Thứ Năm, 19 tháng 8, 2021

6 kiểu người mẹ sai lầm trong việc nuôi dạy con cái

 

6 KIỂU NGƯỜI MẸ SAI LẦM TRONG VIỆC NUÔI DẠY CON CÁI

Khổng Tử từng giảng: “Tính tương cận dã, tập tương viễn dã”. Có nghĩa là bản tính thiên phú của con người khi sinh ra sai biệt không nhiều, nhưng do cách giáo dục, môi trường sống khác nhau mà càng lớn khác biệt giữa con trẻ càng nhiều. Ta thường thấy có 6 kiểu người mẹ sai lầm trong việc nuôi dạy con cái:

1. Kiểu người mẹ hay so sánh con với người khác

Nhiều người mẹ thường lấy con mình ra so sánh với người khác từ thành tích học tập, giỏi giang, thông mình … mà không quan tâm đến cảm nhận của con. Khi con đứng thứ 3 trong lớp thì phải hỏi cho được ai đứng nhất, đứng nhì để rồi thúc giục con vượt qua.

Dần dà, đứa trẻ sẽ cảm thấy tự ti vì chúng không bằng người khác. Lúc này trong lòng trẻ sẽ tự hoài nghi chính mình, đánh mất sự tin vào bản thân. khi lớn lên trẻ sẽ trở nên căng thẳng, lo lắng, suy tính thiệt hơn, hoặc trở nên khoe khoang, khoác lác.

2. Người mẹ hay áy náy quá mức và luôn nhận lỗi về mình

Hầu hết cha mẹ ở Đức rất tinh tế trong việc nuôi dạy con. Họ thường để con tự trải nghiệm cảm giác thành công, thất bại, để con tự rút ra bài học cho mình. Và quan trọng hơn hết là qua đó trẻ sẽ học được cách tự chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Ngược lại, nhiều bậc phụ huynh Á đông thường cảm thấy lo lắng, thậm chí luôn áy náy trong tâm khi để con tự làm các việc, sợ con có thể sẽ vấp ngã hoặc mắc sai lầm.

Các bà mẹ thường hay ôm hết trách nhiệm lên mình, sau này khi con trẻ gặp phải những vấn đề không thể giải quyết, trẻ sẽ chỉ biết trách móc người khác, tìm lý do bao biện cho bản thân mà không biết nhìn lại lỗi của mình, khiến trẻ ngày càng không cách nào tiến bộ lên được.

3. Mẫu người mẹ lo lắng quá mức

Khi dẫn con cái ra ngoài, họ thường không ngừng nhắc đi nhắc lại: “Qua đường phải cẩn thận xe cộ nghe con”, “Mặc nhiều áo ấm vào không cảm lạnh”, “Đừng có tùy tiện đụng vào những thứ bên đường”…

Đương nhiên, các nhân tố không an toàn ngoài xã hội cũng tăng thêm gánh nặng tâm lý cho các bà mẹ. Nhưng nếu lúc nào bạn cũng lo lắng thái quá và chỉ nhìn mọi thứ ở góc độ tiêu cực thì đó cũng chẳng khác chi “một lời nguyền”.

Nếu bạn luôn lo lắng, gợi ý cho trẻ những điều tiêu cực, thì con bạn chỉ có thể phát triển theo chiều hướng không tốt, đầu óc lúc nào cũng căng thẳng, lo âu, và trở nên rất nhạy cảm.

4. Người mẹ mong muốn kiểm soát tâm lý con

Trong mắt rất nhiều người mẹ, nếu con cái không làm theo định hướng của mình mà tùy ý biểu đạt suy nghĩ riêng, làm theo quyết định của bản thân, thì chính là “chống đối, nổi loạn”. thậm chí con cái trưởng thành rồi mà cha mẹ vẫn muốn quản, dẫn đến con trở thành người không có tư duy độc lập.

Không ít phụ huynh có sự nghiệp không thuận lợi cũng dồn hết tâm trí, kỳ vọng vào con. Vì muốn con phát triển theo suy nghĩ của mình, nên những tâm tư mong muốn của trẻ họ đều để ngoài tai.

Có câu nói rằng, trọng tâm của giáo dục chính là “thưa thì thông, đầy thì nghẹn”. Con cái nếu không được sống theo ý mình, dần dần chúng sẽ cảm thấy bế tắc, mù mịt, mất phương hướng, và trở nên ý lại vào cha mẹ. Về lâu về dài, đây là một cái vòng luẩn quẩn, sai lầm trong việc dạy dỗ con.

5. Mẫu người mẹ là “nô lệ của con cái”

Những người mẹ này hầu như cả đời dốc sức cho con cái, luôn bận rộn vì con, kiếm tiền vì con để rồi không còn thời gian cho bản thân, đánh mất đi cuộc sống của chính mình.

Rất nhiều bà mẹ thường hay ngậm ngùi trước sự khác biệt lớn giữa trước và sau khi sinh. Họ trở thành vệ tinh chỉ biết quay quanh đứa con của mình. Thời gian ở bên chồng ít hẳn đi, cũng không còn liên lạc mấy với bạn bè, xã hội, thậm chí còn từ bỏ luôn cả sự nghiệp tươi sáng của mình.

6. Mẫu người mẹ vất vả quá mức

Những người mẹ thức khuya dậy sớm vì con, canh khuya nửa đêm vẫn còn giặt giũ quần áo, sáng sớm tinh mơ đã vội ra chợ mua đồ nấu ăn; đưa con đi học, suốt chặng đường đều đeo cặp cho con, trong khi đứa con bên cạnh ung dung tự đắc, lên xe bus, con ngồi ghế, mẹ đứng một bên, mua đồ ăn ngon, trẻ vô tư lấy ăn, không hề nghĩ gì đến bố mẹ bên cạnh…

Cuối cùng nhiều người không khỏi than thở rằng: Mình hy sinh cho con nhiều đến vậy, nhưng sao chúng càng lúc càng ích kỷ?

Hơn nữa, những đứa trẻ ích kỷ thường có ham muốn chiếm hữu rất mạnh mẽ, muốn có được thứ gì, chúng sẽ nghĩ mọi cách để có được thứ đó. Đến khi lớn lên, tham vọng ích kỷ sẽ không ngừng phình to, có khi sẽ vì để có được thứ mình muốn mà bất chấp thủ đoạn.

Để con trẻ chịu cực một chút cũng là cách giúp trẻ tăng thêm dũng khí, bồi dưỡng nhân cách, chuẩn bị hành trang vững bước trên con đường nhân sinh sau này; để khi chúng bước vào xã hội, trong cuộc đời đầy sóng gió, có thể thể hiện được đầy đủ giá trị của mình.

Thuỳ Linh

Thói quen ăn uống nguy hiểm của nhiều người Việt

 

THÓI QUEN ĂN UỐNG NGUY HIỂM CỦA NHIỀU NGƯỜI VIỆT


Người miền Bắc thường thích thú việc thưởng thức các món ăn nóng, đồ uống nóng. Tuy nhiên theo các chuyên gia, ăn uống đồ quá nóng có thể gây nên nhiều căn bệnh nguy hiểm. Nhiệt độ của thức ăn quá cao thì lại gây hại cho thực quản, vòm họng, khoang miệng.

Theo các chuyên gia trên tờ LiveScience, niêm mạc miệng và niêm mạc hệ tiêu hoá vốn rất mỏng nên dễ bị tổn thương. Cà phê, trà nóng hay đồ ăn vừa được gắp ra từ nồi lẩu nóng 100 độ C có thể làm tổn thương khoang miệng, dẫn đến bỏng thực quản, tạo thành sự hao mòn thành thực quản và có thể dẫn đến ung thư.

.

Trước đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đã đưa ra cảnh báo những người uống đồ uống quá nóng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư thực quản. Vào năm 2016, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) thuộc WHO đã phân loại đồ uống nóng vào nhóm "chất có thể gây ung thư cho con người".

.

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, nếu sử dụng trà, cà phê nóng trong mùa đông thì tốt nhất nên chờ đồ uống nguội bớt trong khoảng 50-60 độ C. Nếu ăn lẩu thì nên gắp thức ăn ra bát, chờ đồ ăn nguội bớt thì mới cho lên miệng. Với các món nóng như bún, phở thì cũng nên chờ vài phút cho nước dùng nguội bớt rồi mới bắt đầu thưởng thức, điều này sẽ giúp bảo vệ thực quản, hơn nữa lúc này thực phẩm cũng trở nên ngon lành hơn.

.

Người miền Nam già trẻ gì đều có thói quen ăn nóng uống lạnh. Dường như bữa ăn nào có một ly đầy nước đá. Thế thì răng miệng, cổ họng nào chịu cho thấu. chưa nói đến hệ tiêu hoá làm việc cật lực cũng không xong. Phải thừa nhận rằng ăn thật nóng rồi uống thật lạnh cho ta cái cảm giác rất sảng khoái”

.

Vừa ăn nóng vừa uống lạnh làm cho enzim trong nước bọt và dạ dày tiết ra bị vô hiệu, ảnh hưởng đến chức năng tiêu hóa khiến cho chức năng tiêu hóa suy yếu, thức ăn khó tiêu, ăn xong có cảm giác nặng bụng.

Theo PGS.TS Nhan Trừng Sơn (Chủ tịch Hội Tai, Mũi, Họng Nhi TP.HCM), ăn nóng trên 60 độ C có thể gây ra bỏng cấp độ 1 dẫn đến đỏ rát trong miệng, lưỡi. Điều này khích thích và làm thoái hóa các tế bào. Việc ăn nóng rồi lập tức uống lạnh sẽ tạo ra sự sốc nhiệt. Đây cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ ung thư vòm họng nếu duy trì thói quen này trên 10 năm.

.

Người miền Nam bị hỏng răng, mất răng nhiều hơn và sớm hơn người miền Trung và miền Bắc do thói quen ăn uống nóng lạnh này.



Thứ Tư, 18 tháng 8, 2021

Kỷ lục gia Siêu trí nhớ thế giới

 

KỶ LỤC GIA SIÊU TRÍ NHỚ THẾ GIỚI

Dương Anh Vũ là người đầu tiên xác lập 4 kỷ lục thế giới về Siêu trí nhớ học thuật và được công nhận là người nhớ được khối lượng dữ liệu khoa học lớn nhất thế giới, từng được ghi nhận với các khả năng ở nhiều lĩnh vực: Toán học, nhớ được hơn 20.000 số Pi sau 3,14; nhớ được 1.022 tác phẩm văn học kinh điển thế giới (tiểu thuyết, truyện dài, truyện ngắn – không bao gồm thơ); nhớ được 10.056 mốc sự kiện lịch sử qua 7.000 năm của nhân loại…

Có người hỏi vì sao em xác lập kỷ lục ở nhiều thể loại như vậy, bởi thông thường người ta chỉ bám theo đúng một thể loại thôi, đó là bởi em muốn khẳng định bộ não con người có thể tiếp nhận kiến thức đa dạng, nó không nhất thiết phải một môn, một chuyên ngành hay một lĩnh vực”, Vũ chia sẻ.

Vũ kể: “Suốt từ nhỏ cho đến năm lớp 10, em là học sinh học rất dốt. Mới vào lớp 1 em đã thi lại rồi. Là học sinh bị xếp loại yếu liên tục trong 8 năm liền, trong đó có 1 năm ở lại lớp (lưu ban). Cấp III em phải học bổ túc, vì không có bất cứ trường THPT nào chịu nhận, do điểm thi tốt nghiệp của em quá thấp”.

Vũ chia sẻ tiếp, “nhiều lúc em bế tắc, nhất là giai đoạn em học dốt này, khi đó não em là con số 0, rất trống rỗng.

Học xong lớp 10 em mới hốt hoảng, nếu không vượt qua được cái dốt thì suốt đời không thể ngẩng đầu lên, vì thế em cứ kiên trì, kiên trì, khi càng kiên trì thì phát hiện hóa ra mình đâu có dốt. Những kiến thức này nó vẫn vô đầu mình được, tự nhiên em thèm học, thèm tri thức như người đói ăn lâu ngày, như một con nghiện, rồi em lao vào học bất kể ngày đêm…”.

Thời học cấp III em phải đạp xe đi học rất xa, lên đến 42 km mỗi ngày. kỳ thi tốt nghiệp năm đó em đạt điểm cao ngất ngưởng và thi đậu vào Trường Đại học Quốc gia TP.HCM trong năm đầu tiên. Tốt nghiệp đại học, Dương Anh Vũ nhận học bổng du học thạc sĩ Quản trị kinh doanh. Sau khi tốt nghiệp, làm trợ giảng liên tục trong 4 năm, đi qua 6 nước, cứ mỗi nước Vũ ở đó 6 tháng đến 1 năm. Quốc gia cuối cùng Vũ làm việc đó là Thái Lan trước khi về nước, đây cũng là nơi Vũ tỏa sáng, được cả thế giới biết tới sau khi xác lập kỷ lục về khả năng ghi nhớ và trở thành người nước ngoài duy nhất đến nay được tôn vinh về trí nhớ bởi Sách Kỷ lục Hoàng gia Thái Lan.

Rèn luyện trí nhớ từ năm thứ hai đại học

Dương Anh Vũ thừa nhận mình là người có tính tình kỳ quặc, nhất là sau các cú sốc về chuyện học hành. “Khi vào đại học, em sống khép kín, không cởi mở với ai, không ra bên ngoài như các sinh viên khác, không chơi với các bạn mà thường một mình vào thư viện đọc suốt, em nạp tất cả tri thức một cách ngấu nghiến. Đây là khoảng thời gian em dành tất cả thời gian cho việc học ngoại ngữ, đặc biệt là em bắt đầu rèn luyện trí nhớ từ năm thứ hai đại học”, Vũ chia sẻ.

Em cắt đứt mọi quan hệ với xung quanh để chuyên tâm học hành và nghiên cứu. Em làm điều này hơi lập dị một chút, có lẽ thuộc về tính cách con người em chứ không phải đó là phương pháp học tập”, kỷ lục gia Dương Anh Vũ cho hay.

Chia sẻ bí quyết rèn luyện trí nhớ, phương pháp đầu tiên để tiếp cận tri thức không phải là phương pháp ghi nhớ mà là tạo thói quen. Ta cần rèn luyện thói quen đúng đắn thì bộ não sẽ tiếp cận tri thức đúng đắn. Ví dụ em tạo ra thói quen mỗi ngày dành 3 tiếng đồng hồ để đọc sách, khi mà ngày nào bận quá không đọc được thì cảm thấy rất khó chịu, bứt rứt. Cho nên theo quan điểm của em, thì nền giáo dục - đầu tiên phải rèn luyện được cho đứa trẻ những thói quen tốt trước khi bắt nó học những thứ quá cao siêu”.

Vũ nói rằng, dù là kỷ lục gia trí nhớ nhưng đối với em không phải cái gì em cũng nhớ, chúng ta chỉ nhớ được những gì chúng ta “thích”, còn những thứ chúng ta không quan tâm, chắc chắn sẽ không bao giờ nhét được vào đầu. Nó cũng giống như việc ta đá một quả bóng vào bức tường vậy, nó sẽ dội ngược lại.

“Chẳng hạn em không nhớ số điện thoại của bất cứ ai trong danh bạ, đơn giản bởi do em thấy không cần thiết vì điện thoại đã lưu lại rồi.

Nhưng vào mỗi cuối năm, khi Tổng cục Thống kê công bố các báo cáo, số liệu về kinh tế, xã hội, y tế, giáo dục… em lại nhớ hết. Em nhớ từng năm để có thể liên kết các số liệu với nhau nhằm phân tích, đánh giá và đưa ra dự báo. Nhiều người cho rằng tư duy là cái gì đó rất cao siêu nhưng thực ra đó là sự liên kết những mảng trí nhớ đã có được trong não lại với nhau. Cho nên nếu không lưu trữ được kiến thức thì con người sẽ không có cơ sở dữ liệu để phục vụ cho tư duy.

Nhiều người cũng cho rằng giờ đây internet có tất cả, chỉ cần vào google là cho ra số liệu, nhưng nhiều người đang sai lầm, ngay cả khi chúng ta không tính đến tin giả trên google đi chăng nữa, thì dữ liệu đó vẫn có sự sai số, ngoài ra trong một lúc chúng ta chỉ tiếp cận được vài dữ liệu thôi chứ không thể tiếp cận tất cả. Nhưng em phát hiện ra rằng, khi em ghi nhớ rồi thì những dữ liệu đó nó tự liên kết với nhau mà không cần phải suy nghĩ nhiều”, Vũ phân tích.

Hiện nay Dương Anh Vũ đang tập trung cho chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành Giáo dục và hỗ trợ cho Viện Quy hoạch Giáo dục Quốc tế của UNESCO (IIEP) về các dự án giáo dục tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đồng thời tiếp tục nhận lời hỗ trợ phân tích địa chính trị và dữ liệu toàn cầu cho một số cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam.

Dương Anh Vũ hiện là Đại sứ Trí tuệ của Chương trình Talent Generation 2018 – Dự án giáo dục lớn nhất của UNESCO – CEP (Đại sứ Trí tuệ năm 2017 là Tiến sĩ Vũ Duy Thức). Vũ đồng thời là trợ lý nghiên cứu của IIEP – UNESCO, thành viên điều hành của Chương trình Tủ sách Nhân ái Việt Nam. Đây là dự án tặng sách mở thư viện và khuyến đọc dành cho các trường học trên khắp cả nước.