Thứ Ba, 14 tháng 3, 2023

3 cấp độ quan trọng trong tình yêu


3 CẤP ĐỘ QUAN TRỌNG TRONG TÌNH YÊU

Có một câu chuyện vui như thế này:

Anh chàng nọ hẹn gặp cô gái và bảo: "Anh yêu em, em đồng ý làm bạn gái của anh nhé?"

Chưa hết bất ngờ, nhưng cuối cùng cô gái cũng lấy được bình tĩnh để nói với chàng trai: "Dạ, anh cho em suy nghĩ 3 ngày nhé."

Chàng trai không có câu trả lời nào khác hợp lý hơn ngoài cái gật đầu.

 

Sau 3 ngày, họ gặp nhau. Cô gái bẽn lẽn bảo với chàng trai: "Em đồng ý trở thành người yêu của anh."

Ngỡ tưởng được chàng trai gật đầu trong sung sướng thì cô gái ngạc nhiên và cảm thấy mất hết cả lòng tự trọng khi nhận được câu đáp trả:

"Em cho anh xin lỗi nhé. Anh xin được rút lại lời đề nghị hôm trước. Vì em suy nghĩ mất 3 ngày, mà tình yêu thì làm gì đến từ lý trí" – Anh để tay lên ngực mình: "Mà là từ con tim!"

 

Tình yêu đích thực đâu thể dễ dàng nói bỏ là bỏ

Câu nói tình yêu không đến từ lý trí là đúng. Nhưng trong câu chuyện này, chính chàng trai cũng chưa thật lòng yêu cô gái nên mới dễ dàng từ bỏ như vậy. Bởi suy cho cùng, nếu đó là một tình yêu đích thực thì đâu thể dễ dãi nói ra và dễ dãi thu lại?

 

Mâu thuẫn trong tình yêu luôn luôn có giữa người nam và người nữ. Người ta từng có quan niệm rằng đàn ông đến từ sao Hỏa, đàn bà đến từ sao Kim là để khẳng định cho những mâu thuẫn ấy.

Nhưng mâu thuẫn cũng giống như cơn bão trong năm, là tự nhiên đến hiển nhiên, và chúng sinh ra để thử thách mối quan hệ ấy.

 

Tôi nghĩ rằng tình yêu thì có hai loại. Loại thứ nhất, ấy chính là tình yêu. Và loại thứ hai, bạn nghĩ đó là tình yêu. Và phần lớn các mối quan hệ yêu đương trên thế giới này đều thuộc loại thứ hai: bạn nghĩ mình đang yêu, bạn đang ở trong một tình yêu đích thực, nhưng hóa ra không phải.

 

Tôi luôn nghĩ tình yêu là một mối quan hệ thiêng liêng nếu như đó thật sự là tình yêu. Nhưng để đạt đến sự thiêng liêng này, lại vô cùng khó.

Khi nói đến các cấp độ tình yêu, mà trong tình yêu nam nữ, tôi sẽ bỏ qua "universal love" (là tình yêu vũ trụ mà Đức Phật là ví dụ điển hình, ngài yêu tất cả mọi thứ trong vũ trụ bao la này).

 

Thế nên, tôi chia nó ra làm 3 loại:

- Tình yêu dựa trên cảm xúc: Hầu hết các mối quan hệ yêu đương thường dựa trên cảm xúc. Cảm xúc giúp tình yêu thăng hoa, nhưng cũng chính cảm xúc là thứ có thể giết chết tình yêu vì nó biến thiên, lúc giận dỗi, lúc sung sướng, lúc ghen tuông, lúc hạnh phúc, lúc tức tưởi, lúc hiền hòa, lúc tốt lành, lúc ác ôn.

Vì thế, nếu tình yêu chỉ dựa trên cảm xúc thì không bền vững. Vì vốn dĩ, cảm xúc chưa bao là kiên định.

 

- Tình yêu dựa trên hệ giá trị chung: Bạn hướng đến việc làm giàu, người yêu của bạn cũng thế. Hai người có cùng chung giá trị làm giàu, và vì thế, hai người sẽ đồng điệu trong việc tạo dựng chung một hệ giá trị.

