Thứ Năm, 3 tháng 6, 2021

Chuyện dùng người ngày xưa

CHUYỆN DÙNG NGƯỜI NGÀY XƯA

Nước ta thời vua Lê Thánh Tông (1460 -1497) là thời kỳ phát triển rực rỡ nhất về mọi mặt trong các triều đại phong kiến Việt Nam.

Sự phát triển đó không thể không kể đến sự trị vì sáng suốt, quyết đoán của vị vua tài năng, tâm huyết Lê Thánh Tông. Đặc biệt là chính sách trọng dùng người tài của ông.

Sách Các triều đại Việt Nam viết: "Bộ máy nhà nước trung ương tập quyền dưới triều Lê Thánh Tông đạt đến mức hoàn bị, từ trung ương xuống đến xã.

Thế lực của đại quý tộc bị hạn chế, thay vào đó là sự tham chính của tầng lớp sĩ phu nho giáo được tuyển lựa bằng con đường thi cử".

Thế có nghĩa là thế lực "con ông cháu cha" không thể lộng hành và những người có chân tài thực học được chọn lựa vào bộ máy nhà nước các cấp.

Ông vua anh minh này đã biết sử dụng rất nhiều nhân tài để phát triển đất nước như Thái úy Nguyễn Xí, Thái sư phụ chính Đinh Liệt.

Ông thường nói với các vị quan đại thần này: "Tôn miếu yên hay nguy, chỉ mấy người các khanh thôi, các khanh nên nghĩ cho kĩ, tâu việc chính trị cho trầm nghe, trẫm cố gắng quyết đoán ở trong, các khanh thừa hành bên ngoài" (Đại Việt sử ký toàn thư).

Không chỉ biết sử dụng các vị quan tài năng mà vị minh quân này cũng ra sắc dụ khuyên răn các vị quan về việc dùng người:

"Nghe Tư Mã Quang có nói rằng:“Người quân tử là cội gốc để tiến lên trị bình, kẻ tiểu nhân là thềm bậc để đi đến họa loạn".

Ta và các ngươi thề với trời đất dùng người quân tử, bỏ kẻ tiểu nhân, ngày đêm chăm chắm nhớ lấy, các ngươi chớ có lãng quên” (Đại Việt sử ký toàn thư).

Khi một vị quan đại thần phạm tội, vua lập tức giáng chức và răn vị quan này: "Pháp luật là phép công của nhà nước, ta cùng các ngươi đều phải tuân theo, ngươi nên nhớ lấy”.

Một ông vua quyết đoán và giỏi dùng người như vậy nên đất nước yên bình, thịnh trị cũng không có gì lạ.

.

* Chuyện dùng người của Thái sư Trần Thủ Độ, vị khai quốc công thần của triều Trần cũng là một bài học vì sự công minh chính trực, dùng người tài năng vì lợi ích quốc gia chứ không vì họ hàng, thân thích.

.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép rằng: "Thủ Độ từng duyệt định sổ hộ khẩu, quốc mẫu (vợ Trần Thủ Độ) xin riêng cho một người làm câu đương (người làm chức dịch trong làng).

Thủ Độ gật đầu và biên họ tên, quê quán của người ấy. Khi xét duyệt đến xã ấy, hỏi rằng tên ấy đâu. Người ấy vui mừng chạy đến. Thủ Độ nói:

.

"Ngươi vì có công chúa xin cho được làm câu đương, không ví như người câu đương khác được, phải chặt một ngón chân để phân biệt với người khác".

Người ấy kêu van xin thôi, hồi lâu mới tha cho; từ đấy không ai dám đến nhà thăm riêng nữa.

.

Vua Thái Tôn muốn cho người anh của Trần Thủ Độ là An Quốc làm tướng. Thủ Độ nói: "An Quốc là anh thần, nếu là người hiền thì thần xin nghỉ việc, nếu cho thần là hiền hơn An Quốc, thì không nên cử An Quốc. Nếu anh em cùng làm tướng thì việc trong triều đình sẽ ra sao ?"  Vua bèn thôi".

.

Trần Thủ Độ đúng là một tấm gương sáng người về đạo dùng người và "dĩ công vi thượng".

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét