Chủ Nhật, 8 tháng 8, 2021

BS Trần Đông A người tài luôn sục sôi tâm huyết cứu người

 

BS TRẦN ĐÔNG A NGƯỜI TÀI LUÔN SỤC SÔI TÂM HUYẾT CỨU NGƯỜI

Trần Đông A sinh năm 1941, quê gốc ở xã Hải Châu, Hải Hậu, Nam Định, vùng chiêm trũng rất nghèo một thời, ít người có đủ khả năng để học hành đến nơi đến chốn. Gia đình cậu bé Đông A cũng không ngoại lệ nhưng thuở nhỏ ông vẫn học rất giỏi.

Năm 1954, ông theo theo gia đình di cư vào Nam, học tại trường Trung học Hồ Ngọc Cẩn, Sài Gòn. 2 năm sau, năm 1956, khi cậu thiếu niên học lên đệ ngũ thì trường Hồ Ngọc Cẩn chuyển về tỉnh Gia Định. Cậu quyết định học song song, vượt lớp, sáng học đệ ngũ tại trường Hồ Ngọc Cẩn, chiều học lớp đệ tứ ở trường tư.  Hè năm 1958, ông lấy bằng tú tài II trước bạn bè cùng khóa ở trường cũ 1 năm.

Ôm mộng trở thành thầy thuốc cứu người, lấy xong chứng chỉ PCB (Lý - Hóa - Sinh) của Đại học Khoa học Sài Gòn, ông theo học Đại học Y khoa Sài Gòn theo diện tình nguyện, ra trường sẽ trở thành bác sĩ quân y. Ông không muốn dự phần vào cuộc chiến nhưng không thể đứng ngoài cuộc chiến, tình nguyện khoác áo lính là để cứu người. Cùng khóa Đại học Y khoa với ông có cả thảy 9 bác sĩ tình nguyện như thế.

Ra trường năm 1966, đóng lon trung úy y sĩ, ông phục vụ trong binh chủng nhảy dù. Tại Tổng y viện Cộng hòa của quân đội Sài Gòn ở Gò Vấp (nay là Bệnh viện 175), nơi ông học nội trú, một giáo sư nổi tiếng am tường nhân tướng học đã nói với hai học trò truyền nhân đắc ý của mình là Trần Đông A và Trần Thành Trai rằng: “Hai anh đều là những nhân tài sẽ thành công vang dội. Các anh sẽ nổi tiếng hơn tôi”.

Về sau, nhận định này quả nhiên chứng nghiệm. Cả hai đều là những giáo sư y khoa sự nghiệp lẫy lừng. Họ là 2 trong số 3 phẫu thuật viên chủ chốt trong ca mổ Việt - Đức. Người thứ ba là bác sĩ Dương Quang Trung, sau này cũng là GS.TS y khoa, Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh.

9 năm quân ngũ, Trần Đông A chưa từng nổ một viên đạn, dù đã có mặt trên nhiều chiến trường, tham gia nhiều chiến dịch trong màu áo quân y Việt Nam Cộng hòa. Giữa bom đạn đôi bên gầm thét, ông vẫn cầm chắc dao mổ, trở thành một trong những bác sĩ quân y có tần suất mổ nhiều và thành công nhất. Ông từng được thưởng nhiều huy chương, trong đó có 5 anh dũng bội tinh, 1 huy chương của Sư đoàn Không kị Hoa Kỳ. Ông cũng từng được quân đội Sài Gòn gửi đi tu nghiệp phẫu thuật tại Texas để nâng cao tay nghề.

Năm 1975, ông là Thiếu tá, Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn Quân y, Sư đoàn Nhảy dù quân lực Việt Nam Cộng hòa. Với vị trí này, ông phải chịu 2 năm "học tập cải tạo" tại trại Suối Máu (Đồng Nai). Với đời, ông chọn chuyên môn, không tìm lý tưởng. Song, ai cũng phải chịu trách nhiệm với chỗ đứng của mình.

Rời trại cải tạo, cả Trần Đông A cũng như những bác sĩ, y sĩ đồng khóa đều không thể tìm được cơ hội phục vụ trong các bệnh viện. Ông từng toan tính chuyện vượt biên nhưng bất thành, bị bắt giam một thời gian.

Trình độ chuyên môn cao, danh tiếng nghề nghiệp lừng lẫy đã cứu ông khỏi cơn bế tắc. Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Võ Văn Kiệt khi ấy đã vào tận nơi giam gặp ông, bảo: “Anh có thể làm việc ở một bệnh viện. Sau 2 năm, nếu không muốn, anh có thể ra nước ngoài bằng đường chính thức”.

Vậy là năm 1978, ông được nhận vào Bệnh viện Nhi đồng II, TP Hồ Chí Minh, tận hiến suốt 43 năm đến hôm nay với vai trò bác sĩ nhi khoa. Ở đó, ông miệt mài làm việc và nghiên cứu. 10 năm sau, ông đã đóng vai trò chính, cùng đồng nghiệp dựng nên một kỳ quan.

Cặp song sinh Nguyễn Việt và Nguyễn Đức ra đời tại Kon Tum năm 1981. bị ảnh hưởng chất độc da cam, hai anh em dính nhau chung nhau phần bụng chậu, bộ phận sinh dục, hậu môn, có hai chân và một chân cụt.. Đầu tháng 12-1982, cặp song sinh được chuyển vào Bệnh viện Từ Dũ, TP Hồ Chí Minh. Thời đó, đất nước đang trong giai đoạn rất khó khăn. Ngành y thiếu thốn đủ bề, từ thuốc men đến phương tiện, dụng cụ y tế...

Nhưng số phận không ngoảnh mặt với hai đưa trẻ song sinh tật nguyền. Sau một chuyến đến thăm vào năm 1983, GS Fujimoto Bunro đã về Nhật thành lập Hội vì sự phát triển của Việt - Đức, quyên góp để giành sự sống cho hai đứa trẻ. Người dân Nhật đã ủng hộ rất đông đảo, nhiệt tình.

Trong hai người, Đức tương đối bình thường thần kinh và trí não, còn Việt bị bại não, thường xuyên lên cơn co giật, tay co quắp, gồng cứng. Mỗi lần như thế, Việt lại kéo lê người anh em dính liền ngã dúi dụi. Được một thời gian, Nguyễn Việt rơi vào hôn mê, sống đời thực vật. Cặp song sinh được Hội Chữ thập đỏ Nhật đưa sang Tokyo điều trị 3 tháng, đến ngày 29-10-1986 thì trở về Việt Nam. Việt đã không còn tri giác, thường xuyên bị sặc, ngưng thở, thường xuyên phải cấp cứu, tiêm thuốc... Mỗi lần như thế, Đức cũng bị ảnh hưởng nặng nề, hôn mê theo. Việt chết, Đức cũng sẽ chết. Việc tách rời cặp song sinh dính liền nhau là yêu cầu không thể trì hoãn.


BS Trần Đông A và cặp song sinh Việt Đức

Sau gần một năm chuẩn bị với vô số cuộc hội chẩn, ngày 4-10-1988, Việt và Đức được phẫu thuật tách dính. 62 y, bác sĩ Việt Nam, Nhật Bản và một số quốc gia khác đã vào cuộc thay tạo hóa sinh ra phần đời riêng cho anh em Việt - Đức. Toàn bộ chi phí, trang thiết bị, thuốc men nhờ sự giúp đỡ của người dân Nhật Bản, đều được chuẩn bị sẵn sàng, đầy đủ. GS.BS Trần Đông A làm trưởng kíp phẫu thuật. Đồng chỉ đạo chuyên môn và trực tiếp phẫu thuật cùng ông là các BS Dương Quang Trung và Trần Thành Trai.

Kết quả thám sát cho biết có một nguy cơ rất lớn: màng dính xương chậu quá cứng, không tách được như dự kiến, phải phẫu đục. Khi hai bác sĩ Lê Kính và Võ Văn Thành thực hiện đục thành xương, GS.BS Trần Đông A đưa ngón tay mình vào dẫn đường. Nếu trượt, đục sẽ cắt vào ngón tay vị bác sĩ nhưng sẽ không làm tổn thương các phần cơ thể hai sinh linh nhỏ.

Sau 17 tiếng đồng hồ, ca mổ tách rời đầu tiên ở Việt Nam thành công, được cả thế giới biết đến. Trước thời điểm đó, cả thế giới chỉ có 6 ca mổ song sinh dính liền. Kết quả, có 2 cặp sống cả hai, 2 cặp chết cả hai, 2 cặp sống một. Ca mổ Việt - Đức khó hơn hẳn vì đây là ca mổ tách dính duy nhất mà một trong hai bệnh nhi dính liền đã chết não. Nhưng cuối cùng, cả hai đều sống. Việt kéo dài được thêm 19 năm, còn Đức đã có một cuộc đời bình thường. Năm 2006, anh lập gia đình với một cô gái cùng là nhân viên tại làng Hòa Bình. Họ có 2 đứa con khỏe mạnh. Ngày Đức cưới vợ, cũng như những dịp quan trọng khác trong đời anh, GS.BS Trần Đông A đều đến chung vui.

Tên tuổi GS.BS Trần Đông A vang khắp thế giới. Và 32 năm sau, ông lại tiếp tục lập kỳ tích khi giữ vai trò chuyên gia tham vấn cho ca mổ bóc tách dính liền Trúc Nhi - Diệu Nhi. May mắn hơn cặp Việt - Đức xưa là cả hai bé có đủ 4 chân tay, não và hệ thần kinh bình thường. Ca mổ được tiến hành khi hai chị em dính liền đã ở tháng tuổi thứ 13, cân nặng được 15 kg. Từ kỹ thuật, phương tiện, thuốc men giai đoạn này đều vượt xa ca mổ năm 1988. Chưa kể, kíp mổ 97 y, bác sĩ đã có thêm nhiều kinh nghiệm, được chính người đi tiên phong tạo ra tiền lệ trực tiếp tham vấn, quan sát mổ. GS.BS Trần Đông A cho rằng khó khăn lớn nhất chính là việc hở xương chậu. Nếu đóng được thì tất cả các cơ quan bên trong đều được ở đúng vị trí.

Sau 13 giờ liên tục, ca mổ kết thúc. Các chỉ số đo sinh hiệu hai bé hoàn toàn ổn định. GS.BS Trần Đông A như muốn bật khóc: “Tôi vô cùng hạnh phúc khi mà trong 32 năm qua, tôi được tham gia vào 2 ca phẫu thuật tách dính song sinh thuộc loại khó và hiếm như Việt - Đức và Trúc Nhi - Diệu Nhi”.

Ông về hưu khi đang là Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng II, TP Hồ Chí Minh. Ông cũng từng là Đại biểu Quốc hội 2 khóa XI và XII, từng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương. Ông được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân, Anh hùng Lao động... Gần như mọi thành công và vinh quang trong đời mà một thầy thuốc có thể đạt được, ông đều có đủ. Tất cả đều nhờ sự tận tụy với chuyên môn và tri thức.

Tiếng tăm lừng lẫy nhưng ông vẫn không mở bệnh viện riêng hay phòng mạch tư. Dù đã về hưu, ông vẫn đều đặn từ 6h sáng đến chiều tối miệt mài trong bệnh viện. Luôn trăn trở truyền nghề, truyền tri thức cho thế hệ sau, ông trở thành Chủ nhiệm bộ môn Ngoại nhi Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch và Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh cho đến tận hôm nay.

TS.BS Truong Quang Định, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố, trưởng kíp mổ, người rạch đường dao đầu tiên trong ca mổ Trúc Nhi - Diệu Nhi là một trong những học trò tài danh mà GS.BS Trần Đông A đã góp công đào tạo, một truyền nhân mà ông tâm đắc. Thầy đã cùng trò tái lập một kỳ tích thay tạo hóa sinh ra cuộc đời mới cho hai đứa trẻ.

Rất bận nhưng ông vẫn thường xuyên chơi thể thao, 79 tuổi vẫn đều đặn chơi vài trận tennis vào mỗi sáng, trước khi đến bệnh viện hay giảng đường. Ông bảo, không sống khỏe, không suy nghĩ tích cực thì không làm được việc gì, nói chi đến lập kỳ tích.

GS.BS Trần Đông A là minh chứng sống của một định đề: bất chấp mọi sự níu kéo, cản trở hay hủy hoại của lịch sử, những con người giàu tài năng chuyên môn và luôn sục sôi tâm huyết cứu người, giúp đời sẽ luôn tìm được thành công cùng sự kính trọng.

Tài năng và tận hiến, chế độ nào cũng cần đến họ. Những khó khăn, biến động, kể cả của lịch sử cũng chỉ có thể trì hoãn chứ không thể ngăn cản hay hủy hoại con đường đưa họ đến thành công.

GS.BS Trần Đông A là một con người như thế!

Theo An ninh Thế giới 21/7/2020

Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Ninh Bình) nuôi dưỡng tài năng

 

HS của trường tham dự và đoạt giải tại Cuộc thi giải Toán quốc tế SASMO. Ảnh: NTCC 

TRƯỜNG TIỂU HỌC KHÁNH NHẠC B (NINH BÌNH) NUÔI DƯỠNG TÀI NĂNG

Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh - Ninh Bình) có gần 100% phụ huynh nông dân, đời sống kinh tế khó khăn. Song hàng năm, học sinh của trường luôn gặt hái nhiều giải thưởng từ các cuộc thi cấp quốc gia, tỉnh, huyện.

Đại dịch Covid-19 không cản bước tiến của Trường

GV, HS đạt được trong năm học vừa qua dù công tác dạy và học chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, Năm học 2020 – 2021, HS của trường đoạt 25 giải quốc gia, 36 giải cấp tỉnh và 2 giải cấp huyện.

Trong số giải quốc gia có: 1 Nhất, 5 Nhì, 7 Ba, 12 giải Khuyến khích.

5 HS tham gia thi giải toán quốc tế PINSO đã mang về 1 HCV, 2 HCB, 2 HCĐ

4 HS thi giải toán quốc tế SASMO mang về 1 HCB, 2 HCĐ và 1 giải Khuyến khích;

3 HS đạt giải Khuyến khích cấp quốc gia

HS tham gia các cuộc thi, hội thi, sân chơi trí tuệ từ quốc gia, tỉnh, huyện… đều tự nguyện. Nhà trường không thành lập đội tuyển ôn tập từ trước, chỉ khi HS đăng ký tham dự các cuộc thi mới huy động GV bồi dưỡng (miễn phí) thêm kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm trong khoảng thời gian ngắn trước khi tham dự.

Em Nguyễn Khánh Lâm – lớp 5C, vừa đạt HCB giải toán quốc tế PINSO chia sẻ: Quá trình ôn tập các cô không tạo áp lực mà hay kể về cách học, ôn tập của những anh chị lớp trước từng thành công tại các cuộc thi để chúng em có thể học hỏi. Các cô thường dặn chúng em, dù là HS ở tỉnh nào thì bước vào mỗi cuộc thi cũng cần tự tin, bình tĩnh, tập trung phát huy hết khả năng… thì sẽ làm bài tốt.

Chị Trần Thị Huyền – mẹ của HS Nguyễn Trần Quang Huy (đạt 1 HCV; 1 HCĐ, 2 HCB tại các cuộc thi giải toán PINSO; SASMO…) vui mừng chia sẻ: Huy học tốt nhưng năm ngoái dự thi thành tích không cao. Năm nay, với sự kiên trì và quyết tâm hỗ trợ, giúp đỡ của các cô trong ôn luyên nên con đạt thành tích tốt. Nhà trường và GV chủ nhiệm thường xuyên trao đổi về năng khiếu, sức học của con, tư vấn cho phụ huynh cách dạy, khuyến khích học tại nhà.