 

Họ có thể sống hiền hòa, nhưng tình yêu không sâu. Khi chỉ dựa trên hệ giá trị thôi, người nam và người nữ vẫn có cảm giác thiếu và cô đơn trong chính mối quan hệ đó.

Vì khi yêu, nghĩa là ta hòa quyện vào người kia, nhưng chỉ dựa trên hệ giá trị chung thì khó mà hòa quyện tuyệt đối.

 

- Tình yêu là cảm giác thuộc về. Khi có cảm giác thuộc về nhau, yêu đến tự linh hồn, đó là cấp độ cao hơn cả trong tình yêu nam nữ.

Nếu bạn yêu người nào đó và có cảm giác thuộc về này, và bằng tình yêu đích thực này, mọi mâu thuẫn dường như có thể được giải quyết nếu như họ thực sự yêu nhau.

 

Cảm giác thuộc về giúp mối tình thăng hoa, bền chặt và hòa quyện. Bởi rằng, tình yêu không phải là "You" và "I", đó chính là "Us".

Trong em có anh, trong anh có em. Nỗi đau của em là của anh, nỗi đau của anh là của em. Niềm vui của anh là của em, niềm vui của em là của anh.

Khi bạn gặp ai đó mà có cảm giác đồng điệu tuyệt vời này, có lẽ, bạn đã tìm thấy được tình yêu đích thực của cuộc đời mình.

 

Phần lớn các mối quan hệ yêu đương đều chưa bao giờ có thể vừa khít nhau, thậm chí cả tình yêu đích thực. Vẫn luôn có những mâu thuẫn, vẫn luôn có những hiểu nhầm, và đừng bao giờ thấy nó nhàm chán để chỉnh sửa, thấy nó khó khăn để vượt qua, thấy nó mất thì giờ để rơi tuột mất

.

Từng có một phóng viên hỏi cặp vợ chồng già chung sống với nhau 65 năm:

"Ông bà có thể chia sẻ bí kíp sống chung suốt 65 năm qua không ạ?"

Người vợ trả lời: "Chúng tôi đang sống ở thời điểm mà nếu có thứ gì hư thì chúng tôi sẽ sửa nó thay vì vứt nó đi".

 

Sự mâu thuẫn trong mối quan hệ là biểu trưng cho việc "hư hỏng" ấy. Nhưng khi con người ta bận bịu với mớ lo toan, họ bắt đầu chán chường và không còn đủ kiên nhẫn để chỉnh sửa nữa. Họ bắt đầu cấu xé nhau, chán nản nhau, giận dữ với nhau, và từ đó quyết định vứt bỏ chứ không còn có thể chỉnh sửa tiếp.

Họ coi mối quan hệ của mình có hạn sử dụng như chiếc xe đạp, sửa mãi thì cũng "toang". Thôi thì, đến lúc không thể sửa nữa thì tìm kiếm một chiếc xe mới.

 

Tình yêu đích thực không chịu từ bỏ và không tồn tại bí mật cá nhân

Nhưng tình yêu đích thực sẽ không bao giờ chịu từ bỏ. Họ biết được rằng những mâu thuẫn diễn ra trong mối quan hệ yêu đương là vì con người ta không chịu ngồi với nhau đối thoại.

Các cuộc đối thoại cực kỳ quan trọng để thấu hiểu nhau. Đó không phải làm tình, không phải là xem phim, không phải là nấu ăn, không phải là giặt giũ, không phải là mua một món quà… khiến anh và em hiểu nhau. Mà đó chính là cuộc đối thoại.

 

Bạn đã có cuộc đối thoại nào đủ sâu sắc? Về tình yêu, về sự chung thủy, về con cái, về sự giận dỗi, về ghen tuông, về hiểu lầm, về xúc cảm, về gia đình...? Có thể chưa.

Bạn có bao giờ có cảm giác người mình yêu vừa xa vừa gần. Cái xa đó là những cái bắt buộc phải ngồi lại cho một cuộc trò chuyện. Cuộc trò chuyện sẽ bóc tách vấn đề, sẽ giải quyết vấn đề bằng giải pháp dựa trên ý kiến của cả hai.

 

Tình yêu đích thực thì làm gì có bí mật. Sự hòa quyện giữa người nam và người nữ đủ lớn và đủ trọn vẹn để bí mật bây giờ thuộc về cả hai chứ không còn đơn lẻ một người nào nữa.

