Chủ Nhật, 6 tháng 6, 2021

Đức Phật dạy con trung thực và từ bi

ĐỨC PHẬT DẠY CON TRUNG THỰC VÀ TỪ BI


Kinh điển kể lại rằng, sáu năm sau khi Đức Phật rời bỏ gia đình và một năm sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật trở về quê hương của mình.

Khi Đức Phật đến hoàng cung, công chúa Da Du Đà La đưa La Hầu La đến gặp Ngài và dạy: “Này La Hầu La, Ngài chính là cha của con. Con hãy đến xin Ngài ban cho con phần tài sản của mình”.

Nếu suy ngẫm thật kỹ lưỡng, chúng ta sẽ thấy những lời Đức Phật dạy La Hầu La hoàn toàn phù hợp với việc dạy con trong xã hội hiện đại này, thậm chí nhiều bậc học giả tại những quốc gia phương Tây phát triển đã công nhận điều này.

.

Trung thực và từ bi

Câu chuyện đầu tiên kể về việc Đức Phật dạy La Hầu La về lòng chính trực (integrity). Lúc lên tám tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối. Bài Kinh Giáo Giới La Hầu La (Trung Bộ Kinh, 61) kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. La Hầu La lấy ghế mời cha ngồi, rồi mang đến một thau nước cho cha rửa chân, theo phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:

“Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?”

“Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.

.

“Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”

Sau đó, Đức Phật hất đổ hết nước trong thau ra và nói: “Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.”

Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.”

Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói: “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.”

Sau đó Ngài dạy con: “Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”

.

Câu chuyện trên đây có thể giúp nhắc nhở các bậc cha mẹ rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.

.

Đức Phật lại hỏi tiếp: “Cái gương dùng để làm gì?”

“Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp. Đức Phật lại dạy:

“Trong khi chuẩn bị làm điều gì bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”

.

Thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, Đức Phật đã dạy cho con suy ngẫm về điều có lợi và có hại cho mình và cho người khác. Điều này đòi hỏi cả khả năng tự nhận thức (self-awareness) lẫn lòng bi mẫn.

Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức của chúng ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. “Có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu trong mỗi hành động của mình. Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.

.

Phương pháp giáo hoá của Đức Phật khiến các bậc cha mẹ tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo vào nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu về lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!” Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.

.

Bạn hãy hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn.


Theo daibaothapmandaltaythien

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét