CÂU SINH VIÊN NGHÈO CỐ GẮNG PHI THƯỜNG
Đứa trẻ không có sự che chở mới biết cố gắng nỗ lực
Khi cha thở dài, tay run rẩy chạy đôn chạy đáo khắp nơi mượn được 4533 tệ mang đến, cậu hiểu rõ sau khi nộp học phí, tạp phí là 4100 tệ, thì số tiền tiêu vặt trong cả một học kỳ của mình chỉ còn lại 433 tệ.
Cậu cũng hiểu hơn ai hết người cha già đã cố gắng hết sức và không thể kiếm đâu ra thêm tiền để gửi cho cậu nữa.
“Cha, cha cứ yên tâm đi, con còn có đôi tay, đôi chân này mà”.
Gắng kìm nén nỗi xót xa, cậu nở nụ cười an ủi người cha, rồi quay lưng đi về hướng con đường núi khúc khuỷu. Trong chốc lát nước mắt chợt bỗng tuôn rơi.
Với đôi dép cao su đã cũ, cậu vượt qua 120 dặm đường núi, rồi 68 tệ tiền ngồi xe, cuối cùng cũng đến được ngôi trường đại học mà cậu ước mong.
Đến trường học sau khi trừ tiền xe, tiền học phí trong tay cậu lúc đó chỉ còn lại 365 tệ cuối cùng.
Hơn 300 tệ tiền sinh hoạt phí trong 5 tháng học, phải chi tiêu làm sao để vượt qua được học kỳ này bây giờ?
Nhìn những bạn học ăn mặc thời trang, tai nghe MP4 đi qua đi lại xung quanh cười tươi chào hỏi cậu, cậu cũng nở nụ cười chào lại, nhưng không ai biết được rằng trong lòng cậu nước mắt đang trào dâng.
Cơm chỉ ăn hai bữa, mỗi bữa hạn chế trong 2 tệ, đó chính là mức hạn định chi tiêu của cậu.
Nhưng cho dù làm vậy, cũng không thể duy trì được đến cuối kỳ.
Nghĩ đi nghĩ lại, cậu quyết tâm chạy đến một cửa hàng bán điện thoại dùng 150 tệ mua một chiếc điện thoại cũ. Ngoài việc có thể nhận và nghe điện thoại, thì cũng chỉ có thêm chức năng nhắn tin.
Ngày hôm sau, người ta phát hiện trên các bảng thông báo ở trường có dán một tờ
quảng cáo viết bằng tay có nội dung như thế này:
“Bạn có cần dịch vụ phục vụ không?
Nếu bạn không muốn đi mua cơm, đổi bình nước, mua thẻ điện thoại, vui lòng gọi đến số điện thoại này, tôi sẽ phục vụ bạn trong thời gian nhanh nhất.
Lệ phí dịch vụ trong phạm vi của trường là 1 tệ/1 lần, ngoài trường 1km mỗi lần 2 tệ/1 lần”.
Khi quảng cáo vừa được dán lên, điện thoại của cậu gần như đã trở thành “hotline” và reo liên tục.
Một sinh viên đẹp trai năm bốn khoa mỹ thuật là người gọi đến đầu tiên: “Anh rất lười, buổi sáng thường không muốn dậy đi mua cơm. Việc này đành nhờ em vậy!
“Dạ! Mỗi buổi sáng đúng 7 giờ em sẽ mang đến tận phòng cho anh”.
Cậu vui vẻ ghi lại đơn hàng đầu tiên, rồi lại có một sinh viên khác gửi tin nhắn đến: “Cậu có thể giúp mình mua hai đôi dép lê mang đến phòng 504 không? Cỡ 41”.
Cậu là một người thông minh. Mới vào trường không lâu, cậu phát hiện ra một hiện tượng rất thú vị, trong trường, đặc biệt là các sinh viên năm 3, năm 4 quen “đóng đô” ngày một nhiều hơn. “Đóng đô” tức là một số sinh viên gia đình có điều kiện thường chỉ ru rú trong phòng đọc sách, chơi máy tính thậm chí đến cơm cũng không muốn đi mua.
Trong khi đó cậu lại trưởng thành ở trên vùng núi và những con đường núi gập ghềnh đã rèn luyện cho cậu một “đôi chân nhanh nhẹn”. Cậu leo lên tầng 5 tầng 6 nhanh như chớp mắt.
Buổi chiều ngày hôm đó, có một bạn sinh viên gọi điện thoại đến nhờ cậu đi ra nhà hàng ăn ở bên ngoài trường mua giúp một phần cơm 15 tệ. Sau khi tắt máy, cậu nhanh chóng lao đi như một cơn gió.
Cả đi lẫn về chưa tới hơn 10 phút.
Thực sự nhanh quá! Bạn sinh viên kia móc ra 20 tệ rồi đưa cho cậu. Cậu trả lại 3 tệ vì đã viết trong quảng cáo, ở ngoài trường thì phí phục vụ là 2 tệ.
Cậu bôn ba với đôi chân to dài, nhưng sự bôn ba của cậu không giống với mọi người, thoát khỏi khó khăn, bỏ qua danh dự.
Câu luôn tự nhắc nhở mình rằng làm ăn bất luận to nhỏ đều phải giữ chữ tín.
Sau này nhờ sự tín nhiệm cao này, mà khi có việc cần đặt đồ đến phòng mọi người đều nghĩ đến cậu.
Có lúc mới tan học vừa mới mở điện thoại là đã thấy hàng loạt tin nhắn yêu cầu dịch vụ phục vụ từ cậu.
Một buổi chiều nọ trời mưa rất to, điện thoại bỗng báo có tin nhắn, đó là tin nhắn của một bạn sinh viên nữ gửi đến.
Sau khi đọc được tin nhắn, cậu ngay lập tức đi trong mưa gió.
Dáng vẻ ướt như chuột lột của cậu khi đưa mang ô đến đã khiến cho bạn sinh viên nữ vô cùng cảm động và ôm chầm lấy cậu.
Đó cũng là lần đầu tiên cậu được một bạn nữ ôm. Cậu liên tục nói cảm ơn, không kìm được nước mắt tuôn rơi.
Rồi dần dần độ nổi tiếng ngày một tăng lên, việc làm ăn của cậu ngày một tốt hơn. Chỉ cần khách hàng yêu cầu, cậu nhất định sẽ phục vụ với chất lượng tốt nhất và nhanh nhất.
Trong nháy mắt học kỳ đầu tiên kết thúc với sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cậu. Nghỉ hè về nhà, cha già vẫn còn lo lắng vì tiền học phí của con, nhưng cậu móc từ trong túi ra 1000 tệ nhét vào tay cha và nói: “Cha à, tuy cha không cho con một cuộc sống giàu có, nhưng cha đã cho con một đôi chân mạnh mẽ. Dựa vào chính đôi chân này, con nhất định sẽ học xong đại học và giành được những thành công”.
Sang năm mới, cậu không còn làm một mình mà còn tuyển thêm mấy bạn sinh viên có hoàn cảnh khó khăn để làm dịch vụ chăm sóc khách hàng không chỉ trong toàn trường mà còn cả ở bên ngoài.
Phạm vi phục vụ không ngừng được mở rộng, dần dần từ những đồ dùng sinh hoạt lặt vặt thành linh kiện điện tử và các sản phẩm điện tử.
Sau khi hết kỳ học đó, cậu không chỉ thực hiện đặt mua qua máy tính, mà trên mạng cũng có một khối lượng khách hàng lớn. Và được một công ty lớn lựa chọn làm tổng đại lý.
Sau những ngày tháng không ngừng chạy đôn chạy đáo thì cậu đã dần đến được với
thành công.
Cậu nói rằng, vào năm 4 đại học cậu không chỉ muốn tốt nghiệp một cách xuất sắc mà còn muốn kiếm được một khoản tiền lớn để lập nghiệp trong tương lai. Cậu đặt mục tiêu số tiền đó là 500.000 tệ. Tên của cậu là Hà Gia Nam, một người đến từ Đại Hưng An Lĩnh, hiện tại đã học đến được năm 3 trường Đại học Sư phạm của tỉnh.
Đến nay tuy đã làm tổng đại lý trong trường, nhưng cậu vẫn là cậu, vẫn là một người thật thà, cần mẫn, luôn vì khách hàng mà phục vụ từ chi phí 1 tệ giống như một thanh niên luôn cố gắng nỗ lực.
Trong cuộc sống, mỗi người đều có một vận mệnh riêng. Có người sinh ra đã ngậm thìa bạc trong miệng nhưng cũng có người sinh ra trong cảnh nghèo hèn. Nhưng hoàn cảnh gia đình không định nghĩa được bạn là ai, mà số phận của bạn nằm trong tay bạn.
Hà Gia Nam trong câu chuyện ở trên, dù nhà rất nghèo, cậu có một công việc không “cao cấp”, “sang chảnh” dưới con mắt của người đời, nhưng bằng sự chăm chỉ, uy tín và thật thà, cậu đã gầy dựng được “thương hiệu” của mình trong lòng khách hàng, cuối cùng đã đạt được thành công dù chỉ mới năm ba Đại học.
Câu chuyện này đã gợi ý hay cho các bạn trẻ.
Minh Tâm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét