CHIẾC VÍ
TIỀN NGÀY KHAI GIẢNG
Nhiều cha mẹ cho rằng trẻ em chỉ cần
học tập tốt, và không nên đề cập tới tiền bạc với con trẻ “Vì chúng còn nhỏ. Vậy
nếu bạn không dạy con về tiền, ai đó sẽ thay thế bạn làm điều này trong tương
lai. “Đó có thể là chủ nợ, là một kẻ trục lợi, là cảnh sát hoặc một kẻ lừa đảo”
(“Cha giàu, cha nghèo” – Robert Kiyosaki).
Sự thành công của con cái không chỉ
phụ thuộc vào mức sống của gia đình mà còn phụ thuộc vào những bài học về tài
chính mà cha mẹ dạy cho con hàng ngày. Cha mẹ càng sớm nói chuyện với con về tiền
càng tốt, để trẻ biết rằng kiếm tiền thật khó. Trẻ cũng có trách nhiệm giúp gia
đình chia sẻ áp lực tài chính.
Với quan điểm “Nói về tiền với trẻ
thực chất là dạy con chịu trách nhiệm, học cách lựa chọn và kiểm soát cuộc đời”,
Chị Ngọc Hà hiện đang ở thành phố Chemnitz, CHLB Đức đã chú trọng việc dạy con
về tiền bạc từ nhỏ.
Chị Hà chọn mốc thời gian vào lớp 1
để chính thức hướng dẫn con bắt đầu có trách nhiệm với tài chính của mình.
Ngày khai giảng, một trong những món
quà chị Hà tặng con trai chính là ví tiền. Chiếc ví ngày khai giảng và khoản tiền
tiêu vặt đầu tiên. Mỗi ngày bé chính thức nhận khoản tiền tiêu vặt có giá trị
10 cent (tầm 2500 VND) và được quyền sử dụng món tiền đó với bất kỳ mục đích
nào mà mẹ sẽ không can thiệp vào.
Mỗi khi làm được việc tốt trong
ngày, bé còn được thưởng thêm vào cuối ngày. Tuy nhiên không thưởng tiền tùy tiện,
không dùng tiền để mua công việc của con.
Chị Hà rất tôn trọng quyền lựa chọn
của con khi con muốn mua một đồ vật nào đó. “Mình chỉ nhắc nhở là: Con đã làm
việc rất chăm chỉ và vất vả như thế nào để tích lũy tiền, nên con xem thử con
mua đồ chơi này có xứng đáng với sự vất vả của con không?
Sau khi gợi ý, giải thích… mà con vẫn
khăng khăng muốn dùng tiền để mua đồ con thích thì mình cũng không ngăn cản.
Con phải làm chủ tiền của con, nếu mua xong con thấy tiếc vì không đáng thì con
cũng học được bài học cho lần sau”, chị Hà chia sẻ.
Được thưởng tiền khi làm việc, con
cũng sẽ chịu mất tiền nếu làm sai. Chẳng hạn, nếu làm mất đồ, hư đồ, con sẽ phải
tự đền lại. Tháng trước bé bỏ mất cái mũ lúc đi chơi, bị mẹ trừ mất 8 EUR. Quên
tắt đèn phòng, xả nước phung phí cũng sẽ bị trừ tiền.
Chia sẻ về quan điểm: “Dạy con sớm về
tiền sẽ làm cho con hư”, chị Ngọc Hà nhận định, hư hay không quyết định ở cách
cho con tiếp xúc với tiền. Riêng gia đình chị Hà có những quy tắc riêng. Chẳng
hạn: Không thưởng tiền tùy ý, tùy hứng để tránh trẻ không quý trọng tiền bạc;
Tuyệt đối không dùng tiền để mua công việc của con.
Con đi chợ biết một món ăn sẽ tốn
bao nhiêu tiền, không phung phí thức ăn. Con biết tiết kiệm: Ví dụ biết tắt đèn
khi không dùng, quan sát nhắc nhở ba mẹ nếu ai quên. Mở nước vòi rửa cũng nhẹ
nhàng tránh gây lãng phí… Con biết cân nhắc khi mua đồ và không vòi vĩnh đòi hỏi:
Ví dụ mẹ giao ước hôm nay đi chơi,
ba mẹ sẽ mời con kem và bữa trưa. Ngoài ra nếu con muốn gì thêm thì con tự sử dụng
tiền của con. Muốn mua đồ chơi cũng vậy, nếu ba mẹ không tặng thì con tự bỏ tiền
ra mua.
Cuối cùng con hiểu được ba mẹ cũng
phải làm việc rất chăm chỉ hằng ngày để con có một cuộc sống tốt nên con luôn
biết ơn, chứ không phải xem đó là điều hiển nhiên.
“Mình hay tham gia diễn đàn các mẹ
bên Đức lẫn Việt Nam để tìm hiểu học hỏi theo. Mình thấy ở đây, điều trẻ em được
hạnh phúc nhất là sự tôn trọng, tin tưởng con và kiên nhẫn của ba mẹ dành cho
con.
Phần lớn các mẹ đều chú trọng việc dạy
về tiền bạc cho con bắt đầu ở lứa tuổi đi học.
Bắt đầu thì dễ, nhưng kiên trì để tạo
thành thói quen quản lý tài chính tốt thì không phải ai cũng thành công. Cho
nên mình thấy, bỏ qua sự khác biệt về môi trường giáo dục, văn hóa, các bố mẹ
bên Đức thành công hơn trong việc dạy tài chính cho con, vì họ kiên trì, kiên
nhẫn, tôn trọng và tin tưởng con hơn”.
Theo
tintucnuocnduc.com