Thứ Năm, 25 tháng 2, 2021

Tôi yêu chính tôi

 

TÔI YÊU CHÍNH TÔI

Ta không thể yêu thương và quý trọng người khác nếu ta không yêu thương và quý trọng chính mình. Muốn yêu người khác, ta phải yêu ta trước. Từ bi hỉ xả là tình yêu của ta đối với người khác, nhưng để thực hành, ta phải “phát lòng từ” về chính ta trước, sau đó mới mang lòng từ đến được với mọi người. Và yêu người thì “yêu như chính mình ta vậy.”

Nhưng yêu mình là yêu thế nào?

À, cách dễ nhất là bạn hãy nghĩ đến một người mà bạn yêu nhất trong gia đình—bố, mẹ, anh, chị, em—hay là cô hàng xóm cũng được, nếu bạn mới bị tiếng sét ái tình ngày hôm qua. Người mà bạn yêu thương nhất đó, bạn muốn người ấy làm gì cho chính mình? Bạn muốn người ấy:

Vui vẻ tươi cười (hay nhăn nhó phàn nàn) cả ngày?
Nói chuyện lúc nào cũng khen (hay lúc nào cũng chê)?
Yêu đời (hay thấy đời là đày đọa)?
Nói chuyện về hôm nay và ngày mai (hay cứ lãi nhãi chuyện 30 năm về trước mỗi ngày)?

Mỗi người chúng ta có những ý thích khác nhau và có lẽ là cũng yêu hơi khác nhau một tí. Nhưng có lẽ bạn đã hiểu ý? Cứ những gì mình muốn thấy nơi người mình yêu, thì hãy tự làm trước đi đã. Biết đâu vì mình cứ làm, mà người kia lại chẳng làm theo? Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng.

Chúng ta hay nói tôi yêu bố mẹ anh em, tôi yêu gia đình, tôi yêu thầy cô, tôi yêu đồng bào, tôi yêu đất nước. Nhưng có bao giờ bạn nói “Tôi yêu chính tôi” không? Chúng ta sẽ không bao giờ đi đến đích nếu chúng ta không biết điểm khởi hành. 

Và yêu không phải chỉ là lời nói. Cũng không phải chỉ là cảm tính. Phần lớn nhất của tình yêu là hành động.


Bí quyết khỏe mạnh, sống lâu

  

 Elizabeth Helen Blackburn, nhà nghiên cứu sinh học người Mỹ Chủ nhân giải Nobel Sinh lý và Y khoa 2009

BÍ QUYẾT KHỎE MẠNH, SỐNG LÂU

Chúng ta đều biết rằng chế độ ăn uống và thói quen thường xuyên tập thể dục có đóng vai trò nhất định đối với sức khỏe, nhưng một nhân tố nguy hiểm hơn rất nhiều lần chính là tâm lý lại đang bị bỏ qua. 

Chủ nhân giải Nobel Sinh lý và Y khoa 2009, Elizabeth từng nói rằng, con người muốn sống khỏe mạnh qua 100 tuổi, những tiêu chí quan trọng là ăn uống hợp lý chiếm 25%, các thứ khác chiếm 25%, còn chính việc cân bằng tâm lý chiếm đến 50%.

Con người lúc vui vẻ, cơ thể tiết ra hooc-môn hạnh phúc là dopamine rất có ích đối với sức khỏe, làm cho tinh thần thả lỏng, sản sinh khoái cảm, khi đó tâm và thân đều trong trạng thái thoải mái, các chức năng của cơ thể phối hợp nhịp nhàng, cân bằng, tăng cường sức mạnh não bộ. Do đó, dopamine liên quan đến cảm giác hạnh phúc, động lực, trí nhớ, khả năng tập trung và điều chỉnh các chuyển động của cơ thể.

Quan hệ giữa người với người là bí quyết khoẻ mạnh trường thọ

Tại Hoa Kỳ, hai giáo sư tâm lý học đã tích lũy 20 năm nghiên cứu và nhận thấy rằng, trong các nhân tố có tính quyết định ảnh hưởng tuổi thọ, xếp thứ nhất là "quan hệ giữa người với người". Họ nói rằng, các mối quan hệ có lẽ còn quan trọng hơn thực phẩm hay thói quen tập thể dục. Đó không chỉ bao gồm sự kết nối giữa bạn bè mà còn liên quan mật thiết tới các thành viên trong gia đình.

Khi tâm lý không tốt, tràn ngập sự phẫn nộ, oán hận, thù địch hoặc bất mãn thì thần kinh giao cảm luôn ở trong trạng thái căng thẳng tột độ. Có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, tỷ lệ phát bệnh tim ở những người hẹp hòi, hay so đo tức giận cũng cao hơn gấp 5 lần so với những người rộng lượng bao dung. Vì thế, gia đình hòa thuận, vui vẻ với bạn bè, có những mối quan hệ xã hội tốt là một trong những bí quyết trường thọ.

Theo Trí thức trẻ