Thứ Tư, 28 tháng 7, 2021

Sức mạnh của tĩnh lặng trong thế giới huyên náo

SỨC MẠNH CỦA TĨNH LẶNG TRONG THẾ GIỚI HUYÊN NÁO


Còn sống và bước đi trên mặt đất này là một phép lạ, nhưng hầu hết chúng ta lại chạy đi tìm hạnh phúc ở một nơi xa xôi nào đó như thể là có một nơi tốt đẹp hơn để đến vậy. Chúng ta mất rất nhiều thời gian để đi tìm hạnh phúc trong khi đó thế giới quanh ta tràn đầy những mầu nhiệm. Những vẻ đẹp của đất trời đang gọi ta từng ngày, từng giờ nhưng hiếm khi ta nghe được.

.

Điều kiện căn bản để chúng ta có thể nghe và đáp lại những tiếng gọi ấy là sự Tĩnh Lặng. Nếu không có sự tĩnh lặng trong tự thân, nếu thân tâm ta đầy sự ồn ào, náo loạn thì ta không thể nghe được tiếng gọi của vẻ đẹp ấy. Có một đài radio đang hoạt động trong đầu ta, đó là đài NST (Non Stop Thinking) – đài suy nghĩ liên tục không ngừng. Tâm ta đầy tiếng ồn) vì vậy ta không thể nghe được tiếng gọi của sự sống, tiếng gọi của tình thương. Trái tim ta đang gọi ta mà ta không nghe thấy. Ta không có thời gian để lắng nghe trái tim mình.

.

Chánh niệm là sự thực tập làm cho những tiếng ồn trong mình yên lắng lại. Không có chánh niệm, chúng ta có thể bị nhiều thứ lôi kéo, chẳng hạn như những tiếc nuối, buồn phiền trong quá khứ. Ta hồi tưởng lại những ký ức, hồi tưởng lại những gì đã trải qua, để khổ đi khổ lại, để đau đi đau lại những niềm đau mà ta đã đi qua. Chúng ta rất dễ bị kẹt vào ngục tù của quá khứ. Chúng ta cũng có thể bị tương lai lôi kéo. Những người lo lắng, sợ hãi về tương lai cũng bị giam hãm trong tù ngục như những người bị quá khứ trói buộc. Sợ hãi, lo lắng, hoang mang ngăn cản ta, không cho ta nghe được tiếng gọi của hạnh phúc. Vì vậy, tương lai cũng trở thành ngục tù.

.

Chánh niệm thường được mô tả như một tiếng chuông nhắc nhở chúng ta dừng lại và im lặng lắng nghe. Chúng ta có thể sử dụng tiếng chuông hay bất kỳ một tín hiệu nào giúp ta nhớ để không bị kéo đi bởi những tiếng ồn chung quanh và tiếng ồn trong mình. Khi nghe chuông, ta dừng lại, theo dõi hơi thở vào ra và tạo không gian cho sự yên lặng.

.

Ta có thể tự nói với mình: “Thở vào tôi biết là tôi đang thở vào.”

Thở vào, thở ra trong chánh niệm, chỉ chú ý vào hơi thở, ta có thể làm yên lắng tất cả những tiếng ồn trong mình, Chỉ cần thở chánh niệm trong vòng hai, ba giây thôi là ta đã thức tỉnh, rằng ta còn sống và ta đang thở vào. Ta có mặt đây, ta đang tồn tại. Tiếng ồn bên trong sẽ biến mất ngay lập tức, nhường chỗ cho một không gian bao la và sâu rộng. Rất hùng hồn và mạnh mẽ. Ta có thể đáp lại tiếng gọi của những vẻ đẹp chung quanh ta.

Thích Nhất Hạnh

Những ích lợi của năng lượng chánh niệm

 

NHỮNG ÍCH LỢI CỦA NĂNG LƯỢNG CHÁNH NIỆM

Những ích lợi mà năng lượng chánh niệm có thể mang lại cho mỗi cá nhân nói riêng và toàn thể nhân loại nói chung.

- Sự hiện hữu của mỗi người chúng ta đều có mối liên hệ qua lại với nhau. Khi bạn xúc chạm vào “cái một”, bạn cũng đồng thời xúc chạm vào “cái tất cả”. Tất cả gì những chúng ta tạo tác (bằng lời nói, hành động hay tư duy) cũng đều có ảnh hưởng đến người khác. Vì vậy cho nên, chúng ta phải học cách sống trong tỉnh thức, trong chánh niệm để có thể tiếp xúc với năng lượng bình an nơi tự thân mình. Sự bình an trong thân tâm thế giới khởi nguồn từ đâu nếu không phải là từ sự bình an trong thân tâm mỗi một cá thể.

