Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2023

Có những ngành nghề yêu cầu sáng tạo cao

 

CÓ NHỮNG NGÀNH NGHỀ YÊU CẦU SÁNG TẠO CAO

 

Các bạn nên cân nhắc năng khiếu, sở trường của bản thân nếu muốn theo đuổi những ngành nghề yêu cầu sáng tạo cao.

Vì sao tư duy sáng tạo được yêu cầu cao trong công việc?

Thị hiếu người tiêu dùng ngày càng tăng cao, đòi hỏi sản phẩm/dịch vụ phải được cải tiến liên tục. Muốn triển khai thành công được kỳ vọng đó, doanh nghiệp phải sở hữu đội ngũ nhân lực giàu tư duy sáng tạo. Nhân sự có khả năng tư duy sáng tạo càng cao, hiệu quả công việc sẽ được nâng lên, tạo ưu thế cạnh tranh trên thương trường. Chính vì vậy, nhu cầu tìm kiếm những ứng viên có khả năng tư duy sáng tạo luôn được đặt ra trong mỗi kỳ tuyển dụng.

 

Tư duy sáng tạo không nhất thiết phải biểu hiện qua những công việc vĩ mô, to lớn. Đó đơn giản có thể là: Sáng tạo cách quản lý, sắp xếp thời gian làm việc của từng cá nhân; thay đổi phương pháp đào tạo, hướng dẫn nhân sự mới; thay đổi không gian làm việc; thay đổi quy trình làm việc để khách hàng thoải mái,…

 

Mức độ áp dụng khả năng sáng tạo trong công việc sẽ khác nhau dựa trên đặc thù, tính chất. Nhưng nhìn chung, mọi tư duy sáng tạo đều mang đến hiệu quả công việc vượt trội so với những cách làm truyền thống. 

 

Dưới đây là những ngành nghề hot trong tương lai nhưng yêu cầu khả năng sáng tạo cực cao. Vì thế, các bạn nên cân nhắc khi chọn ngành, chọn nghề.

TOP 5 NGÀNH NGHỀ YÊU CẦU SÁNG TẠO VƯỢT BẬC

1. Lĩnh vực thiết kế

Vị trí công việc: Thiết kế website, thiết kế đồ hoạ, thiết kế thời trang, nghiên cứu và thiết kế sản phẩm,…

 

Tất cả mọi vị trí liên quan đến lĩnh vực thiết kế đều yêu cầu cao nhất khả năng tư duy sáng tạo. Bởi lẽ sản phẩm mà lĩnh vực thiết kế tạo ra luôn cần sự độc đáo, mới lạ, chưa xuất hiện trên thị trường. Vì vậy, lãnh đạo của bạn sẽ không chấp nhận những sản phẩm bị trùng lặp.

 

Công việc thiết kế của họ diễn ra mỗi ngày và mỗi ngày đều phải có sự khác biệt, mới mẻ. Đảm bảo phù hợp với thị hiếu khách hàng và đáp ứng định hướng phát triển của doanh nghiệp.

 

2. Lĩnh vực truyền thông

Vị trí công việc: Nhà sản xuất các chương trình truyền hình, đạo diễn sân khấu, biên tập viên tin tức, người dẫn chương trình,…

 

Lĩnh vực truyền thông có sứ mệnh mang đến những thông điệp, tin tức cùng khả năng giúp người xem, người nghe thư giãn, giải trí. Chính vì vậy, việc thực hiện nhiệm vụ công việc theo lối mòn là điều không thể.

 

Những nhân sự làm việc trong lĩnh vực truyền thông luôn phải thôi thúc bản thân cải tiến không ngừng để tạo ra những nét độc đáo cho chương trình. Đây là lý do khả năng tư duy sáng tạo luôn được đặt ở mức cao cho lĩnh vực này.

 

3. Lĩnh vực kinh doanh Marketing

Vị trí công việc: Thiết kế chương trình nghiên cứu sản phẩm, lựa chọn chiến lược tiếp thị phù hợp, đào tạo và tập huấn kỹ năng bán hàng cho nhân viên, trực tiếp bán hàng,…

Ngay khi đăng tin tuyển nhân sự thuộc lĩnh vực kinh doanh Marketing, phía doanh nghiệp luôn đặt yêu cầu cao về khả năng tư duy vượt trội. Người làm việc trong lĩnh vực này cần là người "nhìn xa trông rộng", tư duy nhạy bén, nắm bắt xu hướng thị trường tốt. Bên cạnh đó, họ còn phải gắn kết sự nhạy bén và sản phẩm/dịch vụ cung cấp đến khách hàng để đảm bảo hiệu quả tiêu thụ.

 

Một số người nhận định rằng, vị trí bán hàng không cần sự sáng tạo, mới mẻ. Họ nghĩ nhân viên chỉ cần tuân thủ quy tắc bán hàng, thông tin sản phẩm/dịch vụ, chính sách giá,… đã được đào tạo.

Tuy nhiên, đây là quan điểm hoàn toàn sai lầm. Trên thực tế, vị trí này yêu cầu sáng tạo cao để đạt chỉ tiêu doanh số. Nếu chỉ làm việc một cách máy móc, rập khuôn sẽ dẫn đến hiệu suất công việc không cao, sớm bị sa thải.

 

4. Lĩnh vực nghệ thuật

Vị trí công việc: Diễn viên, ca sĩ, vũ công, nhạc công, DJ; nhiếp ảnh gia; biên đạo múa, giám đốc hình ảnh,…

 

Lĩnh vực nghệ thuật đòi hỏi người nghệ sĩ những tố chất năng khiếu nhất định. Bên cạnh đó là khoảng thời gian dài để hoàn thiện bản thân về chuyên môn và kỹ năng.

Vất vả là thế nhưng để thành công trong sự nghiệp, họ phải sở hữu khả năng tư duy sáng tạo, độc lập.

 

Chẳng hạn như cùng một bài hát được tung ra thị trường, có ca sĩ xây dựng MV ca nhạc hoành tráng nhưng không gây được tiếng vang. Nhưng có người cover (hát lại) bài đó lại nhận được sự quan tâm đông đảo từ khán giả. Điều mới mẻ ở đây chính là: Giọng hát, biến tấu giai điệu, phong cách thể hiện,…

 

Sự sáng tạo nghệ thuật vô cùng quan trọng. Người có khả năng sáng tạo càng cao, con đường thành công sự nghiệp càng nở rộ. Thái độ sáng tạo càng nghiêm túc thì vị thế của họ trong làng giải trí cũng tăng lên nhiều phần.

 

5. Lĩnh vực ngôn ngữ

Vị trí công việc: Nhà văn, nhà thơ, nhà báo; nhà phê bình văn học, diễn giả, tiểu thuyết gia,…

Từ những kiến thức trong cuộc sống hoặc kiến thức chuyên môn kết hợp cùng tư duy thế giới quan, những người làm trong lĩnh vực ngôn ngữ cần sáng tạo tác phẩm mang thương hiệu riêng của mình.

Trong họ luôn hiện hữu tư duy sáng tạo vượt trội, tạo dựng nên những tình tiết độc lạ, phản ánh chân thực và khách quan sự việc, nêu ra quan điểm cá nhân sâu sắc trước một vấn đề,…

 

Người làm trong lĩnh vực ngôn ngữ có thể viết giỏi, viết logic nhưng nếu nội dung thiếu tính mới mẻ sẽ không thể thu hút sự quan tâm của độc giả. Điều này là yếu tố quan trọng, khẳng định thành công trong sự nghiệp.

 

Nếu bạn đang có định hướng phát triển sự nghiệp ở những ngành nghề đòi hỏi khả năng tư duy cao thì hãy bắt tay rèn luyện ngay từ hôm nay. Khả năng tư duy sáng tạo không chỉ nằm ở sự siêng năng học hỏi kiến thức, mà còn phụ thuộc vào tố chất nhạy bén của bản thân nên việc trau dồi sẽ đặc biệt hơn những kỹ năng mềm khác. 

 

MỘT SỐ CÁCH ĐỂ KÍCH HOẠT TƯ DUY SÁNG TẠO

Kích hoạt 1: Loại bỏ tất cả các phiền nhiễu bên ngoài

Kích hoạt 2: Loại bỏ phiền nhiễu nội bộ

Kích hoạt 3: Làm việc tại BPT của bạn (Thời gian cao điểm sinh học)

Kích hoạt 4: Nghe nhạc (Đúng loại)

Kích hoạt 5: Làm việc trên một nhiệm vụ rất cụ thể

Kích hoạt 6: Tạo nhiệm vụ phải đủ thách thức nhưng không quá thách thức

Kích hoạt 7: Có kết quả hoặc mục tiêu rõ ràng

Kích hoạt 8: Tiêu thụ caffeine một cách chiến lược

Kích hoạt 9: Tạo ra một gợi ý về tinh thần.

Theo Phụ nữ Việt Nam

Thứ Bảy, 18 tháng 2, 2023

Chữ Tâm trong tinh thần lãnh đạo


CHỮ TÂM TRONG TINH THẦN LÃNH ĐẠO

 

Ngẫm một chút về chữ ‘tâm’ trong tinh thần lãnh đạo “Đắc Nhân Tâm”. Kết hợp từ chữ Đắc (đạt được, có được), “nhân” (con người) và “tâm” (trái tim, tấm lòng, cốt lõi), vậy lãnh đạo Đắc Nhân Tâm có nghĩa là “được lòng người” một cách chân thành để lãnh đạo họ hiệu quả. Vậy thế nào là và làm sao để “được lòng người” một cách chân thành?

 

Trong một thí nghiệm khoa học do tổ chức Gallup tiến hành từ năm 2011 – 2015, người ta nhận thấy có 5 yếu tố chủ chốt nhất giúp lãnh đạo hiệu quả:

 

* Biết cách động viên chính mình và cổ động cộng sự cùng phát triển.

* Biết quyết đoán và cương nghị để vượt qua trở ngại và ra những quyết định lớn

* Biết nhận trách nhiệm và tạo điều kiện cho đội ngũ hoạt động dựa trên kết quả

* Biết cách xây dựng mối quan hệ với từng cá nhân riêng lẻ

* Biết ra quyết định, chủ động giải quyết những vấn đề phức tạp (thay vì né tránh chúng) và chịu khó lên kế hoạch từ trước.


Một điều bất ngờ mà Gallup phát hiện ra là hầu như chỉ khoảng 20% dân số có đủ các kỹ năng trên, và số lượng người bẩm sinh có thiên hướng này là cực kỳ ít, nhưng có một tố chất ít được chú ý mà thực ra lại chính là yếu tố giúp các nhà quản lý trở thành những lãnh đạo giỏi: Họ quan tâm sâu sắc đến người xung quanh!

 

Ở cuối cuộc khảo sát, các nhà nghiên cứu đưa ra kết luận rằng: Những nhà quản lý có đội ngũ cực kỳ gắn kết chính là những người biết lãnh đạo từ tâm. Nói cách khác, họ “vô tình” áp dụng những quy tắc đắc nhân tâm một cách nhuần nhuyễn và chân thật.

 

Vậy “được lòng người” một cách chân thành trong lãnh đạo cũng giống như việc lãnh đạo có tâm.

 

Quan tâm không toan tính

Chuyên gia huấn luyện Trương Minh Tứ tại Dale Carnegie Việt Nam có lần chia sẻ câu chuyện thực tế về một người nông dân đã chăm sóc khách hàng một cách rất ‘bản năng’: anh ta nhắn tin hỏi thăm với những câu chữ đầy lỗi chính tả và ngôn ngữ rất đỗi chân quê, nhưng toát lên sự quan tâm sâu sắc về cá nhân người khách hàng.

 

Câu chuyện tuy đơn giản nhưng mang lại bài học thật đắt giá. Anh nông dân nọ hẳn đâu biết gì về các khái niệm ‘dịch vụ khách hàng’, về ‘cross sale, up-sale’ và chắc là càng không có kiến thức nào về hệ thống gửi email/message hàng loạt để tạo nhận diện cho khách.

 

Tất cả những gì anh có là một cái tâm hướng đến khách hàng, như một người quen, người thân, người bạn, chứ không chỉ vì người đó là khách hàng của anh. Và chỉ với yếu tố cốt lõi là chữ tâm đó, anh cũng đã mang lại giá trị không nhỏ cho cả khách hàng lẫn bản thân mình.

 

Đây quả thật là một bài học lớn về cách quan tâm chân thật, vì ngay cả người nông dân chân lấm tay bùn cũng có thể chăm sóc khách hàng chu đáo đến vậy, thì người làm dịch vụ như chúng ta đâu có lý do nào để không quan tâm đến khách hàng một cách tận tụy, chuyên nghiệp hơn đâu phải không các bạn?

 

Nhưng có lẽ điều khiến chúng ta cảm kích hơn cả chính là sự chân thật trong cách anh nông dân này quan tâm. Những người nông dân vốn chất phác, hồn hậu, họ thương người một cách tự nhiên không toan tính.

 

Ở đây muốn nói về tính mục đích. Họ quan tâm đến người khác không phải vì người đó là khách hàng của họ, không phải để bán hàng cho người đó, không phải vì một mục đích nào khác ngoài việc muốn hiểu người đó và muốn người đó được vui, muốn mang lại một giá trị nào đó tốt cho họ.

 

Chỉ khi có tinh thần quan tâm hướng đối tượng như vậy, người ta mới có thể “được lòng người” một cách chân thành. Mà điều này cũng thật trùng với nghịch lý bán, nghĩa là để “được lòng người” thì cơ bản khoan quan tâm đến việc mình có “được” hay không, mà tập trung vào việc làm sao để mang đến giá trị tốt nhất có thể cho người đó.

Khi thực sự làm được điều này, chúng ta sẽ có những cái “được” vô giá trong cuộc sống.

 

Vậy là, cả trong khoa học (như thí nghiệm của Gallup), trong trí tuệ dân gian, cho đến trong những chuyện rất đời thường (như câu chuyện người nông dân ở trên), chúng ta đều có thể thấy rằng cốt lõi của nguyên tắc vàng về sự quan tâm chân thành mà Dale Carnegie đề cập hiển hiện ở khắp nơi.

 

Chữ tâm trong lãnh đạo Đắc Nhân Tâm vì vậy, không gì khác hơn chính là sự chân thành, từ ái và quan tâm sâu sắc từ đáy lòng.

Vậy nên, mỗi khi chúng ta đang quan tâm ai đó, hay đang chăm sóc khách hàng, hãy tự chất vấn bản thân xem mình đã thực sự quan tâm chân thật chưa, đã gạt sang tất cả những mục đích khác ngoài việc thật lòng lắng nghe hay giúp đỡ đối phương chưa

 

ST

 

 

Chữ tâm trong công việc và cuộc sống

CHỮ TÂM TRONG CÔNG VIỆC VÀ CUỘC SỐNG

 

Bạn có biết, mỗi ngày, trái tim của chúng ta tạo ra năng lượng đủ để lái một chiếc xe tải đi xa 20 dặm? Điều đó có nghĩa là trong suốt cuộc đời mình, trái tim bạn sẽ sản sinh ra lượng năng lượng đủ để đi một đoạn đường gấp hai lần khoảng cách từ trái đất đến mặt trăng! Bạn có tưởng tượng được sức mạnh đó không?

 

Trước nay, trái tim vốn là phạm trù của năng lực tinh thần, nhưng sức mạnh thể chất của nó cũng thật bất ngờ phải không bạn? Nếu ở lĩnh vực không phải thế mạnh của mình mà trái tim đã có một nguồn sức mạnh ‘khủng’ ít ai ngờ như vậy, thì hẳn bạn sẽ khó hình dung ở lĩnh vực tinh thần nó chứa đựng những tiềm năng to lớn đến nhường nào, có thể tạo nên sự khác biệt đến đâu cho cuộc sống này.

 

Nhưng để thực sự phát huy được sức mạnh đó, chúng ta cần một trái tim thực thụ, một chữ “tâm” đúng nghĩa. Trên thế giới, nhiều điều kỳ diệu đã được hình thành từ những cái tâm như thế.

 

Có một người thầy từng bảo: “Sau này, các em có thể làm nhiều công việc khác nhau, có người theo nghề được xã hội trọng vọng, có người theo nghề ít nổi tiếng hơn, nhưng cho dù là làm nghề gì đi nữa, nếu các em thật sự có tâm, các em sẽ được hạnh phúc và đạt nhiều thành tựu.”

 

Đó là năm chúng tôi sắp tốt nghiệp đại học, chập chững bước vào ngưỡng cửa đầu tiên của ‘trường đời’, nói đúng hơn là những bước đầu tiên bước vào thế giới nghề nghiệp. Lời khuyên của thầy là ‘insight’ (hay ‘kiến thức bí truyền’) quan trọng đầu tiên về nghề nghiệp mà chúng tôi được truyền lại.

 

Tuy nhiên lúc đó, chúng tôi không nghĩ rằng chữ ‘tâm’ mà thầy nói còn tiềm ẩn nhiều ý nghĩa sâu xa hơn nữa, về công việc cũng như trong cuộc sống.

Mãi sau này, tôi lại đọc được đâu đó trong cuốn sách dạy bán hàng rằng “bạn bán hàng không phải bằng cách quan tâm đến doanh số, mà bằng cách quan tâm đến khách hàng.” Thoạt nghe có vẻ vừa nghịch lý, vừa… có lý (!), bạn có nghĩ vậy không?

 

Bán hàng mà không quan tâm đến doanh số thì quan tâm đến cái gì?

Nhưng vế thứ hai có thể khiến người ta suy nghĩ: thật ra, dĩ nhiên doanh số là một trong những quan tâm hàng đầu, nhưng đó không nên là thứ duy nhất ta quan tâm khi bán hàng.

Một điều cũng quan trọng không kém cần quan tâm: khách hàng.

Khá hiển nhiên phải không? Nhưng đây chính là cái bẫy mà nhiều người bán hàng mắc phải: họ nghĩ là họ đang quan tâm đến khách hàng, nhưng thực ra, họ đang quan tâm đến bán hàng.

 

Họ đang quan tâm đến việc làm sao để bán được hàng, làm sao để khiến người khách này mua hàng, chứ không phải thật sự quan tâm đến bản thân người khách hàng.

Điều đó không sai, nhưng như cuốn sách đề cập thì chính những thứ này làm ngăn cản bạn bán được hàng.

 

Trong Đắc Nhân Tâm, Dale Carnegie cũng từng đưa ra ví dụ về câu chuyện một người bán hàng chất đốt cho nhà máy dù cố gắng nhiều năm vẫn chưa thể bán được cho một khách hàng rất tiềm năng.

 

Tuy nhiên, chỉ sau một lần tìm đến người khách hàng này, không phải để tiếp tục bán hợp đồng chất đốt nữa, mà là để thật sự tìm hiểu và lắng nghe ý kiến từ người đó, với một tâm thái không phải đang cố thuyết phục để bán hàng, mà chỉ muốn giúp cho cho khách hàng có được một lựa chọn về giải pháp tốt nhất với họ.

 

Cuối cùng, nhờ đó mà ông đã mang về hợp đồng lớn mà nhiều năm chiến đấu “vật vã” vẫn không mang lại hiệu quả. Quả thật, khi ta chuyển mối quan tâm từ bán hàng sang khách hàng, chúng ta có thể mang lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho cả đôi bên.