Chủ Nhật, 29 tháng 5, 2022

Thực ra đàn ông Việt Nam rất thiệt thòi

 

THỰC RA ĐÀN ÔNG VIỆT NAM RẤT THIỆT THÒI

Người ta hay so sánh trai tây với trai Việt trên mạng. Phần lớn nội dung đều là chỉ trích đàn ông Việt không tinh tế, dịu dàng, có trách nhiệm như đàn ông Tây. Mặc dù lấy chồng Tây, nhưng tôi cũng không khỏi bật cười về những bài viết ấy. Những thứ các bạn nhìn thấy, thực ra chỉ là bề mặt. Từ rất lâu rồi, tôi đã nhận ra một điều: đàn ông Việt Nam thiệt thòi vô cùng so với đàn ông Tây.

Cách đây gần chục năm, lần đầu xa nhà đi du học, tôi nhập học cùng một cậu bé người Việt. Suốt một tháng đầu sống 1 mình, ngày nào nó cũng chỉ biết mua đùi gà ướp sẵn về nướng, cơm không biết nấu, rau không biết luộc nên nó bỏ qua luôn. Kết quả là bị táo bón.

Trong tiếng Việt chỉ có khái niệm “nữ công gia chánh” chứ ko có “nam công gia chánh”. Một cậu bé lớn lên đã không được bố mẹ dạy những kĩ năng sinh tồn cơ bản như nấu nướng, chùi rửa, tự sơ cứu. Để rồi đến khi phải tự lập, họ trở nên lúng túng, lo lắng và hoang mang hơn bất kì cô gái nào. Cũng vì ở nhà được mẹ bảo bọc, họ luôn cần một người phụ nữ bảo bọc họ theo cách tương tự.

Thế nên hôn nhân ở Việt Nam gần như là 1 điều tất yếu. Đàn ông cưới vợ đôi khi là vì họ ko thể tự chăm sóc bản thân. Đừng thắc mắc vì sao đàn ông Tây yêu có vẻ nồng nàn hơn. Đơn giản là vì họ có thể sống ổn 1 mình, có thể tự chăm sóc bản thân, nên quyết định yêu ai đó, lấy ai đó đơn thuần đến từ tình yêu, không phải là từ nhu cầu “buộc phải thế”!

Không chỉ thế, áp lực trên vai một người đàn ông Việt cũng nặng nề hơn đàn ông phương Tây rất nhiều. Người ta mong đẻ con trai bao nhiêu thì áp lực đặt lên vai đứa bé trai lại nặng trĩu bấy nhiêu. Có bao nhiêu người đàn ông Việt được lớn lên và lựa chọn cuộc sống họ thích thay vì phải gánh vác trọng trách “đích tôn của dòng họ”.

Rồi chính điều đó tạo cho đàn ông tính lăng nhăng luôn. Vì sao ư? Vì bố mẹ luôn dạy rằng “học giỏi, nhiều tiền đi thì sẽ có đầy gái theo”. Ngay từ lúc còn là 1 bé trai, họ đã được giáo dục rằng đàn bà là món quà cho sự thành đạt, thì đừng có ý kiến khi lớn lên, đàn ông chỉ coi phụ nữ như một món hàng.

Tính cách, văn hoá là hình thành do sự giáo dục. Chẳng có đứa trẻ nào sinh ra đã được định sẵn sẽ trở thành người tốt hay người xấu cả. Bảo đàn ông Việt tệ. Thế ai là người dạy dỗ đàn ông Việt? Chính là đàn bà Việt. Đàn bà luôn mồm ca thán về những ông chồng lười biếng, gái gú, vô trách nhiệm.

Nhưng cho hỏi, có bao nhiêu bà mẹ biết dạy con trai tôn trọng phụ nữ? Bao nhiêu bà mẹ biết dạy con trai nấu nướng, làm việc nhà và thay bỉm cho em bé? Bao nhiêu bà mẹ gay gắt với con trai khi chúng thiếu chung thuỷ với bạn đời???

Chúng ta đòi được chồng chiều nhưng con trai mà rửa cho vợ cái bát thì giãy đành đạch lên; đòi chồng ngoan ngoãn nhưng con trai mà lăng nhăng thì lại bảo con dâu “chịu đi, thằng nào chả thế”; đòi chồng có trách nhiệm nhưng thấy con trai biếu tiền bố mẹ vợ thì đay nghiến con dâu đào mỏ…

Sáng nay có bạn kể trong nhóm của tôi rằng: cô bạn của bạn ấy đẻ được thằng cu mà cứ suốt ngày xuýt xoa “mình chăm nó thế này mà sau này nó lại đi chăm con khác” trong khi bản thân lúc nào cũng đòi chồng phải yêu mình hơn mẹ. Vô duyên gì đâu.

Phụ nữ Việt Nam chúng mình bị cái bệnh : luôn cảm thấy mình thiệt thòi, luôn cảm thấy mình hi sinh, và luôn cảm thấy đàn ông khốn nạn. Thế nhưng họ đâu nghĩ rằng: đàn ông Việt Nam cũng thiệt thòi. Phụ nữ được dạy quá nhiều kĩ năng để trở nên hoàn hảo và quyến rũ; còn đàn ông Việt, họ chẳng được ai dạy cách gì để trở nên hấp dẫn phái đẹp cả, ngoại trừ kiếm tiền.

Khổ nhất trên đời chính là muốn mà ko biết làm thế nào cả.

Thế nên, nếu muốn được sống trong một môi trường lãng mạn với những người đàn ông ngọt ngào thì ngày mai, hãy dạy con trai bạn nấu cơm đi…

Thứ Bảy, 28 tháng 5, 2022

Chân dung Hồ Xuân Hương qua 31 bài thơ tình của Tốn Phong

CHÂN DUNG HỒ XUÂN HƯƠNG QUA 31 BÀI THƠ TÌNH CỦA TỐN PHONG

Tiếc rằng cách đây hai trăm năm, Hồ Xuân Hương không như nàng Tiểu Thanh nhờ một họa sĩ truyền thần vẽ lại chân dung nàng truyền lại cho đời sau.

May mắn thay có Tốn Phong đã si mê Hồ Xuân Hương viết 31 bài thơ tình. Một tập thơ viết về một người đã hiếm có ngày xưa, mà lại là một người đẹp, bà Chúa thơ Nôm. 

Hai trăm năm qua bao bút mực, bao nhiêu tranh cải, tìm kiếm, chờ đợi, thật là một tập thơ quý giá. Tốn Phong, một mối tình đau khổ tuyệt vọng mỗi lời thơ như con chim bồ nông rút ruột, rút máu cho con ăn, như người thi sĩ rút tinh huyết, khổ đau mình để dọn cho người đời bữa tiệc trần thế.

Xuân Hương Hồ Phi Mai là một phụ nữ xinh đẹp,

Tốn Phong chấm giải là hoa khôi xuân sắc nhất thành Thăng Long, điều này khác hẳn với một Hồ Xuân Hương xấu xí, da xù xì như trái mít trong Giai Nhân Dị Mặc của Nguyễn Hữu Tiến:

Tốn Phong đã viết:

Hồng nhan tiên giới thác sinh chăng..
Hoa Mai xuân sắc nhất kinh thành . (Bài 2)

Nghê Vũ người tiên mây giáng hiện..
Một bầu mây nước hoa nhuần nhị

Muôn dậm sao trời trong mắt xanh (Bài 3)

Mày liễu xanh xanh thêm mến nguyệt,
Hương mai thoang thoảng mãi yêu xuân (Bài 4)

Đêm thu man mác mai gầy vóc,
Bến nước đìu hiu liễu rủ cành (Bài 6)

Mười phần son sắc trời Nam đến,
Quá nửa xuân quang cửa Bắc tràn (Bài 19)

Thanh thoát vẻ mai gầy cốt cách,
Rỡ ràng xuân sắc vẹn mười phân (Bái 22)

Nghìn vàng khôn chuộc tuổi thanh xuân
Hoa mai rực rỡ núi mây ngàn . (Bài 23)

Xuân Hương Hồ Phi Mai làm thơ

những vần điệu khó làm như thơ Bạch Tuyết ít ai họa được, nàng là vị thần thơ trên tao đàn:

Ngâm thơ Bạch Tuyết khói mây dâng..
Nổi tiếng văn chương tiên xuống trần  (Bài 1)

Tao đàn xuất hiện vị thơ thần.
Kết tự sao Khuê vẹn thập phần (Bài 2)

Sầu vướng nét mi gầy với tuyết,
Hương vào ngọn bút nở xuân tươi. (Bài 9)

Ngâm câu bạch tuyết thơ nên thánh,
Say thắm môi son rượu có thần (Bài 25)

Hứng về lại thấy thơ sinh quỷ,
Sầu đến rồi hay rượu có thần
Ướm hỏi Cao Đường ai đoán mộng,
Gió mưa Đài Sở được bao lần ? (Bài 4)

Xuân Hương như các mỹ nhân đào hoa trong sử sách, nàng gầy như mai.

Sức vóc đào tơ như tự cổ (Bài 18)
Mai gầy cung điệu gió thanh thanh (Bài 17)

Xuân Hương rất hiếu khách, nàng không bỏ lững câu chuyện bao giờ:

Chủ nhân trước viện trắng mai hoa,
Rất quý thần hoa yêu mến khách   (Bài 5)

Nhà lan là lúc chong đèn bạc,

Kể chuyện giang hồ hẹn mối duyên (Bài 12)

Phồn hoa bạn cũ như ngày mới
Sinh tử giao tình tưởng mới thân.
Tình trọng duyên may trời chẳng phụ,

Tình non như gấm nước như gương. (Bài 14)

Xuân Hương tính tình lạc quan:
Lối khách buồn vui ai biết hỏi,
Rằng  trong tháng tới lại sang xuân (Bài 13)

Nay có rượu thơm cùng thưởng nhé;
Hương say Hoàng cúc rượu nồng nàn (Bài 29)

Thơ Tốn Phong gồm 31 bài thơ chữ Hán phản ảnh cuộc đời Hồ Xuân Hương, quang cảnh, sức khỏe, sinh hoạt cuộc sống.. Từ thi ca đến thực tế cuộc đời, những câu thơ làm đẹp cuộc sống, nhưng dù sao nó cũng phản ảnh cái nhìn của người đương thời với Hồ Xuân Hương..

Trích từ bài của Phạm trọng Chánh

Paris 2000-2012   

-------

Phạm Trọng Chánh Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V Sorbonne bình giảng đầy đủ 31 bài thơ tốn Phong

https://dongtac.hncity.org/spip.php?article4920

Đọc sách nâng tầm tri thức

 

ĐỌC SÁCH NÂNG TẦM TRI THỨC

 

Đọc sách là phương tiện cần thiết và hiệu quả nhất để rút ngắn con đường kinh nghiệm của nhân loại.

 

Để lĩnh hội được những tri thức cần thiết, đạt được mục đích đọc sách, bạn cần phải đi sâu nghiên cứu cuốn sách. Công việc này đòi hỏi bạn phải có kĩ thuật đọc. Kĩ thuật đọc là năng lực chiếm lĩnh tri thức và trình độ kĩ năng đọc của bạn.

Kĩ thuật đọc phụ thuộc vào mục đích đọc, thể hiện ra bằng cách đọc.

Sau đây là một số cách đọc, bạn có thể tham khảo và lựa chọn theo mục đích đọc của bản thân.

 

Đọc lướt qua: Nhằm khái quát những khái niệm ban đầu và nội dung của nó trong cuốn sách. Với những bạn có năng khiếu, chỉ bằng cách đọc lướt đã nắm được điều cốt yếu nhất như ý chính, sự việc chính… Khi đọc lướt, có thể bỏ qua một số trang, đoạn nào đó, hoặc dừng lại ở một số trang, đoạn nào đó.

Cách đọc này sử dụng khi đọc để tìm hiểu một vấn đề nào đó đã được chuẩn bị, cần làm rõ thêm, khẳng định thêm; hoặc tìm những cách diễn đạt khác nhau cho một vấn đề nhất định.

 

Đọc có trọng điểm (hay đọc từng phần): Là cách đọc từng đoạn, từng phần đã được lựa chọn từ trước nhằm tập trung sức lực và thời gian cho những nội dung cần thiết, cho một công việc đã được chuẩn bị.

 

Đọc toàn bộ nhưng không nghiền ngẫm kĩ: Cách đọc này nhằm khái quát toàn bộ cuốn sách chứ không đi sâu vào những nội dung cụ thể. Khi đọc không bỏ qua trang nào cũng không dừng lại suy ngẫm ở nội dung nào mà chỉ nắm xem, điều đó đã được bàn tới, và bàn ở mức độ nào. Với các cuốn sách ta chưa biết xu hướng, tư tưởng, giá trị… cũng có thể đọc theo cách này.

 

Đọc nghiền ngẫm nội dung cuốn sách: Đây là cách đọc quan trọng nhất, cần thiết nhất trong tự học để lĩnh hội đầy đủ nội dung cuốn sách. Từng nội dung, từng vấn đề được xem xét tìm hiểu cặn kẽ, có đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm và những cuốn sách khác về những vấn đề đã được đề cập trong dó. Những nội dung tư tưởng của cuốn sách được người đọc đánh giá, phê phán và hiểu đầy đủ, sâu sắc.

 

Đọc thụ động: Cũng với cách đọc toàn bộ hay đọc lướt, nhưng người đọc hoàn toàn theo sự dẫn dắt của tác giả, chấp nhận hoàn toàn, lấy đó làm những tín điều; nhìn nhận và xem xét vấn đề bằng con mắt của tác giả.

 

Đọc chủ động: Là cách đọc mà khi xem xét những tư tưởng cuốn sách đề cập, người đọc luôn đối chiếu, đánh giá nó. Mọi sự chấp nhận hay phản đối đều được người đọc dựa trên cơ sở sự đánh giá, đối chiếu với kiến thức, kinh nghiệm; được nhận thức theo thế giới quan, tình cảm của mình. Từ những nhận thức đó mà rút ra những kết luận cần thiết cho bản thân người đọc.

 

Mỗi cách đọc sách trên đây có thể đáp ứng cho những mục đích đọc và loại sách khác nhau. Với các loại sách khoa học và kĩ thuật, đọc với mục đích học tập, nghiên cứu phải đọc một cách chủ động, nghiền ngẫm sâu sắc, đi sâu vào nội dung từng vấn đề trong sách. Như vậy, càng thấy rõ, bạn cần có mục đích đọc sách rõ ràng trước khi bắt tay vào đọc.

 

Khi đọc, bạn cần lưu ý một số điểm sau:

– Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng.

– Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.

– Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc.

– Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt.

– Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu.

– Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề trình bày trong sách.