Thứ Ba, 27 tháng 9, 2022

Khoảnh khắc nhận ra được chân lý cuộc sống

KHOẢNH KHẮC NHẬN RA ĐƯỢC CHÂN LÝ CUỘC SỐNG, BẠN BƯỚC SANG MỘT CHƯƠNG MỚI

Có những người dành cả cuộc đời để tìm được chân lý sống, triết lý lớn lao mà họ tâm đắc. Rồi họ nhận ra, chân lý cuộc sống cũng chỉ gói gọn trong một vài câu ngắn ngủi.

Suốt cuộc đời mình, chúng ta luôn mong chờ "phút giây thay đổi" - khoảnh khắc mà bạn nhận ra được chân lý nào đó mà kể từ giây phút đấy, cuộc sống của bạn bước sang một chương mới. Có người tìm thấy nó trong cuốn sách nào đó, từ một bộ phim, một câu nói của người thầy, người bạn …

* Muốn yêu người khác, hãy biết yêu quý chính bản thân mình đầu tiên - Auren Hoffman

"Rất khó để yêu một ai đó mà bản thân bạn không biết yêu chính mình. Nếu bạn muốn yêu thương người khác, chăm sóc cho người khác; bạn phải tự biết yêu thương mình trước. Không biết cách yêu thương mình, đến bao giờ bạn mới học cách thương người khác được.

Tôi rất ngạc nhiên trước những người mà mình đã gặp, những người đặt lợi ích của mọi người lên trước họ và nghĩ rằng, đó là cách "hy sinh bản thân". Đừng nghĩ rằng yêu bản thân sẽ khiến bạn trở thành một kẻ lập dị; điều đó có nghĩa rằng bạn đang chuẩn bị những điều tốt đẹp nhất cho mọi người xung quanh".

* Chấp nhận điểm yếu của bản thân và tập trung vào điểm mạnh - Fredrik Marø

"Từ Jan Hammond, một trong những giáo sư của tôi tại trường kinh doanh Harvard. Vây quanh bởi biết bao người tài năng, giỏi giang và thành đạt, bạn thường có thói quen so sánh bản thân mình với họ. Câu nói của thấy đã giúp tôi nhận ra rằng mỗi người đều có điểm mạnh và điểm yếu khác nhau; cách thành công và thoải mái nhất trong cuộc đời là chấp nhận điểm yếu của bản thân và tập trung vào điểm mạnh".

* Thước đo sự giàu có là việc bạn đáng giá bao nhiêu khi bạn chẳng còn đồng nào trên người - Erick Diaz

"Tôi đọc được câu nói này khi đang học năm ba đại học. Sống một cuộc đời sinh viên nghèo khó, tôi phải chật vật với công việc, thường bỏ bữa vì không có tiền. Tuy nhiên, đó vẫn là những năm tháng tuyệt vời khi tôi có mọi thứ: chẳng có tiền ra ngoài chơi nên tôi dành thời gian ở nhà đọc sách... Lúc đó tôi nhận ra, mình cũng có giá trị như thế nào dù không có tiền".

* Khi bạn nói sự thật, bạn không phải sợ hãi điều gì cả. Điều ấy sẽ khiến người khác phải e dè vì chẳng có sơ hở nào để bới móc hay lấp liếm - Jason Daniel Siegel

"Từ hồi ức của Michael Crichton, một tác giả mà tôi vô cùng yêu thích. Có lẽ, mỗi người sẽ hiểu điều này theo một cách riêng, nhưng với tôi, khi nói ra sự thật, chúng ta không có điều gì phải lấp liếm, sợ hãi và chẳng còn gì để đối thủ có thể tìm ra sơ hở trong mỗi lời nói của mình nữa cả".

* Thái độ là tất cả - Omkar Kulkarni

"Câu nói này đã thay đổi cái nhìn của tôi về mọi thứ xung quanh và khiến tôi có thể đương đầu với mọi khó khăn trong cuộc sống. Một trong những bước tiến quan trọng nhất để tôi có thể đạt được thành công trong cuộc sống là học cách điều chỉnh và kiểm soát thái độ của mình. Nhờ có điều đó, bạn có thể thấy những thay đổi tích cực trong công việc, mối quan hệ và mọi thứ xung quanh mình".

* Bạn luôn là niềm hy vọng cho tương lai - Sarah Brown

"Cuộc đời tôi đã thay đổi chỉ với một câu được viết trong bài tập tiếng Anh hồi tôi mới học lớp 11: "Bạn luôn là niềm hy vọng cho tương lai".

Giáo viên của tôi không viết rằng: "Tôi sẽ là niềm hy vọng cho tương lai". Cô đã viết rằng "Bạn luôn là niềm hy vọng cho tương lai"

"Với tôi, câu nói ở thì hiện tại đó khiến tôi nhận ra rằng, mình thực sự có giá trị trong cuộc sống này. Chỉ một câu nói đơn giản thôi đã khiến cuộc đời tôi thay đổi hoàn toàn".

* Không quan trọng là bạn biết nhiều hay ít. Điều quan trọng là bạn làm gì với những điều bạn biết - Rohit Malshe

"Một trong những người hướng dẫn của tôi tại Micron, nơi tôi thực tập đã nói rằng: Không quan trọng là bạn biết nhiều hay ít. Điều quan trọng là bạn làm gì với những điều bạn biết.

Đây có lẽ là câu nói ngắn nhất nhưng đã truyền cảm hứng cho cuộc đời tôi làm việc chăm chỉ và thông minh hơn".

Đời chỉ thay đổi, khi bạn đổi thay

ĐỜI CHỈ THAY ĐỔI, KHI BẠN ĐỔI THAY

Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời' có còn đúng không? Nhiều người cho rằng bản chất thì không thể thay đổi, ấy thế nhưng nghiên cứu mới của các nhà tâm lý học kết luận, có thể thay đổi đặc điểm tính cách thông qua can thiệp bền bỉ và các sự kiện lớn trong đời.

Đặc điểm tính cách với cách phân chia phổ biến: Openness (cởi mở),  

Conscientiousness (tận tâm), Extraversion (hướng ngoại), Agreeableness (dễ chịu), Neuroticism (tâm lý bất ổn), từng giúp dự đoán một loạt các kết quả quan trọng như sức khỏe, hạnh phúc và thu nhập, theo Futurity.

Do đó, những đặc điểm này có thể là mục tiêu quan trọng cho các can thiệp chính sách được thiết kế để cải thiện phúc lợi của con người.

 

Nghiên cứu, dự kiến được công bố trên tạp chí Tâm lý học Mỹ tháng 12.2019, là sản phẩm của Hiệp hội Thay đổi Tính cách, một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế cam kết thúc đẩy sự hiểu biết về thay đổi tính cách.

Hiệp hội được khởi xướng bởi Wiebke Bleidorn và Christopher Hopwood, đều là giáo sư tâm lý học của Đại học California, Davis (Mỹ).

 

Các tác giả khẳng định, bằng chứng mạnh mẽ cho thấy các đặc điểm tính cách đủ rõ ràng để giải thích một loạt các hành vi xã hội quan trọng ở cấp độ vượt qua các dự đoán đã biết. Đặc điểm tính cách có thể thay đổi, nhất là nếu đúng độ tuổi phù hợp và nỗ lực bền bỉ. Tuy nhiên, những đặc điểm này cũng vẫn tương đối ổn định. Nói cách khác, chúng có thể thay đổi nhưng không dễ thay đổi, theo Futurity.

 

Nghiên cứu phát hiện ra rằng sự kết hợp này - bền vững nhưng có thể thay đổi - làm cho chúng trở thành mục tiêu hứa hẹn đặc biệt cho các can thiệp phạm vi rộng. Ví dụ, cả conscientiousness (tận tâm) và neuroticism (tâm lý bất ổn), có thể đại diện cho các mục tiêu can thiệp tốt ở người trẻ.

 

Các nghiên cứu cho thấy một số can thiệp nhất định - đặc biệt là những can thiệp đòi hỏi sự kiên trì và cam kết lâu dài - có thể hiệu quả hơn đối với người tận tâm, ổn định về mặt cảm xúc. Xem xét yếu tố động lực cũng quan trọng vì sẽ nhiều khả năng thành công hơn nếu mọi người có động lực và nghĩ rằng thay đổi là khả thi.

 

theo thanhnien.vn

Thứ Hai, 26 tháng 9, 2022

Cải thiện trí nhớ theo cách nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ


CẢI THIỆN TRÍ NHỚ THEO CÁCH NHÀ VÔ ĐỊCH TRÍ NHỚ HOA KỲ

 

Tự biết mình học giỏi nhưng "trí nhớ chỉ ở mức trung bình", nên sau khi bà nội qua đời vì bệnh Alzheimer (một phần vì di truyền), Nelson Dellis đã có thêm động cơ để tìm cách giữ cho bộ não khỏe mạnh và sắc bén.

Dellis lùng sục trên Internet để tìm kiếm các mẹo cải thiện trí nhớ và tham gia một vài diễn đàn - nơi các vận động viên trí nhớ chuyên nghiệp (những người rèn luyện kỹ năng ghi nhớ để đạt hiệu suất cao) trò chuyện về các kỹ thuật ghi nhớ khác nhau. 

Nelson Dellis, năm nay 35 tuổi, tác giả của cuốn sách Remember It và là nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ 4 lần

 

Dellis cũng nghe Bộ nhớ lượng tử: Học cách cải thiện trí nhớ của bạn với nhà vô địch trí nhớ thế giới - sách nói của Dominic O’Brien - nhà vô địch trí nhớ thế giới bảy lần.

"Sau đó, tôi đã bắt đầu áp dụng, rồi qua quá trình thử và sai, tôi đã tìm ra những kỹ thuật phù hợp với mình", Dellis cho biết.

 

Dưới đây là 3 kỹ thuật hàng đầu của Dellis để cải thiện trí nhớ và duy trì sự nhạy bén:

 

1. Hạn chế sử dụng thiết bị công nghệ

Dellis cho biết, một mẹo ghi nhớ đơn giản nhất mà anh học được trong nhiều năm là dành thời gian để hoàn toàn tránh khỏi thiết bị công nghệ, bao gồm cả điện thoại thông minh, ít nhất một giờ mỗi ngày.

 

Sự "hiện diện" rất quan trọng đối với bộ nhớ, theo Dellis. Anh nói: "Bộ não của bạn là một bộ xử lý. Nếu bộ não của bạn không nhận thông tin (vì bạn đang không chú ý vì mãi lo sử dụng điện thoại) làm sao bạn có thể ghi nhớ nó (thông tin đó) được đây?"

 

Theo một nghiên cứu năm 2017 từ Trường Kinh doanh McCombs tại Đại học Texas ở Austin, sự hiện diện của điện thoại thông minh làm giảm khả năng nhận thức, ảnh hưởng đến khả năng lưu giữ và xử lý dữ liệu bộ não người.

 


2. Suy nghĩ bằng hình ảnh

"Bất cứ khi nào tôi cần ghi nhớ điều gì đó, mục tiêu của tôi là biến nó thành một bức tranh trong tâm trí. Hãy sử dụng càng nhiều giác quan càng tốt. Đó có thể là một liên tưởng, một âm thanh, một cảm giác - bất cứ thứ gì có ý nghĩa đối với bạn", Dellis nói.

 

Đó là bởi, việc nhớ hình ảnh của một thứ mà bạn đã quen sẽ dễ dàng hơn nhiều so với những từ ngữ liên quan đến một điều gì đó mới và khó, Dellis phân tích. Ngoài ra, các nghiên cứu trên người lớn tuổi cũng chỉ ra rằng, hình ảnh có thể giúp ích cho trí nhớ.

 

Bạn tạo ra hình ảnh càng nổi bật và kỳ lạ càng tốt. Bạn có thể thực hành từ việc nhớ tên ai đó mới gặp lần đầu. Hãy biến tên của họ thành những hình ảnh trong tâm trí, bạn sẽ có cơ hội nhớ tên người đó cao hơn và bạn sẽ rèn luyện bộ não của mình để tư duy bằng hình ảnh tốt hơn, nhanh hơn.

 

3. Khám phá "cung điện ký ức" của bạn

Khi đang suy nghĩ bằng hình ảnh, bạn cần một nơi để lưu trữ những hình ảnh đó. Vì vậy, hầu hết các vận động viên trí nhớ sử dụng một kỹ thuật được gọi là  "cung điện trí nhớ", theo Dellis. Kỹ thuật này (có từ thời Hy Lạp cổ đại) liên quan đến việc ghi nhớ mọi thứ dựa trên vị trí.

Hầu hết các vận động viên trí nhớ sử dụng một kỹ thuật được gọi là "cung điện trí nhớ"

 

Theo Dellis, một cung điện trí nhớ hoạt động như sau: Hãy nghĩ về một nơi quen thuộc (như ngôi nhà, căn hộ, văn phòng của bạn...) và tưởng tượng một con đường đi qua đó. Để lưu trữ hình ảnh của bạn, chỉ cần tưởng tượng hoặc "dán" mỗi hình ảnh vào một vị trí dọc theo con đường trong tâm trí ấy. Sau này khi muốn lấy lại thông tin, tất cả những gì bạn phải làm là nghĩ về cung điện ký ức của mình, quay lại nó trong tâm trí và "nhặt" lại những hình ảnh bạn để lại ở đó.

 

"Nghe có vẻ hơi điên rồ, nhưng nó thực sự có tác dụng, và nó cho phép các vận động viên trí nhớ hàng đầu ghi nhớ hàng nghìn mẩu thông tin", Dellis cho biết.

Nhà khoa học thần kinh Tara Swart cũng đồng ý với Dellis. Bà nói: "Đó là một cách hiệu quả để xâu chuỗi các tập hợp ký ức lại với nhau, vì nó sử dụng nhiều phần khác nhau của não hơn là chỉ nhớ lại ngắn hạn (bằng thị giác, cảm xúc, ngôn ngữ, trí tưởng tượng và trí nhớ ngắn hạn)".

 

Để thực hành, Dellis gợi ý chọn 3 địa điểm quen thuộc và 10 địa điểm dọc theo con đường tưởng tượng của bạn. Có thể bắt đầu bằng cách lưu trữ danh sách việc cần làm hằng ngày và danh sách những món tạp hóa cần mua. Bạn sẽ ngạc nhiên về sự mạnh mẽ của trí nhớ tự nhiên của mình, sau khi thực hành và rèn luyện những kỹ thuật trên. Bằng trải nghiệm của bản thân, Dellis chắc chắn về điều đó.

 

* Nelson Dellis, năm nay 35 tuổi, tác giả của cuốn sách Remember It và là nhà vô địch trí nhớ Hoa Kỳ 4 lần (cuộc thi hằng năm dành cho các vận động viên trí óc ưu tú), và là một huấn luyện viên trí nhớ tại Miami, Florida. Anh tính phí 250 USD/giờ cho các bài học dành riêng cho CEO và tỷ phú.

 

Nhà đầu tư Shark Tank - tỷ phú Mark Cuban, nhà sáng lập thương hiệu nội y Spanx - nữ tỷ phú Sara Blakely là những học viên của Dellis. Nhưng, nhà vô địch cũng dành cho số đông những bí quyết mà dù miễn phí vẫn vô cùng hiệu quả, nếu bạn kiên trì theo đuổi.