Để ươm mầm tài năng nhí hiệu quả trong bối cảnh HS nông thôn hạn chế về điều kiện học tập, trường đã thực hiện đổi mới mô hình thư viện xanh, xây dựng thư viện thân thiện Room, duy trì hiệu quả thư viện lớp học nhằm từng bước giáo dục HS văn hóa đọc sách, phát triển tri thức từ phòng đọc. 

Trường tổ chức cho HS tham gia các hoạt động trải nghiệm sáng tạo trong và ngoài nhà trường nhằm giáo dục hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất HS. Mỗi tháng tổ chức 1 chuyên đề ngoại khóa hoặc 1 hoạt động trải nghiệm.

Từ học sinh có năng khiếu đến nhân tài là cả hành trình dài rèn giũa, bồi đắp và phụ thuộc nhiều yếu tố. Song với nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục, bồi dưỡng HS năng khiếu của GV trường “làng” – Tiểu học Khánh Nhạc B thực sự đáng ghi nhận. Đây sẽ là nền tảng hữu ích, cần thiết để các em có năng khiếu vươn xa hơn trong các sân chơi kiến thức tương lai. 

Thứ Bảy, 7 tháng 8, 2021

Gạo lứt

 

GẠO LỨT

Phần lớn người dân đô thị ăn cơm không bao giờ dùng đến gạo lứt

Họ thường xem đó là thực phẩm nhà quê hoặc cho gia súc ăn. Tuy nhiên những bước chuyển biến về thực phẩm sức khoẻ hiện đại đã chứng minh rằng ngũ cốc chưa qua xử lý bao gồm cả gạo lứt tốt cho sức khoẻ hơn là gạo xát trắng. Chắc chắn một điều rằng trong hàng ngàn năm qua, con người đã ăn gạo lứt cho đến khi cỗ máy xát gạo trắng phức tạp được phát minh ra vào năm 1860 ở Scôtlen (Scotland).

Vậy những lý do nào đằng sau gạo xát trắng? 

Tờ Hinduism ngày nay đã hỏi Tim O’Donnel, Phó Giám đốc phu trách bán hàng và tiếp thị ở Nông trại gia đình Lundberg, một công ty của người California chuyên sản xuất gạo hữu cơ. Ông nói nguyên nhân chính là tự bản thân cuộc sống, Gạo trắng giữ được lâu hơn gạo lứt và vì vậy giúp công ty kiếm được nhiều tiền hơn.

Vài thế kỷ qua, người ta trở nên thích độ mềm mịn của gạo trắng cũng như thời gian nấu cơm ngắn hơn. Gạo trắng cũng rẻ hơn, bởi vì những nhà máy sản xuất được tối ưu hoá để sản xuất ra nó. Trang bị thêm những thiết bị làm gạo lứt tốn kém thêm chi phí.

Trong khi gạo trắng cũng có một khởi đầu khó khăn vào năm 1897, nó cũng được xem như là nguyên nhân gây ra bệnh phù thủng, một căn bệnh chết người tiềm tàng do thiếu vitamin B1, vốn đã bị loại ra trong quá trình xử lý. 

Các công ty đã đối phó lại dưới áp lực của chính phủ, bằng cách bổ sung các chất này vào gạo. Họ đã trộn thêm các vitamin tự nhiên, nhưng không phải là tất cả các loại dưỡng chất cần thiết, bao gồm cả những chất xơ quan trọng. 

Một mối nguy hiểm khác của gạo trắng là nó có thể gây ra bệnh tiểu đường. Và đối với những người đã mắc bệnh tiểu đường, gạo trắng lại kém an toàn hơn gạo lứt vì nó bẻ gãy glucose nhanh hơn gạo lứt, gây ra phản ứng tiết insulin mạnh mẽ hơn.

Gạo xát trắng 

Sau khi bỏ đi lớp vỏ, gạo được xay để bỏ lớp cám và mầm gạo. Qua quá trình xay xát gạo, máy móc sẽ đánh bóng hạt gạo dưới áp lực. Tất cả các loại gạo lứt sau quá trình xay xát sẽ biến thành gạo xát trắng. 

Quá trình này đã loại bỏ năng lực của sự sống cùng với hầu hết chất dinh dưỡng và hầu hết các chất xơ. 

Để bù lại, 90% các công ty Mỹ đã làm giàu gạo trắng bằng những chất dinh dưỡng dưới dạng bột trong nổ lực thay thế những gì họ đã lấy đi.  

Nhưng nếu hạt gạo được rửa trước khi nấu, như ở Ấn độ thì phần bột thêm vào sẽ bị mất đi. Cuối cùng, chỉ còn lại 55% trọng lượng và dinh dưỡng từ hạt thóc ban đầu.

Các chỉ số dinh dưỡng của gạo

Dữ liệu bên dưới cho thấy sự khác biệt về giá trị dinh dưỡng giữa gạo trắng đã được làm giàu và gạo lứt chưa qua xử lý. Thậm chí quá trình làm giàu được quy định bởi luật pháp ở hầu hết các quốc gia, bao gồm cả Ấn độ, cũng vẫn có những sự khác biệt rất lớn. 

Gạo lứt nhiều hơn 349% chất xơ, 203% Vitamin E, 185% B6 và 219% Magiê. Với hàm lượng protein nhiều hơn gạo trắng 19%, gạo lứt tỏ ra là một loại thực phẩm cân bằng hơn. gạo trắng cũng chứa đựng 21% thiamin, B1 được bổ sung qua quá trình làm giàu. Điều đáng lưu ý hơn cả là gạo lứt có chỉ số Glycemic, 55 so với gạo trắng là 70, hoặc thậm chí là với quá trình xử lý bổ sung chất dinh dưỡng, sau khi nấu chín tới chỉ số này là 87. Sự tiến triển của bệnh tiểu đường có quan hệ mật thiết với sự tiêu thụ các thực phẩm có chỉ số Glycemic cao.

(Chỉ số Glycemic viết tắt là GI phản ánh tốc độ làm tăng đường huyết nhanh hay chậm sau khi ăn các thực phẩm giàu chất bột đường vào trong cơ thể)

Ai cũng muốn ăn ngon mặc đẹp. Nhưng ăn ngon có cái nguy hiểm, thường là khi sống đến tuổi 60 mới thấy rõ hậu quả của nó. 

Từ ngàn xưa tổ tiên chúng ta chọn gạo làm thực phẩm chính vì đất đai, khí hậu nhiệt đới gió mùa rất thích hợp cho gieo trồng cây lúa. Hạt gạo có những chất bổ vô cùng thích hợp đối với đời sống tự nhiên của con người.     
Nhưng bao nhiêu chất bổ của hạt gạo chỉ tập trung vào lớp vỏ cám, cám có nhiều chất lipoproteins rất bổ nhưng mau chóng bị chất enzyme lipase trong cám oxy hóa và trở nên khét không dự trữ được. Các cụ chỉ có cách giã gạo thủ công cho bớt cám rồi ăn hạt, còn cám cho heo ăn. Tuy vậy gạo giã cũng không tồn trữ lâu được.

Phải đến thế kỷ thứ 19, khi Pháp sang làm nhà máy xay lúa mới giải quyết được vấn đề tồn trữ được gạo hàng năm, Họ dùng máy xay cho trắng sạch gạo rồi đánh bóng “Polish” hạt gạo nhẵn và đều. Cám bị loại hết cho heo ăn. Nhưng tai hại cho sức khoẻ con người nhất là dân “khá giả” hay “trưởng giả”, cũng may cho dân nghèo vẫn ăn gạo giã tay hay “gạo Lứt muối mè”. 

------

Đó là nói về thế kỷ trước, đến nay thì ngược lại gạo xát trắng có nhiều loại giá rất rẽ như loại gạo ngắn ngày, năng suất cao. Gạo Lứt giá mắc hơn, nên dân nghèo thì gạo giá rẽ hợp với túi tiền hơn.  

(Giá Thị trường: Gạo lứt đỏ, đen: 25.000 – 50.000 đ/kg, gạo lứt trắng: 35.000đđ/kg, Nếu là gạo lứt tự nhiên – organic thì giá cao gấp đôi)