Thứ Năm, 30 tháng 3, 2023

Câu chuyện về sức khoẻ - Khí Công Y Đạo Việt Nam

  

 Ảnh: Tập khí công trong lớp Montreal 2018

CÂU CHUYỆN VỀ SỨC KHOẺ - KHÍ CÔNG Y ĐẠO VIỆT NAM

 

Thầy Đỗ Đức Ngọc là người sáng lập ra môn khí công tự chữa bệnh riêng của người Việt Nam lấy tên là Khí Công Y Đạo Việt Nam. Thầy đã dạy môn này ở Sài Gòn từ những năm 1980 và cũng đã truyền bá môn học này từ năm 1993 khi sang định cư tại Canada.

KCYĐ ra đời từ một căn bệnh không thể chữa được… của chính người sáng lập ra nó – Đỗ Đức Ngọc cách đây 13 năm.

Nhớ lại chuyện khởi đầu đó, ông Ngọc kể: Khi đó tôi bị đau cánh tay hoài mà không sao chữa hết được.

Đi khám họ bảo không sao, đi châm cứu cũng không hết. Tôi là dân học võ nên tự vận dụng để chữa thì mỗi khi vận khí công lại càng đau hơn. Các cách Tây-Ta đều bó tay.

Không thể chịu nổi, tôi phải tìm cách tự chữa cho bản thân. Sau khi tự chữa, tìm học và tự nghiên cứu tiếp thì… KCYĐ ra đời.

Tự chữa được bản thân, ông Ngọc nghĩ chắc chắn có nhiều người khác cùng cảnh ngộ nên tìm hiểu sâu hơn, tự thực nghiệm các bài tập khác nhau và bắt đầu chữa các bệnh nhân khác nhau.

Theo thời gian và nhờ ảnh hưởng của Internet, KCYĐ đã phát triển rất mạnh, lên tới hàng ngàn, hàng chục ngàn người tập, động tác và phương thức chữa bệnh khác nhau.

Số bệnh nhân được chữa khỏi và trở thành học viên của KCYĐ lên tới hàng ngàn, chục ngàn người không chỉ trong cộng đồng Việt Nam. KCYĐ đã trở thành một hiện tượng được thừa nhận của khái niệm Y học bổ sung.

Y học Tây Phương tự coi là Y học chính thống, còn các loại y học khác gọi là Y học bổ sung, vì rất nhiều bệnh nhân được chữa khỏi các bệnh mà Y học chính thống bó tay như Cao huyết áp kinh niên, tiểu đường, mất ngủ, đau nhức kinh niên,… nhờ KCYĐ.

Theo ông Ngọc, KCYĐ, nghĩa là Khí Công Chữa Bệnh, khác với Khí Công trong võ thuật hay trong tập luyện như thể thao. Bên cạnh các phương thức khác như: Đông Y, Thuốc Nam, Châm cứu, Tai-Chi, Nhân Điện v.v… thì KCYĐ được thừa nhận đã chữa khỏi nhiều bệnh mà Y học chính thống chịu thua.

 

Chữa bệnh ở đây là bệnh nào thì có các bài tập tương ứng cùng cách ăn uống sinh hoạt để làm cân bằng khí huyết.

Ông Ngọc giải thích về sự khác biệt giữa KCYĐ và Khí công trong võ thuật hay thể thao: Khí công trong võ thuật hay thể thao là tạo ra ngoại lực từ nội lực-khí công để đạt mục đích nào đó như ra đòn…

Còn KCYĐ là chuyển khí, chuyển huyết trong cơ thể để lưu thông nhằm chữa bệnh. Dân gian có câu thông thì bất thống, thống thì bất thông. Thiếu khí thì tập được, thiếu huyết thì tẩm bổ bằng cách ăn uống đúng cách. Trong KCYĐ (KCYĐ) rất chú trọng đến Tinh-Khí-Thần.

Nói đơn giản: Tinh là từ các món ăn uống, tạo ra khí huyết trong cơ thể. Đây là điều rất quan trọng đầu tiên.

Ví dụ, bị cao huyết áp mà cứ xài coca-cola, hút thuốc, uống rượu… thì có uống thuốc ‘tiên’ cũng không khá hơn được, hay như bị bệnh cao đường mà vừa cứ uống thuốc giảm đường vừa cứ ăn bánh ngọt thì cũng rất mâu thuẫn, hoặc ngược lại nhịn ăn để tránh cao đường thì cơ thể yếu đi vì huyết giảm v.v…

Nói về sự khác biệt giữa KCYĐ, Tai-Chi, Điện Nhân, Võ Thuật, Châm Cứu… ông Ngọc giải thích: KCYĐ mục đích là làm cho khí huyết trong cơ thể chuyển hóa đi khắp tay chân, không có chỗ nào là không thông. Khí thông thì không đau. Ngược lại nếu cần bồi bổ cho cơ thể đủ khí huyết thì hướng dẫn cách ăn uống cho đúng cách.

Về Nhân Điện, ông Ngọc nói: Điện là chỉ kích thích trên đầu các hệ thần kinh để cho nó hoạt động trên đường kinh mạch.

Nhưng ngược lại, nếu cơ thể thiếu huyết bằng đồ ăn thì không bù vào được. Nếu cơ thể thừa huyết như huyết áp cao thì Nhân Điện dùng ngoại lực tác động vào đúng huyệt làm áp lực giảm đi dẫn tới huyết áp giảm và với các huyệt áp lực yếu thì họ có thể dùng điện-ngoại lực tác động vào làm huyết áp tăng lên.

Tuy nhiên, Nhân Điện không có bổ tạng. Nói đơn giản nhất, Nhân Điện là dùng ngoại lực bên ngoài tác động vào hệ thống huyệt bên trong nhưng không rõ hư thực và không biết hàn nhiệt và vì thế có lúc tự nó hết bệnh, có lúc không tùy nó trúng hay trật vì khó thống kê bệnh có chữa được hay không.

Về các phương thức khác, ông Ngọc so sánh: Tai-chi là phương thức luyện tập để phòng bệnh chứ không phải là chữa bệnh. Tập Tai-chi để cơ thể khỏe mạnh phòng được bệnh như đỡ bị cảm cúm, đau nhức, nhức đầu v.v… nhưng khi bị bệnh thì chạm tới khí huyết rồi.

Còn châm cứu là một hình thức kích thích cho khí huyết lưu thông, nhưng nếu trong cơ thể không có khí làm sao nó chạy, không có huyết làm sao bổ huyết! Trên thực tế châm cứu cũng là tác động từ bên ngoài vào hệ thống khí huyết.

Còn về các môn võ thuật thì ông Ngọc nói bằng kinh nghiệm bản thân. Ông kể: Bản thân tôi học võ thuật, khi tôi bị đau thì vận khí lại vẫn đau vì tuy có nội lực nhưng khí bị tắc và không lưu thông. Càng vận khí nhiều khi càng đau vì vẫn bị tắc và các ông thầy dạy võ chưa tìm cách giải quyết chuyện này.

Vì thế KCYĐ thực ra là Đông Y Khí Công bao gồm cả cách ăn, uống là tinh -luyện khí- thần kinh tức là luyện thần. Thành ra có những người có tinh, có khí mà không có luyện thần.

Thần là gì? Tức là người đó vẫn cứ lo nghĩ, nơm nớp lo sợ không biết uống thuốc này có tốt không, ông bác sĩ, ông thầy này có giỏi không hay nhiều khi uống thuốc thấy bớt bệnh lại nghĩ ‘thôi chắc khỏi rồi’ và thôi uống v.v…

Nói cách khác tinh thần bất an. Chính vì thế khi các vị thiền sư bị bệnh thì một trong những cách họ làm là ngồi thiền một thời gian để giảm hay hết bệnh. Tức là Tâm bình-Thế giới bình.

Ông Ngọc cho biết riêng ở Toronto đã có hàng ngàn người được chữa khỏi bệnh nhờ phương pháp KCYĐ.

Khi được hỏi: Đã có phương thức nào để theo dõi, khẳng định hay chứng minh được ảnh hưởng hay tác dụng của KCYĐ hay không?, ông Ngọc cho biết: Đây là một vấn đề của cái gọi là Y Học Bổ Sung.

Các bác sĩ, ngành y học chính thống biết có nhiều bệnh nhân không chữa hết bệnh bằng cách thông thường. Sau đó họ dùng thuốc nam, thuốc bắc, châm cứu… Khi quay lại, qua kiểm tra thấy bệnh nhân đỡ bệnh hay khỏi bệnh.

Các bác sĩ biết những bệnh nhân này đã làm gì đó nhưng không biết cụ thể họ làm gì, tập gì, uống gì… ở đâu. Đó là lý do hiện nay họ công nhận có Y Học Bổ Sung và đang tìm kiếm các nơi, các cơ sở có thể giúp nghiên cứu, khẳng định điều đó để bổ sung cho hệ thống y học hiện thời.

Về KCYĐ thì đã được khẳng định và kiểm chứng nhiều lần bởi chính bệnh nhân. Khi bắt đầu bệnh nhân cho biết kết quả thử máu. Sau khi tập một thời gian họ đi thử máu lại thì thấy kết quả xuống và hết bệnh.

Vậy các bác sĩ phản ứng ra sao?. Ông Ngọc vui vẻ kể: Chuyện đó có thể giải thích rõ ràng về mặt đông y hay KCYĐ tuy nhiên các bác sĩ thì không giải thích được.

Thông thường họ nói, tôi thấy ông/bà hết bệnh, kết quả rất tốt rồi. Ông/Bà có làm gì, uống thuốc hay tập luyện gì không? Khi bệnh nhân nói không uống thuốc gì và chỉ luyện tập khí công thôi thì các bác sĩ thường khuyên tiếp: Tốt quá, vậy ông/bà tiếp tục như vậy đi.

Như vậy nhiều bác sĩ sẽ không thích điều đó. Ông chữa khỏi cho bệnh nhân mà họ không chữa được. Ông đã bị họ kiện hay gây khó khăn gì chưa?

Tất nhiên, tôi đã bị họ đòi kiện, thanh tra và gây khó dễ thời gian ban đầu, khá lâu rồi, khoảng 13 năm trước đây. Hôm đó một ông thanh tra, trong tay cầm tới 25 tấm danh thiếp của tôi, gõ cửa xin vào. Tôi hơi ngạc nhiên vì chỉ cần một tấm danh thiếp là đủ biết địa chỉ, cần gì tới 25 tấm.

Hóa ra đó là 25 tấm danh thiếp mà mặt sau có ghi chú của các ông bà bác sĩ có bệnh nhân được chữa khỏi do tập KCYĐ. Ít nhất 25 vị bác sĩ đã muốn thưa tôi vì tôi không phải là bác sĩ, tôi không được phép chữa bệnh.

Ở bên này nếu anh không phải là bác sĩ, không có bằng và giấy phép hành nghề v.v… anh không được khám bệnh, chữa bệnh, kê toa thuốc.

Ông thanh tra lật phía sau từng tấm danh thiếp và nói: Có người muốn thưa ông vì ông đã chữa cho bệnh nhân của họ khỏi bệnh mất ngủ, có người thưa ông vì ông chữa cho bệnh nhân của họ hết bệnh thận, có người thưa ông vì ông đã chữa cho bệnh nhân của họ hết ung thư v.v….

Ông ta hỏi tôi: Ông có chữa không? Tôi trả lời: Thưa ông, tôi không chữa.

Ông có khám không? – Không khám.

Ông có kê toa thuốc cho họ không? Tôi khẳng định: Không.

Vô lý! Vậy tại sao những người này khỏi bệnh, những bệnh mà các bác sĩ của họ không chữa được?

Ông ta không tin. Trên thế giới này mấy ai tin những điều đó.

Vậy phải làm sao để ông ta tin, nếu không tôi có nguy cơ phải ra tòa.

Ông Ngọc kể tiếp câu chuyện thú vị: Tôi nhìn ông ta và nói: ‘Tôi không khám ông nhưng tôi nhìn sắc mặt ông, tôi biết ông bị cao huyết áp và mất ngủ. Ông có bị những bệnh đó hay không? Ông ta sửng sốt hỏi: Làm sao ông biết?

Tôi nói: Người bình thường khi nắm tay không bị đau. Nếu cao huyết áp ngón 3-4 đau. Rồi, ông lấy tay bấm thử xem có đúng vậy không? Tất nhiên ông ta không đồng ý. Tôi liền chộp tay ông ta và bấm liền một cái, ông ta đau rụt tay lại.

Nhỡ cả 5 ngón đau thì sao?, ông ta hỏi lại. Tôi nói: Không, chỉ có ngón 3, ngón 4 đau mà thôi. Bây giờ tôi bấm ngón 1, ngón 5 của ông này. Tôi bấm liền và ông ta không thấy đau.

Ông ta hỏi: Bây giờ chữa làm sao?

Bây giờ tôi mà trả lời chữa là tôi chết rồi, tôi quay ra nói với ông ta: Đấy nhé, tôi không hề khám mà tôi biết ông đang bị cao huyết áp.

Thế chữa làm sao? Tôi vẫn khẳng định: Tôi không chữa.

Ông ta lại hỏi: Không chữa làm sao hết?

Ông muốn hết không? Bây giờ ông vuốt-xoa đi.

Ông ta không làm, tôi chụp tay ông ta vuốt bàn tay và các ngón tay. Vuốt xong tôi bảo ông ta: Ông hết bệnh rồi!

Ông ta trợn mắt lên hỏi: Làm sao ông biết?

Tôi đã nói rồi, bấm các ngón 3-4 nếu đau là còn bệnh, không đau là hết bệnh. Ông bóp thử xem.

Ông ta không bóp, tôi giật tay ông ta và bóp. Lần này ông ta để nguyên tay vì không đau.

Sau đó tôi nói với ông ta: Ông thấy đấy, tôi không khám bệnh. Phần lớn mọi người đến đây tự khai họ bị huyết áp cao, bị tiểu đường, mất ngủ… Tôi không chữa, như ông thấy, tôi chỉ vuốt tay, xoa bóp -đâu có phải chữa bệnh gì đâu.

Tôi không không kê đơn thuốc, làm gì có thuốc mà kê.

Vậy chuyện đó kết thúc ra sao? Ông Ngọc vui vẻ: Sau đó ông ta quay lại lịch sự hơn rất nhiều và đưa tôi một văn bản đại ý: Những người đậu bằng bác sĩ, có số code hành nghề mới được hành nghề chữa bệnh, khám bệnh, cho toa thuốc…

Xin ông lưu ý giùm cho. Nói cách khác là: Ông không khám, không chữa, không cho toa thuốc là ông không phạm luật. Việc làm của ông nhiều người không thích nhưng tôi cũng không thể đóng cửa ông được.

Hiện nay, KCYĐ phát triển ở Montreal và Toronto rất mạnh. Qua website ông Ngọc đã phổ biến, có hàng chục ngàn người theo các phương thức luyện tập của KCYĐ. Hè năm nay ông Ngọc có thể sẽ đến Edmonton trực tiếp giới thiệu KCYĐ, hướng dẫn và chữa bệnh tại đó. Sau đó đến lời mời tới Vancouver, nhiều nơi bên Mỹ v.v…

Bên cạnh đó ông Ngọc nói luôn là nhiều người không thích việc ông làm vì chữa bệnh là một ngành thương mại. Hàng trăm ngàn, hàng triệu người đang dùng thuốc giảm huyết áp, tăng huyết áp, thuốc giảm tiểu đường v.v… bỗng nhiên khỏi dùng nữa và quay ra tập KCYĐ thì nhiều người sẽ rất khó chịu và không chấp nhận.

Còn điều gì khó khăn nhất với những ai muốn tập KCYĐ? Ông Ngọc nói: Không có khó khăn gì cả. Chỉ cần người muốn tập biết hoặc được giúp để biết đang bệnh gì để được hướng dẫn các bài tập thích hợp. Sau đó họ phải thường xuyên tập kiên trì.

Có những người tập 3 tuần hết bệnh, huyết áp giảm, giảm cả tiểu đường bèn dừng lại và ăn uống tùy thích rồi đến hỏi tôi là em tập thấy hết, bây giờ lại cao máu và cao đường là làm sao?

Anh Tư cũng nói: Khó khăn nhất của người muốn tập hay dùng KCYĐ để chữa bệnh là cái tâm của họ phải rõ ràng. Anh giải thích thêm: Bài tập tưởng rất đơn giản và dễ dàng nhưng sự hiệu quả nằm ở việc kiên trì và tập đúng yêu cầu thường xuyên. Ngay như bài thở ra – thở ra đơn giản vậy nhưng để tập đúng và có hiệu quả, người tập phải rất chuyên tâm mới đạt kết quả. Bên cạch đó KCYĐ còn là phương thức ăn uống đúng và vấn đề luyện tinh thần.

Trả lời câu hỏi ban đầu: Tại sao các cô thôn nữ Việt Nam thường má đỏ hồng hào và ít bị cao huyết áp thì bí quyết nằm trong bài tập rất đơn giản nhưng hiệu quả ‘thổi ra-hay thở ra’. Thầy Đức Ngọc nói đùa: Thổi ra rất quan trọng vì thổi ra càng nhiều thì khí công trong người càng dễ lưu thông.

Còn về các cô thôn nữ, thầy Ngọc cười hóm hỉnh: Rất đơn giản các cô thôn nữ Việt Nam đã vô tình tập bài ‘thổi ra’ này hằng ngày khi các cô thổi bếp rơm, bếp củi ở nông thôn. Chính vì thế các cô luôn hồng hào khỏe mạnh và chẳng bao giờ lo bị cao huyết áp cả.

Còn nhiều điều thú vị và hữu ích về KCTĐ không thể kể hết ra trong một bài báo, quý vị (ở Toronto) có thể liên lạc với số: 416-826-0855, hay 416-461-6570, để biết thêm chi tiết hoặc cách hay nhất là dành thời gian đến tham dự một buổi luyện tập để mắt thấy tai nghe.

Bài Phỏng Vấn Thầy ĐỖ ĐỨC NGỌC của Thời Báo Toronto số 1696 ngày 1-5-2010


Thứ Tư, 29 tháng 3, 2023

Người thông minh không “đối nghịch” với người khác


NGƯỜI THÔNG MINH KHÔNG “ĐỐI NGHỊCH” VỚI NGƯỜI KHÁC 

Mỗi người đều có quan điểm và nhìn nhận khác nhau. Do đó chúng ta không thể hy vọng người khác hiểu mình, cũng đừng cố gắng đi hiểu người khác một cách gượng ép. Cách tốt nhất để dung hòa chính là sự tôn trọng và bao dung! Thế nên người ta mới nói rằng người thực sự thông minh sẽ không “đối nghịch” với người khác.

 

Muốn thay đổi người khác thực ra là đang tự làm khó mình. Trải nghiệm của mỗi người là khác nhau, những quan điểm cũng sẽ không hoàn toàn giống nhau, giống như trên cây không thể có 2 chiếc lá giống nhau. Do đó bạn đừng mong người khác hiểu mình, cũng đừng ép buộc mình phải hiểu người khác, hãy đối diện với mọi người bằng tâm thái “chúng ta là không giống nhau”.

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ, Daniel Gorman đã từng nói: “Bạn có thể khiến người khác thoải mái đến đâu là đều phụ thuộc vào năng lực của bạn.”

Một người có giáo dưỡng sẽ hiểu rằng “nhập giang tùy khúc, nhập gia tùy tục”, khách khứa thuận theo chủ nhà. Hãy để bản thân có thể hòa hợp được với môi trường xung quanh, hòa hợp được với một tập thể lớn, khi này bạn sẽ gặp được thuận lợi mọi bề.

 

Để mọi thứ thuận theo dòng chảy là điều khiến người khác và bản thân được thoải mái nhất. Hãy cùng người hòa đồng, nhường nhịn, khi ấy thế giới của bạn tự nhiên sẽ rộng mở.

“Đối nghịch” với người khác chẳng khác nào đang “vạch lá tìm sâu”

Có một câu chuyện nhỏ như thế này: Một người phụ nữ đến chùa dâng hương, cô đột nhiên thấy rằng có một số mảnh sơn trên tượng Bồ tát đã rơi ra. Người phụ nữ nói với vị trụ trì trong chùa rằng: “Hãy nhìn xem, lớp sơn trên người Bồ Tát đã bong ra, làm sao Ngài có thể bảo hộ cho người khác?”

Người chủ trì nói: “Chỉ cần giữ Bồ Tát trong lòng, chỉ cần trong tâm có Phật, thì ai cũng sẽ được bảo hộ.”

Người phụ nữ lại nói: “Ông chỉ nói xạo, hơn nữa chính là đang phá hỏng phong thủy trong chùa. Mấy ngày nữa, hãy nhanh chóng tìm người tu sửa tượng đi, vậy mới là đúng.”

 

Khi thấy người phụ nữ dây dưa mãi không thôi, vị chủ trì không còn cách nào khác là đành từ bỏ và không tranh luận với cô. Tuy nhiên, người phụ nữ vẫn cố chấp “ép” ông phải thừa nhận sai lầm của mình.

 

Đánh người không tát vào mặt người, vạch người không vạch khuyết điểm. Một người không chịu buông tha cho người khác, kỳ thực là trong lòng có đầy oán hận, ánh mắt cũng đầy căm hờn. Nhưng họ không biết rằng điều đó chính là đang hủy hoại chính mình, những người như vậy liệu sức khỏe và tâm trạng có tốt được chăng?

 

Bất kể là bạn có năng lực đến đâu nhưng nếu không biết cách cư xử với người khác, bạn sẽ không được cấp trên đánh giá cao, đồng nghiệp cũng sẽ không nguyện ý hòa đồng với bạn. Nếu ai đó nói một chút về bạn, bạn liền muốn quay lại nói cho ra lẽ, thì điều đó chỉ chứng tỏ rằng bạn chẳng có chút khiêm tốn nào, thậm chí còn dễ bị người khác lợi dụng.

 

Tương tác giữa người với người là tương hỗ, bất kể bạn có thái độ như thế nào với người khác, thì người khác cũng sẽ đối xử với bạn bằng thái độ như vậy. Bạn luôn giữ sắc mặt tốt, tại sao người khác phải mỉm cười với bạn?

 

Nếu bạn muốn được người khác giúp đỡ, bạn cần làm cho họ thoải mái. Làm việc gì cũng đừng để bị cảm xúc tiêu cực chi phối. Vui vẻ nhìn và lắng nghe người khác nói, mới là người thông minh thực sự.

Cách tốt nhất để có thể dung hòa với người làm bạn khó chịu chính là im lặng, rồi lặng lẽ bước đi và rời xa nơi rắc rối.