Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2019

Khoa học và Phật giáo



Khoa học và Phật giáo
Người ta thường cho rằng tôn giáo đối lập với khoa học. Thực tế cho thấy giữa tôn giáo với giới khoa học, giới trí thức có tồn tại một mối quan hệ khó hiểu rất đáng quan tâm.

Mối quan hệ ấy được Einstein diễn tả trong câu: “Khoa học không có tôn giáo thì khập khiễng, tôn giáo không có khoa học thì mù quáng” [Science without religion is lame, religion without science is blind]. Einstein là người Do Thái nhưng thừa nhận Chúa Jesus và đánh giá rất cao đạo Phật. Ông nói: “Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như đi xa hơn khoa học”, “Phật giáo bắt đầu tại nơi khoa học kết thúc” [“If there is any religion that would cope with modern scientific needs, it would be Buddhism. Buddhism requires no revision to keep it up to date with recent scientific finding. Buddhism need no surrender its view to science, becauseit embrances science as well as goes beyond science”, “Buddhism begins where Science ends”].

Xưa nay, trên thế giới từng có những nhà trí thức sau khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp lại gắn cuộc đời mình vào một niềm tin tôn giáo.

Phải chăng giữa trí thức với tôn giáo có một cánh cửa thần bí thông với nhau và một số nhà trí thức khi lên tới tầng cao nào đó sẽ mở cánh cửa ấy để bước sang một cõi nhân sinh mới?

Nghệ sĩ Trung Quốc Lý Thúc Đồng (1880-1942) là một trong những người như vậy. Ông là đại diện ưu tú kết hợp văn hóa truyền thống Trung Quốc với văn hóa Phật giáo, vị cao tăng xuất sắc nhất trong Phật giáo Trung Quốc hiện đại, ngọn cờ đầu phong trào Văn Hóa Mới ở nước này.

Lý Thúc Đồng là bậc đa tài, kỳ tài, kết hợp các tài năng âm nhạc, hội họa, thư pháp, nghệ thuật sân khấu, giáo dục mỹ thuật, là người đầu tiên đưa vào Trung Quốc các yếu tố văn hóa phương Tây như hội họa sơn dầu, đàn piano và kịch nói. Sau khi quy y, Lý tiếp tục đạt được những thành tựu xuất sắc về nghiên cứu Phật giáo, trở thành một trong bốn Đại Cao tăng thời Trung Hoa Dân quốc. Lý sau khi đạt tới đỉnh cao sự nghiệp mới đi tu.

Năm 26 tuổi, Lý Thúc Đồng đưa vợ con về quê rồi đi du học. Trong sáu năm ở Nhật, ông say sưa học tập, sáng tác, hoạt động xã hội, biên tập tạp chí âm nhạc, học Khoa Sơn dầu Trường Mỹ thuật Tokyo, lập đoàn kịch nói đầu tiên của Trung Quốc và diễn các vở “Trà Hoa Nữ”, “Túp lều bác Tôm” v.v... 31 tuổi, ông về nước cùng vợ mới là cô gái Nhật từng làm người mẫu khỏa thân cho ông. Tiếp đó ông hoạt động văn học-nghệ thuật và dạy học tại một số trường cao đẳng, trở nên nổi tiếng khắp Trung Quốc.

Năm 38 tuổi Lý Thúc Đồng bí mật thụ lễ quy y Phật giáo tại chùa Hổ Bão ở Hàng Châu, lấy hiệu Hoằng Nhất. Trước khi xuất gia, Lý Thúc Đồng viết một bức thư cho bà vợ người Nhật như sau (tóm dịch):
Em:
Lần trước đã nói với em rồi, chắc em đã hiểu, xuất gia chỉ là chuyện sớm muộn với anh mà thôi. Thời gian qua em đã suy nghĩ và thông cảm với quyết định của anh rồi chứ? Nếu đồng ý anh làm thế thì hãy viết thư cho anh biết nhé.
Anh hiểu nỗi lòng đau khổ và tuyệt vọng của em, khi em buộc phải chấp nhận mất đi một người từng có mối quan hệ cực kỳ sâu sắc với mình. Nhưng em là một người không tầm thường. Xin em hãy nuốt ngụm rượu đắng này rồi cố gắng sống cuộc đời của mình...
Quyết định như vậy không phải là anh cạn tình bạc nghĩa. Nhưng vì để đi hết chặng đường Phật đạo xa xôi, gian nan, anh phải bỏ lại tất cả. Anh bỏ lại em, cũng bỏ lại tiếng tăm và của cải tích lũy được trong đời mình. Những thứ đó đều là mây khói thoảng qua, chẳng đáng để luyến tiếc.
Cái chúng ta cần xây dựng là nước Phật sáng láng trong tương lai, trên mảnh đất Tây Thiên cực lạc. Chúng mình sẽ gặp lại nhau ở nơi ấy nhé...
Thúc Đồng. Ngày 1 tháng 7 năm Mậu Ngọ
.”


Hai bà vợ vô cùng đau khổ tìm đến khuyên ông trở về gia đình, nhưng ông không nghe. Bà vợ Nhật bỏ đi mất tăm còn bà vợ đầu mang các con về quê.

Một nghệ sĩ tài ba, phong lưu công tử, một trí thức lừng danh như Lý Thúc Đồng vì sao cuối cùng lại xuất gia? Hãy nghe giải thích của Phong Tử Khải (1898-1975), một trí thức Trung Quốc nổi tiếng cuối đời cũng tu tại gia, học trò của Lý Thúc Đồng.

Đời người có thể ví như một tòa nhà ba tầng: tầng thứ nhất là đời sống vật chất, tầng thứ hai là đời sống tinh thần, tầng thứ ba là đời sống linh hồn. Đời sống vật chất là ăn mặc ở. Đời sống tinh thần là hoạt động học thuật, văn học-nghệ thuật. Đời sống linh hồn là tôn giáo.
Ai lười hoặc không đủ sức leo cầu thang thì ở tầng trệt, chỉ lo sao cho cuộc sống vật chất được đầy đủ thì thỏa mãn. Phần lớn người đời có nhân sinh quan như vậy. Những người có hứng thú hoặc có đủ sức leo cầu thang thì lên tầng hai chơi hoặc ở hẳn. Đó là những người chuyên làm học thuật, văn học-nghệ thuật, dâng đời mình cho việc nghiên cứu, sáng tác và thưởng thức văn học-nghệ thuật. Số này khá nhiều, được gọi là “nhà trí thức”, “nghệ sĩ”, “học giả”.

Còn một loại người nữa có ham muốn mạnh mẽ và sức lực kiên cường, không thỏa mãn sống ở tầng hai mà tiếp tục leo lên tầng ba. Đó là những tín đồ tôn giáo. Họ không thỏa mãn với ham muốn vật chất cũng như ham muốn tinh thần mà quyết đi tìm bằng được ngọn nguồn tận cùng của đời người. Họ cho rằng của cải vật chất cùng con cháu đều là thứ ở bên ngoài thân xác, học thuật và văn học-nghệ thuật chỉ là những cảnh đẹp tạm thời, ngay cả thân xác mình cũng chỉ là thứ tồn tại hư ảo. Họ không chịu làm kẻ nô lệ cho bản năng mà phải tìm kiếm nguồn gốc của linh hồn, căn bản của vũ trụ. Có thế mới thỏa mãn cái ham muốn sống của họ.

Có người đi thẳng từ tầng trệt lên tầng trên cùng mà không dừng lại tầng hai. Riêng Lý Thúc Đồng đi lên từng tầng một. Ông có ham muốn sống cực kỳ mạnh mẽ, làm việc gì cũng rốt ráo đến nơi đến chốn. Thời trẻ ông tận hiếu với mẹ, hết lòng yêu thương vợ con. Ở tuổi trung niên, ông dốc sức nghiên cứu nghệ thuật, phát huy thiên tài trên nhiều mặt. Nhưng vì ham muốn sống quá mạnh nên ông không thỏa mãn với cuộc sống ở tầng hai. Và thế là Lý Thúc Đồng đi lên tầng cao nhất, trở thành nhà sư Hoằng Nhất tu Tịnh Độ Tông, nghiên cứu các giới luật, trở thành bậc cao tăng hiếm thấy, được thế gian ngưỡng mộ truyền tụng.

Điểm cao nhất của cầu thang tầng hai là tầng ba. Đỉnh cao nhất của nghệ thuật thì gần gũi với tôn giáo. Từ nghệ thuật thăng hoa đến tôn giáo – dường như đó là việc mà những nhà trí thức, nghệ sĩ lớn như Lý Thúc Đồng dĩ nhiên sẽ làm, không có gì lạ.

Cách sống tốt nửa đời về sau



CÁCH SỐNG TỐT NỬA ĐỜI VỀ SAU

Con người đến độ tuổi nào đó, cần phải nghĩ thoáng một chút, yêu bản thân nhiều hơn một chút, thường xuyên nuôi dưỡng một tâm hồn đẹp và một trái tim trầm tĩnh, rộng lượng, đây có lẽ là cách sống tốt nhất nửa đời còn lại.

Nửa đời về sau, hãy giữ gìn sự ĐƠN GIẢN

Suy nghĩ quá nhiều, ngược lại càng làm cuộc sống thêm phức tạp, “đơn giản” thật ra chính là một ân huệ mà trời cao ban cho chúng ta.

Sống đơn giản ở hiện tại, đơn giản cảm nhận mùi thơm của đồ ăn, đơn giản nhận ra niềm vui của vận động, đơn giản cùng bạn bè nói chuyện trên trời dưới đất. Đừng suy nghĩ quá nhiều, cuộc sống thật ra luôn cần những niềm vui đơn giản.

Nửa đời về sau, hãy học được cách TRẦM TĨNH

Có đôi khi bị người khác hiểu lầm, đừng tranh luận, hãy lựa chọn giữ im lặng. Trong cuộc sống, có rất nhiều chuyện đúng sai khó có thể nói rõ ràng, thậm chí căn bản là không có hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai. Cho nên, nếu không muốn nói, thì đừng nói. Khi mà có nói nhiều cũng vô ích, có lẽ im lặng là lời giải thích tốt nhất.

Nửa đời về sau, hãy trở nên BÌNH THẢN
Con người đến độ tuổi nào đó, tự nhiên không còn thích những gì ồn ào náo nhiệt, tâm thái bình thản giúp cho cơ thể khỏe mạnh, kéo dài tuổi thọ.
Mặc kệ là đời sống vật chất dư dả hay bần cùng, chỉ cần nội tâm bình thản, chính là sống một cuộc đời hạnh phúc.
Nửa đời về sau, hãy ĐỪNG CẢM THẤY HỐI HẬN
Cuộc đời là một con đường dài với vô số ngã rẽ, và ta luôn phải lựa chọn không ngừng. Nhưng cuộc đời không có cơ hội nào lặp lại, lựa chọn rồi thì đừng hối hận, cũng đừng nói câu muốn làm lại từ đầu…
Mỗi lựa chọn đưa ra không có thực sự tốt hay thực sự tồi, chỉ cần biết cuộc sống là tác phẩm độc nhất vô nhị của chúng ta, thì sẽ không phải hối tiếc nếu ngày đó mình không làm như vậy.
Nửa đời về sau, hãy tiếp tục HỌC TẬP

Đọc sách xem báo, thư pháp hội họa, ca hát khiêu vũ,… đều là một trong những thứ chúng ta nên tiếp tục học!
Mang theo bên mình một chiếc máy nghe nhạc, dù là buổi sáng ở nhà hay ra ngoài tập thể dục, luyện khí công vừa nghe nhạc vừa làm việc khác. Như vậy có thể đem đến cho cuộc sống rất nhiều niềm vui, khiến cho tâm tình khoan khoái dễ chịu.

Nửa đời về sau, hãy thỉnh thoảng BUÔNG THẢ BẢN THÂN

Mỗi ngày ăn trái cây rau quả, thực phẩm lành mạnh, có phải là có lúc cũng thèm thịt cá? Vậy thì cứ ăn đi!

Thực phẩm lành mạnh có lợi cho cơ thể, nhưng thỉnh thoảng cũng nên buông thả bản thân một chút. Cuộc đời không nên gò ép bản thân mình quá, ngẫu nhiên phóng túng thì càng bình dị, gần gũi.

Nửa đời về sau, hãy luôn ăn mặc ĐẸP

Yêu cái đẹp nên là điều mà chúng ta theo đuổi cả đời, tuyệt đối đừng vì suy nghĩ mình lớn tuổi mà không muốn trưng diện nữa.
Hãy nhân lúc lưng còn thẳng, chân còn khỏe, hãy mặc thật nhiều bộ đồ xinh đẹp, đến những nơi đẹp đẽ nhất, chụp những tấm hình rực rỡ nhất!

Nửa đời về sau, đôi lúc hãy ngờ nghệch một chút

Có những chuyện, cần HỜ HỮNG thì hờ hững, điều gì không làm rõ được thì không cần làm rõ, người nào cần lướt qua thì cứ lướt qua.
Nếu như chỉ biết nhớ không biết quên, chỉ biết tính toán mà không biết cho qua, chỉ biết khôn khéo mà lại không biết vụng về… sẽ chỉ làm cuộc sống của chúng ta luôn nặng nề, phiền não.

Nửa đời về sau, hãy thường xuyên CHÚC PHÚC cho người khác

Chúng ta đối đãi với người khác thế nào, họ cũng sẽ đối đãi với ta như vậy. Cho nên, hãy thường xuyên khen ngợi bạn bè, con cháu của mình, thậm chí cả người xa lạ cũng đừng tiếc một lời chúc phúc!

Thời điểm bạn làm cho người khác vui vẻ, bạn sẽ nhận ra rằng mình còn được nhân đôi niềm vui. Sống ở hiện tại, tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, đó chính là phương thức sống tốt đẹp nhất!

Vườn hoa Phật giáo

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2019

Tài năng xuất chúng


 Albert Einstein : “Thiên tài 1% đến từ bẩm sinh và 99% đến từ rèn luyện”

Tài năng xuất chúng là do luyện tập hay bẩm sinh?

Theo bạn, điều gì làm nên một thiên tài? Tài năng, nỗ lực, may mắn, hay là cả ba? Đối với Malcom Gladwell, công thức của thiên tài không chỉ đơn giản như thế. Tại sao Bill Gates, the Beatles, Mozart lại trở thành những vĩ nhân thế giới trong khi những người khác, như Christopher Langan – người có chỉ số thông minh cao hơn cả Einstein nhưng cả đời làm việc trong trại ngựa? Điểm chung của họ là luyện tập tích cực, tự thân, bền bỉ và có ý thức khiến họ vượt xa những người cùng trang lứa.

Nhà tâm lý học Ander Ericsson và cộng sự đã dành thời gian nghiên cứu hàng loạt những “tài năng xuất chúng” và đề xướng khái niệm thực hành có chủ đích cùng quan điểm về nhân tài được nuôi dưỡng trong thời gian đủ lớn chứ không được “sinh ra” đột ngột.
“Thiên Bẩm” không đóng vai trò chủ đạo trong việc hình thành nên những tài năng như bấy lâu nay người ta hồn nhiên gán ghép.

Một hoạt động thực hành có chủ đích là một hoạt động thực hành có cấu trúc, hướng tới mục tiêu nâng cao thành tích. Muốn chơi piano thành thục, người học sẽ phải tập đi tập lại qua nhiều bài tập cơ bản trước khi có thể chơi được các bản nhạc phức tạp hơn. Muốn có kĩ thuật đá bóng điêu luyện và khéo léo trên sân cỏ, các cầu thủ giỏi Brazil đã trải qua hàng tá các bài tập trong sân futsal và sân nhỏ. Luyện tập với chất lượng cao để nâng cao thành tích là cách gọi nôm na cho những hiện tượng này. 

