ÁP LỰC ĐỒNG TRANG LỨA: NGUYÊN NHÂN, TÁC HẠI VÀ CÁCH VƯỢT QUA
Thống kê cho thấy cứ 10 người thì có đến 6 – 7 người đều bị áp lực đồng trang lứa, có thể gặp ở cả bất cứ lứa tuổi nào, đặc biệt là trẻ em, thanh thiếu niên đi học và những người đã đi làm. Áp lực vô hình này khiến mỗi chúng ta luôn cảm thấy kém cỏi, thất bại, khao khát được thành công như “người ta”. Việc định hướng “áp lực” này sai cách có thể biến chúng ta trở nên mệt mỏi và tiêu cực hơn.
Áp lực đồng trang lứa là gì?
Hiểu một cách đơn giản nhất, áp lực đồng trang lứa xuất hiện ở một cá nhân chịu tác động, ảnh hưởng từ những người đồng lứa tuổi hoặc cùng một nhóm xã hội nhưng được cho là thành công hơn, hạnh phúc hơn. Các tác động này có thể xuất phát từ bên trong của cá nhân đó hoặc do các yếu tố xung quanh thúc đẩy và hình thành áp lực.
Chẳng hạn một người có thể cảm thấy bản thân mình kém cỏi, vô dụng khi nhìn thấy người bạn ngồi cùng bàn ngày xưa nay đã mua nhà, mua ô tô trong khi hiện tại bản thân vẫn đang dùng xe máy trả góp.
Học sinh, thanh thiếu niên là những người dễ chịu ảnh hưởng của những bạn bè đồng trang lứa, tuy nhiên người lớn còn chịu mức độ tác động này gấp nhiều lần.
Các tiêu chuẩn đánh giá của xã hội trở thành một thước đo chuẩn mực, vô tình tác động trực tiếp lên tâm lý của cá nhân mỗi con người.
Hầu hết ai cũng từng có một giai đoạn cảm thấy mình thua kém bạn bè, tuy nhiên tùy cách xử lý mà mức độ ảnh hưởng khác nhau.
Áp lực đồng trang lứa có thể chịu tác động trực tiếp từ môi trường bên ngoài như:
- Ảnh hưởng từ lối sống tập thể
Một vài nghiên cứu cũng đã cho thấy ở những người phương Đông thường được nuôi dạy trong nền văn hóa tập thể (collectivism) với tư tưởng luôn hướng đến những người xung quanh, đề cao thứ hạng, năng lực sẽ có xu hướng ‘so sánh xã hội’ (social comparison) hơn người phương Tây thường được chăm sóc theo chủ nghĩa cá nhân (individualism) chỉ quan tâm đến các giá trị cá nhân.
Người Phương Tây luôn coi trọng cảm xúc của chính mình, thích độc lập, riêng tư, không quan tâm quá nhiều đến số đông.
- Ảnh hưởng từ định kiến xã hội
Định kiến xã hội thường diễn ra trong rất nhiều khía cạnh và đều do chính những con người tự tạo ra, tự nâng tầm nó lên và tự tạo áp lực cho chính mình. Chẳng hạn mọi người luôn mặc định rằng phải làm văn phòng, phải làm giám đốc mới là thành công, bán hàng online chỉ là công việc cho những người không được học hành đoàng hoàng.
Tuy nhiên thực tế đôi khi doanh thu của những người bán hàng online còn cao hơn người đi làm văn phòng gấp đôi, gấp 3 mà lại thoải mái hơn về rất nhiều thứ.
- Ảnh hưởng từ mạng xã hội
Mạng xã hội thực sự là một con dao hai lưỡi, nó có thể đem đến cho bạn vô vàn thông tin hữu ích thú vị, đem đến cho bạn nhiều vui tiếng cười, giúp mọi người kết giao bạn bè nhưng đồng thời cũng khiến bạn tiêu cực hơn rất nhiều.
Chỉ cần mở Facebook lên là bạn lại cảm thấy áp lực vì nay thấy bạn A khoe xe, mai thấy bạn B khoe mua nhà, ngày kia thấy bạn C đăng hình đi du lịch. Càng nhìn lại bản thân bạn lại càng thấy bản thân kém cỏi và chán chường hơn.
- Tư tưởng và nhận thức chưa phù hợp
Một người vốn đã có tính cách tiêu cực, thích so sánh, luôn chỉ nhìn nhận vào một vấn đề thường có xu hướng dễ bị áp lực đồng trang lứa hơn bình thường.
Đặc biệt ở học sinh, suy nghĩ của các em còn rất non nớt, kiến thức xã hội còn yếu, dễ bị tác động bởi xung quanh, luôn muốn bản thân mình trở nên nổi bật, trở nên “ngầu hơn” nên dễ hình thành những tư tưởng phải vượt trội hơn người khác.
Không hiểu bản thân, không tin vào chính mình chính là tự coi thường, tự hạ thấp bản thân mình khiến bạn trở nên mất tự tin, luôn gặp những áp lực đồng trang lứa.\
Áp lực đồng trang lứa tích cực hay tiêu cực?
Bất cứ vấn đề nào cũng thường có cả hai mặt tích cực và tiêu cực, điều này nằm ở cách bản thân chúng ta nhìn nhận và giải quyết nó như thế nào. Áp lực đồng trang lứa có thể chính là “cú hích” tạo thành động lực đưa bạn lên cao hơn nhưng đồng thời nó cũng có thể đẩy bạn xuống “vực sâu” của sự tuyệt vọng.
Có một câu nói thường được dùng trong kinh doanh rất nhiều chính là “No pressure, no diamonds”, dịch ra nghĩa là “Không có áp lực, không có kim cương”. Điều này có nghĩa là áp lực từ sự thành công của những người bạn xung quanh để bạn trở nên nỗ lực hơn, cố gắng hơn để cũng trở thành một người như những người bạn của mình.
Ngược lại áp lực đồng trang lứa nếu không biết cách xử lý sẽ rất dễ dàng biến thành những tiêu cực khiến bạn không chỉ khó thành công hơn mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tinh thần, cuộc sống, các mối quan hệ của bản thân.
Một điều đáng buồn là hầu hết mọi người thường dễ chịu những tác động tiêu cực từ áp lực đồng trang lứa hơn là những áp lực tích cực.
Làm thế nào để vượt qua áp lực đồng trang lứa?
Thay đổi cách suy nghĩ, biến áp lực thành động lực, tin tưởng vào chính bản thân mình chính là cách để chúng ta vượt qua áp lực đồng trang lứa. Thực tế không ai là không có giai đoạn bị áp lực với bạn bè, càng lớn thì áp lực vô hình này lại càng lớn theo.
Việc nhìn nhận và giải quyết vấn đề theo một cách khác bạn sẽ thấy nhiều giá trị tốt đẹp hơn trong cuộc sống này ở bản thân mà đôi khi những người khác cùng cảm thấy ghen tị với bạn mà bạn không hề hay biết.
Không cần phải chạy theo số đông vì trên thế gian này, mỗi người là một cá thể độc lập và bạn không cần phải giống ai. Tất nhiên điều này không có nghĩa là bạn phải trở nên “cá biệt” nhưng bạn hoàn toàn có thể làm mình nổi bật và được công nhận thông qua chính những thế mạnh của bản thân chứ không phải chạy theo xu hướng để hòa nhập.
Khi hiểu về bản chất cuộc sống hiện tại mà mình đang có cũng giúp bạn yên tâm để phấn đấu, để tiến về phía trước một cách vững chãi, không vội vàng nên tỉ lệ thành công cũng cao hơn.
Có một câu rất hay rằng “Nhìn lên thì chẳng bằng ai nhìn xuống không ai bằng mình”. Điều này có thể mang ý nghĩa là khi bạn bị áp lực đồng trang lứa với một người giỏi hơn, thành công hơn, nhưng cũng có người kém hơn đang ghen tị, cũng đang chịu áp lực khi nhìn về bạn. Kể cả khi bạn học đứng hạng bét lớp nhưng có những người thậm chí còn chẳng có cơ hội đi học cũng cảm thấy thèm muốn được vị trí này của bạn.
Trong một giai đoạn nào đó, không thể tránh khỏi việc bạn bị áp lực đồng trang lứa khi mà bản thân vẫn còn chưa ổn định, vẫn đang dậm chân tại chỗ thì bạn bè đã đều đã thành công. Cuộc sống là cần tiến về phía trước nhưng cũng cần biết như thế nào là vừa đủ, hài lòng với những gì mình đang có, tận hưởng những giá trị tích cực trong cuộc sống sẽ giúp bạn cảm thấy hạnh phúc hơn rất nhiều.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét