Chủ Nhật, 7 tháng 2, 2021

KHÔN – chết… DẠI – chết… BIẾT – sống!

Chuyện xưa chưa cũ

KHÔN – chết… DẠI – chết… BIẾT – sống!

Trang Tử cùng đệ tử đi chơi trên núi.

Giữa rừng, thấy một cây to, cành lá rườm rà, một tiều phu đứng bên nó mà không đốn. Hỏi tại sao, tiều phu đáp: “Cây này chẳng dùng vào việc gì được.” Trang Tử nói: “Cây nầy vì bất tài mà đặng sống lâu”.

Xuống núi, Trang Tử ghé vào nhà người quen. Chủ nhà mừng rỡ, hối trẻ làm thịt chim mòng để nấu ăn. Thằng nhỏ thưa: “Có một con biết gáy, một con không biết gáy, giết con nào?” Chủ nhà nói: “Giết con không biết gáy”.

Các đệ tử hỏi Trang Tử: “Hôm qua thầy bảo cái cây trong núi vì bất tài mà sống. Con chim mòng hôm nay lại vì bất tài mà chết. Sao lại như vậy?”

Trang Tử cười: “Tài và bất tài, cũng như nhau, đều là quấy cả, nên không thể tránh khỏi lụy thân… Chỉ có kẻ nào biết… là sống mà thôi.”

Cách xử thế khôn ngoan của người xưa

Cách xử thế khôn ngoan của người xưa


Thời trẻ, còn đi học cụ Phan Thanh Giản hoàn cảnh nghèo khó, cụ có một người bạn thân, người đó học rất giỏi, nhưng khi học xong lại không đi thi, mà về quê làm ruộng lấy kế sinh nhai, còn cụ Phan, thì làm quan lớn.


Một ngày cụ có việc công ở đất Nam Kỳ, có dịp, cụ sắp xếp để về thăm lại bạn xưa. Một quan lớn như cụ đương nhiên là quân lính hầu cận tiền hô hậu ủng. Nhưng khi đi tìm thăm bạn, cụ có nhã ý, không muốn mang cái “to lớn” của mình theo, liền cho quân lính dừng lại cách xa nhà bạn tận mấy dặm, rồi mặc áo thâm, bịt khăn đóng, đi một mình đến căn nhà lá lụp xụp.


Thấy bạn không có nhà, cụ nằm võng chờ. Ông bạn đi làm đến tối mới về, bất ngờ lắm, liền lật đật dọn cơm, ngoài cơm ra chỉ có ít rau luộc và mắm kho. Vậy mà hai người họ vui vẻ, mừng rỡ, ăn uống trò chuyện với nhau thân thiết y như hồi còn áo vải đi học.


Ngày xưa, cách xử thế thật khôn ngoan vô cùng, mà cũng nhân hậu vô cùng.

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2021

Tiếng cười bằng mười thang thuốc tiên

 

TIẾNG CƯỜI BẰNG MƯỜI THANG THUỐC TIÊN


Hàng ngàn năm trước, nhà hiền triết Solomon đã có câu cách ngôn nổi tiếng rằng: “Một trái tim hoan hỉ có tác dụng như một liều thuốc thần ký, nhưng một tinh thần tan nát sẽ làm khô kiệt đến tận xương cốt của một con người”. Và cho đến tận thời nay, một trong những tạp chí phổ thông nhất, Reader’s Digest, luôn có mục thường kỳ dành cho tất cả mọi lứa tuổi, đó là Tiếng cười, liều thuốc hữu hiệu nhất.

.

Vây có bằng chứng khoa học nào chứng minh cho kết luận rằng, tiếng cười có sức mạnh chữa bệnh không? Thưa rằng có. Những năm gần đây, y học đã phát hiện ra sức mạnh chữa bệnh kỳ diệu của tiếng cười. Và người khám phá ra điều ấy không phải là một nhà nghiên cứu vật lý hay y học mà lại là một bệnh nhân, một người không chấp nhận chẩn đoán y khoa cho rằng ông ta chỉ còn sống được ít tháng. Bệnh nhân ấy chính là Norman Cousins, một cộng tác viên kì cựu của tờ Saturday Review.

.

Năm 1964, Cousins được chẩn đoán đang mắc phải một căn bệnh liên quan đến mô liên kết và các bác sĩ cho biết cơ hội sống còn của ông chỉ còn là một phần năm trăm và ông chỉ còn sống thêm ít lâu nữa thôi. Nhưng Cousins vẫn quyết định tự chữa bệnh cho mình. Với một quyết tâm mãnh liệt, ông vận dụng tất cả những cảm xúc tích cực bao gồm cách nhìn lạc quan và niềm tin vào cuộc sống. Ông thường xuyên xem những chương trình hài hước trên ti-vi như các phim hài, kịch hài, truyện cười…

.

Sau này, khi viết lại những kinh nghiệm chữa bệnh của mình, Cousins nói “Tôi khám phá ra rằng chỉ mười phút cười thật thoải mái, vô tư là đã có tác dụng gây tê các vết thương và cho tôi ít nhất hai giờ ngủ yên không đau đớn.”

.

Sau sự hồi phục phi thường ấy, Cousins tiếp tục nghiên cứu hiệu quả của những cảm xúc tích cực đối với cơ thể con người. Ông kết hợp với trường Đại học Y khoa thuộc Viện đại học Los Angeles, đưa ra những lý giải đầy đủ và xác thực về lợi ích sinh lý của tiếng cười, trong đó phân tích rõ: Cười có thể giống như moóc-phin gọi là endorphins, làm tăng lượng kháng thể miễn nhiễm, giảm căng thẳng, giảm đau, kích thích các cơ quan nội tạng, cải thiện tuần hoàn máu…

.

Cuộc sống ‘sau bi là hài’ – cười là một giải pháp tối ưu

Thật ra tiếng cười và những cảm xúc tích cực khác có tác dụng trị liệu rất hiệu quả như làm tăng cường hệ thống miễn nhiễm, bồi bổ và hồi phục sức sống, làm dịu sự kích động thần kinh, giảm sự căng thẳng, kích thích sự sáng tạo, làm chúng ta cảm thấy phấn chấn và mạnh mẽ, là một chất bôi trơn hiệu quả - giải quyết êm thắm những việc gay go trong cuộc sống hằng ngày và cuối cùng, tiếng cười còn làm được những điều kì diệu trong việc kết nối các mối quan hệ. Ai đó đã từng nói hoàn toàn đúng rằng, tiếng cười có thể rút ngắn khoảng cách giữa hai người.

.

Những khi đối diện với thực tế khắc nghiệt của cuộc sống, ai trong chúng ta cũng có nhu cầu được thư giãn. Vậy thì trong những lúc khó khăn, hãy cười một cách hồn nhiên, thoải mái, cười lớn tiếng hay cười khúc khích đều tốt, đều có thể tạo trạng thái tích cực cho tinh thần và thể chất của bạn.

.

“Bạn hãy cười lên –

Cả thể giới sẽ mỉm cười với bạn!” – Mathew Green

Tư liệu về học tập

 

Tư liệu về học tập

Một hội thảo về giáo dục của Liên Hiệp Quốc tổ chức ở Anh quốc. Ở các nấc thang của hình tháp có ghi các mức độ tiếp thu và nhớ được trong học tập:


- Nghe giảng (Lecture) 5%
- Đọc (Reading) 10%
- Nghe nhìn (Audio Visual) 20%
- Làm thí nghiệm trước mẳt s/v (Demostration) 30%
- Thảo luận nhóm (Dícussion group) 50%
- Làm bài ở nhà, ghi lại, viết lại (Practice by doing) 75%
- Dạy người khác (Teach others/immediate use of learning) 90%

.

Qua hình tháp này ta thấy: học mà chỉ nghe giảng, chỉ nhớ 5% những gì đã nghe. Đọc bày: nhớ được 10%. Nghe và nhìn cùng lúc: nhớ được 20%. Được xem làm thí nghiệm trước mắt sinh viên: nhớ được 30%. Thảo luận nhóm: nhớ được 50%. Thực hành bằng cách làm bài, ghi lại, viết lại: nhớ được tới 75%. Và nhớ được, nắm vững nhất là giảng giải lại cho người khác, ứng dụng những gì được học ngay sau khi học là 90% (Tài liệu do Trung tâm thực nghiệm về đào tạo quốc gia, địa học Maine - Mỹ công bố)”

.

Viết lại là cách tiếp thu tốt và truyền đạt lại cho người khác là một cách hiểu nắm vấn đề tốt nhất. Điều này đúng, vì mỗi ngày đi dạy học, tôi thấy khó nhất là nói cho sinh viên hiểu điều mình muốn truyền đạt. Và với người thầy, học bằng cách dạy cho người khác học là cách học cao nhất”.

.

Theo chungta.com