Thứ Tư, 2 tháng 6, 2021

Người phụ nữ nhờ tri thức vươn lên đỉnh cao

NGƯỜI PHỤ NỮ NHỜ TRI THỨC VƯƠN LÊN ĐỈNH CAO

THẨM MỸ VIỆN PHƯỢNG NGHI”, rất ăn nên làm ra. Dương Phượng – bà chủ của nhà hàng này vốn là một cô bé nghèo khổ nhút nhát, nhưng nhờ tinh thần chịu khó học tập mở mang kiến thức, nên đã thay đổi được số phận của mình. Khi nói về con đường khởi nghiệp của mình, Dương Phượng tâm sự:

Từ một con bé giúp việc, làm thuê bước lên ghế giám đốc là cả một chặng hành trình đầy cam go gian khổ! Năm 1987, tôi thi đậu vào trường cảnh sát Thanh Hải, nhưng vì tính cách nhút nhát, hễ nghĩ đến sau này mình phải đối mặt với tội phạm, là tôi lại sợ toát mồ hôi. Vậy là tôi quyết định không nhập trường, cha mẹ tôi mắng chửi tôi là: “Đồ vô tích sự”, trong phút nông nổi, tôi bỏ nhà ra đi, một thân một mình lần mò lên tận Cam Túc, qua thị trấn Ngọc Môn, rồi lên Bắc Kinh.

Đây là lần đầu trong đời tôi đến Bắc Kinh, trong túi chỉ có vẻn vẹn 36 đồng. Những ngày tiếp sau đó là chạy khắp nơi để tìm việc làm, những công việc mà tôi đã từng thử tay nghề, như đánh máy với giá mỗi trang giấy nến 7 hào, nhân viên phục vụ khách sạn với mức lương tháng 50 đồng. Để tiết kiệm, tôi chuyển chế độ ngày ăn ba bữa sang chế độ ngày ăn hai bữa, và cuối cùng là ngày ăn một bữa. Có lần, vì đói quá tôi đi không vững nữa, đành ngồi bệt xuống bên hè phố để ngẫm nghĩ sự đời, nhẽ nào mình suốt đời cam phận làm thuê. Tôi không tin điều đó, tôi quyết không cam chịu thân phận đó, trong đầu chợt lóe lên ý nghĩ, phải đi học mới được, vừa làm thuê vừa đi học.

Tôi cho rằng phải kiếm cho được mảnh bằng đại học đã rồi hẵng kiếm việc làm, đó là con đường ngắn nhất. Tháng 9 năm 1988, tôi thi đậu vào Học viện Tài chính tiền tệ trung ương, tôi còn nhớ mức học phí hồi đó là hơn 300 đồng, tôi ky cóp mãi cũng chỉ có 250 đồng, tôi nghĩ đến khả năng phải bán máu, giá máu hồi đó là 54 đồng 200 ml. Với cung cách đó, tôi vừa học vừa làm, đến tháng 9 năm 1991, thì tôi nhận được bằng đại học.

Sau đó ít lâu, tôi đến làm công cho một công ty văn hóa, thời gian đó công ty văn hóa này đang liên kết với Đài phát thanh nhân dân Bắc Kinh lên một chương trình mang tên: “Gặp gỡ đêm nay”. Tôi chủ động nhận trách nhiệm đi vận động tài trợ, sau khi nhận được tài trợ thì tôi tham gia biên tập, thật may là mọi chuyện đều suôn sẻ. Tôi cho rằng được như vậy là nhờ tôi đã gắng công học hành, có vẻ như quyết định tiếp tục đi học của tôi ngày trước là đúng đắn.

Một hôm tôi đến phỏng vấn Cận Vũ Tây, anh ấy đã nói một câu khiến tôi vô cùng thấm thía: “Nghề chỉnh trang sắc đẹp là một sự nghiệp mang đậm tính nhân văn. Với vóc dáng, đôi bàn tay khéo léo và học vấn của em, em sẽ góp phần làm đẹp cho nhiều chị em phụ nữ trên thế giới, giúp cho họ càng tự tin hơn, đó là một ngành nghề rất hay”.

Là một phụ nữ, tôi biết rõ thích làm đẹp là một bản năng của nữ giới, nên làm nghề này chắc chắn sẽ hái ra tiền. Tôi không tự dối lòng mình là rất ham kiếm tiền, chỉ cần đó là những đồng tiền chính đáng, tôi nhen nhóm ý định trở thành thợ thẩm mỹ. Thế là tôi từ bỏ trung tâm văn hóa, dắt theo lưng vốn ít ỏi, đến thành phố Chu Hải để tầm sư học đạo, vẫn theo lối mòn cũ là vừa học vừa làm. Dạo đó tôi thật lận đận vất vả, suốt ngày hết đi làm lại đi học, không còn lấy một phút nghỉ xả hơi, nhưng tôi chưa bao giờ buông lỏng bản thân, cho dù về đến nhà thì trời đã về khuya, tôi vẫn kiên trì đọc sách chuyên môn về thẩm mỹ.

Sau khi kết thúc khóa học, tôi thỏa nguyện ước mơ với chức danh thợ chỉnh trang sắc đẹp cao cấp và tư cách giáo viên chủ trì. Bà chủ cửa hiệu nơi tôi làm thuê có ý mời tôi ở lại tiếp tục làm việc, nhưng tôi kiên quyết từ chối. Tôi lên đường trở lại Bắc Kinh, vì tôi đánh giá thị trường Bắc Kinh rất rộng lớn, hơn nữa sau 5 năm lưu lạc trên mảnh đất Bắc Kinh, cho dù tôi chưa được nhập hộ khẩu vào Bắc Kinh, nhưng trong lòng tôi, thành phố này cũng đã trở nên thân thuộc, tôi tự coi mình là dân Bắc Kinh.

Về đến Bắc Kinh, tôi nắm được nguồn tin, có một thẩm mỹ viện đang đứng trên bờ vực sập tiệm, cần cho thuê cửa hiệu. Tôi tìm đến cửa hiệu đó ngay, ông chủ ngỡ rằng tôi đến thuê cửa hiệu, tỏ ra rất phấn khởi, nhưng tôi thành thực thú nhận, rằng tôi chỉ là một người làm thuê, lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để thuê cửa hiệu này, nhưng tôi cả quyết rằng, mình có khả năng quản lý hiệu quả cửa hiệu này, tiếp tục mang lại lợi nhuận. Khi có lãi thì hai bên chia theo tỷ lệ phần trăm, còn mức lương của tôi không dưới 2000 đồng một tháng,

Tôi cam kết, nếu trong vòng 1 năm, mà làm ăn không có lãi, thì tôi chấp nhận làm không công cho cửa hiệu 3 năm. Nghe xong điều kiện của tôi, ông chủ có phần kính nể tôi, và vui vẻ chấp nhận yêu cầu của tôi, hợp đồng nhanh chóng được ký kết. Không đầy nửa năm, cửa hiệu đã bắt đầu có lãi, đó là một chuyện rất phấn khởi, không ngờ tâm trạng ông chủ lại bị mất thăng bằng, ông đưa ra yêu cầu ký lại với tôi một bản hợp đồng khác rất bất lợi cho tôi. Tôi vô cùng tức giận, đùng đùng rời khỏi cửa hiệu không biết giữ chữ tín đó ngay. Trên đường đi, tôi nung nấu ý nghĩ, nhất định phải thành lập một công ty của mình, dự định đó cứ luẩn quẩn trong đầu suốt ngày.

Đến tháng 8 năm 1996, tôi thuê lại một nhà hàng trên đoạn đường phồn hoa tấp nập thuộc khu tây thành phố Bắc Kinh, nhà hàng này đang trên đà thua lỗ, sau đó tôi cải tạo thành cửa hiệu thẩm mỹ. Lúc đó lưng vốn trong tay tôi chỉ vừa đủ trả một tháng tiền thuê nhà, bạn bè khuyên can tôi chớ nên hành động mạo hiểm như thế, nhưng tôi đinh ninh rằng, rủi ro và cơ may thường song hành với nhau. Khi đã có cửa hiệu của riêng mình, tôi trăn trở suy nghĩ cách thức kinh doanh làm sao cho có lãi, hàng ngày, tôi dẫn theo mấy nhân viên đến các khu phố trung tâm để quảng cáo tiếp thị, chúng tôi giảng giải cho các cô gái trên đường về cái hay cái lợi của việc chỉnh trang sắc đẹp, về kiến thức thẩm mỹ, tầm quan trọng của thẩm mỹ v.v… mời họ vào mỹ viện của chúng tôi, khi có khách hàng, chúng tôi phục vụ hết sức tận tình chu đáo.

Tháng 10 năm 1999, tổng số khách hàng cố định của thẩm mỹ viện chúng tôi đã lên đến hơn 2000 người, vươn lên hàng đầu trong giới đồng nghiệp.

Tôi còn nghĩ ra rất nhiều cách gọi là đầu tư tình cảm, ví dụ đối với những khách hàng thường xuyên, thì vào dịp lễ tết như mồng 8 tháng 3, ngày quốc khánh, tết nguyên đán, được tùy ý chọn một lần phục vụ miễn phí; ngày sinh nhật, khách hàng cũng được phục vụ một lần miễn phí, những khách hàng này thường kéo bạn bè đến của hiệu chúng tôi, nói một cách ví von, khách hàng giống như quả cầu tuyết càng lăn càng to, tôi mở thêm hai chi nhánh nữa.

Chặng đường lập nghiệp của Dương Phượng giúp chúng ta hiểu ra một điều: Chỉ cần không ngừng học hỏi, và bươn chải không lùi bước, chắc chắn bạn sẽ thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét