Thứ Hai, 6 tháng 2, 2023

Bài học về tư duy trong cuộc sống


BÀI HỌC VỀ TƯ DUY TRONG CUỘC SỐNG

* Mua thuốc lá

A. đi mua thuốc lá, giá 29 đồng, nhưng anh ta không mua diêm, còn nói với người bán hàng rằng: "Nhân tiện tặng luôn một bao diêm nhé", người bán hàng không đồng ý.

B. đi mua thuốc lá, thuốc lá 29 đồng, anh ta cũng không có bao diêm, nhưng anh ta nói với người bán hàng rằng: "Ông bớt cho tôi 1 đồng nhé", người bán hàng đồng ý, vậy là anh ta dùng 1 đồng để mua bao diêm. Đây là hiệu ứng cận biên tâm lý đơn giản nhất.

 

Kiểu thứ nhất: Người bán hàng cho rằng mình chỉ kiếm được tiền ở một sản phẩm, còn sản phẩm khác thì không. Chỉ số cảm giác kiếm tiền là 1.

Kiểu thứ hai: Người bán hàng cho rằng mình kiếm được tiền ở cả hai sản phẩm, chỉ số cảm giác kiếm tiền là 2. Tất nhiên tâm lý sẽ có khuynh hướng nghiêng về loại thứ hai.

 

Cũng như vậy, kiểu tâm lý này thể hiện ở các chiêu mua 1 tặng 1 ngoài đời thường, khách hàng cho rằng mình không phải trả tiền cho một món đồ nào đó, nghĩa là mình hời, thực ra đều là hiệu ứng tâm lý cận biên đang tác quái.

 

Bài học: Trong cuộc sống, cùng một sự việc nhưng cách làm khác nhau sẽ cho ra kết quả khác nhau. Vì vậy, con người sống ở đời, thay đổi góc suy nghĩ và phương thức tư duy là điều rất quan trọng.

 

* Người mù cầm đèn lồng

Một chàng trai mù đến chơi nhà một người thân, vì lúc anh ta ra về thì trời tối nên người họ hàng tốt bụng thắp cho anh một chiếc đèn lồng để đi đường cho tiện. Người họ hàng nói: "Trời tối rồi, đường tối, cháu cầm theo cái đèn lồng đi cho đỡ tối!".

 

Chàng trai mù nói: "Chú rõ ràng biết cháu mù, còn đưa cho cháu đèn lồng, chú đang trêu cháu đúng không".

Người họ hàng nói: "Cháu tư duy như thế là rất hạn hẹp. Đường không chỉ có mình cháu đi, còn có nhiều người qua lại, cháu cầm đèn lồng, người khác nhìn thấy cháu, vậy thì họ sẽ không đụng phải cháu".

Chàng trai mù nghe xong gật gù công nhận

 

Bài học: Tư duy hạn hẹp là tư duy theo quan điểm cá nhân, tư duy tổng thể là khi bạn đặt mình vào một môi trường, hoàn cảnh tổng thể đi suy nghĩ. Khi tư duy một cách có hệ thống, bạn sẽ phát hiện ra, hành động của bạn luôn có sự tương tác với người khác.

 

Cái triết lý của hạt dưa đỏ

 

CÁI TRIẾT LÝ CỦA HẠT DƯA ĐỎ

Tối mồng ba tết, tôi như một người rất nhàn rỗi, đun nước pha trà, thắp bạch lạp và ngồi cắn hạt dưa một mình. Steve không chịu cắn hạt dưa, nói cho đúng là không biết cắn hạt dưa. Steve cũng không thể ăn mứt gừng; chú ta có nếm một tí và nhăn mặt kêu cay quá. Cậu chỉ uống được trà và nhắm nháp ít trái tắc.

Steve hỏi tôi ăn cái thứ hạt dưa ấy thì có ích lợi gì. Tôi nói: có nhiều cái lợi lắm chứ. Ở đây tuy người ta ăn rất nhiều trong các cuộc lễ, lễ giáng sinh, lễ tạ ơn vân vân… nhưng người ta không nói đến tiếng ăn.

Còn bên xứ chúng tôi người ta nói thẳng thắn là ăn. Ăn Tết, ăn lễ sinh nhật, ăn cưới, ăn hỏi, ăn khảm tháng, ăn ngũ tuần, ăn lục tuần, ăn thượng thọ, ăn giỗ, vân vân…

Mà Tết thì kéo dài những ba ngày; trong ba ngày liền phải ăn luôn miệng. Đi đâu, gặp ai mời, cũng ăn, cũng phải ăn. Mà thức ăn cũng mau no, chỉ có hạt dưa là ăn mãi không no. Như vậy cái lợi thứ nhất là ăn mãi mà không sợ phải no.

Cái lợi thứ hai là ăn hoài mà không sợ hại cho sức khỏe. Ăn cái gì nhiều cũng có thể đau bụng, đau gan, trúng thực nhưng mà ăn hột dưa thì không sao; vì tuy cái miệng ăn hoài mà cái dạ dày không bao giờ đầy.

Cái lợi thứ ba là đỡ phải nói chuyện nhất là khi ta không biết chuyện gì mà nói. Dù sao thì cái miệng của tôi cũng đang làm việc mà: Tôi ít nói vì cái miệng tôi đang ăn hạt dưa, chứ không phải là tôi không biết nói chuyện.

Cái lợi thứ tư là tránh được cái hại đa ngôn đa quá. Hạt dưa dạy người ta ít nói, dạy người ta im lặng để suy nghĩ về những điều mình muốn nói, dạy người ta biết nghe những người khác. Từ đứa trẻ năm tuổi cho đến ông già tám mươi ai cũng có thể dạy cho ta được nhiều điều bằng các câu chuyện của họ – người ta thường là thế.

Hạt dưa khiến cho ta chín chắn hơn, và giúp ta tránh được những câu nói vô ích, lầm lỡ, nhất là câu tuyên bố bừa bãi không dựa trên căn bản suy tư và nhận xét nào cả.

Trong trường hợp này, biết thì thưa thốt, không biết thì “cắn hạt dưa” mà nghe. Khỏi phải dựa cột. Steve cười ngất khi nghe tôi nói như vậy và bảo rằng tôi có thể viết những ý đó thành bài nói về cái triết học của hạt dưa đỏ.

(Trích: Nẻo về của ý – Thầy Làng Mai)

Chủ Nhật, 5 tháng 2, 2023

Bán lược cho Sư với góc nhìn từ Marketing và Bán hàng

BÁN LƯỢC CHO SƯ VỚI GÓC NHÌN TỪ MARKETING VÀ BÁN HÀNG

Một công ty nọ muốn tuyển người bán hàng giỏi đã trao cho mỗi người, trong hàng trăm ứng viên, 100 chiếc lược và đề nghị họ đến các chùa để bán cho các nhà sư.

Oái oăm là, ở chùa, hầu hết các sư đã xuống tóc, làm gì có nhu cầu sử dụng lược. Mà không có nhu cầu thì sao bán được hàng. Hàng trăm người đã đi bán nhưng hầu hết bó tay.

 

Tuy thế có ba người bán được hàng.

 

– Người thứ nhất mang lược đến chùa vừa chào hàng đã bị các vị sư mắng và cho rằng anh này giễu cợt họ không có tóc, nên đuổi đi. Nhưng anh này vẫn cắn răng chịu đựng và cầu xin họ mua lược. Cuối cùng, một vị sư thương tình mua giùm một chiếc lược.

 

– Người thứ hai, sau khi đi vòng quanh một ngôi chùa trên núi, tóc bị gió thổi tung xác xơ, anh ta xin gặp sư trụ trì. Ðược gặp trụ trì, anh ta chắp tay niệm “nam mô” và thưa rằng: “trên núi cao gió thổi mạnh, các thiện nam tín nữ đến đây dâng hương mà tóc tai rối bù, e không thành kính trước cửa Phật.

Xin nhà chùa chuẩn bị một vài chiếc lược để trước lúc dâng hương các phật tử chải tóc cho gọn gàng, không bù rối”. Nghe anh ta nói có lý, sư trụ trì đồng ý mua lược. Nhà chùa có 10 lư hương nên mua 10 chiếc lược cho anh ta.

 

– Còn người thứ ba, anh ta đến thẳng ngôi chùa lớn nhất vùng quanh năm hương khói nghi ngút. Anh xin gặp trụ trì mà thưa rằng: “Bạch thầy, chùa ta lớn nhất vùng, ngày nào cũng có hàng trăm tín đồ đến thắp hương. Phàm là người dâng hương, ai cũng có tấm lòng thành cúng quả. Chùa lớn như chùa ta, thiết tưởng cũng nên có chút tặng phẩm khuyến khích người làm việc thiện.

Con có mang theo ít lược của công ty. Thầy có thư pháp hơn người, xin viết lên lược ba chữ “Lược tích thiện” làm tặng phẩm. Món quà này thật nhiều ý nghĩa”. Nhà chùa nghe ra, cũng hứng thú và mua liền 100 chiếc lược làm quà.

 

Đánh giá các nhân vật bán hàng trong câu chuyện bán lược cho sư:

Như vậy, trong ba người bán hàng bán lược cho sư, công ty đánh giá họ thế nào?

– Người thứ nhất thuộc mẫu bán hàng cổ điển, cần cù nhẫn nại và kiên trì.

– Người thứ hai có năng lực quan sát, suy đoán sự việc, dám nghĩ dám làm.

– Còn người thứ ba, anh ta nghiên cứu phân tích kỹ nhu cầu và tâm lý của đám đông, có ý tưởng tốt, lại có giải pháp cụ thể nên đã mở ra một thị trường tốt cho sản phẩm.

Ðây xứng đáng là người bán hàng giỏi của công ty. Anh ta đã được tuyển mộ làm phụ trách bán hàng.