Nếu mọi người đều sống trong chánh niệm, trong tỉnh thức thì tất cả chúng ta sẽ đều hưởng được lợi ích. Năng lượng bình an khi đó không còn thuộc về một cá nhân đơn lẻ mà đã trở thành nguồn năng lượng tập thể (tâm thức cộng đồng). Và chính nguồn năng lượng lớn lao đó sẽ quay trở lại trị liệu và chuyển hóa một cách tích cực những tật bệnh đang có mặt trong những gia đình, tổ chức, đoàn thể, quốc gia và các thế hệ tương lai.

Nguồn: Làng Mai

Thứ Ba, 27 tháng 7, 2021

Dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh

 

TÌNH HÌNH DỊCH COVID-19 ĐANG BÙNG PHÁT MẠNH

Theo thông báo của Bộ Y tế ngày 27/7 cả nước có 7.913 ca mắc mới. Nhiều nhất tại TP. Hồ Chí Minh với 6.318.

Chúng ta cần tìm hiểu về virút SARS-CoV-2 để tham gia phòng chống Đại dịch COVID-19.

Theo con số thống kê của Hoa Kỳ:

80% người nhiễm bệnh tự khỏi, những bệnh nhân này có triệu chứng nhẹ giống như cảm cúm thường

20% Y khoa phải can thiệp, trong đó 15% phải nhập viện, 5-10% phải vào khoa hồi sức tích cực, ½ số này phải đặt ống thở, máy thở, số bệnh nhân này tỉ lệ tử vong cao.

- Tỉ lệ tử vong theo lứa tuổi:

Người trên 80 tuổi tỉ lệ tử vong là 13.4% (rủi ro khá cao)

Người 50 tuổi tỉ lệ tử vong là 1,25% (rủi ro thấp hơn số 80 tuổi cả chục lấn)

Người 40 tuổi tỉ lệ tử vong là 0,3 (rủi ro rất thấp)

Nguyên nhân là do người càng lớn tuổi hệ miễn dịch càng yếu hơn.

Vậy vấn đề là chúng ta phải cải thiện hệ miễn dịch:

Hệ miễn dịch bẩm sinh vốn có sẵn trong cơ thể ngay từ lúc mới sinh, loại này theo tuổi tác ngày càng giảm, nên hệ miễn dịch của người lớn tuổi chống lại virus SARS-CoV-2 yếu hơn, rủi ro sẽ nhiều hơn.

Hệ miễn dịch bẩm sinh (Thành phần tế bào của hệ thống miễn dịch bao gồm tế bào trình diện kháng nguyên, lympho bào, tế bào mast, tế bào diệt tự nhiên, bạch cầu đa nhân...). Sốt là cách để cơ thể tăng hệ miễn dịch bẩm sinh, xông hơi cũng là cách tăng nhiệt độ cơ thể,

Chúng ta cải thiện hệ miễn dịch bẩm sinh bằng cách thực hiện lối sống lành mạnh, ăn uống cân bằng, giảm stress lo âu. vệ sinh, khử khuẩn triệt để.

- Theo tài liệu và trình bày của BS. Wynn Tran, thời gian sống của Sars-Cov-2:
+ 3 giờ: Hạt li ti trong không khí (Aerosols)
+ 4 giờ: Bề mặt của đồng (Copper)
+ 24 giờ: Bề mặt của giấy các-tông (Cardboard)
+ 48 – 72 giờ: Bề mặt của thép (Steel) và nhựa (Plastic))

(Môi trường thí nghiệm duy trì ở nhiệt độ 21 – 23 độ C & độ ẩm 65% cho trường hợp tạo hạt li ti và cho các bề mặt của vật liệu ở nhiệt độ 21 – 23 độ C & độ ẩm 40%)

Hệ miễn dịch thu được sẽ tạo ra kháng thể chống virút SARS-CoV-2,

Khẩn trương chủng ngừa vaccine Covid-19, người cao tuổi cần ưu tiên chủng ngừa trước vì là đối tượng yếu thế và cũng là an ninh sức khoẻ của cộng đồng.