LÒNG BIẾT ƠN – KHỞI NGUỒN CỦA HẠNH PHÚC
Triết gia La mã Marcus Tullius Cicero đã từng nói: “Lòng biết ơn không chỉ là đức tính vĩ đại nhất mà còn là khởi nguồn của mọi đức tính tốt đẹp khác.”
Nếu bạn cảm thấy mỏi mệt trên con đường tìm kiếm những danh vọng cho tương lai hay bất lực trước mong ước thỏa mãn mọi nhu cầu vật chất, tinh thần, thì đừng quên rằng hạnh phúc vẫn luôn ở đó – trong thái độ của lòng biết ơn.
Chu Tử Trị (1617–1688) là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Quốc giảng giải: “Đối với mỗi bát cháo ta húp và mỗi hạt gạo ta ăn, ta phải nhớ về sự khó nhọc của người nông dân trồng nên chúng. Đối với từng mảnh lụa ta mặc và từng sợi chỉ ta dùng, ta phải nghĩ về công lao của những người dệt nên chúng.”
Thường xuyên tâm niệm lòng biết ơn chính là thể hiện của tâm tính lương thiện, và là một quy phạm căn bản để làm người. Những người biết hài lòng với cuộc sống sẽ hiểu được ý nghĩa của lòng biết ơn. Khi một người cảm thấy biết ơn từng bông hoa, từng cọng cỏ, từng ngọn núi, và từng ngụm nước, thì cuộc sống của người đó chắc chắn sẽ rất phong phú và đầy ý vị.
Nhà văn nổi tiếng William Arthur Ward đã từng nói: “Lòng biết ơn có thể biến những ngày bình thường thành những ngày Lễ tạ ơn, biến những công việc thường ngày thành niềm vui và thay đổi những cơ hội thông thường thành phước lành.”
Trong cuộc sống, chúng ta đều nhận được vô số ân huệ từ gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp và cả những người lạ ta gặp hằng ngày. Nhưng một người không có lòng biết ơn sẽ không nhận ra những ơn huệ đó mà coi nó như chuyện đương nhiên.
Vậy nên cổ nhân có câu: “Chịu ơn một giọt, báo ơn một dòng.” Lòng biết ơn khiến nhân cách con người trở nên tốt đẹp, biết sống có tình nghĩa, đạo lý, trở thành bậc nhân đức.
Có câu chuyện kể rằng: Một triết gia cùng vài người bạn đến nhà hàng ăn tối. Ông chủ nhà hàng nghe danh vị triết gia đã lâu, bèn tìm đến gặp gỡ. Trong lúc mọi người đang cười nói vui vẻ thì nhân viên phục vụ đem các món ăn nóng hổi đặt lên bàn.
Khi mọi người đã yên vị quanh bàn ăn, người triết gia nọ liền chuyển chủ đề sang các món ăn trên bàn. Ông nói: “Nhìn thấy các món ăn trước mặt, trong lòng các bạn có nảy sinh lòng cảm ơn không? Cảm ơn các thực phẩm, rau quả đã thành tựu bữa ăn này, cảm ơn người đầu bếp, cảm ơn người phục vụ chúng ta, …”
Ông chủ hỏi: “Tại sao phải cảm ơn? Chúng ta ăn đều phải trả tiền cơ mà!”
Trong khi mọi người nhìn nhau không biết nói sao thì triết gia lại mỉm cười: “Thế tại sao chúng ta không trực tiếp ăn những đồng tiền đó?”
Lòng biết ơn là nền tảng của mọi sự sống
Trung bình 70% cơ thể con người là nước. Sau nhiều năm nghiên cứu về nước, tiến sĩ Masaru Emoto, đã công bố những kết quả thí nghiệm của mình với nước. Ông quan sát sự tạo thành tinh thể nước với các loại nước khác nhau và phản ứng của nước dưới những tác động khác nhau của âm thanh, hình ảnh và ngôn từ.
Và tinh thể tuyệt vời nhất của nước chính là khi được bao bọc bởi dòng chữ “Tình yêu và lòng biết ơn” – Điều này khiến Masaru nhận định tình yêu và lòng biết ơn là nền tảng của mọi sự sống trong thiên nhiên.
Trong khi được hỏi về con người phải làm gì để đối mặt với những thảm họa có thể xảy ra trong tương lai, Tiến Sĩ Masaru Emoto nói: “Sự yêu thương và lòng biết ơn, với mọi người và với mọi vật. Nếu 10% những người trong chúng ta có thể làm được điều đó thì thảm họa sẽ không thể xảy ra.”
Trong lễ tốt nghiệp năm 2014 tại trường Đại học Yale, hiệu trưởng Peter Salovey đã chia sẻ: “Những người trong tâm luôn ôm giữ niềm cảm ơn thường rất ít đố kỵ với người khác. Những người tràn đầy lòng biết ơn có năng lực thích ứng tốt hơn rất nhiều trong cuộc sống và có sức đề kháng mạnh mẽ. Dẫu trong hoàn cảnh khó khăn, họ cũng có thể phát hiện ra những điều tốt đẹp. Mọi người lại càng yêu mến họ hơn.”
Nghiên cứu cho thấy rằng trong tất cả các cảm xúc, lòng biết ơn là thứ có ảnh hưởng tích cực nhất đến hạnh phúc của một đứa trẻ. Ngoài ra, thái độ biết ơn cũng được chứng minh là có mối liên hệ chặt chẽ với khả năng hòa nhập xã hội, thành tích học tập và tinh thần của trẻ em.
Tiến sĩ David Rosmarin của Trường Y khoa Harvard đã tiến hành một nghiên cứu sâu sắc về tính tích cực của lòng biết ơn hướng về Đức Chúa Trời. Dựa trên những bằng chứng được cung cấp bởi các bác sĩ lâm sàng, nhóm nghiên cứu của ông đã đưa ra một hướng dẫn thực tế về việc kết hợp tâm linh, tôn giáo và liệu pháp hành vi, nhận thức.
Từ đó nhận thấy rằng lòng tôn kính Chúa Trời là nhân tố quan trọng trong việc duy trì đạo đức con người, giúp giảm bớt lo âu, trầm cảm và gia tăng cảm giác hạnh phúc.
Lòng biết ơn là một cảm xúc từ tận đáy lòng, là khởi điểm của hạnh phúc, và cũng là ngọn nguồn của sự tiến bộ.
Theo epochtimes