Khi số giờ luyện tập như vậy đủ lớn, người học sẽ dần dần bứt phá ra khỏi trạng thái sơ khai, trở nên tinh thông trong kĩ năng. Theo Ericsson, một cô gái tập đàn theo lối luyện tập có chủ đích đạt mức 3.500 giờ thì có thể trở thành một nghệ sĩ nghiệp dư đủ để biểu diễn giải trí, khi đã tích lũy đủ 5.000 giờ thì cô gái có thể đã là một nghệ sĩ chuyên nghiệp, và đạt 10.000 giờ thì đã là xuất chúng. 

Có thể nói Ericsson đã phát minh ra công thức tài tình: Tài năng = thực hành có chủ đích trong 10.000 giờ. 

Kết luận của Ericsson đã được Malcom Gladwell nhắc lại trong “Những kẻ xuất chúng”, cuốn sách nổi tiếng đã mang kết quả của Ericsson đến với đại chúng: “Kết quả của những nghiên cứu đã chứng minh: 10.000 giờ luyện tập là đòi hỏi bắt buộc để đạt được cấp độ tinh thông và trở thành một chuyên gia đẳng cấp thế giới – trong bất cứ lĩnh vực nào”. Không kể là Bill Gates của lập trình máy tính, The Beatles của nhạc rock hay Howard Gardner của khoa học tâm lí, tất cả đều phải tích cho đủ số giờ luyện tập. Đều phải 10.000 giờ. Công thức của tài năng rất đơn giản vậy thôi.

Cả Dweck, Ericsson, Gladwell hay Coyle đều chung nhau một ý: họ khuyến khích quá trình học tập tích cực, tự thân, bền bỉ và có ý thức. Họ đều nhấn mạnh một điều quan trọng là sự phát triển năng lực ở mỗi người là tiệm tiến, tốn thì giờ, có thể phải trải qua thất bại nhiều lần, và vai trò của người giáo viên/dẫn dắt là rất quan trọng. Bên cạnh đó, họ cũng không quên nhấn mạnh tới sự tác động từ các yếu tố bên ngoài tới sự phát triển năng lực của một con người: từ di sản văn hóa và môi trường, như cách Gladwell đã nêu; hay từ huấn luyện viên bậc thầy như đề xuất của Coyle để trợ giúp việc luyện tập sâu; hay sự cần thiết của khuyến khích và động viên từ giáo viên đối với nỗ lực và thất bại của học trò như khuyến nghị của Dweck.

chúng ta cần phải hết sức coi chừng với các hình thức thụ động của việc học tập. Những hoạt động xem phim thụ động từ tấm bé, kể cả khi phim đó được gắn mác “Baby Einstein giúp trẻ thông minh” hay những hoạt động nghe giảng một chiều thực ra không giúp ích gì mấy cho sự phát triển của trẻ cả. 

Thái độ tích cực và chủ động, luyện tập sâu là điều tiên quyết. Sự tăng trưởng từ từ của myelin giúp chúng ta với vai trò là các bậc cha mẹ hoặc nhà giáo bớt “sốt ruột” với sự phát triển của con trẻ hoặc chính bản thân mình. Theo đó, chúng ta sẽ phải lưu tâm nhiều hơn tới những cải tiến nhỏ, cụ thể, có chủ đích và liên tục trong cách ta làm việc.

Như dân gian có câu, “muốn nhanh, cứ phải từ từ”, hóa ra cũng hiệu nghiệm trong việc phát triển năng lực con người.  Con đường đến với thành công, luôn phải có mặt sự “siêng năng” và bền chí. Cần tránh xa các “giấc mơ Phù Đổng” vốn nằm sâu trong tiềm thức của nhiều người trong chúng ta.