Thứ Tư, 26 tháng 10, 2022

Cân bằng âm dương và sức khoẻ

CÂN BẰNG ÂM DƯƠNG VÀ SỨC KHOẺ

 

Thực phẩm mang tính âm giúp con người trở nên điềm tĩnh, mềm mỏng. Thế nhưng, nếu tính âm quá lớn sẽ khiến mọi hoạt động của tế bào bị đình trệ, cơ thể trở nên nhu nhược, yếu đuối.

Thực phẩm mang tính dương sẽ giúp cơ thể trở nên mạnh mẽ, quyết đoán. Tuy nhiên, nếu tính dương quá lớn sẽ khiến con người tăng tính bảo thủ, dễ căng thẳng, khó chịu.

 

Ăn uống và cân bằng âm dương

Bệnh từ ăn uống mà ra. Ăn uống để cân bằng âm dương hay còn gọi là phương pháp thực dưỡng không chỉ tốt cho sức khỏe mà còn có khả năng phòng ngừa bệnh tật. Chắc hẳn đã đôi ba lần bạn nghe nói đến phương pháp thực dưỡng.

Trong thời điểm mà thực phẩm “bẩn” tràn lan, nguy cơ bệnh tật từ ăn uống ngày càng nhiều thì phương pháp thực dưỡng càng được nhắc nhiều.

 

Vậy thực dưỡng là gì?

Về cơ bản, thực dưỡng là một phương pháp dưỡng sinh bằng ăn uống. Cha đẻ của phương pháp này là một người Nhật, giáo sư Sakurazawa Nyoichi (George Ohsawa). Vị giáo sư này đã phát triển nó thành một phương pháp dưỡng sinh bằng ăn uống và cũng nhờ phương pháp này mà ông thoát khỏi căn bệnh ung thư dạ dày và bệnh lao phổi.

 

Thực dưỡng sau đó trở thành phương pháp được người Nhật ưa chuộng để tìm lại sức khỏe sau giai đoạn Mỹ ném bom nguyên tử xuống hai thành phố Nagasaki và Hiroshima. Tổ chức y tế thế giới WHO cũng công nhận đây là một trong những phương pháp phòng và chữa bệnh thông qua ăn uống.

 

Ở Việt Nam, phương pháp này thường được nhắc đến gắn liền với gạo lứt và muối mè. Có nhiều người lầm tưởng rằng, thực dưỡng là ăn chay. Thực dưỡng có tất cả 10 cách ăn, chia theo những tỷ lệ giữa gạo lứt, rau củ, súp, thịt trong đó có duy nhất phương pháp sử dụng 100% gạo lứt, muối mè là phương pháp để chữa bệnh.

 

Bệnh từ mất cân bằng

Ăn uống mất cân bằng là nguyên nhân dẫn đến một loạt các căn bệnh của thời hiện đại. Thực tế cho thấy, những tộc người tiêu thụ thực phẩm chủ yếu là thịt có tuổi thọ rất thấp. Người Esquimo chẳng hạn, tuổi thọ của họ rất ngắn, trung bình chỉ 27.5 năm. Hay người Kirgese, một bộ lạc du mục ở miền Đông nước Nga có tuổi thọ chưa tới 40 tuổi. WHO cũng chỉ ra rằng, sử dụng thực phẩm chủ yếu là thịt sẽ có tỉ lệ mắc bệnh tim mạch và ung thư cao nhất.

 

Còn theo lý thuyết của giáo sư Oshawa thì một lối sống hòa hợp với tự nhiên, thuận theo quy luật âm dương của vũ trụ sẽ giúp chúng ta gìn giữ và bảo vệ sức khỏe khỏi bệnh tật. Và ăn uống thuận theo cân bằng âm dưỡng cũng chính là lối sống thuận theo tự nhiên.

 

CÂN BẰNG NHƯ THẾ NÀO?

Chọn thực phẩm tự nhiên

Chọn thực phẩm tự nhiên ở đây có hai ý. Thứ nhất, thực phẩm đó phải sạch, nghĩa là không có chất bảo quản, không phun hóa chất, không chất kích thích tăng trưởng, không biến đổi gen, nghĩa là thực phẩm được nuôi trồng và chế biến tự nhiên. Thứ hai, chọn thực phẩm tự nhiên còn là chọn thực phẩm phù hợp với môi trường ta đang sống, thực phẩm tốt là thực phẩm có sẵn ở môi trường ta đang sống.

 

Hạn chế ăn thịt, tăng cường ăn cá:

Hãy hạn chế ăn thịt, đặc biệt là các loại thịt đỏ như thịt bò, lợn. Đây là những thực phẩm không tốt cho sức khỏe. Thay vào đó, hãy bổ sung các loại thịt trắng như thịt gia cầm, gà, chim bồ câu… và đặc biệt là cá. Lý do là, khi ăn cá, cơ thể không bị tích lũy các chất độc hại như thịt. Hơn thế nữa, cá, đặc biệt là cá biển lại rất giàu Omega 3 – một chất rất có lợi cho tim mạch.

 

Ăn cả vỏ

Lý thuyết của Oshawa đề cao tính thống nhất và toàn thể trong thực phẩm. Ăn đầy đủ thành phần vốn có của thực phẩm sẽ tạo nên sự cân bằng. Bởi lẽ, cái cây, hạt đỗ cũng là một tiểu vũ trụ, chúng không thể hoạt động bình thường nếu thiếu một bộ phận nào đó. Việc chuyển hóa thực phẩm cần sự toàn phần. Toàn phần ở đây nghĩa là với các loại hạt ngũ cốc, hãy ăn nguyên hạt, rau củ quả sẽ tốt hơn nếu ta ăn cả phần vỏ như ổi, táo…, vừa lá, vừa củ như cà rốt, củ cải… Hiểu đơn giản nhất, hãy sử dụng thực phẩm thô.

 

Ở góc độ khoa học, điều này được giải thích bằng tác dụng của chất xơ. Khi sử dụng thực phẩm thô, có nghĩa là chúng ta đã tận dụng tối đa chất xơ từ phần vỏ ngoài. Những chất xơ này sẽ thúc đẩy sự lưu thông trong ruột già, chống táo bón, giảm sự tiếp xúc với các chất gây ung thư với niêm mạc ruột. Chưa hết, chất xơ còn có khả năng kết dính những chất độc hại và đẩy chúng ra ngoài theo đường phân. Hãy tích cực bổ sung chất xơ là vì thế.

Nhai thật kĩ

Một điều tưởng chừng như rất đơn giản nhưng hóa ra chúng ta lại phạm phải rất nhiều, ăn vội vàng và mất tập trung. Đói, hãy ăn, khát, phải uống. Chúng ta phải biết yêu cơ thể của chính mình. Cũng đừng vừa xem tivi, vừa ngồi máy tính làm việc vừa ăn.

Hãy nhai thật kĩ, chỉ khi chúng ta ăn bằng sự thưởng thức thì mới huy động được sự hợp nhất của cơ thể, sự hài hòa của các giác quan, các tuyến nội tiết… Như thế, bộ máy cơ thể mới tận dụng được tối đa nguồn năng lượng từ thức ăn mang lại để nuôi dưỡng cơ thể và đào thải chất độc.

Phương pháp cân bằng:

Oshawa chia thực phẩm làm hai loại, thực phẩm dương bao gồm: các loại màu đỏ, màu vàng; các loại có vị đắng, mặn; các loại khô, cứng; nhỏ, cô đọng; các loại dưới lòng đất; các loại củ mọc hướng xuống…

Thực phẩm âm là lạnh; màu xanh; vị chua, ngọt; mọng nước và mềm; giãn nở; trên mặt đất; mọc hướng lên…

 

Đây là một số cách cơ bản để cân bằng. Bạn có thể dùng thực phẩm âm và dương cân bằng lẫn nhau, ví dụ như rong biển (âm nhiều) nấu với thịt bò thêm chút tỏi (dương nhiều). Bạn cũng có thể dùng cách chế biến cân bằng với cách chế biến, tránh các bữa ăn với các món chế biến theo cùng một cách, đồ nướng nên kết hợp với đồ ăn tươi… Chế biến để cân bằng với thực phẩm bằng cách chế biến âm cho thực phẩm dương và ngược lại chế biến dương cho thực âm.

 

Cân bằng theo đặc tính từng người

Cân bằng âm dương trong ăn uống trên người rất khác nhau, phụ thuộc vào đặc điểm giới tính, độ tuổi, cân nặng, sinh hiệu và mức độ nhạy cảm cá nhân.

Người cao tuổi, người mắc bệnh cơ thể thịnh âm nên tăng thêm thực phẩm dương. Bữa ăn gia đình mỗi người có yêu cầu cân bằng âm dương khác nhau nên mỗi người cần ăn theo yêu cầu riêng của mình.

– Nên sống chan hòa gần gũi với thiên nhiên, mở rộng lòng nhân ái bao dung đó cũng là bí quyết để giữ gìn sức khỏe.

Những ai tìm hiểu về khí công dưỡng sinh (năng lượng trường sinh học) đều biết rằng gần tim, ở phía sau lưng có một đại huyệt tên gọi là Linh Đài (hay còn gọi là Luân Xa) chi phối cảm xúc cơ thể. Khi chúng ta duy trì lối sống chan hòa gần gũi với thiên nhiên, mở rộng lòng nhân ái bao dung thì luân xa này sẽ được mở rộng, đồng nghĩa với việc khí huyết lưu thông điều hòa tốt, chính là yếu tố căn bản tạo nên sức khỏe, tuổi thọ.

* Tham khảo bảng thực phẩm axit va kiềm: 



 

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2022

Người xưa cảnh tỉnh


NGƯỜI XƯA CẢNH TỈNH

 

Một cuốn sách mới có tựa đề là “Người xưa cảnh tỉnh” của hai soạn giả Trần Văn Chánh và Vương Trí Nhàn. Đây là cuốn sách thuộc vào nhóm sách ‘học làm người’ thời nay.

 

Những sách cảnh tỉnh, vạch ra những thói hư tật xấu của một dân tộc không phải là mới, nhưng mới với Việt Nam. Người Mỹ đã có “The Ugly American” (Người Mỹ xấu xí). Người Úc có “The Ugly Australian” (Người Úc xấu xí). Người Nhật cũng có một cuốn sách tương tự.

Gần chúng ta hơn, người Hoa cũng đã có một cuốn sách như thế. Thật vậy, đúng 20 năm trước, tác giả Bá Dương (Bo Yang) đã làm cho cả thế giới và cộng đồng người Hoa xôn xao khi ông cho xuất bản cuốn sách ‘Xú Lậu Đích Trung Hoa Nhân’ (‘Người Hoa Xấu Xí’).

 

Trong sách, Bá Dương (người Hoa sống ở Đài Loan) liệt kê và phê phán không khoan nhượng những nét văn hóa, những thói quen, những hủ tục ‘xấu xa’ của người Hoa. Ông không có một chữ nào để viết về những nét văn hóa ‘đẹp’ của Trung Hoa.

Cuốn sách được bán rất chạy, và trở thành đề tài bàn luận của hầu hết các tầng lớp xã hội, từ giới bình dân đến trí thức.

 

Cuốn sách được dịch sang tiếng Anh dưới tựa đề ‘The Ugly Chinaman and the Crisis of Chinese Culture’ (và đã tái bản 3 lần), được xem là ‘cẩm nang’ của người phương Tây để hiểu biết hơn người Hoa.

 

Nhưng người Việt thì chưa có một cuốn sách hoàn chỉnh như những cuốn ‘ugly’ đề cập trên đây; có lẽ cuốn ‘Người xưa cảnh tỉnh’ là gần nhứt. Tuy chưa có, nhưng các học giả Việt Nam trong quá khứ đã nhiều lần nói lên những tính xấu của người Việt. Họ viết ra những điều đó trong nhiều dịp và bối cảnh khác nhau, có khi rất cá nhân, nhưng nói chung là rất rải rác và rời rạc. Chúng ta chưa có một tổng luận có hệ thống về thói xấu của người Việt.

 

‘Người xưa cảnh tỉnh’ tác giả Trần Văn Chánh bàn về những thói quen không mấy hay ho của người Việt. Tác giả trích lại nhận xét của học giả Trần Trọng Kim trong Việt Nam Sử Lược về người Việt:

‘Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng, thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác.’

 

Tác giả cho rằng nhận xét đó khá đúng với tâm tánh của người Việt (dĩ nhiên là nói chung), dù nhiều người không muốn nhìn nhận điều đó. Tác giả Vương Trí Nhàn đi đến nhận xét rằng ‘Thói xấu lớn nhất của người Việt là rất sợ nói về thói xấu của mình.

Yêu xa


YÊU XA

Yêu xa tựa như một cuộc chạy đua với thời gian, nếu bạn kiên trì chịu đựng, bạn sẽ thắng, còn nếu bị thời gian đánh bại, bạn sẽ để vuột mất người kia mãi mãi. Vậy nên khi yêu xa, xin hãy kiên trì một chút, tin tưởng nhiều hơn một chút.

Khi yêu, ai cũng muốn lúc nào cũng được kề cận bên người mình yêu cả ngày, bởi chỉ xa nhau một chút thôi đã thấy thiếu thốn, đã thấy nhớ nhung. Thế nhưng vì lý do này, lý do khác, có nhiều cặp đôi buộc phải yêu xa, người ở thành phố này, người ở đô thị khác, thậm chí kẻ Bắc người Nam, cả năm chỉ gặp nhau đôi ba lần là chuyện hết sức bình thường.

Yêu xa khổ lắm, yêu xa khó khăn, ai cũng biết điều đó. Lắm lúc, bạn cảm tưởng như thể mình đang yêu nhau với cái điện thoại, ngày ngày cứ bám chặt lấy nhau trên màn hình điện thoại, trên những thiết bị điện tử. Chat video, gọi hình ảnh thoại với nhau nhiều thế mà vẫn không lấp đi nỗi nhớ. Bởi sẽ có những lúc cả hai chẳng biết làm gì, chỉ có thể nhìn nhau vậy thôi, không thể ôm lấy, không thể dựa vào.

Yêu xa thấy xa nhất là những lúc hỏi, bên này mưa rồi, bên đó có mưa không. Trả lời không, bên đây nắng gắt cả ngày. Tối, bên kia đi chơi với bạn, bên này ở nhà, lòng cũng không thấy ghen tị gì mấy, chỉ thấy nhớ. Tại biết, có đi được cùng đâu. Mình mà ở gần có khi người ta dẫn theo, hay đi chung với mình rồi. Sao trách được gì.

 

Vậy nên yêu xa cần rất nhiều sự tin tưởng, sự một lòng tự giác. Đâu có quản được người kia đi đâu, làm gì. Lỡ hôm nào người ta vô tình gặp được ai đó, gần gũi rung động, mình cũng không hay biết. Chỉ biết yêu, chỉ biết đành kệ thế thôi.

 

Yêu xa chông chênh lắm, yêu xa gian nan lắm. Mong những đôi yêu xa sẽ đủ sức cùng nhau vượt qua hết những khó khăn, thử thách, đợi chờ phía trước. Sớm ngày hạnh phúc vẹn tròn, thương nhau thật lâu…