Nếu bạn còn nhiều bí mật và không thể chia sẻ với người mà bạn chung chăn gối, có lẽ, bạn nên nghĩ lại về mối quan hệ này. Và người kia cũng đồng thời nên có hành động như vậy.

 

Khi càng nhiều bí mật trong mối quan hệ, sự hợp nhất sẽ khó mà diễn ra. Và thế, khi càng có nhiều bí mật, chúng ta sẽ càng có nhiều mâu thuẫn. Vì những bí mật chôn giấu trong lòng sẽ khiến đối phương mãi mãi hiểu nhầm bạn.

Họ sẽ có cảm giác rằng họ không được tin tưởng, không được yêu thương và cùng đó là không được gần gũi và hòa quyện trong một mối quan hệ. 

 

 

 

Thứ Hai, 13 tháng 3, 2023

Học cách yêu bản thân để sống trọn vẹn hơn


HỌC CÁCH YÊU BẢN THÂN ĐỂ SỐNG TRỌN VẸN HƠN

Làm thế nào bạn có thể yêu một người đúng cách nếu bạn không học được cách yêu thương bản thân vô điều kiện? Khi bạn yêu bản thân có điều kiện, bạn không thể yêu người khác vô điều kiện, vì bạn không thể cho người khác thứ mà bạn không có.

 

Yêu bản thân là một thuật ngữ để chỉ những hành động yêu thương không chỉ về thể xác mà còn cả về tinh thần với chính bản thân mình. Đó không phải là sự ích kỷ, đó là một hành động tử tế đối với người khác, bởi khi bạn yêu chính mình, người khác sẽ không phải đối mặt với những vấn đề chưa được giải quyết của bạn.

 

Yêu bản thân bao gồm 4 khía cạnh: tự nhận thức, ý thức được giá trị bản thân, lòng tự trọng và tự chăm sóc bản thân. 

 

Nếu thiếu một trong số này, thì bạn vẫn chưa thực sự yêu bản thân mình đủ. Hành trình để yêu bản thân không khác gì việc bạn sẽ phải đối mặt với những góc tối của chính mình, những nỗi sợ hãi sâu thẳm nhất của chính mình. Đó là lý do vì sao nhiều người không biết yêu bản thân, bởi không phải ai cũng muốn ngồi xuống và trò chuyện với chính mình.

 

Tự nhận thức

Đây là một quá trình mà bạn cần phải tự nhận thức về suy nghĩ của bản thân, cách chúng ảnh hưởng đến cảm xúc của bạn và cách cảm xúc khiến bạn hành động ra sao.

Bạn có nhận thức được những suy nghĩ khiến bạn cảm thấy tức giận và khiến bạn hành động bốc đồng không? Chúng đến từ đâu và tại sao chúng lại ở đó? Tại sao chúng lại khiến bạn hành động như vậy?

 

Tự nhận thức là khi bạn bước ra khỏi bản thân để nhìn về chính mình.

Tự nhận thức là chìa khóa của trí tuệ cảm xúc. Một cách để nâng cao nhận thức về bản thân là ghi nhật ký về những suy nghĩ, cảm xúc và hành động của bạn.

 

Ý thức về giá trị bản thân

Giá trị bản thân là niềm tin mà chúng ta có về bản thân. Nó nằm ở tất cả những điều tốt đẹp mà bạn có bên trong thay vì những thứ mà bạn có bên ngoài.

Có ý thức về giá trị của bản thân có nghĩa là bạn đánh giá cao bản thân và tin rằng mình xứng đáng với những điều tốt đẹp.

Giá trị bản thân chính là cốt lõi của chính bản thân bạn, những suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của bạn.

 

Tài khoản ngân hàng, chức danh, địa vị, mức độ hấp dẫn hay thậm chí là số người theo dõi bạn trên mạng xã hội không liên quan gì đến việc bạn là người có giá trị hay xứng đáng như thế nào.

Rất dễ để bị cuốn vào việc chạy theo tiền bạc, địa vị và sự nổi tiếng - đặc biệt là khi những thứ này được đánh giá cao bởi những người xung quanh chúng ta nói riêng và xã hội nói chung.

 

Nhưng hãy lùi lại một bước và suy nghĩ về điều gì thực sự quan trọng khi nói về giá trị của bạn. Đó chính là lòng tốt, lòng trắc ẩn, sự đồng cảm, sự tôn trọng người khác và cách bạn đối xử tử tế với những người xung quanh.

 

Giá trị bản thân không được xác định bởi bất cứ điều gì, và bạn cũng không cần phải làm bất cứ điều gì để chứng tỏ. Bạn chỉ là chính mình, biết về giá trị của mình và hiểu về nó. Điểm mạnh, tài năng và những hành động tử tế của bạn đối với người khác chỉ là biểu hiện của giá trị bản thân bạn.

 

Lòng tự trọng

Khi bạn ý thức được về giá trị bản thân mình, lòng tự trọng sẽ đến một cách tự nhiên. Lòng tự trọng có liên quan đến việc hài lòng và thoải mái với chính con người của mình, với việc bạn đang ở đâu và với những gì bạn có.

 

Nếu bạn muốn có lòng tự trọng, hãy nâng cao giá trị của bản thân. Hãy nhắc nhở bản thân mỗi ngày rằng bạn không cần phải biện minh cho sự tồn tại của mình.

 

Tự chăm sóc

Tự chăm sóc bản thân là tất cả những hành động mà bạn làm để giữ cho mình khỏe mạnh, chẳng hạn như tắm rửa sạch sẽ, ăn một chế độ ăn uống lành mạnh, uống đủ nước, giữ đủ ấm và làm những việc mà bạn yêu thích.

 

Tự chăm sóc bản thân cũng có thể là những thứ bạn nghe hay xem, những người bạn dành thời gian cùng.

So với những khía cạnh khác của tình yêu bản thân, thì việc tự chăm sóc bản thân là việc dễ thực hiện hơn cả.

Theo Phụ nữ Việt Nam

“Farming not hunting” một Triết lý kinh doanh

“FARMING NOT HUNTING” MỘT TRIẾT LÝ KINH DOANH

 

Trong kinh doanh có một triết lí rất hay "Farming not hunting" – phải biết nuôi trồng chứ không nên chỉ đi lo săn bắn.

Nếu cả đời chỉ đi lo săn cơ hội thì cả đời cũng là kẻ thợ săn nơm nớp từng ngày.

 

Còn biết bỏ công gieo trồng hạt giống, đúng là cái hồi đầu có cực một chút, nhưng một ngày kia nó sẽ mở ra một bầy cơ hội.

 

Khi năng lực bản thân chưa đủ thì cơ hội chẳng thèm ghé mắt. Lưu manh một chút thì quơ quơ cào cào, may mắn có khi cũng xốp được một em.

Nhưng mà cái em cơ hội đó chẳng bao lâu nó cũng hiểu ra rằng ở với mình thì nó chẳng có đường phát triển. Thế là nó xăm xăm bỏ đi. 

 

Cuộc sống này không quá dài để bạn chững lại, suy tư về sự may mắn trong khi biết bao sự nhiệt huyết, sự đam mê của những người khác đang lan toả một cách không giới hạn.

Họ sẵn sàng đương đầu với khó khăn để tạo ra cơ hội cho bản thân, họ không ngần ngại thất bại để rồi có được sự thành công.

 

Hãy nhớ rằng cơ hội do chính bạn tạo ra và tuổi trẻ là khoảng thời gian tuyệt vời nhất để bạn tạo ra nó. Đừng chờ đợi cơ hội đến, hãy là người linh hoạt, biết tự tạo cơ hội và nắm bắt cơ hội. 

 

Chính vì thế để đạt được sự thành công bạn cần phải năng động, linh hoạt, chủ động trong tư duy và hành động.

Hãy học cách nắm bắt những nhu cầu của xã hội, chịu khó tìm tòi, khai thác, nghiên cứu những vấn đề mang tính thực tiễn có liên quan đến những mục đích, ước mơ, hoài bão mà bạn hướng đến.

 

Không dừng lại ở sự cố gắng tìm kiếm cho mình những cơ hội mà đó còn là một quá trình bạn tích luỹ kiến thức, chuyên môn nghề nghiệp, những kỹ năng sống bổ ích cho bản thân.

Biết tự tạo ra những cơ hội cho chính mình để có thể vững vàng hơn trên con đường mình đã chọn.