CÁI NÀY CÓ VÌ CÁI KIA CÓ
Đức Bụt dạy chúng ta rằng: “Cái này có vì cái kia có”. Em có thấy không, vì em mỉm cười cho nên tôi hạnh phúc. Nhờ cái này có nên cái kia có, nhờ cái kia có nên cái này có. Đó gọi là duyên sinh.
Giả sử anh và tôi là hai người bạn. Thì an lạc, hạnh phúc của tôi tùy thuộc rất nhiều vào anh và niềm an lạc, hạnh phúc của anh cũng tùy thuộc rất nhiều vào tôi. Tôi có trách nhiệm đối với anh và anh có trách nhiệm đối với tôi.
Bất cứ tôi làm sai điều gì anh cũng khổ đau và bất cứ anh làm sai điều gì tôi cũng khổ đau. Vì vậy để chăm sóc cho anh thì tôi phải chăm sóc cho chính tôi.
Trong tạng Pali có kể một câu chuyện về hai cha con làm xiếc. Người cha đặt một cây tre dài trên trán, và người con gái leo lên đứng trên cây tre ấy. Hai cha con hành nghề như thế để kiếm tiền mua gạo và thức ăn.
Một ngày nọ, người cha nói với người con: “Con ơi, mình phải chăm sóc cho nhau. Con phải chăm sóc cho cha và cha phải chăm sóc cho con để hai cha con mình được an toàn. Tiết mục biểu diễn của mình nguy hiểm quá”. Bởi vì nếu người con rơi xuống thì cả hai sẽ không còn có thể kiếm sống được nữa. Có thể người con sẽ bị gãy chân và họ sẽ không có gì để ăn cả. “Con ơi, mình phải lo cho nhau để tiếp tục sinh sống”.
Đứa con gái rất thông minh. Nó nói: “Cha ơi, cha phải nói như vậy nè, mỗi người chúng ta phải tự chăm sóc cho chính mình, cha phải chăm sóc cho cha, con phải chăm sóc cho con để chúng ta có thể tiếp tục kiếm sống được.
Bởi vì trong khi biểu diễn cha phải lo cho cha, cha chỉ cần lo cho mình cha thôi. Cha phải giữ thật vững và phải rất tỉnh táo. Điều đó sẽ giúp cho con. Và khi con leo lên thì con cũng phải tự lo, và bảo hộ cho chính con. Con leo rất cẩn thận, không để bất cứ điều sai lầm nào xảy ra. Cha phải nên nói như vậy, cha ạ.
Cha lo cho cha đàng hoàng và con sẽ lo cho con đàng hoàng. Như vậy thì chúng ta mới có thể giữ an toàn cho nhau và tiếp tục kiếm sống được.” Đức Bụt cũng đồng ý là người con gái nói đúng hơn.
Vì vậy, là anh em, hay bạn bè thì hạnh phúc của chúng ta tùy thuộc vào nhau rất nhiều. Theo như giáo lý này thì tôi phải chăm sóc tôi và bạn phải chăm sóc cho bạn. Bằng cách đó chúng ta sẽ nâng đỡ, và yểm trợ nhau rất nhiều. Đây là cách nhìn hay nhất.
Nếu tôi chỉ nói: “Bạn không được làm cái này, bạn phải làm cái kia” mà trong khi ấy tôi không chăm sóc tôi cho đàng hoàng, tôi toàn gây ra những sai sót thì câu đó chẳng giúp ích gì được cả. Tôi phải biết cách chăm sóc tôi, tôi biết là tôi phải có trách nhiệm cho hạnh phúc của bạn. Và nếu bạn cũng làm được như vậy thì mọi chuyện sẽ an ổn.
Đó là cách nhận thức dựa trên nguyên lý duyên sinh. Đạo Bụt rất đơn giản, ai cũng có thể học hỏi và thực tập được.
Trích trong cuốn sách “Being Peace” của Sư Ông Làng Mai
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét