Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2023

Phụ huynh Hàn Quốc bỏ việc để "học thi" cùng con


PHỤ HUYNH HÀN QUỐC BỎ VIỆC ĐỂ "HỌC THI" CÙNG CON

Người Hàn tin rằng nếu không có nỗi ám ảnh về giáo dục thì quốc gia đã không thể đạt được vị thế như ngày hôm nay trong nền kinh tế thế giới.

Bức tranh giáo dục của Hàn Quốc

Ngày 01/2 vừa qua, Korea Herald đưa câu chuyện về những bà mẹ ở Hàn Quốc sẵn sàng bỏ việc để ở nhà lo cho con trước áp lực của kỳ thi đại học.

Cụ thể, khi làm một bà mẹ toàn thời gian, lịch trình hàng ngày của họ sẽ gắn liền với lịch trình của con mình.

Họ thức dậy từ sớm để đưa con đến trường, làm việc nhà, chuẩn bị bữa ăn cho con khi về và đưa đón con đi học thêm. Bên cạnh việc giáo dục con cái, các bà mẹ cũng phải tạo ra một hồ sơ tuyển sinh đại học tốt cho con.

 

Các tờ báo của Hàn Quốc ví việc trở thành một bà mẹ rời khỏi nơi làm việc, để hỗ trợ học hành cho con cái giống như trở thành chiến binh trong một cuộc chiến. Đó là cuộc chiến để đứa con của mình bước chân vào các trường đại học hàng đầu.

 

Hầu hết những bà mẹ của xứ sở kim chi đều có chung một mục tiêu là giúp con hoàn thành 12 năm học một cách xuất sắc, đỗ vào trường đại học danh tiếng, bất kể tình trạng kinh tế, xã hội của gia đình ở mức nào.

Theo thống kê, hai phần ba người Hàn trong độ tuổi từ 25 đến 34 có bằng đại học, tỷ lệ cao nhất trong số các Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tuy nhiên, con số này lại không mang lại cảm giác hạnh phúc cho người dân nơi đây.

 

Truyền thông nước này đang gọi đây là biểu hiện của tình trạng "over-educated" (lạm phát bằng cấp), tức là quá nhiều người sở hữu bằng cấp cao nhưng không có việc làm. Nguồn nhân lực này thứa mứa và không phù hợp để sử dụng trong các ngành nghề đòi hỏi công việc lao động chân tay.

 

Hơn nữa, trong môi trường cạnh tranh cao như vậy, không phải ai cũng dễ dàng về đích. Hoặc nếu có, thì quá trình chạy đua đến vạch đích mà họ chờ mong có thể tiêu tốn nhiều năm. Điều này góp phần khiến cho những người trẻ ở đây bị yếu kỹ năng sống hay kinh nghiệm xử lý vấn đề trong xã hội, đánh mất niềm vui và hy vọng vào tương lai.

 

Nhìn thấy gì ở châu Á từ bức tranh giáo dục của Hàn Quốc?

Bên cạnh Hàn Quốc, Châu Á cũng có những quốc gia ảnh hưởng nhiều của Nho giáo như Việt Nam, Trung Quốc hay Nhật Bản, vì thế, giáo dục cũng có rất nhiều nét tương đồng với Hàn Quốc, đặc biệt là tình trạng thi cử, bằng cấp.

 

Tại Trung Quốc, mỗi năm có khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học. Nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh (vốn được coi là Oxford và Cambridge của Trung Quốc).

 

Đối với Nhật Bản, các công ty rất chú ý đến nền tảng giáo dục của ứng viên. Điều này làm cho cuộc cạnh tranh vào các trường đại học danh tiếng trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Những học sinh không trúng tuyển trong năm đầu thường chờ đến năm sau để thi lại.

 

Tại Việt Nam, kỳ thi tuyển sinh đại học hàng năm cũng rất được mong đợi và nhiều cạnh tranh khốc liệt. Mặc dù ngày nay, yêu cầu, quan niệm về bằng cấp trong xã hội đã dễ thở hơn ngày trước rất nhiều, nhưng đây vẫn là một trong những yếu tố để đánh giá và tuyển dụng của các công ty, tập đoàn lớn.

 

Chính vì thế, người Việt cũng đang nằm trong top những quốc gia đầu tư cho giáo dục và luyện thi cao nhất châu Á. Bên cạnh đó, với việc bằng thạc sỹ ngày càng nhiều và được phổ cập khiến tấm bằng cử nhân đại học cũng mất giá hơn.

 

Điều đó cũng vô tình tạo nên áp lực du học đối với những học sinh hay giới trẻ muốn học cao và có thành tích ấn tượng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn dến căng thẳng trong học hành và thi cử tại Việt Nam.

 

Tuy nhiên, ở một khía cạnh tươi sáng hơn, những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự nhiều sự thay đổi về thi cử ở Việt Nam. Nó không chỉ giúp giảm áp lực học hành, thi cử mà còn góp phần định hướng để thay đổi sản phẩm của giáo dục – yếu tố con người. Từ đấy, chúng ta có thể mong đợi một xã hội với nhiều cá nhân hạnh phúc hơn và biết kết nối với nhau hơn.

 

 

Thứ Sáu, 3 tháng 2, 2023

Tìm hiểu Chiến thuật học tập Feynman


TÌM HIỂU CHIẾN THUẬT HỌC TẬP FEYNMAN

 

Chiến thuật Feynman được sử dụng trong các thuyết về học tập. Về cơ bản, chiến thuật này dùng để ghi nhớ một nội dung văn bản nào đó. Chiến thuật này được xây dựng bởi Richard P. Feynman, nhà khoa học đã từng đạt giải Nobel, được đông đảo mọi người biết đến như một trong những nhân vật biểu tượng và gây ảnh hưởng nhất trong thời đại của ông.

 

Làm sao để có thể học tập bằng Kỹ thuật này?

 

Giải thích cái bạn đang cố học bằng những từ ngữ đơn giản nhất

Sức mạnh và tính hiệu quả của phương pháp Feyman đơn giản chỉ nằm ở khả năng giải thích mọi thứ. Mặc dù Feynman đã nghiên cứu về nhiều quá trình phức tạp nhưng ông lại có thể giải thích chúng đơn giản đến mức một đứa trẻ 12 tuổi cũng có thể hiểu những gì ông nói.

 

Cái bẫy “Nghe có vẻ thông minh”.

Chúng ta đều thích được mọi người khen “có vẻ thông minh.”

Chẳng có gì tuyệt hơn đối với những người có ăn có học là cảm giác được khen là mình hiểu biết. Nhưng điều đó đưa đến những rắc rối cho quá trình học tập.

 

Nền tảng của Kỹ thuật Feynman nằm ở lối giảng giải đơn giản; nghĩa là loại bỏ đi hết các biệt ngữ khoa học và cố giải thích những khái niệm làm sao để một đứa trẻ 12 tuổi có thể hiểu được.

 

Giải thích đơn giản và hiệu quả là một nghệ thuật và cần thời gian để làm chủ nó.

Vậy nên trong lúc đang giải thích vấn đề, hãy cố đơn giản hóa lời giảng giải vốn đã được bạn đơn giản hóa trước đó, từ đó bạn chỉ thể hiện ra khái niệm cốt lõi đằng sau nó.

 

Có 4 cấu phần cần học trong Kỹ thuật Feynman:

– Đọc/tìm hiểu sơ.

– Viết và giải thích.

– Lưu ý những lỗ hổng và những lý giải không phù hợp.

– Tham khảo lại tài liệu đã đọc.

Giờ hãy cùng tìm hiểu rõ hơn các cấu phần này.

 

1. Đọc/Tìm hiểu sơ bộ.

Đầu tiên, bạn cần đọc bao quát tài liệu. Tôi không nói về việc đọc qua loa từ ngữ, mà bạn cần thực sự đọc hiểu, đọc ở trong đầu và thậm chí cố ghi nhớ nó.

Hãy cố gắng học và lưu trữ dữ liệu trong lúc bạn đọc.

Nhiều người nghĩ rằng việc giải thích cái bạn đang cố học sẽ phải xảy ra sau khi bạn đọc xong. Nhưng điều đó thường khiến bạn hiểu không rõ khái niệm, thôi thúc bạn phải đọc lại thông tin.

Khi bạn đọc cả bộ thông tin cùng lúc và rồi cố làm rõ các khái niệm sau đó thì hầu hết tất cả các thông tin sẽ bị rơi mất trong quá trình bạn cố giải thích và lưu trữ đồng thời cùng lúc.

 

Trong quá trình học bằng phương pháp Feynman là giải thích mỗi dòng bạn đọc được. Lối giải thích này cho phép bạn làm rõ khái niệm trong và sau quá trình đọc, tập trung vào quá trình lưu trữ thông tin.

 

2. Viết và giải thích.

Một khi bạn đã đọc thông tin và giải thích nội dung từng câu một với bản thân, thì hãy đóng sách lại, lấy ra cây viết và một tờ giấy.

 

Bây giờ, hãy viết xuống tất cả những thứ bạn biết về chủ đề này.

Bất kể nội dung là gì hay bất kể bạn viết dễ hay khó hiểu, thì chỉ cần viết hết tất cả những thông tin ra và cố lý giải nó bằng những thuật ngữ cơ bản.

 

Nhớ rằng: Điều cực kỳ quan trọng ở đây là lối giải thích của bạn phải rõ ràng và sử dụng những từ ngữ đơn giản đủ để một đứa trẻ học lớp 6 có thể hiểu.

Nếu một đứa bé học lớp 6 không hiểu những gì bạn giải thích, bạn nên tiếp tục đơn giản hóa nó hơn nữa.

 

3. Lưu ý đến những lỗ hổng và những nội dung giải thích không phù hợp.

Bây giờ khi đã viết ra lời giải thích của mình, hãy dành một giây để nhìn lại nó và để ý xem mọi thứ đã dễ hiểu chưa.

Những ý tưởng có được kết nối trôi chảy từ nội dung này sang nội dung khác? Tất cả các khía cạnh của vấn đề nghe có gãy gọn và trọn vẹn chưa?

 

4. Tham khảo lại tài liệu đã đọc.

Nếu bạn như hầu hết mọi người thì có thể bạn cũng nhầm nhọt và bị rối ở một số chỗ khi viết ra. Và bây giờ, bạn nên làm rõ những phần có vấn đề đó.

 

Quay lại với tài liệu bạn đang đọc và nghiên cứu một lần nữa. Lần này, đặt trọng tâm đặc biệt vào những phần bạn bỏ lỡ hoặc bị rối trước đó. Điều này giúp bạn sử dụng những phương pháp học tập tập trung, giúp cải thiện khả năng lưu trữ thông tin.

 

Lợi ích lớn nhất của Kỹ thuật Feynman.

Lợi ích lớn nhất của Kỹ Thuật Feynman là sau khi bộc lộ những điểm chưa tốt, bạn biết cái gì cần phải tập trung ngay lập tức và phần nào bạn có thể bỏ qua khi tìm hiểu lại.

Kiểu tập trung mang tính chọn lọc này là cái giúp bạn lưu trữ những nội dung “khó nhằn” mà hầu như lúc nào bạn cũng quên.

 

Ứng dụng mở rộng trong giải quyết vấn đề.

Mặc dù Kỹ thuật Feynman được sử dụng để học lý thuyết nhưng các nguyên lý này có thể áp dụng trong nhiều lĩnh vực, cả trong đời sống thực tế.

 

Bất cứ khi nào đối diện với một vấn đề, ta đều lấy ra một cây viết và một tờ giấy, ghi ra những cách giải thích cho quyết định của mình. Cố giữ mọi thứ càng đơn giản và rõ ràng càng tốt, làm sao để một đứa trẻ 12 tuổi có thể hiểu được lý do đằng sau của lựa chọn.

 

Hầu hết chúng ta đều không sẵn sàng nghĩ nhiều về những quyết định khó khăn vì ta sợ phải đối mặt với chúng. Khi chúng xảy tới, ta nghĩ ta hiểu chúng và mức độ phức tạp của chúng cũng như hiểu được hành động và hệ quả hành động chúng ta làm.

 

Nhưng nếu ta tập trung vào những quyết định đó, mổ xẻ và giải thích chúng cho chính chúng ta lý do tại sao ta lại ra quyết định như vậy thì ta có thể đưa ra những lựa chọn tốt hơn.

 

Kết luận.

Kỹ thuật Feynman là một phương pháp tuyệt vời giúp bạn hiểu được những quyết định và những thứ tưởng đã được chỉnh lý ổn rồi nhưng thực sự là vẫn chưa rõ ràng.

Nếu bạn muốn học tập hiệu quả, đặc biệt là những lý thuyết khó và phức tạp thì Kỹ thuật Feynman là một công cụ rất hiệu quả dành cho bạn.

Nguồn: St Margaret’s and Berwick Grammar School