Thứ Năm, 13 tháng 4, 2023

Chử Đồng Tử và Công chúa Tiên Dung

 

CHỬ ĐỒNG TỬ VÀ CÔNG CHÚA TIÊN DUNG

Thời Hùng Vương thứ ba có một người con gái nhan sắc như tiên, đặt tên là Tiên Dung. Tiên Dung rất đẹp, song không chịu lấy chồng, chỉ ham thích phong cảnh, thường đi du lịch khắp nơi trong nước.

Được vua cha nuông chiều, mỗi năm vào độ mùa xuân Tiên Dung ngồi thuyền du ngoạn, có khi ra tận ngoài biển, lắm lúc mê cảnh đẹp quên về.

Thuở ấy, ở làng Chử Xá (thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay) có người tên là Chử Cù Vân và con trai tên là Chử Đồng Tử. Hai cha con thương mến nhau rất thắm thiết. Nhà họ Chử vốn nghèo lại càng thêm sa sút sau một trận cháy, trong nhà chỉ còn mỗi một chiếc khố.

Hai cha con phải thay phiên nhau mà mặc mỗi khi ra ngoài. Khi người cha bị bệnh nặng sắp mất, dặn con giữ khố lại, còn cứ chôn mình xác trần. Chử Đồng Tử không nỡ để cha chết trần truồng, dùng chiếc khố độc nhất liệm cha mà đem chôn.

Từ đó Chử Đồng Tử không có gì che thân, đợi đến đêm mới đi ra câu cá, ban ngày thì dầm nửa người dưới nước, đến gần thuyền để bán cá hoặc xin ăn.

Một hôm, thuyền rồng chở công chúa Tiên Dung đến vùng đó. Nghe tiếng chuông trống, đàn sáo lại thấy cờ quạt, người hầu rầm rộ, Chử Đồng Tử hoảng sợ, chui vào bụi lau ở bãi cát bờ sông, nấp mình xuống đó rồi phủ cát lên che người.
Thuyền rồng ghé vào bờ, Tiên Dung lên chơi trên bãi, thấy cảnh thanh tú, sai người hầu quây màn ở bụi lau để làm nơi cho mình tắm, đúng ngay vào chỗ Chử Đồng Tử nấp.

Đến khi Tiên Dung xối nước, cát trôi để lộ thân hình trần truồng của người trai lạ. Nàng ngạc nhiên hỏi chuyện mới rõ tình cảnh của Chử Đồng Tử, nghĩ ngợi bảo chàng:
– Tôi đã định không lấy chồng, nay tình cờ gặp anh thế này, chắc do là trời xui khiến. Anh dậy mà tắm rửa đi!

Rồi Tiên Dung lấy quần áo trao cho Chử Đồng Tử mặc để cùng xuống thuyền ăn uống. Người ở trên thuyền hiểu chuyện, cho là một cuộc gặp gỡ lạ lùng. Tiên Dung nghĩ là duyên tiền định, đòi kết làm vợ chồng.

Chử Đồng Tử cho là phận mình thấp hèn, không dám nhận lời, Tiên Dung nói:
– Đây là do trời tác hợp, sao anh lại từ chối?

Rồi hôn lễ giữa nàng công chúa với anh chàng Chử Đồng tử cử hành ngay trên sông. Tin đưa về kinh đô, Hùng Vương giận dữ nói với triều thần:

– Con gái ta không kể danh tiết, hạ giá lấy kẻ nghèo hèn, còn mặt mũi nào mà trông thấy ta nữa. Từ nay mặc cho nó muốn đi đâu thì đi, không được về cung.

Tiên Dung biết vua cha tức giận, sợ không dám về, bèn cùng chồng mở chợ ở Hà Thám, đổi chác với dân gian. Lâu dần mở mang thành chợ lớn, gọi là chợ Hà Thám, có phố xá khách buôn nước ngoài lui tới giao thương ngày càng phồn thịnh.

Một hôm có khách buôn bán đến rủ Tiên Dung đem vàng cùng ra nước ngoài mua hàng về bán sẽ có lãi to. Tiên Dung mới bảo chồng rằng:

– Chúng ta lấy nhau là do trời định, cơm áo cũng do trời cho. Vậy việc này âu cũng là trời xui khiến, chúng ta nên làm.

Chử Đồng Tử bèn cùng khách buôn nọ ra đi. Đến một hòn núi giữa biển gọi là núi Quỳnh Tiên, thuyền ghé lấy nước ngọt, Chử Đồng Tử vui chân trèo lên cái am nhỏ trên núi gặp một đạo sĩ trẻ tên là Phật Quang. Chuyện trò ý hợp tâm đầu, Chử Đồng Tử theo lời Phật Quang giao vàng nhờ khách buôn đi mua hàng còn mình thì ở lại đây học đạo.

Đến khi thuyền trở lại, Chử Đồng Tử theo về đất liền. Khi từ giã, Phật Quang tặng Chử Đồng Tử một cái gậy, một cái nón và bảo:
– Đây là vật thần thông.
Về đến nhà Chử Đồng Tử truyền đạo lại cho vợ. Tiên Dung giác ngộ bèn bỏ việc buôn bán để cùng chồng đi tìm thày học đạo.

Một hôm trời tối, hai vợ chồng đi đã mệt mà chưa thấy nhà cửa đâu, mới dừng bước lại, cầm gậy che nón nằm dưới mà nghỉ.

Vào khoảng nửa đêm, tự nhiên chỗ ấy nổi lên thành quách, cung điện bằng châu ngọc và kho tàng đầy đủ của cải, màn gấm chiếu hoa, không thiếu một thứ gì. Lại thêm tiên đồng ngọc nữ, tướng sĩ lính hầu xum xít quanh hai vợ chồng.

Sáng hôm sau, dân ở quanh vùng đều lấy làm kinh dị, mang hương hoa thực phẩm đến xin làm tôi. Họ vào thành thấy các quan văn võ, lính tráng tấp nập đông đảo như một nước riêng.

Hùng Vương được tin báo cho là con gái làm loạn, vội phái quân đi đánh. Đoàn quân sĩ nhà vua gần tới nơi, bộ hạ Tiên Dung xin ra chống cự, nàng cười mà bảo rằng:
– Tất cả mọi việc đều do ở trời chứ không phải tự ta. Ta đâu dám cự lại phụ vương. Sống hay chết đều nhờ ở trời, dẫu ta có bị phụ vương giết cũng không dám oán hận.


Trời đã tối, quân của Hùng Vương không kịp tấn công, dừng lại đóng ở bãi Tự Nhiên, cách đối phương một con sông lớn. Đến nửa đêm trời bỗng nổi bão, sóng
gió cuồn cuộn, nhổ cây ở bãi, đại quân của Hùng Vương rối loạn.

Trong chốc lát thành quách cung điện và bộ hạ của hai vợ chồng Tiên Dung đều bay cả lên trời.

Sáng hôm sau, người ta kinh hãi thấy chỗ đó đã hóa thành một cái đầm lớn. Dân chúng cho đó là điều linh dị bèn lập miếu thờ, bốn mùa cúng tế và gọi đầm đó là đầm Nhất Dạ Trạch (Đầm Một Đêm), thuộc phủ Khoái Châu tỉnh Hưng Yên, bãi cát đó là Bãi Tự Nhiên hoặc Bãi Màn Trù và chợ đó là chợ Hà Lương…

 

Làm sao để có con người văn hoá

LÀM SAO ĐỂ CÓ CON NGƯỜI VĂN HOÁ

Văn hóa có nhiều cách hiểu và cách diễn đạt, nhưng theo tôi, hiểu một cách đơn giản nhất, con người văn hóa là con người “tam tính”: nhân tính, quốc tính và cá tính. Đây chính là đặc tính của con người tự do và cũng là đích đến của giáo dục khai phóng.

Nhân tính là thứ để phân biệt giống người với những giống loài khác, để phân biệt con người với muông thú cỏ cây và máy móc.

Quốc tính là thứ để phân biệt đồng bào với đồng loại của mình. Nếu như quốc tính cần được sàng lọc bởi nhân tính thì cá tính sẽ được hình thành nên nền tảng của nhân tính và được vun bồi bởi quốc tính.

Con người “tam tính” sẽ là con người rất nhân loại, rất dân tộc, nhưng cũng rất là chính mình.

Ngoài ra, tôi cũng có một khái niệm khác về con người văn hóa, đó là con người “ba bề”: bề trong (lương tri của mình), bề trên (đức tin của mình), bề ngoài (tính cách của mình).

