Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2022

Chuyện người không muốn sống


CHUYỆN NGƯỜI KHÔNG MUỐN SỐNG

Có một vị tăng nhân cứu được mạng sống của một người thanh niên tự sát. Người thanh niên sau khi tỉnh dậy, nói với vị tăng nhân: “Cảm ơn đại sư, nhưng xin ngài đừng phí sức cứu tôi bởi vì tôi đã quyết định không sống nữa rồi. Hôm nay cho dù không chết thì ngày mai tôi cũng vẫn chết”.

Vị tăng nhân thở dài nói: “Ta thực sự không ngăn cản được ngươi tìm đến cái chết, nhưng ta muốn hỏi ngươi là, các khoản nợ của mình, ngươi đã trả hết chưa?”. Người thanh niên cảm thấy rất kỳ quái: “Tôi mặc dù gia cảnh bần hàn, nhưng cũng vẫn còn được ăn no mặc ấm chứ chưa từng vay mượn của ai cái gì”. 

Vị tăng nhân chậm rãi nói: “Thân thể của ngươi là mượn từ cha mẹ ngươi cho nên ngươi thiếu cha mẹ ngươi một khoản nợ. Cái mà ngươi ăn, mặc là mượn từ trời đất núi sông cho nên ngươi thiếu trời đất núi sông một khoản nợ. Tri thức và trí tuệ của ngươi là đến từ thầy cô giáo cho nên ngươi thiếu họ một khoản nợ. Kỳ thực, đời người ai cũng thiếu nợ nhiều lắm, ngươi đã hoàn trả hết chưa?”. 

Người thanh niên hoảng sợ nói: “Nếu nói như ngài thì quả thực tôi còn thiếu nợ nhiều người lắm. Nhưng làm thế nào tôi mới trả hết được?”. Vị tăng nhân cười rồi nói: “Điều này nào có khó khăn gì, chỉ cần hai chữ là đủ”.

Người thanh niên vội vàng nói: “Xin đại sư chỉ điểm giúp ạ!”. Vị tăng nhân nhẹ nhàng nói: “Chỉ cần hiểu hai chữ “quý trọng” mà thôi”. Người thanh niên trầm tư một lát rồi bái lạy vị tăng nhân và vui vẻ bước đi.

Nhưng trong cuộc sống không phải tất cả mọi người đều được “cứu sống” giống như người thanh niên trong chuyện. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm có hơn 1.500.000 người tự tử, và tự tử đứng hàng thứ 10 trong số những nguyên nhân dẫn đến tử vong trên thế giới. 

Đặc biệt, đối với độ tuổi thanh thiếu niên và người lớn dưới 35 tuổi, tự tử là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong. Hiện tượng tự tử đã xảy ra từ thời xa xưa, và trong thời đại ngày nay, tỷ lệ tử vong lại ngày càng tăng cao.

Ở góc độ tâm lý, theo nhà tâm lý học người Mỹ, Edwin Shneidman, tự tử là hành động tự làm tổn thương, cố ý chấm dứt sinh mạng của bản thân. Tự tử không phải là một chứng bệnh, không phải là do sự bất bình thường về mặt sinh học, không phải là một hành vi phạm pháp. 

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hành động tự tử như: các chứng bệnh về tâm lý, những rối loạn tinh thần; lạm dụng các chất kích thích; bị mắc phải các chứng bệnh nan y, bị khuyết tật hoặc bị mất khả năng vận động do tai nạn đột ngột gây ra; những tác nhân thuộc về môi trường xã hội như bị người yêu chối bỏ, bị thầy cô giáo phạt, bị bạn bè trêu chọc, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ… Như vậy, người tự tử có rất nhiều lý do mà đối với họ là chính đáng để chấm dứt cuộc đời mình.

Nhưng ở góc độ Phật giáo, dường như hành vi này không được nhìn nhận một cách đơn giản như vậy, mà phải soi chiếu dưới góc độ động cơ, yếu tố tâm lý bên trong, chứ không đơn giản dựa vào những biểu hiện bên ngoài.

Trong Kinh Pháp Cú Đức Phật dạy rằng: "Tâm dẫn đầu các pháp, tâm làm chủ, tâm tạo tác. Nói năng và hành động với tâm thanh tịnh thì sự an lạc sẽ theo ta như bóng không rời hình. Nói năng và hành động với tâm ô nhiễm thì sự khổ sẽ theo ta như bánh xe lăn theo chân con vật kéo". Do vậy, đánh giá tính chất của hành động tự tử cũng dựa theo nguyên tắc này.

Những người tự tử không phải vì muốn chết mà là muốn trốn chạy khổ đau trong hiện tại. Tự tử đối với họ xem như là một lối thoát, một giải pháp cho tình cảnh bế tắc của bản thân. Hành động này hoàn toàn đi ngược lại với tinh thần của đạo Phật. 

Như vậy, đứng về góc độ Phật giáo, có thể kết luận nguyên nhân của tự tử là do nhiều lòng tham ái, do chấp ngã, sống thiếu chánh niệm, hoặc sâu xa hơn là do các nghiệp nhân bất thiện đã tạo ra trong quá khứ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét