Thứ Năm, 2 tháng 3, 2023

Tôi và Ông


TÔI VÀ ÔNG

 

Truyền thuyết một mẹ trăm con cho ta thấy Tổ tiên của chúng ta từ ngày xưa đã quan niệm trăm họ như một nhà, và dân tộc ta là một đại gia đình.

Ngôn ngữ của ta cũng bộc lộ ý hướng ấy. Tiếng “tôi” trong ngôn ngữ Việt Nam không phải là một tiếng tôi cộc lốc như trong các ngôn ngữ khác.

 

Nói đúng hơn, trong ngôn ngữ ta không có những đại danh từ chỉ nhân vật như je và vous, như I và you, như ngộ và nị. 

Ta để ý nhận xét mà coi. Nếu đi ngoài đường mà gặp một người thì ta phải thiết lập một thứ liên hệ thân thuộc nào đó giữa ta và người đó trước khi ta có thể mở miệng nói chuyện.

 

Nếu người ấy hơi lớn hơn ta hoặc bằng ta, ta sẽ gọi bằng Anh hoặc Chị và ta tự xưng em. Anh Hai, Chị Ba v.v.., đó là những tiếng ta quen dùng để gọi người trạc tuổi của anh chị ta.

Nếu người ấy lớn tuổi hơn ta nhiều, ta gọi bằng Chú, bằng Bác, bằng Dì, bằng Cô hoặc bằng Ông, bằng Bà và ta tự xưng là Cháu.

 

Dùng tiếng tôi thì có vẻ cộc lốc, lạt lẽo. Với lại tiếng “tôi” xưa kia vốn là tiếng khiêm nhường của người thần dân tự xưng với vua, của người đầy tớ tự xưng với chủ. Tôi có nghĩa là bầy tôi (votre sujet) của vua, hoặc tôi tớ (votre serviteur) của chủ.

 

Tiếng “ông” và tiếng “bà” mà ta thường tưởng là tương đương với đại danh từ vous hay you thật ra chỉ là tiếng tôn xưng người đối diện, cho họ đáng bực ông và bà của ta. Tất cả mọi xưng hô trong ngôn ngữ ta đều phải được đặt trong liên hệ gia tộc.

 

Câu “Cháu xin lỗi bà” ta thiết nghĩ không thể dịch ra Pháp văn là “je vous demande pardon” được. Cái tinh thần của ngữ pháp khiến ta có khuynh hướng muốn dịch: “la petite fille voudrait demander pardon à sa grande mère”.

Nếu ta nghe câu tiếng Pháp này không êm tai, đó là tại vì hai văn hóa khác nhau, hai ngôn ngữ khác nhau.

 

Một ngôn ngữ mà không có những đại danh từ nhân vật ngôi nhất và ngôi hai như thế kể cũng hiếm có trên thế giới.

Trong những chi tiết như thế, giống nòi đã ký thác cho ta biết bao nhiều niềm ước vọng, biết bao điều mong mỏi. Ta hãy trở lại khai thác tiềm lực của chính ta ngay trong văn hóa ta trước đã.

 

Trích trong sách “Tương lai văn hóa Việt Nam” của Sư Ông Làng Mai.

Thứ Tư, 1 tháng 3, 2023

Đập vỡ kiếng để bán được nhiều kiếng hơn


ĐẬP VỠ KIẾNG ĐỂ BÁN ĐƯỢC NHIỀU KIẾNG HƠN

 

Sự nhạy bén trong cách nhìn nhận và luôn luôn thay đổi để khác biệt, đổi mới để tăng nhanh hiệu suất công việc.

Khi người khác đã học hỏi được bí quyết của mình và tiến bộ, thì mình phải tiến bộ hơn nữa, nếu không thì sẽ bị tụt lại, phải luôn không ngừng tiến lên, chỉ có như vậy mới có thể là cách an toàn để thành công.

 

Trong một công ty nọ, chuyên bán các sản phẩm về kiếng xây dựng, có một anh chàng bán hàng rất cừ khôi, doanh số cá nhân của anh vượt trội hơn hẳn những người khác cùng công ty.

Một hôm, sếp của anh ta hẹn gặp mặt anh và ngỏ lời bảo anh chia sẻ bí quyết bán hàng của mình cho những người khác trong công ty để nhằm gia tăng doanh số chung, đổi lại anh ấy sẽ được thưởng hậu hĩnh. Và rồi, anh ta vui vẻ nhận lời.

 

Trong buổi họp mặt các nhân viên kinh doanh, anh ta vui vẻ chia sẻ bí quyết khi đi bán hàng của mình.

Khi đi bán hàng, anh ta mang theo một tấm kiếng mẩu và một cây búa. Khi giới thiệu cho khách hàng, anh ta vừa nói vừa cầm cây búa gõ vào tấm kiếng để chứng minh tính chịu lực cực tốt của kiếng, thậm chí khi kiếng bị vỡ cũng không vỡ vụn mà vẫn còn tính liên kết, đảm bảo sự an toàn cho người sử dụng, như thế người mua hoàn toàn tin tưởng vào chất lượng của kiếng, và đồng ý mua hàng.

 

Trong công ty ai nấy nghe xong đều vỡ òa lẽ lý, mọi người vỗ tay tán thưởng, sau này tất cả các nhân viên kinh doanh đều trang bị thêm cây búa và tấm kiêng khi đi thuyết phục khách hàng.

Một thời gian sau đó, khi doanh số của mỗi cá nhân đã tăng lên đáng kể, thì điều kỳ lạ là doanh số cá nhân của anh chàng kia vẫn luôn nhiều hơn những người khác.

 

Lúc này sếp lại gọi anh ta vào phòng và nạt quát hỏi lý do tại sao anh ta vẫn chưa chịu chia sẻ hết bí quyết cho mọi người trong công ty mà còn giấu nghề.

Anh ta bình thản trả lời là đã chia sẻ hết rồi, nhưng sau khi chia sẻ thì anh ta đã tiếp tục cải tiến phương pháp bán hàng của mình, thay vì cầm cây búa tự gõ lên tấm kiếng, thì anh ta đưa hẳn cây búa cho khách hàng tự đập lên kiếng, như thế họ sẽ cảm giác thật hơn và bị thuyết phục hơn hẳn.

 

Tâm giản dị chính là Đạo


TÂM GIẢN DỊ CHÍNH LÀ ĐẠO

 

Một hành giả hỏi lão hòa thượng“Trước khi Đắc Đạo, ngài làm gì?

Lão hòa thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm”.

 

Hành giả hỏi: “Vậy đắc Đạo rồi thì sao?”

Lão hòa thượng: “Đốn củi, gánh nước, nấu cơm”.

 

Hành giả lại hỏi: “Vậy thế thì có gì khác với lúc chưa Đắc Đạo?”

Lão hòa thượng: “Trước khi Đắc Đạo, khi đốn củi thì lo lắng đến gánh nước, lúc gánh nước lại nghĩ chuyện nấu cơm; Đắc Đạo rồi, đốn củi thì cứ đốn củi, gánh nước thì là gánh nước, nấu cơm thì cứ nấu cơm”.

 

Bài học: Đại Đạo chí giản chí dị, tâm giản dị chính là Đạo.