọt ngào cho mẹ.

Bố có rất nhiều lo lắng, khắc khoải, nhiều tính toán và quá bận rộn. Bố không có thì giờ để tiếp xúc với trời xanh, mây trắng, chim hót, thông reo, hoa nở thì làm gì bố có những cái tươi mát để cống hiến cho mẹ.

Sau khi suy nghĩ một lúc, đứa con nói: Con đâu cần gì, con chỉ cần bố thôi! Ðúng là như vậy, đúng là câu trả lời đích thực. Nó có một người cha nhưng kỳ thực giống như không có cha, tại vì người cha đã bị cuốn theo sự nghiệp, cuốn theo doanh nghiệp.

Trích Văn hóa và đạo đức trong đời sống tâm linh – Viện sách Thích Nhất Hạnh

Có một doanh nhân nói hãy gạt bỏ tư tưởng làm việc vì tiền

Ảnh: Branson tập trung suy nghĩ về lợi ích của sản phẩm đối với người tiêu dùng trước mỗi dự án kinh doanh

CÓ MỘT DOANH NHÂN NÓI HÃY GẠT BỎ TƯ TƯỞNG LÀM VIỆC VÌ TIỀN

Không giống như các doanh nhân khác, Richard Branson ít khi tính toán đến lợi nhuận trong việc kinh doanh. Lợi ích của sản phẩm đối với người tiêu dùng mới là thứ khiến ông luôn ưu tiên hàng đầu.

Trong suốt sự nghiệp của mình, doanh nhân 67 tuổi chưa từng đặt mục tiêu phải trở nên giàu có. “Tại Mỹ, mọi người thường khá chi li trong vấn đề tài chính. Từ tỷ phú đến người bình thường, hầu hết đều có tư duy như vậy.

Nhưng tôi thì khác. Tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc bởi đó không phải mục tiêu phấn đấu của tôi” – Richard Branson tâm sự

Tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc bởi đó không phải mục tiêu phấn đấu của tôi” – Richard Branson

Ông cho biết thêm: “Tôi muốn tạo ra những thứ khiến bản thân tự hào. Tôi nỗ lực hết sức để đem lại sự khác biệt trong từng sản phẩm nhưng cũng cân nhắc đến tính hữu ích của chúng. Người tiêu dùng đánh giá cao sự tâm huyết của tôi, tin dùng các mặt hàng của tập đoàn Virgin. Từ đó, tôi trở thành tỷ phú”.

Branson bỏ học từ năm 16 tuổi nhằm theo đuổi con đường kinh doanh. Ông khởi nghiệp với một tạp chí dành cho học sinh. Năm 20 tuổi, ông khai trương phòng thu mang tên Virgin Records, một trong những hãng thu âm thành công nhất thế giới vào thời điểm đó, theo ông nhận định.

Branson đầu tư vào nhiều lĩnh vực khác nhau. Ông sở hữu một công ty sản xuất phim, một hãng hàng không, một thương hiệu mỹ phẩm…Hiện tại, tập đoàn Virgin là tổ hợp gồm 60 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực, phục vụ hơn 50 triệu khách hàng trên toàn thế giới.

Thành công là thế nhưng Branson làm cho nhiều người bất ngờ khi tiết lộ rằng ông chưa từng lập kế hoạch kinh doanh cho các công ty của mình. Ông chia sẻ:

“Tôi thường trình bày những dự định của mình với kế toán. Họ sẽ phân tích thị trường và đánh giá tiềm năng sinh lời từ mỗi kế hoạch, sau đó đưa ra lời khuyên xác đáng nhất.

Nhưng đôi khi, tôi sẽ gạt đi và nói ‘Mặc kệ tất cả, cứ làm đi’. Tôi không quan tâm đến những con số. Chỉ cần là sản phẩm độc đáo, chất lượng và hữu ích, tôi sẵn sàng đầu tư đến cùng”.

Ông cũng khuyên các bạn trẻ không nên đặt nặng vấn đề tiền bạc, bởi đó là nguồn cơn khiến chúng ta trở nên tiêu cực hơn.

Branson chia sẻ: “Hãy bỏ qua tư tưởng làm việc vì tiền. Tiền tiêu bao nhiêu cũng hết. hoặc, bạn không bao giờ kiếm đủ tiền để trang trải cho những nhu cầu của bản thân, nên cảm thấy bất mãn, không hạnh phúc.

Thay vì tự biến mình thành nô lệ của đồng tiền, hãy tạo ra thứ gì đó có giá trị, thành công sẽ tìm đến bạn sớm thôi”.

Theo CNBC

Ảnh: Branson tập trung suy nghĩ về lợi ích của sản phẩm đối với người tiêu dùng trước mỗi dự án kinh doanh