Chính “tam tính” và “ba bề” (văn hóa) đó mới giúp ta minh định được đúng - sai, phải - trái, chân - giả, thiện - ác, chính - tà; giúp ta hình thành được “chân thắng” và “chân ga” bên trong con người mình. “Chân thắng” là để ngăn ta làm điều sai, điều ác (trái với “tam tính”); còn “chân ga” sẽ thôi thúc ta làm điều đúng, điều đẹp (hợp với “tam tính”).

Vậy làm sao có “tam tính”? Làm sao có “ba bề”? Từ sự học, từ thực học, từ sự học khai phóng mà ra cả.

Có một câu hỏi hơn “Tiền nhiều để làm gì?” là “Học nhiều để làm gì?”, “Tại sao VN ta được xem là một dân tộc hiếu học nhưng lại nghèo bền vững như thế này?”. Phải chăng, “hiếu học” chủ yếu là học cho ra điểm hay học cho ra bằng, chứ không phải là học cho ra người (văn hóa) hay học cho ra nghề (chuyên môn)…?

Theo tôi, có 3 môn học tối thiểu con người cần tìm hiểu để có văn hóa là triết học, lịch sử và tôn giáo. Cả 3 cái đó đều đang bị “gãy”. Lâu nay nền giáo dục của chúng ta chưa được học đúng nghĩa 3 môn học này như một tri thức của văn hóa. Trong khi, 3 thứ đó là linh hồn của văn hóa.

Nếu trong nhà trường chưa được học linh hồn của văn hóa một cách đầy đủ và đúng nghĩa thì làm sao có văn hóa?

Trích “5 Hiện tượng 'loạn chuẩn' trong giới trẻ: Thiếu vắng văn hóa” của Giản Tư Trung

 

 

Thứ Tư, 12 tháng 4, 2023

Nở nụ cười mang đến niềm vui sống


NỞ NỤ CƯỜI MANG ĐẾN NIỀM VUI SỐNG

Thế gian vạn sự vạn vật nhiều vô kể, có rất nhiều mục tiêu để chúng ta nỗ lực, nhưng cũng có không ít là không đáng để lao tâm khổ tứ tranh giành.

 

Cuộc sống ban tặng cho bạn thật nhiều điều vô giá, mà những thứ quan trọng nhất lại thường là miễn phí: sinh mệnh, không khí và bè bạn.

Mải mê chạy theo hư vinh phù phiếm bên ngoài, quay đầu lại mới phát hiện bản thân chỉ còn một mình, rồi chợt nhận ra cõi lòng mênh mang, trống vắng.

 

Bởi vậy chúng ta hãy nhớ, tất cả những phiền não, dùng tâm thái lạc quan đối diện với nó, dùng tấm lòng rộng mở thiện đãi với người.

Đừng so đo, đừng oán giận, cứ vui sống mỗi ngày. Nỗ lực sống như dáng vẻ mình thích, đừng để tâm tới ánh mắt của người khác, không cần quá quan tâm tới những lời đàm luận.

 

Cuối cùng, chúng ta nên học cách nhìn vào mặt tốt vì bất cứ sự vật, sự việc nào cũng đều có hai mặt cả. Nếu bạn chịu quan tâm tới mặt tích cực, lạc quan và tươi sáng của vật hay việc đó, bạn cũng sẽ nhận được nguồn năng lượng tích cực tương tự như thế.

 

Dần dần bạn sẽ hiểu ra rằng, mỗi người sống trên đời có an yên, có hạnh phúc, vui vẻ hay không phụ thuộc rất lớn vào suy nghĩ của người đó. Nếu tâm tư họ không tốt thì cả thế giới dường như cũng ảm đạm, chẳng có chút ánh sáng nào.

Trái lại, nếu họ luôn có những suy nghĩ tốt đẹp, tích cực thì cuộc đời liền sẽ khoáng đạt, trong sáng và tươi đẹp hơn nhiều.

 

Đời người chẳng mấy chốc, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hết cả thanh xuân, rồi chẳng mấy lại về với mây trời.

Hãy nhớ sống vui vẻ, hạnh phúc để mỉm cười đến giây phút cuối cùng. Đó cũng là cách chúng ta đang mang đến niềm vui cho người khác và thiện đãi chính mình.