Thứ Sáu, 2 tháng 9, 2022

16 điều mà người lớn có thể học tập từ trẻ con


16 ĐIỀU MÀ NGƯỜI LỚN CÓ THỂ HỌC TẬP TỪ TRẺ CON

1/ Trẻ con luôn thể hiện được đúng cảm xúc của mình, chúng khóc khi muốn khóc, cười khi muốn cười. Người lớn đôi khi muốn khóc cũng không khóc được.

 

2/ Trẻ con luôn tò mò với những điều mới mẻ. Đối với chúng, cuộc sống là một cuộc phiêu lưu. Chúng khám phá, tìm tòi và học hỏi. Còn người lớn đôi khi chỉ nghĩ đến hai chữ “ổn định” nhàm chán và chẳng chịu học hỏi gì thêm.

 

3/ Trẻ con yêu người khác mà không hề có sự vụ lợi nào. Còn người lớn đôi khi yêu người khác vì người đó có thể đem lại lợi ích cho họ.

 

4/ Trẻ con suy nghĩ đơn giản. Còn người lớn đôi lúc chỉ làm rối rắm vấn đề.

 

5/ Khi không biết điều gì, trẻ con không ngần ngại hỏi người lớn. Chúng hỏi hàng trăm câu hỏi, kể cả những câu hỏi ngớ ngẩn nhất. Còn người lớn thì cứ sợ lộ ra cái dốt của mình nên không đặt câu hỏi.

 

6/ Trẻ con luôn là chính mình, mọi lúc, mọi nơi. Người lớn thì khác, khi gặp người này họ sẽ như thế này, khi gặp người khác sẽ như thế khác. Họ như con tắc kè bông vậy. Đôi khi người lớn còn chẳng hiểu được bản thân mình.

 

7/ Trẻ con không bao giờ suy diễn. Người lớn thì lại hay suy diễn. Mà suy diễn là một thứ vô cùng có hại cho mối quan hệ.

 

8/ Trẻ con không bao giờ nghĩ nhiều về quá khứ và tương lai. Trẻ con luôn sống với thực tại, với những niềm vui của chúng. Người lớn thì khác, họ sống mãi trong quá khứ, hoặc lo lắng quá nhiều cho tương lai mà quên đi cuộc sống thực tại của mình.

 

9/ Trẻ con luôn mơ mộng. Chúng có những ước mơ, kể cả những ước mơ viển vông nhất. Chúng ước mơ bay vào vũ trụ, chúng ước mơ làm siêu nhân giải cứu thế giới. Một trong những điều sai lầm là khi người ta lớn, người ta mơ mộng ít lại.

 

10/ Ước mơ của trẻ con cũng khác nhiều so với người lớn. Chúng mơ ước “Khi lớn lên, con muốn làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người”, hay “Con muốn làm cô giáo để dạy dỗ các em học sinh”. Chúng ước mơ được giúp đỡ người khác. Còn người lớn thì thường mơ “Muốn kiếm thật nhiều tiền”, hay “muốn chức vị cao”. Họ ước mơ để phục vụ chính mình.

 

11/ Trẻ con luôn tập trung làm một việc tại một thời điểm. Người lớn luôn bị phân tâm làm nhiều việc một lúc, phân tâm bởi những tin nhắn điện thoại và trang tin trên facebook của mình.

 

12/ Trẻ con luôn nói “Con yêu ba mẹ nhiều lắm”, “Con cảm ơn/xin lỗi ba mẹ”. Còn người lớn dường như không dám nói những điều ấy với ba mẹ mình.

 

13/ Trẻ con không bao giờ nghĩ người khác sẽ nghĩ như thế nào về chúng. Còn người lớn, với những cái tôi to tướng của mình, luôn quan tâm xem người khác đang nghĩ gì về mình.

 

14/ Trẻ con không sợ thất bại. Khi chúng tập đi, chúng ngã, và đứng dậy rất nhanh ngay sau đó để tiếp tục. Người lớn, đôi khi ngã xuống, và không bao giờ dám bước đi tiếp nữa.

 

15/ Trẻ con thoải mái kết bạn mà không quan tâm người đó là ai, giàu có như thế nào, màu da gì. Còn người lớn đôi khi muốn kết bạn với những người có thể có lợi cho mình. Người lớn cũng đa nghi hơn. Nếu có một người làm một cử chỉ tốt với họ, họ liền nghĩ “Thằng này đang muốn gì ở mình nhỉ ?”

 

16/ Trẻ con luôn sáng tạo. Chúng vẽ vì thích vẽ, hát vì thích hát, không phải theo một quy định nào. Trí tưởng tượng của chúng bay cao và bay xa. Người lớn ít tưởng tượng hơn. Óc sáng tạo của họ bị kiềm hãm bởi những quy định cứng nhắc.

 

Dĩ nhiên là, người lớn có những suy nghĩ sâu sắc, trưởng thành và khôn ngoan hơn. Thế nên, nếu họ chịu khó học tập từ trẻ con, và mang cho mình “một trí tuệ của người lớn, và một tâm hồn của trẻ con”, thì chắc là cuộc sống sẽ đơn giản, tươi đẹp và ý nghĩa hơn nhiều nhỉ.

 

ST

Thả một bè lau

 

THẢ MỘT BÈ LAU

Thích Nhất Hạnh

 Chúng ta thường nghĩ truyện Kiều là truyện của một người khác và chúng ta chỉ là khán giả, không có liên can gì. Nhưng khi viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã sống trong da thịt của nhân vật Kiều, đã trở thành với Kiều, cụ đã nói được tâm sự của chính mình.

Cô Kiều trong truyện đã phải bắt buộc làm gái giang hồ. Là một nhà Nho, một mẫu mực đạo đức thời xưa ở Việt Nam, vậy mà có khi cụ Nguyễn Du cũng có cảm tưởng mình là một cô gái giang hồ.

Cụ làm quan với triều Lê. Sau khi nhà Lê mất, cụ bị nhà Nguyễn gọi ra làm quan. Không từ chối được, cụ phải ra làm quan cho triều Nguyễn. Theo quan niệm của Nho giáo ngày xưa, một người thần tử trung thành không bao giờ thờ hai vua (‘trung thần bất sự nhị quân.’).

Trong khi viết truyện Thúy Kiều, cụ Nguyễn Du viết truyện của chính mình. Cụ muốn gửi tấc lòng mình vào thiên cổ chứ không phải vì ngồi không, cao hứng nhất thời mà viết ra một tác phẩm chữ Nôm.

Nếu có chánh niệm, đem những khổ đau, luân lạc và gian truân của mình ra đọc truyện Kiều chúng ta có cơ hội thấy được bản thân. Và như vậy đọc truyện Kiều cũng là tu. Tu tức là nhìn tất cả những gì đã và đang xảy ra trong đời mình bằng con mắt quán chiếu.

Trong quá khứ, có nhà Nho đã liệt truyện Kiều vào loại dâm thư vì trong truyện có tả đời sống của một cô gái giang hồ. Họ có thể đứng về phương diện đạo đức của Nho giáo mà nói như vậy.

Nhưng dùng con mắt quán chiếu mà nhìn vào đời Thúy Kiều, ta có thể học được bài học của khổ đau và kinh nghiệm. Nếu biết cách đọc, chúng ta có thể học được rất nhiều từ truyện Kiều như học từ một cuốn kinh. Và truyện Kiều sẽ không phải là dâm thư mà là kinh điển.

Truyện Kiều là truyện về cuộc đời, có những hoàn cảnh khổ đau, hạnh phúc và u mê của cuộc đời. Lấy con mắt của người quán chiếu nhìn vào truyện Kiều, chúng ta có thể thấy được bản chất của cuộc đời. Những điều xảy ra trong mười lăm năm của cô Kiều có thể xảy ra cho bất cứ một người nào. (Vì vậy ở Việt Nam có truyền thống bói Kiều.).

Kiều dã trải qua rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, đi qua tất cả những chuyện lên voi xuống chó của một con người. Thúy Kiều có khi là học trò, làm vợ của một người có quyền thế gần như vua (Từ Hải), làm đầy tớ, làm người yêu, làm vợ lẽ và làm một người con gái phong sương… Kiều cũng từng làm sư cô.

Mỗi chúng ta ít nhất đã có một giai đoạn giống như giai đoạn Thúy Kiều. Nhìn vào đời Thúy Kiều, ta phải nhìn như một toàn thể mà đừng nhìn từng khoảng ngắn.

Chúng ta phải có con mắt trạch pháp, tức là con mắt có khả năng nhận xét và phân biệt. Khi đọc Kinh, ta cần phải có nhận thức độc lập, huống nữa là đọc truyện Kiều. Ta phải nhìn cụ Nguyễn Du bằng con mắt trạch pháp.

Cụ tin vào thuyết tài mệnh tương đố (tài năng và số mệnh chống trái nhau). Chúng ta sẽ từ từ xét coi tại sao cụ tin vào thuyết này và thuyết này có đúng hay không. Nếu đúng thì đúng bao nhiều phần trăm. Không phải vì cụ nói ‘chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau’ hay ‘chữ tài liền với chữ tai một vần’ mà chúng ta tin ngay vào sự tương phản, chống trái của tài mệnh.

Có những người có tài nhưng không bị tai nạn, vì họ có tu, có chánh niệm và sự khiêm nhượng. Tai nạn sẽ không xảy tới với họ, hay ít nhất, không xảy tới cho họ nhiều như cho những người quá cậy vào tài năng của mình mà xem thường người khác.

Dựa theo truyện Phong Tình Lục của Trung Hoa để viết truyện Kiều, cụ Nguyễn Du đã biến tập tiểu thuyết tầm thường này thành một tác phẩm văn chương phong phú và sâu sắc. Một lần nữa, chúng ta thấy cốt tủy của một tác phẩm có giá trị không phải là cốt truyện mà là văn chương và tư tưởng.

Ngày xưa tôi cũng đã từng dạy văn chương Việt Nam và đã dạy truyện Kiều. Nhưng tâm của tôi lúc đó không được như bây giờ. Tôi đã dạy với tư cách một giáo sư văn chương mà chưa bao giờ dạy với tư cách một thiền sư. Nhìn với tư cách một thiền sư là nhìn sâu, nhìn kỷ, nhìn bằng sự khám phá của thiền quán mọi sự kiện qua nhận thức, đau khổ, hạnh phúc, thành công, thất bại và qua sự tu học của mình. Nhìn như vậy trong khi đọc lại truyện Kiều ta có thể thấy được những điều rất mới.

Khi đọc truyện Kiều, ta không nên ngại về từ ngữ và điển tích. Các bản truyện Kiều đều có chú giải. Có tài liệu là ta có thể hiểu được hết các điển tích và từ cổ. Điều quan trọng là chúng ta đọc với tâm trạng quán chiếu, tìm thấy tâm lý của tác giả và tìm thấy lòng mình.

Làng Mai